Xem Joker không phải để đồng cảm hay thương hại nhân vật

Khi bộ phim lấy cảm hứng từ gã hề tội phạm Joker được ra mắt, đã có hai luồng quan điểm trái chiều nhau được phổ biến nhiều nhất. Một bên cho rằng đây là một bộ phim cổ xúy bạo lực, khuyến khích người ta phạm tội (một phần do các nhà báo được đối thủ thuê để viết bài, một phần khác do chính người xem cảm nhận). Một bên khác sau khi xem xong phim họ cảm thấy đồng cảm với nhân vật chính, ví Arthur Fleck như một Chí Phèo và nghêu ngao câu nói “ai cho tôi lương thiện?”, đôi khi họ còn thấy thương cảm cho nhân vật chính. Nhưng tất cả đều là sai, đó đều là sự cảm nhận hời hợt của khán giả với một bộ phim điện ảnh mang đậm tính nghệ thuật như Joker.

Joker mượn bối cảnh u tối của thành phố hư cấu Gotham để phản ánh hiện thực xã hội. Gotham được ví như một New York phiên bản đen tối, nơi mà bên cạnh những con phố văn minh vẫn còn đâu đó những góc tối với đầy rẫy tội phạm. Muốn phản ánh cái đen tối đó, người ta phải “show” ra cho người xem thấy được sự đen tối của nó. Bạn chẳng thể nào nói về một xã hội đen tối mà trong phim chỉ toàn những con người hạnh phúc và không có một hành động phạm tội nào. Giống như việc bạn không thể làm một bộ phim nói về cái xấu của thực dân xâm lược mà không đưa ra một phân cảnh nào về tội ác của chúng.

Con dao dùng để chế biến thức ăn, nhưng nó cũng trở thành vũ khí giết người. Việc bạn có trở thành tội phạm hay không là do chính bạn chứ không thể đổ lỗi rằng bạn phạm tội là do bạn xem một bộ phim có những tên tội phạm như thế. Thứ bạn xem không có nghĩa là thứ bạn phải trở thành. Joker trưng ra một xã hội đầy rẫy tội ác để chúng ta hiểu về chúng và tránh trở thành một con người như thế. Chứ không phải để cổ xúy rằng bạn nên phạm tội, nên biến nơi mình sống thành một nơi giống như Gotham. Trên thực tế vẫn có những sự việc gia tăng tội phạm hay tự sát khi một bộ phim nào đó ra mắt. Đó là do những con người đó không kiểm soát được lý trí của họ, chứ không thể đổi lỗi rằng họ phạm tội hay tự sát là do một bộ phim nào đó xúi dại họ làm thế. Chúng ta luôn bị cám dỗ bởi rất nhiều thứ và luôn kiềm chế để không trở thành kẻ ác, nếu như có một tác nhân nào đó tác động đến bạn (một bộ phim, một lời xúi dại,..) và khiến bạn phạm tội, thì đó là do sự bất tài trong con người bạn. Bạn phải luôn giữ lý trí mình tỉnh táo, chứ không phải nghe lời xúi dại của người khác rồi đổ thừa cho sự xúi dại đó.

Có khán giả kể lại rằng nhiều khán giả trong rạp họ đang xem vỗ tay rần rần mỗi khi Joker thực hiện một tội ác nào đó. Cũng có những khán giả cho rằng Joker thật đáng thương, chính cái xã hội quá thối nát ấy đã khiến một con người hiền lành là Arthur Fleck không còn lối thoát, và việc hắn trở thành Joker là một lẽ dĩ nhiên. Một số khác lại thấy thương cảm cho nhân vật chính, trước những đau khổ mà anh ta đã trải qua. Joker cho chúng ta thấy một câu chuyện về “con giun xéo lắm cũng quằn”, nhưng không phải để xúi dại cho chúng ta rằng nếu như rơi vào tình huống như thế thì chúng ta phải trở thành như vậy. Thất nghiệp, bị crush từ chối, bị phá sản, đâu sẽ là “một ngày tồi tệ” để khiến bạn “phát điên”?

Arthur Fleck có một hoàn cảnh tội nghiệp, và ai cũng tội nghiệp cho anh ta. Nhưng đó là sự tội nghiệp dành cho Arthur Fleck, một con người tốt bụng bị xã hội ruồng bỏ. Đó không phải là sự tội nghiệp cho một tên tội phạm Joker, hay sự tội nghiệp cho quá trình trở thành tội phạm của hắn. Bạn nên tội nghiệp cho một con người phải gánh chịu những khổ đau mà xã hội vùi dập, nhưng không được tội nghiệp cho việc vì thế mà người đó trở thành một tên tội phạm. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng ranh giới giữa cái đúng và cái sai, vì đôi khi những ranh giới ấy rất mơ hồ.

Cũng giống như khi bạn học tác phẩm Chí Phèo hay Chị Dậu, thứ mà giáo viên dạy cho bạn là một xã hội đầy rẫy bất công, một xã hội đẩy những người nông dân lương thiện bị bọn cường hào đẩy vào đường cùng. Chẳng thầy cô nào dạy bạn phải ca ngợi việc rạch mặt ăn vạ hay đánh người gây thương tích cả. Joker cũng vậy, thứ mà bộ phim muốn gửi gắm cho khán giả chính là một xã hội thối nát, đẩy người ta đến bước đường cùng để rồi cuối cùng phải vùng dậy, chứ không phải đều bảo bạn trở thành một kẻ giết người khi bị người khác chèn ép.

Trong bất kỳ tính ngưỡng nào cũng vậy, người ta luôn khuyên bảo rằng đừng bao giờ sử dụng bạo lực. Bạo lực chỉ có thể được sử dụng khi bạn không còn con đường nào khác, vì khi đó bạn cũng sẽ đánh mất chính mình. Joker là một Arthur Fleck đã đánh mất chính mình, đó là một tên tội phạm, một kẻ sát nhân, đó không còn là con người tội nghiệp để bạn thương cảm hay đồng cảm cho những hậu quả mà xã hội đã gây ra cho hắn.

Từ trước đến nay luôn tồn tại những ranh giới mờ hồ giữa cái thiện và cái ác, cái đẹp và cái xấu, bản sắc văn hóa và sự mê tín cổ hủ,… Đôi khi người ta vì không hiểu rõ chúng mà trở nên nhầm lẫn, cho rằng cái đúng là xấu xa và ca ngợi cái sai là điều tốt đẹp. Nghệ thuật sinh ra để làm rõ những ranh giới đó, để chúng ta nhìn vào đó mà nhận ra đâu là đúng, đâu là sai. Một người khôn ngoan là một người phải nhìn nhận ra cái ranh giới mơ hồ đó, để thấu hiểu và lên án những cái xấu đã được nghệ thuật vạch ra. Chứ không phải làm theo mọi thứ bất kể phân biệt đúng sai. Một kẻ ác có xem phim những chương trình từ thiện thì vẫn có thể vẫn là kẻ ác, một người tốt bụng không có nghĩa là họ sẽ giết người khi thấy người khác giết người. Joker sinh ra là để chúng ta nhìn lại chính xã hội mà mình đang sống để thay đổi nó, chứ không phải để bỏ mặc cho số phận và đổ lỗi cho một thứ được gọi là “một ngày tồi tệ”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang