Vợ ba – Tôi thấy Việt Nam trong từng khung hình

Đã lâu lắm rồi mới lại được thấy một bộ phim điện ảnh Việt Nam hay như Vợ Ba. Tuy vẫn còn một vài thiếu sót, cũng như một vài nội dung còn khá gượng ép, nhưng Vợ Ba đã làm rất tốt so với thị trương phim điện ảnh Việt đang bị chìm ngập trong những phim hài nhảm nhỉ như bây giờ. Tuy là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh, nhưng tác phẩm đã rất tuyệt vời khi là một sản phẩm đầu tay như vậy. Không chỉ hay về mặt nội dung và nghệ thuật, mà Vợ Ba còn cho ta thấy một bức tranh vô cùng đẹp đẽ về làng quê Việt Nam của nhiều năm về trước.

Xem Vợ Ba, khán giả sẽ được thấy làng quê Việt Nam trong từng khung hình. Từ những bộ áo dài truyền thống với những hoa văn rất đặt trưng, cho tới từng cọng cỏ, con đường. Một bức tranh về làng quê Việt Nam thanh bình và đẹp đẽ được thể hiện trong từng cảnh phim. Mạch phim trôi qua vô cùng nhẹ nhàng, tuy có đôi lúc hơi nhanh, nhưng không gây cho người xem cảm giác khó chịu. Trai lại, khi xem phim, ta có cảm giác như được hòa mình vào làng quê ấy. Như chính mình đang được trở về quê nhà, buông bỏ hết những bộ bề của công việc và cuộc sống.

Ta thấy được những con người Việt chân chất, luôn luôn yêu thương giúp đỡ nhau. Tuy Mây là vợ lẻ trong gia đình, sự xuất hiện của Mây làm giảm đi vị trí của các cô vợ lớn trong gia đình, nhưng không những họ không ganh tị, mà họ còn thương yêu và giúp đỡ Mây rất nhiều. Đứa con gái của người vợ lớn cũng rất thương yêu người dì ghẻ chỉ lớn hơn vài tuổi này của mình. Ta thấy được tình yêu thương của những con người nơi đây, đó cũng chính là phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta, luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh.

Ta còn thấy rõ hơn những thứ rất đặc trưng của đất nước mình. Đó là những bụi cây, cọng cỏ, những con chó cỏ dễ thương, con bò được nuôi trong gia đình. Những căn nhà bằng gỗ lợp ngói của những gia đình giàu có thời đó, đến cả căn bếp cũng rất Việt Nam, vô cùng đặc trưng.

Tảo hôn và đa thê là chủ để chính được nêu ra trong Vợ Ba. Vợ Ba đã phản ánh vô cùng chân thật những phong tục lạc hậu của thời phong kiến. Ta thấy được một cô gái 13 tuổi phải đi lấy chồng, không những một mà có đến hai cô gái. Khi Sơn không chấp nhận người vợ được gia đình gán ghép cho mình, ta thấy được số phận của người phụ nữ thời phong kiến. Khi mà nhà chồng trả về, cha mẹ ruột lại không chấp nhận. Cuối cùng, cô bé đã phải tự vẫn.

Ta thấy cả những quan niệm lạc hậu về trinh tiết. Thấy luôn cả những hình phạt đáng sợ cho tội ngoại tình.

Thời xưa, người ta coi trinh tiết để đánh giá nhân phẩm của một người phụ nữ. Một người phụ nữ nhất định phải còn trinh khi về nhà chồng, nếu không sẽ bị xã hội ruồng bỏ. Chi tiết dùng tấm vải trắng để kiểm tra trinh tiết của người phụ nữ được tái hiện vô cùng sinh động.

Nếu bạn hay nói chuyện với ông bà xưa, chắc hẳn bạn sẽ có nghe nói về hình phạt cạo đầu bôi vôi đối với những người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Người ta kể rằng khi bị bôi vôi lên đầu, tóc sẽ không mọc được nữa. Người phụ nữ khi đã bi hình phạt trên sẽ không còn mặt mũi nào để sống trên đời vì chiếc đầu không có tóc là minh chứng cho tội lỗi trong quá khứ. Một khi đã bị như vậy, chỉ còn cách đi tu, hoặc tự vẫn mà thôi. Trong phim, ta thấy rất rõ hình ảnh đó. Người đàn ông bị trừng phạt, còn người phụ nữ thì bị cạo đầu rồi xuất gia.

Với những bạn trẻ thuộc thế hệ 10x và thậm chí là 9x, do được sinh ra và lớn lên trong một xã hội hiện đại như bây giờ, nên phần đông các bạn sẽ ít có cơ hội biết được làng quê Việt Nam xưa trông như thế nào. Không những tái hiện lại một cách chân thật và sinh động về làng quê Việt Nam, phim còn giúp các bạn trẻ thấy được những thứ mà mình đã từng được học trước đây nhưng chưa có cơ hội được trông thấy thực tế.

Các bạn sẽ thấy được chiếc lá ngon mà nhân vật Mị trong truyện Vợ Chồng A Phủ đã ăn trông như thế nào. Các bạn thấy rõ tục lễ tảo hôn diễn ra như thế nào, thấy được vai trò và vị trí của người phụ nữ xưa bị xem thấp ra sao. Cho đến chi tiết trải tấm vải trắng để kiểm tra trinh tiết của người vợ mới cưới cũng được thể hiện vô cùng chân thật. Xem phim, các bạn sẽ có được một cái nhìn thực tế và sinh động hơn về các tục lệ lạc hậu của dân tộc ta thời đó.

Mình sẽ không bàn đến yếu tố nghệ thuật và nội dung mà bộ phim muốn truyền tải trong bài viết này. Trong bài viết này, mình chỉ nói đến về mặt hình ảnh của bộ phim. Đạo diễn và đoàn làm phim đã rất xuất sắc ở khoảng này. Họ đã tái hiện một bức tranh vô cùng sinh động và chân thực về làng quê Việt Nam thời xưa. Từ cảnh vật cho đến con người, từ những thứ đẹp đẽ cho đến những phong tục lạc hậu. Tuy không nhiều màu sắc, tuy không có quá nhiều cảnh đẹp, nhưng phim đã đưa những thứ đặc trưng nhất của làng quê Việt Nam lên màn ảnh rộng một cách vô cùng sâu sắc và tinh tế.

Không chỉ những thông điệp được gửi gắm vào phim, phim còn cho ta thấy một bức tranh vô cùng chân thật và đẹp đẽ về một Việt Nam xưa. Một điều đã hầu như biến mất bởi sự phát triển của đời sống hiện đại.

Vẫn còn rất nhiều chi tiết rất thực, rất sinh động về xã hội Việt Nam thời phong kiến được tái hiện một cách chân thật trong bộ phim. Nhưng vì có quá nhiều thứ như thế, vì hầu như mỗi khung hình đề có. Cho nên mình không thể kể hết, cũng không không thể dùng từ ngữ để miêu tả một cách trọn vẹn. Không có cách nào tốt hơn việc bạn tự xem và tự cảm nhận tác phẩm.

Nếu như bạn đang cần một thứ gì đó nhẹ nhàng, một thứ cảm giác thoải mái như đang đứng giữa đồng quê thanh bình, thì Vợ Ba chính là một sự lựa chọn hoàn hảo để bạn tìm lại một chút yên bình ấy trong lòng mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang