Thất lạc cõi người – Cuốn tự truyện của một thiên tài yểu mệnh

Cái tên Dazai Osamu có lẽ là cái tên ít người biết đến ở Việt Nam. Bởi lẽ các tác phẩm của ông luôn khô khan và nhuốm một màu đen tối bao trùm lên toàn bộ mạch truyện. Có lẽ cuộc đời ông có phần tương tự với Ngọc Thứ Lang, một học giả tài ba từng sống trong thời đại chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ông sống trong nghiện ngập, tự tử và tội lỗi.

Thất lạc cõi người là một cuốn tự truyện của chính cuộc đời tác giả, một nhà văn có tài nhưng yểu mệnh. Cả cuộc đời ông sống trong sự nghèo khổ, nghiện ngập và nhiều lần tự tử. Đến cuối cuộc đời, ông đã kết thúc cuộc đời bằng việc tự tử cùng với người tình của mình. Thất lạc cõi người cũng chính là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời ông, được hoàn thành trước khi ông tự sát lần thứ năm (lần này thì tự sát thành công).

Đã bao giờ bạn nghĩ đến một con người tồn tại như không còn là con người nữa chưa? Một con người luôn sống trong một cái vỏ bọc hòa nhoáng, nhưng phía bên trong hoàn toàn trống rỗng. Không đạo đức, không bản ngã và không tồn tại. Đó chính là nhân vật chính trong câu truyện, Oba Yozo, một nhân vật hư cấu nhưng cũng chính là hiện thân của chính tác giả. Oba sống cả cuộc đời trong sự giả dối, luôn giả vờ tỏ ra mình là một con người vui tính để che giấu bản tính thật sự bên trong mình. Anh sống không mục đích, không bản ngã, đặc biệc hơn, anh còn không biết mình tồn tại trên cuộc đời này để làm gì.

Ngay từ khi còn bé, Oba đã không nghĩ rằng mình là một con người. Cậu cảm thấy mình khác biệt so với mọi người. Cậu luôn cảm thấy mình không bao giờ hòa nhập được với họ, thế là cậu trưng lên một bộ mặt vui vẻ giả tạo với tất cả mọi người. Cậu cứ tiếp tục sống như thế, với một vẻ ngoài giả tạo như vậy cho đến suốt cuộc đời.

Cả cuộc đời nhân vật chính sống trong nghiện ngập, sai trái và nhiều lần tự tử bất thành. Nhưng đó vẫn chưa đủ, trong Oba Yozo có một thứ gì đó, một thứ gì đó khiến anh ta không phải là một con người. Anh ta sa đọa, nghiện ngập ma túy, lừa được một cô gái ngây thơ về làm vợ, nhưng lại quá hèn nhát đến nỗi nhìn vợ mình bị hãm hiếp ngay trước mặt và chỉ biết chạy lên sân thượng nằm ngửa ra mà khóc. Cuối cuộc đời, anh ta còn lôi kéo thêm người tình của mình cùng tự vẫn.

Đen tối có lẽ vẫn chưa phải là ngôn từ để diễn tả hết những gì diễn ra trong tác phẩm. Nó quá đen tối, quá tàn khốc đến nỗi con người ta khó có thể tin đó lại chính là cuốn tự truyện của chính tác giả chứ không phải là một tác phẩm hoàn toàn hư cấu. Nó cũng chính là những góc khuất phía sau một xã hội Nhật Bản văn minh và phát triển. Phía sau sự rực rỡ hào nhoáng là những góc tối bẩn thỉu và nhơ nhuốc.

Nhật Bản là một quốc gia có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới, đến nỗi người ta phải treo biển báo cấm tự sát tại một khu rừng có truyền thống tự sát từ hàng chục năm nay. Áp lực công việc, áp lực gia đình và những định kiến xã hội khiến người Nhật bế tắc trong cuộc sống. Một số người vượt qua được, một số khác lại đối mặt với chúng bằng cách trưng ra một bộ mặt giả dối bên ngoài xã hội, hệt như cách mà nhân vật chính đối xử với mọi người. Một số người khác, họ yếu đuối và chấp nhận thua cuộc, cuối cùng dẫn đến tự kết liễu chính cuộc đời chính mình.

Cái chết tồn tại ở khắp nơi, trong những con hẻm nhỏ, trong những lần tự sát, và trong cả những câu văn của tác giả. Cả cuộc đời của nhân vật chính bị bao trùm trong cái chết, mà có lẽ chính anh ta cũng đã chết từ cái ngày mà mình ý thức được sự tồn tại của chính mình, một sự tồn tại vô nghĩa. Nó ngột ngạt, bao trùm lên tất cả mọi thứ.

Văn của Dazai Osamu luôn hiện thực và tàn khốc như chính cuộc đời của ông. Những mặt tối của xã hội, những khía cạnh tàn khốc nhưng chân thật luôn được ông khắc họa một cách chân thật và dũng cảm nhất. Bởi lẽ cuộc đời của ông chẳng có gì để mất. Ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một con người, nên ông không cần phải sống như một con người, phải né tránh những thứ mà người khác không nhắc đến. Ông luôn đưa ra những ý tưởng táo bạo nhất nhưng cũng khô khốc nhất về con người, đạo đức và xã hội. Bởi lẽ cuộc đời ông, đến mạng sống ông còn không quan tâm thì ông sợ cái gì nữa cơ chứ.

Không quá dài như một quyển tiểu thuyết đồ sộ. Thất lạc cõi người là một cuốn tiểu thuyết ngắn, được viết theo lối tự thuật, lối viết đã tạo nên phong cách kể truyện đặc trưng của ông. Đọc Thất lạc cõi người, chúng ta không chỉ được biết thêm về những khía cạnh đen tối tồn tại song song với một đất nước Nhật Bản văn minh, mà chúng ta còn biết thêm một phần về chính cuộc đời của chính tác giả, một thiên tài văn chương nhưng sống yểu mệnh. Và cả một phần cho câu hỏi: Chúng ta tồn tại trên cuộc đời này vì cái gì?

Sống, dù chỉ là một vai hề cũng phải đi đến tận cùng đày ải.
Sống, nhiều khi không bằng chết nhưng phải nghiến răng đi tiếp, nhiều khi chưa chắc gì vì hai chữ ngày mai.
Chớ luận thành công, chớ kể thất bại, sống là phải luôn đấu tranh dằn vạt, tìm ý nghĩa cho sinh mệnh dù cuối cùng tất cả cũng chỉ là phù du.
Những con chữ như dấu máu vương trên tuyết, dẫn đưa ta vào một mê lộ không lối thoát của nỗi cô đơn rực rỡ kiếp người.
Lời của dịch giả Hoàng Long về tác phẩm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang