Sao lại cứ phải quan trọng hóa những kỳ thi?

Không biết từ bao giờ, kỳ thi tuyển sinh đại học lại trở thành một kỳ thi trọng đại trong cuộc đời của người đi học và trở thành một sự kiện lớn trong đất nước?

Năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ thi tuyển sinh đại học mà giờ đây được gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là cả nước lại sục sôi. Báo chí, truyền hình không ngại dành ra một khoảng quan trọng để đưa tin về nó. Ngay cả những người đã từng trải qua hoặc không đi theo con đường đại học cũng quan tâm. Họ đoán xem đề văn năm nay sẽ ra bài gì, rồi đua nhau giải các đề thi khi đã trải qua 2/3 khoảng thời gian làm bài. Không biết từ bao giờ, một kỳ thi tuyển sinh lại trở thành một sự kiện quan trọng như vậy?

Đối với tôi, cho dù như thế nào thì đó cũng chỉ là một kỳ thi tuyển sinh như bao kỳ thi tuyển sinh bình thường khác. Thi trượt không có nghĩa là cuộc đời thí sinh sẽ tăm tối. Thi trượt, họ có thể nộp hồ sơ vào một trường khác, hoặc đợi đến năm sau để thi lại. Suy cho cùng, nó cũng chỉ là một kỳ thi, vượt qua kỳ thi ấy, trúng tuyển vào đại học không có nghĩa là tài giỏi, mà thi trượt cũng chưa chắc là bất tài.

Đã có rất nhiều thí sinh sau khi trúng tuyển vào đại học, sau khi đã trở thành sinh viên đã bỏ dở con đường học hành của mình vì nhiều lý do. Một số vì hoàn cảnh khó khăn, một số cảm thấy chán nản với chương trình đại học, một số vì học không nổi mà từ bỏ. Lúc trước tôi có từng đọc một bài báo về hình ảnh người cha đưa con gái đi thi đại học. Cô con gái thi đỗ vào ngành tài chính ngân hàng. Sau đó hai năm, cô đã bảo lưu kết quả vì không đủ điều kiện để tiếp tục học. Cô đã có việc làm, còn việc học đại học có lẽ cô sẽ không bao được giờ tiếp tục.

Tôi còn nhớ những năm 2014 trở về trước, khi mà kỳ thi tuyển sinh đại học còn tách rời với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Lúc đó luyện thi đại học là một thị trường béo bở. Các trung tâm luyện thi mọc lên như nấm. Nhiều học sinh và phụ huynh vì muốn đỗ vào trường mình mong muốn mà bỏ thời gian và tiền bạc để luyện thi cho con em mình ngay từ khi vừa mới bước chân vào lớp 10. Cả quảng thời gian ba năm ấy các em chỉ có học và học, dồn toàn tâm toàn sức để làm ba bài thi mà cho dù có đỗ cũng chưa chắc thay đổi được cuộc đời.

Nhiều em học sinh cho đến lúc thi vẫn chưa xác định được mình sẽ đi theo ngành nào. Thế là các em chọn đại một ngành nào đó hoặc nghe theo lời bố mẹ để rồi tự đày đọa bản thân vì một thứ mà mình không hề mong muốn. Bỗng dưng một kỳ thi bình thường lại biến thành một áp lực đè nặng lên vai các em học sinh. Chỉ vì đỗ được kết quả đại học mà không biết bao nhiêu vụ việc gian lận trong thi cử đã diễn ra. Một số khác, vì để học được trường lớn để cha mẹ nở mặt với xóm giềng, để bằng bạn bằng bè mà chọn vào những ngành hầu như chẳng biết ngành đó tồn tại để làm gì, để rồi dành cả tuổi xuân của mình để có được tấm bằng vô giá trị.

Kỳ thi đại học, suy cho cùng nó cũng là một kỳ thi bình thường như bao kỳ thi khác. Trượt năm nay có thể thi lại vào năm sau. Không học đại học cũng không có nghĩa là phần đời còn lại của bạn sẽ phải đi làm thuê làm mướn. Vậy thì tại sao lại phải quan trọng hóa một kỳ thi bình thường như thế?

Tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới ra trường đối lập với sự thiếu hụt nguồn lao động của các danh nghiệp chính là một biểu hiện của việc chúng ta quan trọng hóa cái thứ gọi là “đại học” như thế. Nhiều học sinh chỉ vì cái từ “đại học” đã được định kiến từ bao đời nay mà cố gắng để vào được cái môi trường ấy bằng mọi giá, để rồi cuối cùng ra trường với một mớ kiến thức trống rỗng trong đầu. Doanh nghiệp thì không tìm được người, còn sinh viên ra trường thì lại không làm được việc.

Sau này các em làm được việc gì, nuôi sống được mình hay không, đó mới là giá trị lâu dài mà các em cần xác định. Mà cái giá trị lâu dài đó không thể được xác định chỉ bằng một vài bài thi được. Những thứ mà các em cần sau này là kiến thức chuyên môn, một bộ óc đủ thông minh cùng một chút năng khiếu cho công việc đó. Những thứ đó thì cần thời gian và kết quả để đánh giá, làm sao có thể đánh giá được chỉ bằng một kỳ thi hoặc một buổi phỏng vấn.

Bản thân tôi đã từng là một thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh đại học, khi trở thành sinh viên, tôi thấy kỳ thi ấy chẳng có ý nghĩa gì, rồi cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi lại thấy quãng thời gian sinh viên của mình thật sự lãng phí. Nói như vậy không có nghĩa là tôi cổ xúy cho việc không lựa chọn vào con đường đại học. Ý tôi muốn nói ở đây rằng đại học cũng như bao nhiêu con đường khác. Nó cũng giống như bạn học cao đẳng, trung cấp hay học một nghề nào đó. Nó không phải là một thứ gì đó cao quý để ta tự đánh bóng nó lên, tự coi nó là thượng đẳng so với các con đường khác rồi tự quan trọng hóa nó lên đối với chính mình.

Đối với những người đã có định hướng nghề nghiệp sẵn và đủ chính chắn, họ sẽ biết lựa chọn con đường cho chính mình. Họ không nhất thiết phải vào một trường đại học danh tiếng nào đó để theo đuổi con ngành nghề mà mình đã chọn. Đôi khi họ chỉ cần vào một ngôi trường cao đẳng nào đó, thứ quan trọng ở họ chính là nỗ lực học hỏi và kiến thức mà họ trao dồi được, chứ không phải một cái tên ngôi trường nào đó làm nên đẳng cấp của một con người.

Sau này con cái của tôi, tôi sẽ không ép chúng phải đạt được thành tích cao trong học tập, tôi cũng không ép chúng phải đỗ vào một trường nào đó để nở mặt nở mài. Thay vào đó, tôi sẽ cho chúng được vui chơi nhiều hơn, dạy chúng những kiến thức bên ngoài xã hội mà nhà trường không bao giờ dạy chúng. Tôi sẽ giúp đỡ chúng để bước chân vào đời, tự nuôi sống được bản thân mình, chứ không phải cố ép chúng vào một ngôi trường nào đó để rồi chúng chẳng khác nào một đứa trẻ, bỡ ngỡ trước cuộc đời và dễ bị lạc đường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang