Thích, yêu, thương, cưới

Khi thích nhau, người ta thấy sự duyên dáng của nhau. Khi yêu nhau, người ta thấy sự ấm áp của nhau. Khi thương nhau, người ta thấy sự khắc khoải của nhau. Còn khi cưới nhau, người ta thấy sự chịu đựng của nhau.

Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, con người ta đều có những suy nghĩ khác nhau. Nhưng nhìn chung, những suy nghĩ ấy đều dần dần được thay đổi theo chiều hướng tích cực, giúp con người ta ngày càng trưởng thành hơn và có ích cho cuộc sống hơn. Trong chuyện tình cảm cũng vậy, những suy nghĩ và hành động của con người ta cũng thay đổi khi con người ta dần trưởng thành trên con đường đời của mình. Người thay đổi kịp thì tìm được hạnh phúc, còn người chưa trưởng thành kịp thì lại khổ sở trong chuyện tình duyên.

Thời còn thiếu niên, và ngay cả thanh niên, người ta thường ngộ nhận giữa việc thích một người và yêu một người. Người mà mình thích chưa hẳn mình đã yêu, và người mà mình yêu chưa chắc là mình thích họ lúc đó. Con người ta thường thích nhau bởi cái vẻ bề ngoài, bởi sự dễ thương, duyên dáng của nhau. Họ thích nhìn cái đẹp của nhau rồi tự ngộ nhận nó là tình yêu. Có khi tình yêu bắt đầu hình thành từ cái sự thích đó, nhưng cũng có khi là không.

Bạn thích người đó, nhưng chưa chắc bạn đã yêu họ. Bạn và họ trở thành người tình của nhau, bạn nghĩ rằng bạn yêu nhau, nhưng có khi lại không phải, có khi nó chỉ đơn thuần là thích mà thôi. Mà đã thích thì không thể nào có được những thứ mà khi yêu mới có được. Bạn vui khi được gặp người ấy, bạn ghen tuông khi người ấy trò chuyện vui vẻ với một người khác giới. Đó chưa hẳn là yêu. Vì khi yêu, con người ta lo lắng cho nhau nhiều hơn là tự làm cho mình vui vẻ. Khi bạn thích người kia, bạn chỉ muốn nhìn thấy những điều tốt đẹp của người đó và cố tránh những điều xấu xảy ra, nó làm cho bạn vui, làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng suy cho cùng, tất cả những thứ đó chỉ là tự thỏa mãn cho bản thân bạn mà thôi. Còn khi yêu một người, nó lại khác nữa.

Khi yêu, người ta đặt lợi ích của bản thân mình ngang bằng hoặc là có khi lại thấp hơn lợi ích của người kia. Khi yêu một người, bạn muốn người đó được vui vẻ, được hạnh phúc, dù có khi mình chỉ đứng từ xa, còn người đó lại đang hạnh phúc với một người khác. Thích một người, bạn có thể dễ dàng quên họ, nhưng khi yêu một người, bạn lại không thể nào quên đi người đó được. Có khi vài chục năm sau, khi mọi thứ đều đã lỡ làng, khi gặp lại người đó, những cảm xúc của bạn vẫn dâng lên như những ngày đầu tiên ta yêu họ. Còn khi thương, ta lại rơi nước mắt khi gặp lại họ, dù lúc này tất cả đã không còn là gì, có khi ta chỉ nhìn thấy họ từ xa.

Có một thứ tình yêu mà người ta thường gọi là Yêu từ cái nhìn đầu tiên. Tình yêu này đến thật nhanh, nhưng lại vô cùng bền bỉ và khó lụi tàn. Đó là cái cảm giác trái tim như nảy khỏi lòng ngực, là cái cảm giác hơi thở càng trở nên dồn dập, như lo sợ một điều gì, như hồi hộp một điều gì, nhưng chỉ đơn giản là ta chỉ nhìn thấy người đó mà thôi. Nếu không phải yêu từ cái nhìn đầu tiên, thì Yêu sẽ thường được “kích hoạt” khi bạn cảm nhận được một hành động nào đó của người ấy, đó có khi chỉ là một cái nhìn, một câu hỏi thăm mà thôi. Cũng có khi con người ta đã ăn đời ở kiếp với nhau, nhưng họ lại không yêu nhau, mà là họ thương nhau.

Thời còn đi học, họ thường thích nhau nhiều hơn là yêu nhau. Thích nhau, họ dễ đến với nhau, truyền cho nhau nhiều cảm hứng, cho nhau nhiều niềm vui. Nhưng chỉ là họ chỉ thích nhau thôi, nên khi đã chia tay nhau rồi, mọi thứ vẫn trở về như cũ. Nhưng khi yêu, họ lại khó đến với nhau hơn khi thích, nhưng rồi, dù hai cuộc sống đã tách rời nhau, nhưng tình yêu của họ khó mà phai tàn được. Cho dù họ trở thành kẻ thù của nhau, tình yêu của họ vẫn không bao giờ vụt tắt hoàn toàn. Nếu như tình yêu được hình thành và kết tinh dần dần, người ta có khi lại không nhận ra được nó, cho đến khi nhận ra, hoặc đánh mất, người ta lại không bao giờ quên được.

Thông thường, tình yêu sẽ dẫn đến Thương. Người ta nói thương nó cao xa hơn yêu, nó vĩ đại hơn yêu, tôi cũng nghĩ vậy. Định nghĩa về thương như thế nào thì thật khó để có thể diễn tả được, chỉ có những người đã thực sự thương rồi mới hiểu. Nếu như khi yêu, người ta dành hết những điều tốt nhất cho nhau, lo lắng, quan tâm cho nhau cả về niềm vui lẫn nỗi buồn, thì khi thương nhau, họ lại cảm nhận nỗi khắc khổ của nhau, đặt mình vào nỗi đau của nhau. Một cô gái giàu có thương một chàng chai nghèo, họ yêu nhau, nhưng cả hai đều buồn man mát, vì họ thương cho nhau. Cô gái thương cho chàng trai, cô không dám cho chàng biết sinh nhật của mình, cô không dám yêu cầu chàng đưa cô đến những nơi sang trọng, cô xót cho chàng, vì cô thương chàng. Một chàng trai nghèo khó thương một cô gái giàu có. Chàng không dám nói lời yêu nàng, vì chàng sợ mình sẽ làm khổ nàng, vì chàng thương nàng.

Khi thương nhau, người ta nhìn vào nỗi khắc khoải của nhau, nhìn vào những lo lắng và suy tư của nhau, đó gọi là Thương. “Qua thương em quá”. Và khi thương nhau, người ta thường buồn nhiều hơn là vui. Nói về thương, khó mà dùng ngôn từ để diễn tả được, ta chỉ có thể dùng trái tim của mình để cảm nhận nó, cũng giống như cái cách mà ta thương một người. Khó mà diễn tả được.

Còn đến khi cưới nhau rồi, ta lại càng thương người mình thương nhiều hơn. Vì sự ân cần, vì sự ấm áp, và vì sự chịu đựng của nhau. Nếu không cảm nhận được điều đó, hôn nhân của bạn sẽ rất dễ bị tan vỡ. Khi thích nhau, người ta luôn phơi bày ra những ưu điểm và che giấu những khuyết điểm, khi yêu nhau cũng thế. Khi thương nhau, người ta lại cố thay đổi chính mình, để không phải làm đau người mình thương. Nhưng thật khó để làm được điều đó. Khi đã ăn đời ở kiếp với nhau rồi, người ta sẽ trở về với hình dạng thật của chính mình. Những bất đồng về lối sống, quan điểm và cả những mâu thuẫn nhỏ nhặt có thể kết đọng lại, trở thành thứ khối u phá hủy cuộc hôn nhân. Lúc này, hoặc là mọi thứ sẽ chấm dứt, hoặc là họ chịu đựng nhau, để thay đổi nhau và thay đổi chính mình. Lúc này, cái thương kia nó đã trở thành một thứ gì đó cao cả hơn cả thương nữa rồi. Người ta nói tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng. Người có thể thương nhau, chịu đựng nhau và thay đổi vì nhau thì đúng là tu nghìn năm mới có được.

Để có thể trở thành bạn đời của nhau, đồng hành cùng nhau cho đến cuối con đường thì không chỉ thích nhau, yêu nhau, thương nhau rồi cưới nhau là được, nó cần có một thứ gì đó cao cả hơn, to lớn hơn mà không phải ai cũng làm được. Chúng ta gặp được nhau, rồi có trở thành gì của nhau hay không còn tùy vào cái duyên, nhưng rồi có xa hay không thì còn do số phận.

Đôi khi, chúng ta chỉ thích nhau, hoặc yêu nhau, hoặc thương nhau, hoặc là cưới nhau mà thôi. Nhưng nếu có được cả bốn điều trên thì bạn đã là người hạnh phúc nhất trên đời rồi, nhưng có khi người ta phải mất cả đời để nhận ra điều đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang