Vua bánh mì – Gia đình, tình yêu và thù hận

Khi nhắc đến phim truyền hình Hàn Quốc, người ta vẫn thường nghĩ ngay đến những bộ phim tình cảm làm lay động lòng người. Sau này cũng có những phim mà nội dung chính không xoay chủ đề tình cảm và đã rất thành công như Thợ săn thành phố, Hậu duệ mặt trời. Tuy nhiên, vẫn có những bộ phim truyền hình không chú trọng vào vấn đề tình cảm nhưng vẫn chứa đựng chiều sâu nghệ thuật và tính giải trí cao, đó là bộ phim Vua bánh mì mà mình sẽ giới thiệu trong bài viết này.

Vua bánh mì là một bộ phim tâm lý xã hội xung quanh câu chuyện về gia đình, tình yêu và lòng thù hận. Mặc dù bánh mì là chủ đề của bộ phim, nhưng xuyên suốt toàn bộ phim không phải là câu chuyện về những chiếc bánh mì hay quá trình trở thành vua bánh mì của nhân vật chính. Câu chuyện về những chiếc bánh mì như là một chất xúc tác cho các mối quan hệ diễn ra trong mạch truyện, từ những mối thù hận đến những lòng bao dung.

Kim Tak Goo, chàng thanh niên được sinh ra bởi mối tình vụng trộm của chủ tịch một tập đoàn thực phẩm lớn và cô người ở. Những tưởng cậu bé Kim Tak Goo sẽ trở thành đứa con hợp pháp trong gia đình Goo Il Joong, nhưng nỗi đau khổ đầu tiên của cậu đã đến khi cậu còn rất nhỏ. Người vợ hợp pháp của chủ tịch Goo đã tìm cách hãm hại hai mẹ con, khiến hai người phải rời khỏi ngôi nhà rộng lớn. Rồi sau đó, mẹ của cậu cũng mất tích không một lý do.

Đến khi cậu lớn lên, nỗi đau thứ hai lại ập đến. “Người anh em cùng cha khác mẹ” của cậu đã cướp đi mối tình đầu của cậu ngay trước mặt mình. Chẳng có gì đau khổ hơn khi mất đi hai người phụ nữ mà cậu yêu thương nhất trên đời. Không cha mẹ, không gia đình, không tình yêu. Trả thù chính là cách mà có lẽ chúng ta sẽ lựa chọn nếu chúng ta là Kim Tak Goo. Cậu sẽ trả thù người phụ nữ đã cướp mất đi người mẹ hiền từ của mình, cậu sẽ trả thù tên xấu xa đã cướp đi người con gái mà cậu yêu thương. Nhưng không, cậu sẽ không trả thù. Vì sự trả thù không làm cho con người ta trở nên hạnh phúc, trả thù chỉ khiến người ta trở nên xấu xa, đắm chìm trong sự thù hận và độc ác.

Đã có lần cậu đến trước sân nhà chủ tịch, cầm một khúc gỗ thật lớn trước mặt người đàn bà xấu xa kia. Cậu có thể dễ dàng đánh bà ta một trận nhừ tử cho hả giận, cậu cũng có thể dễ dàng nói ra toàn bộ sự thật cho chủ tịch biết. Nhưng cậu đã không làm thế. Cậu chỉ ra về, bỏ lại phía sau đau thương và nỗi thù hận. Nỗi đau có thể khiến con người ta gục ngã, nhưng trả thù không giúp người ta đứng được lên. Kim Tak Goo đã chọn cách đứng lên bằng ý chí, tình yêu và lòng can đảm. Bởi vì chỉ có tình yêu, chỉ có gia đình mới mang lại hạnh phúc cho cậu.

Cậu đã chọn gia đình, cậu đã chọn tài năng và lòng vị tha để đánh bại lại những kẻ xấu đã từng hãm hại cậu. Tôi còn nhớ một người đã từng nói rằng: người tu hành khi đánh giặc không phải là cầm súng lên mà bắn giết kẻ thù, mà là dùng lòng vị tha bao dung để cảm hóa quân địch. Khi quân lính bị thương, người sẽ chữa trị, khi quân địch bị thương, người cũng chữa trị. Bao nhiêu người bị thương thì người chữa trị bấy nhiêu, bao nhiêu người tử nạn thì người phổ độ bấy nhiêu. Đến khi quân giặc sức cùng lực kiệt, đến khi quân giặc không còn giết được người. Đó mới là sự cảm hóa. Địa Tạng Vương Bồ Tát đã từng lao mình vào bể khổ để phổ độ chúng sinh, thề nếu không cảm hóa được tất cả chúng sinh sẽ không thành phật. Đối mặt với kẻ thù, không phải để ta chém giết họ, mà ta phải làm cho họ phải giác ngộ, phải làm cho họ không còn thù hận chém giết, đó mới là cách toàn mỹ. Có lẽ Kim Tak Goo đã chọn con đường ấy, dùng tình yêu thương để xua tan hận thù, đố kị và ganh ghét.

Chính tình yêu và lòng bao dung ấy đã khiến cho kẻ luôn đối đầu với cậu trở thành một người bạn. Cậu đã xóa tan mọi sự hiềm khích và đố kị. Và cậu cũng chẳng cần nhận lại người cha đã thất lạc của mình làm gì, đối với cậu, ông vẫn luôn là chủ tịch. Và cậu mãi mãi vẫn chưa từng gọi ông một tiếng Cha. Vì cậu không cần đến gia đình ấy, cậu đã có nơi mà mình thuộc về.

Vua bánh mì đem đến một câu chuyện rất gia đình và rất đời thường. Tình yêu và lòng thù hận luôn hiển hiện trong mỗi con người. Người tốt kẻ xấu, có những người giúp đỡ ta những cũng có những người sẵn sàng ra tay hãm hại ta để đạt được mục đích của họ. Yêu thương làm con người ta hạnh phúc, còn thù hận khiến người ta trở nên khổ sở, cả cuộc đời chỉ biết chìm đắm trong sự thù hận và trả thù. Khi sự thù hận trở nên cao độ, nó sẽ lấn át đi phần người trong mỗi chúng ta. Người ta trở nên đắm đuối trong các cuộc trả thù, mất đi những tình yêu vốn có của một con người. Nhưng nếu người ta sống hết mình cho tình yêu, thì tình yêu ấy cũng sẽ xua tan đi mọi sự thù hận.

Có bánh mì, có yêu thương, có hận thù, nhưng câu chuyện của Vua bánh mì còn hơn cả thế. Nó không chỉ là câu truyện về một mối tình đẹp nhưng buồn của đôi uyên ương nhỏ, không chỉ là câu chuyện về những cuộc chiến tranh giành địa vị và quyền lực, và cũng không chỉ là câu chuyện về con đường trở thành ông vua bánh mì. Nó là một thứ gì đó rất thực, rất đời nhưng cũng rất đáng để học hỏi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang