Thành phố

Anh liếc nhìn đồng hồ rồi mặc vội chiếc áo sơ mi đã cũ sờn vào người, giờ là bốn giờ kém mười lăm phút. Anh bước vội xuống gác, mẹ anh đã thức sẵn từ lâu và nấu cho anh một bát cháu lỏng, bà nhìn con trai với cái nhìn xa xăm, buồn thảm, như muốn nói một lời xin lỗi với con trai mình vì chỉ có thể  làm được cho anh bao nhiêu đó. Mỗi lần như vậy, anh đều lẩn tránh ánh mắt của mẹ vì không muốn bà nhìn thấy nước mắt mình đang trào ra, nếu nhìn mẹ thêm chút nữa, anh sẽ không thể kìm chế được cảm xúc của mình. Anh nhẹ nhàng quàng tay qua vai mẹ, thì thào:

“Mẹ đi nghỉ đi, ngày mai không cần phải dậy sớm nấu cho con ăn đâu, con trai của mẹ đã từng tuổi này rồi, không lẽ không tự nấu cho mình một  bữa sáng nào được hay sao?”

Nói thì nói vậy thôi chứ anh biết thừa rằng ngày mai mẹ anh lại dậy sớm nấu cháo cho anh nữa, anh đã khuyên mẹ bao nhiêu lần rồi mà có được đâu, ngày nào bà cũng dậy sớm nấu cháo cho anh ăn cả. Bà bảo bà quen thức sớm rồi, người già không ngủ được nhiều. Anh biết là bà đang nói dối, bệnh đau lưng của bà vẫn không thuyên giảm chút nào, anh biết mỗi đêm bà đều cố nín lặng cơn đau của mình, nhưng đôi lúc anh vẫn nghe tiếng rên i ỉ phát ra từ phòng mẹ. Sáng nào cũng vậy, anh biết bà khó khăn lắm mới có thể thức dậy vào giờ đó để nấu nướng cho con, có lần vì không kìm nén được, bà đã phát ra tiếng kêu đau khi bà cố với lấy cái xoong treo trên kệ. Anh tưởng bà bị ngã nên vội chạy xuống đỡ bà nhưng lại thấy bà không bị té ngã gì, mãi mấy hôm sau anh mới biết bà kêu đau vì không thể giấu nỗi cơn đau lưng ê ẩm và mấy cái khớp như muốn bong ra của bà. Từ đó anh luôn sắp xếp mọi thứ mà mẹ anh thường dùng ở những nơi dễ lấy, không để cho bà phải cố vươn vai ra mới có thể với lấy chúng, anh cũng thường xuyên lặng dõi theo bà làm việc để giúp đỡ bà.

Ban ngày bà đã làm quần quật trong hợp tác xã, anh đã cố xin miễn cho bà vì lý do tuổi đã cao nhưng họ không chịu. Ai cũng thấy bà đã già cả, không làm nỗi mấy việc nặng nhọc, nhưng họ cũng đành bất lực không giúp gì được cho bà. Ngày nào cha mẹ anh cũng phải đến làm việc cho họ, họ làm việc quần quật cả ngày mà cũng chỉ được có hơn chục ký gạo mỗi tháng. Nhưng họ phải làm, vì nếu không làm họ sẽ phải đi tù, mà không làm thì họ cũng không biết phải làm gì để có thể kiếm ra gạo, ra rao để mà ăn.

Tối nào về tay chân bà cũng đau nhức ê ẩm, bà chỉ dám xoa một ít dầu cù là vào chỗ nào đau nhất trên cơ thể vì dầu gió, dầu cù là còn khan hiếm hơn cả vàng. Anh muốn làm gì đó cho bà vui, nhưng lại không giúp được gì. Cái ti vi trắng đen duy nhất trong nhà đã bị người ta lấy đi, nhà hát cũng không còn, giờ người ta không cho ca hát mấy bài hát mà mấy tháng trước vẫn còn đang thịnh hành nữa. Mà cho dù người ta vẫn hát, vẫn diễn mấy vở tuồng đó thì anh cũng đâu có tiền đâu mà dẫn mẹ anh đi xem, chiếc xe duy nhất trong gia đình cũng đã bị tịch thu rồi. Buổi tối cả nhà chỉ còn biết đi ngủ sớm vì không có việc gì để làm. Những quyển sách mà anh thích cũng bị tịch thu hoặc bị đốt hết, giờ anh không còn quyển nào để đọc vào mỗi tối, bạn bè anh lại không nhiều, mà họ cũng như anh, có gặp nhau cũng chẳng biết chơi gì, chẳng biết làm gì cho đỡ buồn. Cả nhà anh chỉ còn cách đi ngủ sớm với hy vọng ngày mai tương lai sẽ sáng lạng hơn. Lâu lâu mẹ anh lại phát ra những tiếng rên nhè nhẹ, cơn đau lưng với đau khớp của bà vẫn hành hạ bà không ngừng, bà không có thuốc men gì để trị cả, thuốc men giờ cũng rất khan hiếm. Các cửa tiệm thuốc tây lẫn thuốc bắc đều không còn, một phần họ bán cửa hiệu, bán không được thì đóng cửa bỏ hoang để vượt biên, số khác vượt biên không kịp thì bị tịch thu, bị trưng dụng tài sản. Nhà của họ bị người ta lấy làm trụ sở, rồi không bao lâu cái trụ sở đó cũng giải thể để chuyển qua chỗ khác, căn nhà đó lại được giao cho một cán bộ nào đó quản lý, rồi người ta làm sổ đỏ cho người đó và tự nhiên nó đã thành nhà có chủ, nhưng lại là một người chủ khác, anh thấy nhà mình không bị tịch thu như họ là đã may mắn lắm rồi. Đã không có thuốc men gì, bà lại nằm trên giường gỗ mà không có nệm vì nệm cũng đã bị người ta trưng thu luôn rồi, bà đã gầy, những đốt xương sống của bà cứ chia chĩa xuống mặt giường càng làm cho bà thêm đau nhức. Anh rất thương cho bà, nhưng anh cũng đành bất lực mà không giúp gì được cho bà vì chính anh còn không giúp gì được cho chính mình.

Anh húp vội tô cháo, cháo loãng và nhạt như nước lã, không có đường hay muối gì dù chỉ là chút ít, đã mấy tháng nay, chỉ cần có vài hạt gạo để bỏ vào bụng là đã khó khăn lắm rồi, mấy món gia vị ấy giờ như một thứ gì đó quá xa xỉ. Người ta không bán nhiều gạo cho bất kỳ nhà nào, mỗi người chỉ được cấp hơn chục ký gạo mỗi tháng, nghĩ lại anh thấy đó cũng là điều tất yếu, bởi vì họ cũng không có đủ gạo để mà bán. Cả năm trời nay có ai trồng lúa hay một cái gì khác đâu, cho dù có trồng thứ gì thì cũng bị bom đạn phá huỷ, giờ có một ít gạo để ăn là đã quý lắm rồi, anh chỉ sợ một ngày nào đó cả nhà anh phải chết đói vì không mua được một hạt gạo nào, anh không cần sơn hào hải vị gì cả, ở đây cũng chẳng ai cần chúng, người ta chỉ mong sao cho có cơm ăn ngày hai bữa, không còn bị tịch thu tài sản nữa là đã vui lắm rồi. Anh vội húp lấy húp để, mặc cho hơi nóng của tô cháo đang toả ra hừng hực làm trán anh đã lấm tấm mồ hôi. Ăn xong anh lặng lẽ rửa bát bằng nước lã, mấy tháng nay nhà anh không có một miếng xà phòng nào, các gia đình xung quanh cũng thế. Xong anh ghé nhìn sang phòng mẹ, bà đã ngủ lim dim trong phòng vì phải thức dậy quá sớm.

Anh bước qua phòng khách, dưới ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn dầu, cha anh đang ngồi lặng yên trên chiếc ghế sa lông cũ như một pho tượng. Bộ sa lông vì quá cũ nên họ không thèm lấy, nhờ đó mà nhà anh chỉ còn giữ lại được có thứ này, đó là thứ quý giá nhất trong nhà. Đã hàng tháng trời nay rồi, ngày nào cha anh cũng thức sớm rồi ngồi yên đó như một pho tượng. Mắt ông nhìn về hướng xa xăm như chờ đợi một thứ gì đó. Ông đang chờ đợi ánh bình minh dâng lên, ông đang chờ đợi có ai đó từ phía ngoài bước vào, chào ông với nghi thức của một người lính rồi rước ông đi theo họ, rước luôn cả vợ con ông đi theo. Ông chỉ chờ mong có thế, ông chờ tổng thống sẽ quay lại đón mình, ông chờ những người ấy kêu gọi ông cùng họ đánh giặc, ông sẽ hăng hái như một thanh niên hai mươi tuổi, ông sẽ cười tươi và sẵn sàng chịu đói, chịu khát để giành lại quê hương, nhưng họ đã chẳng bao giờ quay trở lại nữa. Ông cứ như một đứa trẻ cứ chờ đợi được nhận một món quà nào đó mà nó chẳng bao giờ có mặt trên đời. Ông cứ ngồi đó, ngơ ngác, đôi mắt thẫn thờ một cách vô hồn, gương mặt méo xệch, cười không ra cười, mà khóc cũng không ra khóc. Trông ông còn thảm hại hơn một đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ cù ba cù bất ngoài đường.

Anh rất muốn làm gì đó để giúp ông, nhưng mọi thứ đều vô ích. Anh đã nhiều lần bảo với ông rằng họ đã đi rồi, họ đã đi sang bên kia quả địa cầu rồi, họ lo cho họ còn không xong nữa thì làm sao mà họ lo được cho ông. Biết bao nhiêu người đã chết vì chìm tàu, vì cướp biển, biết đâu ông tổng thống cũng đã chết trước khi sang bên đó cũng không chừng. Anh đã nhiều lần quả quyết với ông như vậy, rằng họ sẽ chẳng bao giờ quay lại đón ông, nhưng ông vẫn cứ lắc đầu. Lúc đầu ông đã quát vào mặt anh rằng “Mày nói láo! Họ sẽ quay lại đón tao, rồi tao sẽ cùng họ đánh đuổi bọn chúng. Tao thấy nhục nhã vì sự nhu nhược của mày.” Nhưng những câu nói đó ít dần, ít dần, giờ ông chỉ còn biết lắc đầu mỗi khi anh nhắc tới chuyện đó, rồi ông lắc đầu mỗi khi anh định nói với ông điều gì dù không phải là điều mà ông đang nghĩ tới. Dần anh cũng quen và không bao giờ nhắc tới chuyện đó một lần nào nữa, anh chỉ hỏi thăm, lo lắng cho ông, nhưng ông tình trạng của ông cũng không có một chút gì khả quan.

Anh ngồi lại cạnh ông, lặng lẽ rót cho ông ly nước trà mà anh mới vừa pha, nói là trà cho sang chứ nước trong ly thì trắng như nước suối, phải chịu khó lắm mới ngửi ra được mùi trà trong đó. Anh uống vội ly trà thứ hai vừa tự rót cho mình rồi nói với ông:

“Thôi con đi nghe ba”

Anh bước vội ra cửa, ba anh vẫn còn ngồi đó, mắt ông nhìn về phía anh nhưng hình như không phải ông đang nhìn mình, ông cũng không nhìn bất kỳ thứ nào ở đó, ông chỉ để mắt hướng về phía ấy như vậy thôi. Anh khép cửa thật nhẹ, cốc trà vẫn còn nằm trong lòng bàn tay của ba anh, có lẽ nó sẽ nằm yên đó cho tới khi nguội đi.

Tuy trời chưa sáng hẳn nhưng anh cũng mờ mờ nhìn thấy đường đi. Anh bước vội trên con đường rộng thênh thang, con đường mà mới vừa mấy tháng trước vẫn còn xe cộ tấp nập, vẫn kẹt xe vào mỗi buổi tan tầm, nhưng giờ thì nó vắng lặng đến đáng sợ, không phải vì trời còn chưa sáng, ngay cả ban ngày nó cũng vắng lặng như vậy. Con đường thênh thang rộng hàng chục mét giờ không còn bóng một chiếc xe nào chạy ngang, thỉnh thoảng chỉ có vài chiếc xe của binh lính, của cán bộ đi ngang qua, còn lại đều vắng lặng như tờ vì tất cả xe cộ đều đã bị trưng dụng hết rồi. Anh biết rõ họ mang những món đồ đó ra phía bắc để phục vụ cho gia đình, cho con cái của họ vì chính anh cũng đang khuân vác những thứ đó lên tàu hoả để kiếm thêm thu nhập. Nhờ một người bạn quen nên anh mới tìm được chỗ khuân vác hàng hóa tại ga xe lửa, tuy không kiếm được nhiều nhưng số đó cũng đủ để anh mua vài thứ lặt vặt trong bữa ăn và vài ký gạo ngoài chợ đen, bây giờ có nhiều tiền thì cũng không mua được gì nhiều. Anh phải giấu những món đồ mua được bằng cách để trong người, dướiạt áo, sau lưng quần, vì nếu họ phát hiện ra, những món đồ ấy sẽ bị tịch thu, anh còn có thể bị giam mấy ngày vì tội mua bán trái phép. Cho nên dù có bao nhiêu tiền thì cũng chỉ có thể mua được vài thứ vừa đủ để giấu trong người đem về nhà mà thôi.

Vì có quá nhiều hàng hoá của cải nên họ vận chuyển không xuể, họ phải bỏ tiền ra thuê thêm thợ khuân vác từ bên ngoài. Những buổi tập kết hàng hoá như vậy đều diễn ra từ rất sớm, trước khi một ngày mới bắt đầu. Nhờ vậy mà anh cũng tranh thủ kiếm thêm một ít tiền trước khi đi làm gần như không công cho hợp tác xã vào lúc bảy giờ sáng. Anh hít một hơi thật sâu, làn không khí tuy lạnh nhưng trong lành đi vào phổi làm anh tỉnh táo, chưa lúc nào anh cảm thấy dễ chịu bằng buổi sáng sớm. Anh bước vội đến nhà ga để không bị trễ giờ.

Nhà ga tuy chưa mở cửa, chưa có một vị khách nào nhưng đã tấp nập như một cái chợ, những tiếng ồn ào từ các phu khuân vác, tiếng chỉ huy. la hét của mấy ông cán bộ trộn lẫn lộn vào nhau, làm người ta cứ tưởng như chợ đang đông dù trời vẫn còn chưa mờ sáng. Họ chất lên xe lửa nào là bàn ghế, giường nệm, xe cộ, toàn là những thứ đắt tiền của những người ở đây bị tịch thu vì bị coi là tư bản bốc lột. Thỉnh thoảng anh vẫn thấy một vài thứ quen thuộc, đó là những món đồ mà anh đã từng nhìn thấy khi đến chơi nhà một người bạn nào đó. Nhưng rồi anh cũng lặng lẽ vác những thứ đó lên toa tàu, những lúc như vậy anh thường nghĩ rằng có lẽ những món đồ trong nhà anh cũng đã hoặc đang bị họ chất lên toa tàu như thế, và có lẽ một người bạn nào đó của anh cũng nhận ra nhưng vẫn cứ lẳng lặng đặt nó lên toa tàu vì họ chẳng thể làm gì khác được.

Xong việc, anh lại thả bộ về nhà một mình, anh đi một cách vội vã để không phải gặp một người quen nào, để không ai hỏi thăm anh vừa mới đi đâu về. Anh không muốn nói dối với họ vì vốn dĩ anh rất dỡ trong chuyện nói dối. Trời vừa tờ mờ sáng, mặt trời vẫn chưa mọc, hai bên chợ vẫn còn những gian hàng xập xệ trông xơ xác vì chưa có hàng, chỉ một vài người vừa mới dọn hàng ra. Làn sương mỏng mờ ảo vắt ngang trước mặt, tựa hồ như đã chạm vào người anh, nhưng anh lại không cảm nhận được một chút gì, anh chỉ biết mình đang đi trong sương vì trước sau anh đều là một làn sương mờ nhẹ. Từng hạt sương nhỏ li ti đang đọng vào vai anh, tựa như đang cố níu giữ một điểm tựa nào đó trước một tương lai đang sẽ bị tan biến.

Chợt đằng xa, anh nhìn thấy một dáng người quen thuộc. Đó là một cô gái với dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh đang dọn hàng ra sạp, cô đang bày ra những bó rau tươi mới vừa lấy về từ chợ đầu mối. Không hiểu sao, mỗi lần nhìn thấy cô, anh lại muốn thời gian dừng lại mãi để anh có thể được nhìn cô thêm một chút nữa. Mỗi lần như vậy, một cảm giác yên bình dễ chịu chợt dâng lên trong đầu anh, nhìn con người nhỏ nhắn đang thoăn thoắt bài biện rau củ ra sạp, anh bỗng thấy cô đẹp rạng ngời dù tóc tai cô đã bắt đầu rủ xuống má, trán đã lấm tấm giọt mồ hôi. Rồi sau đó anh lại sờ tay vào lòng ngực của mình, tim anh đang đập mạnh liên hồi.

Cô đang hối hả dọn hàng, chiếc áo bà ba cô đang mặt đã cũ nát, nhưng trong mắt anh, cô vẫn luôn đẹp dù mặc vào váy lụa hay áo bao bố sờn cứng. Cô vẫn đang hối hả và không nhìn thấy anh đang đi tới. Anh định bụng sẽ đi lướt qua cô mà không nói gì, dù gì thì anh cũng không nói được gì khi gặp mặt cô, mỗi lần nói chuyện với cô, anh đều ú ớ rồi nói chuyện không đâu vào đâu, đâm ra lại thật là ngớ ngẩn, cho dù nhều ần anh đã nghĩ trước trong đầu những chuyện mà mình sẽ nói khi gặp cô, nhưng đến lúc đó thì anh lại không thể diễn đạt được suông sẻ mà lại ấp úng, cà lâm. Mỗi lần như vậy cô đều che miệng cười làm anh ngại đỏ mặt. Một phần nữa là vì anh không muốn cô biết anh vừa mới từ đâu về vì anh không muốn cô cuống cuồng suy nghĩ biết bao nhiêu thứ lung tung trong cái đầu bé nhỏ ấy. Có lần cô tình cờ nhìn thấy anh đang trong tình trạng bị xay xát nhẹ, vậy là cô đã cuống quýt lên, cô hỏi anh làm gì mà bị thương nặng như vậy, rồi không biết cô kiếm đâu ra một ít bông băng để băng bó cho anh dù bây giờ không thể tìm ra được những thứ đó. Cô nhè nhẹ vệ sinh vết thương cho anh, những ngón tay thon dài, trắng trẻo của cô nhẹ nhàng lau rửa vết xay xát trên cánh tay. Nhìn cô đang nhẹ nhàng chăm lo cho anh, anh vừa ngại nhưng lại vừa cảm thấy ấm trong lòng, anh vừa không muốn cô làm vậy nhưng lại vừa cảm thấy dễ chịu, muốn cô băng bó cho anh thêm lần nữa. Cô nhẹ nhàng xoa thuốc lên cánh tay, bàn tay nhỏ bé ấy mềm mại và nhẹ nhàng lướt từng lớp thuốc mỏng lên vết thương, mọi đau đớn tể xác đều không còn. Xong, cô lại nghiêm nghị bắt anh không được làm những công việc nặng nhọc như vậy nữa. Anh bảo rằng chuyện đó đâu có gì để cô phải lo lắng, nhưng cô lại cứng rắn và nghiêm nghị như một cô giáo trẻ khó tính, mắt cô long lanh như sắp ứa ra. Anh đành hứa với cô sẽ không bao giờ làm những việc nguy hiểm nữa, nghe vậy cô mới yên tâm và vui trở lại, anh cũng cảm thấy vui khi nhìn thấy cô cười.

Nhưng không hiểu sao anh lại không làm được điều mà mình đã định bụng, y như những điều mà anh muốn nói với cô, anh chưa bao giờ nói được trọn vẹn. Vậy là anh đã dừng lại và chào cô một tiếng.

“Dọn hàng sớm hả cô?”

Anh tự rủa thầm trong bụng rằng tại sao mình lại dừng lại ở đây? Tại sao mình lại hỏi một câu ngu ngốc như thế này trong khi cô không nhìn thấy mình và mình đã định bụng là sẽ đi qua mà không chào hỏi gì? Cô đang bày mấy bó rau lên sạp, hàng hoá cũng đã dọn ra gần hết. Chợt nghe tiếng của anh, cô dừng tay lại, đứng thẳng lên cười tươi với anh, để lộ ra chiếc răng khểnh và đôi má lúng đồng tiền mà anh vẫn thích nhìn:

“Dạ, hôm nay em dọn hàng sớm. Ủa! Mà anh vừa đi đâu mới về đó?”

“À….tôi…..tôi đi chợ”

“Anh nói chơi hoài, chợ vẫn chưa mở thì anh mua cái gì?”

Bị ngượng vì câu nói ngây ngô của mình, anh không biết mình phải làm gì. Cô vẫn tươi cười nhìn anh, trán cô đã ướt đẫm mồ hôi, một vài lọn tóc đã dính vào trán. Cô đưa tay áo lên lau mồ hôi, chợt cô ngưng cười, má cô đỏ ửng lên, cô vội khom xuống tiếp tục bày mấy món đồ ra sạp. Hai người vẫn im lặng. Không biết phải nói gì nữa. Anh mua một bó rau của cô, cô vừa đưa bó rau cho anh, vừa hỏi thăm tình trạng sức khoẻ của bố mẹ:

“Hai bác đã khoẻ lên chút nào chưa?”

“Cám ơn cô, vẫn không có tiến triển gì.”

“Cho em gửi lời thăm tới hai bác nhé”

“Cám ơn cô, tôi sẽ nói lại, chắc chắn họ sẽ vui lắm. Hôm nào rảnh cô ghé nhà tôi chơi, mẹ tôi thích gặp cô lắmđó”

Nét mặt cô thoáng hiện vẻ ngại ngùng, cô vội quay sang chỗ khác để che giấu đôi má đang đỏ ưng lên như trái gấc. Anh chào cô rồi bước vội về nhà, mặt anh cũng thoáng hiện lên vẻ ửng hồng trong làn sương mờ nhạt.

Cô ngày xưa từng học chung trường đại học với anh, anh lớn hơn cô một tuổi và cũng học trên cô một khoá. Họ quen biết nhau khi anh học năm cuối, còn cô thì đang học năm ba. Hôm đó, anh và cô cùng mượn một quyển sách trong thư viện. Quyển sách chỉ còn một quyển, và cả hai người cùng đến lấy nó một lúc, họ không giành giật nhau mà lại nhường nhau quyển sách đó. Rốt cuộc họ cùng nhất trí rằng cứ để quyển sách đó nằm yên trên kệ cho tới khi người ta trả những quyển còn lại, khi nào nó có đủ hai quyển thì cả hai sẽ cùng nhau mượn về đọc. Vậy là họ trở thành bạn của nhau từ đó. Nhà hai người cũng không quá xa nhau, chỉ cách nhau một con phố, nhờ đó mà một vài lần cô có đến nhà anh chơi và anh cũng vậy. Cha mẹ anh rất thích cô, đặc biệt là mẹ anh. Bà vẫn thường nhắc đến cô mỗi khi nói chuyện với anh và thường than vãn rằng bà chỉ ước mong cô là con dâu của bà, được vậy dù có chết đi bà cũng mãn nguyện. Mỗi lần nhắc tới chuyện đó làm anh ngại đỏ mặt, anh luôn tìm cách lái sang chuyện khác.

Nhưng rồi mọi việc không được êm đềm như vậy. Anh ra trường, trở thành kỹ sư, vừa mới được một công ty lớn nhận vào làm, cô cũng trở thành sinh viên năm cuối và sắp sửa ra trường như anh. Đùng một cái, quân đội thất thủ, chính quyền đầu hàng. Công ty của anh giải thể, ông chủ gom tiền chạy về nước, trường đại học của cô cũng bị ngừng hoạt động, cô bị nghỉ học khi chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp còn anh cũng bỏ tấm bằng vì không ai nhận một kỹ sư trong chế độ cũ vào làm việc. Vậy là thoáng chốc, mọi cố gắng của họ đều tan biến như màn sương sáng nay. Chiếc áo dài không còn thấy trên người cô nữa mà thay vào đó là chiếc áo bà ba cũ nát, bạc màu, có lẽ chiếc những chiếc áo tuyệt đẹp của cô ngày xưa cũng đã đi theo một trong những chuyến tàu hóa đi về phương bắc và giờ này đang khoát lên một người phụ nữ nào khác rồi, những chiếc áo sơ mi của anh cũng như vậy, giờ anh chỉ có những chiếc áo sơ mi cũ kỹ, thô kệch và bạc màu được anh mặc mỗi ngày khi đi làm. Cô từ một nữ sinh duyên dáng giờ trở thành cô gái bán rau quê mùa, còn anh cũng từ một kỹ sư xuất sắc giờ trở thành kẻ khuân vác từng món đồ mà người ta cướp bóc được. Tất cả mọi thứ, chế độ, vật chất, xã hội, con người đều đã bị thay đổi, chỉ có niềm tin của họ, niềm tin luôn hướng vào nhau của họ không hề bị lung chuyển dù cái đói, cái chết vẫn đang kề sát bên cổ họ.

Anh bước đi nhanh trên con đường đang dần trở nên đông người. Màn sương cũng đã mờ dần, gần như không còn nhìn thấy được nữa. Khu chợ bắt đầu ồn ào náo nhiệt, những bà nội trợ đang bắt đầu đổ ra chợ, tất cả họ đều vận bên mình bộ quần áo cũ kỹ, vải đã sờn, chỉ đã sứt, trên lưng, trên vai lốm đốm những mảnh vá. Họ vui vẻ mua sắm dù chỉ là những bó rau, những con cá nhỏ, không có một con gà, một miếng thịt heo nào. Nhưng họ vẫn cứ cười nói vui vẻ, mặc cả với nhau, những gương mặt rạng ngỡ khi mua được một bó rau tốt với giá vừa phải. Nhìn những gương mặt vui vẻ của họ rồi lại nhớ tới gương mặt hồn nhiên, dễ thương của cô làm anh mỉm cười, nụ cười không giấu được trên đôi môi thô kệch. Có lẽ ở bên kia, phía sau lưng anh, cô cũng đang nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy tấm lưng anh đang khuất dần.

Trời đã sáng tỏ, mọi người đã tấp nập qua lại, loa phát thanh đang phát những bài ca của chính quyền mới mà họ tự cho họ là những con người giải phóng. Chẳng ai nghe, cũng không ai muốn nghe. Ngay khi những nụ cười trên những gương mặt ấy dịu tắt, một nỗi buồn man mát lại dâng lên trong lòng họ. Họ buồn vì cuộc sống, buồn vì quá khứ huy hoàng đã bị mất, buồn vì chính quyền đã bỏ họ ở lại, buồn vì một tương lai mờ mịt không có lối thoát ở phía trước. Nhưng họ lại không thể quay đầu, họ không thể trở lại được quá khứ. Họ cứ mơ mộng, cứ chờ đợi một ngày nào đó tương lai huy hoàng sẽ trở lại với họ, như ba anh vẫn đang thơ thẩn làm điều đó. Nhưng điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra, quá khứ sẽ chẳng bao giờ trở lại, quá khứ mãi mãi vẫn chỉ là quá khứ, nó không thể là thực tại và càng không thể trở thành tương lại. Anh cảm thấy buồn cho họ, buồn cho ba anh rồi lại cảm thấy buồn cho chính mình. Anh thấy mình cũng giống họ, cũng yếu đuối giống họ, họ không làm được gì cho tương lai và anh cũng vậy. Tương lai rồi sẽ trở thành hiện tại, hiện tại rồi sẽ trở thành quá khứ.

Anh biết một ngày nào đó bầu trời sẽ sáng trở lại dù rằng ngày đó còn rất xa, rất xa lắm. Nhưng anh tin một ngày nào đó điều đó sẽ trở thành hiện thực. Rồi anh sẽ trở lại làm kỹ sư, rồi cô sẽ tốt nghiệp và trở thành cô giáo. Nghĩ tới cô, anh lại cảm thấy yên lòng, tim anh như được thắp lên một ngọn lửa nhỏ, truyền hơi ấm vào máu, đi qua khắp cơ thể anh, truyền cho anh động lực để bước tiếp. Một ngày nào đó, chắc chắn ngày đó sẽ xảy ra, anh sẽ mặc chiếc áo sơ mi thật đẹp, còn cô cũng mặc chiếc áo dài thật đẹp với những bông hoa trên ngực áo, họ cùng dạo chơi trên phố, cùng đi qua những con đường quen thuộc, ngắm nhìn những công trình mà cả mấy thế họ đã từng rất tự hào. Mẹ anh sẽ khỏi bệnh vì thường xuyên được gặp cô, ba anh cũng không còn thờ thẩn, thậm chí ông còn tràn trề sinh lực hơn cả anh.

Những bước chân của anh vẫn đều đều, khoan thai nhưng dứt khoát. Anh cứ bước đi thẳng về phía trước, bỏ lại phía sau những đau khổ, thiếu thốn, bỏ lại lầu son, gác ngọc, bỏ đi những giọt nước mắt của sự lầm than đói khổ, bỏ lại cả một chế độ đã lụi tàn. Ngày mai, ngày mai chắc chắn mặt trời sẽ mọc, và tương lai chắc chắn sẽ trở thành hiện tại khi anh còn bước tiếp. Quá khứ sẽ chỉ mãi mãi là quá khứ, nhưng tương lai sẽ chắc chắn trở thành hiện tại, và ngày mai, sương sẽ tan và nắng sẽ về.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang