Tăng lương

Hôm rồi nghe trên chương trình thời sự trên radio khoe rằng nước ta có tỷ lệ tăng lương thuộc top đầu khu vực. Đây là thông tin khá vui với lực lượng lao động, tuy nhiên, mọi việc lại không đơn giản giống như những lời trên mặt báo. Quả thật con số này lá khá cao, tuy nhiên, nó không phải là tỷ lệ của phần đông người lao động Việt Nam là công nhân và nhân viên công chức. Chưa kể đến lạm phát, tỷ lệ tăng lương này xem như không những không giúp cho đời sống người dân tốt hơn mà nó còn không chạy theo kịp việc lạm phát tăng phi mã như hiện nay, rốt cuộc giá trị đồng lương mà người lao động nhận được thực tế lại thấp hơn so với trước đây.

Tôi còn nhớ khi mười năm trước, khi tôi còn là một cậu học sinh cấp hai, chỉ với hai đến năm nghìn đồng là tôi có thể đủ để ăn quà vặt thỏa thích. Còn bây giờ, giá của một ổ bánh mì bình thường đã là 10 nghìn đồng. Việc lạm phát tăng nhanh như thế khiến cho việc tăng lương dường như chẳng chạy theo kịp con số lạm phát. Nếu như trước đây người công nhân có thể sống đủ với mức lương từ 4 đến 5 triệu một tháng, thì giờ đây mặc dù lương được tăng cao hơn, nhưng người công nhân lại khó có thể trụ nổi với mức lương này. Giá lương thực thực phẩm tăng vọt, tiền ăn một tháng của một người bình thường đã đạt đến ngưỡng 3 triệu một tháng, cộng với tiền trọ hơn 1 triệu một tháng, các chi phí tiền sinh hoạt, đi lại, rốt cuộc người công nhân chẳng dư giả được bao nhiêu.

Điều khá buồn cười là tỷ lệ tăng lương ở trên chỉ áp dụng đối với những người có chức vụ cao, còn công nhân và nhân viên văn phòng bình thường thì hầu như tỷ lệ tăng lương ấy chả thấm tháp vào đâu. Theo nghị định 157/2018/NĐ-CP, mức lương cơ bản khi làm việc theo hợp đồng lao động chỉ từ 2.920.000 đồng/tháng đến 4.180.000 đồng/tháng áp dùng theo từng khu vực vùng. Còn đối với cán bộ, viên chức theo biên chế thì lại càng thấp hơn. Theo nghị định 72/2018/NĐ-CP, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng. Mức lương được tính bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số lương. Theo nghị định 204/2004/NĐ-CP, phần đông cán bộ viên chức chỉ được hưởng mức lương theo chỉ số từ 1.0 đến dưới 3. Con số này dẫn đến việc tiền lương của cán bộ công chức là rất thấp, chỉ có những quan chức cấp cao mới có hệ số lương đủ sống.

Nhiều năm trở lại đây, việc dạy thêm bị lên án mạnh mẽ. Bản thân tôi cũng không đồng ý việc dạy thêm và học thêm. Rất nhiều câu chuyện đáng buồn về đạo đức nhà giáo từ việc dạy thêm và học thêm. Nhưng hầu như chúng ta lại không xét đến nguyên nhân sâu xa của việc giáo viên dạy thêm ngoài giờ. Với đồng lương ít ỏi, giáo viên phải sống rất chật vật nếu như chỉ dạy học ở trường. Phần lớn thời gian lại được sử dụng trên ghế nhà trường, người giáo viên cũng khó có thể kiếm thêm thu nhập bằng các công việc khác. Điều này khiến họ chỉ còn cách dạy thêm vào các buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Các giáo viên còn cố kiếm thêm tiền bằng cách giành các giải thưởng thi đua trong nhà trường. Cũng từ đó mà bệnh thành tích trong nhà giáo cũng ngày càng nặng thêm, số học sinh khá giỏi luôn cao ngất ngưỡng trong khi kiến thức thực tế thì không được như vậy. Nếu như tiền lương cơ bản khiến họ đủ sống thì họ đã không phải dạy thêm và chạy đua thành tích để làm gì.

Cũng chính vì tiền lương quá thấp mà có một bộ phận giáo viên đã từ bỏ nghề giáo, chuyển qua kinh doanh hoặc làm các ngành nghề khác. Tôi cũng có vài người bạn sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm đã chọn con đường làm việc ở các ngành nghề khác vì lương giáo viên quá ít ỏi.

Cũng chính vì tiền lương quá ít mà nạn tham nhũng mới phát triển nhiều ở bộ phận công chức nhà nước. Khi mà tiền lương mỗi tháng của họ chỉ từ 3 đến 4 triệu/tháng thì họ không thể nuôi nổi vợ con. Chúng ta lên án nạn tham nhũng và đang chống tham nhũng, nhưng chúng ta lại ít khi để ý đến gốc rễ của tham nhũng. Ngoài lòng tham của con người ra, một phần của tham nhũng xuất phát từ việc tiền lương làm việc quá thấp. Cuối năm 2018 vừa rồi, cảnh sát ở Indonesia đã được tăng lương lên tới 70% nhằm giảm thiểu tham nhũng. Nếu như lương của cán bộ công chức được trả phù hợp với mức sống của họ, tôi không dám nói tham nhũng sẽ được giải quyết triệt để, nhưng chắc chắn nó sẽ giảm.

Việc đưa ra các con số nhằm mục đích “làm vui lòng dân trí” đã luôn được dùng từ rất nhiều năm nay. Tôi chẳng bao giờ tin vào những con số ấy. Vì bao giờ tốc độ tăng lương cũng cao, còn tốc độ lạm phát thì luôn luôn thấp. Nhưng thực tế thì chẳng bao giờ giống như các con số báo cáo. Tiền lương của phần lớn người lao động phần lớn đều không đủ để sống, còn giá cả vật giá thì luôn tăng vọt theo từng ngày. Giờ đây, cầm 100 nghìn đồng trong tay dường như bạn chẳng làm được gì cả.

Nhiều năm trước tôi có đọc một bài báo khá buồn cười về việc họ bảo rằng giá cước 3G ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới. Sự so sánh này buồn cười ở chỗ nó không bắt nguồn từ giá trị thực của đồng tiền mà sử dụng sự chênh lệch khi quy đổi tiền tệ để kết luận rằng giá cước 3G ở Việt Nam là rẻ. Nó giống như việc bạn so sánh một tô phở ở Mỹ có giá 5 đô la là đắt hơn so với giá 25.000 đồng ở Việt Nam. Chuyện đáng nói ở đây là một ngày lao động bình thường của bạn chỉ có thể mua được 6 tô phở, còn một ngày lao động của người ta có thể mua được hàng chục tô. Cái cần để ý ở đây phải là mức sống thực tế của người dân, chính vì vậy mà ở nước ngoài người ta có thể sống thoải mái với vật giá “đắt hơn gấp nhiều lần” so với ở Việt Nam, còn chúng ta lại sống chật vật với giá cả thị trường “rẻ hơn nhiều so với nước ngoài”.

Các con số trước giờ chỉ dừng lại ở mức “xem cho vui”, thực tế, các con số ấy luôn luôn không bao giờ được đẹp như đã công bố. Chỉ mong nhà nước thôi đừng in tiền thêm nữa, chứ càng đổ tiền vào thị trường kiểu này thì lạm phát ngày càng tăng, chẳng mấy chốc nước ta lại giống như Zimbawe. Lúc đó thì tăng lương còn có ý nghĩa gì nữa đâu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang