Sao anh yêu em thế?

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một câu truyện, tất nhiên sẽ không phải là một câu truyện tình yêu lãng mạn ướt át hay đậm chất ngôn tình rồi. Và cái truyện mà tôi sắp kể lại đây cũng không đụng chạm gì đến tình yêu hay cái gì đó tương tự như vậy. Nhưng cốt nhiên chắc chắn sẽ không phải là không có một chi tiết nào liên quan đến nó, chỉ là nó được nhắc đến chỉ một lần mà thôi. Giống như cái tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh của ông nhà văn người Mỹ nào đó, nó không có một chút nào liên quan gì đến việc bắt có một đứa trẻ trên cánh đồng lúa mạch gì đó, mà chỉ là tên một bài hát mà thôi, mà bài hát lại được cậu bé trong truyện nghe sai nữa chứ, thành ra mới có cái gọi là Bắt trẻ đồng xanh. Tôi nhớ cha tôi có kể cho tôi một câu truyện, không biết có phải là hư cấu hay không nữa. Ông kể rằng có một chàng trai vừa sáng tác xong một tiểu thuyết về tình yêu rất lãng mạn, nhưng lại không biết nên đặt nhan đề cho quyển tiểu thuyết ấy là gì. Vậy là cậu ta bèn tìm đến thầy giáo của mình để mời ông đặt nhan đề cho nó. Ông thầy giáo này tuy là người học vị cao, hiểu biết nhiều, nhưng ông lại là một kẻ bợm rượu,  ông lười quá nên chỉ hỏi khi cậu bé đem tiểu thuyết đến cho ông rằng trong câu truyện đó có kèn có trống không, cậu ta bảo rằng không, vậy là ông ta đặt tên cho nó là Không kèn không trống. Không ngờ rằng quyển tiểu thuyết ấy lại được bán chạy như tôm tươi, tái bản liên tục và đạt được thành công rực rỡ. Có lẽ câu truyện đó hư cấu nhiều hơn là câu truyện có thật, nếu nó có thật thì bây giờ tôi có thể tìm thấy cái quyển Không kèn không trống đó mà đem về đọc rồi. Có nhiều câu truyện nó có cái tiêu đề lãng xẹt như vậy đó, và cái câu truyện mà tôi sắp kể đây nó cũng sẽ tương tự như thế, nhưng nó không phải là không kèn không trống, nó giống như là Bắt trẻ đồng xanh hay Rừng Nauy hơn. Và nó cũng sẽ không dài đâu, nó ngắn lắm.

Đó là một lão già, tôi cũng không nhớ rõ tôi quen biết lão từ lúc nào, có lẽ là từ khi tôi mới chuyển đến sống ở cái khu chung cư cũ kỹ này. Tôi đoán lão chừng bảy mươi rồi, trông tóc tai lão đã bạc phơ và rụng gần hết rồi, làn da của lão cũng nhăn nheo và đầy những vết đồi mồi. Nhưng trên cái làn da đó vẫn toát lên một thứ gì đó làm cho tôi có cảm giác nó đang tràn đầy sức sống, nó không phải là làn da của một cụ ông bảy mươi nữa. Nhìn gương mặt ông cũng khó ai có thể đoán được tuổi tác thật của ông, nhìn ông tươi và rạng rỡ hơn những người khác. Tôi nghĩ đó gọi là phong độ, phong độ của một lão già chừng bảy mươi tuổi. Tôi thoáng nghĩ, chắc thời trai trẻ, ông phong độ và lịch lãm lắm. Nhìn vào bà cũng thế, tuy bà tiều tụy và xuống sắc hơn ông nhiều, nhưng vẫn toát lên một thứ gì đó rất sạch sẽ, rất sang. Chắc có lẽ ngày xưa, bà là một tiểu thư. Có lẽ bà là một tiểu thư, và bị cái vẻ của ông mê hoặc, hay thứ gì đó đại loại như thế, rồi bà phải lòng ông và lấy ông làm chồng. Tôi chỉ có thể tưởng tượng như thế thôi, bởi tôi không biết tìm ra một câu trả lời nào khác để giải thích về ông cả.

Đúng là ông đã độ bảy mươi thật, đó không phải là một kết luận bừa. Tôi đã hỏi qua nhiều người ở khu phố, do tò mò đó mà, họ đều nói rằng ông bảy mươi rồi. Tôi bảo sao nhìn ông trẻ thế. Họ nói họ đã sống với ông rất lâu rồi, chỉ có thể xác của ông là già đi thôi. Và cuối cùng là lời khẳng định phát ra từ ông. Tôi đã hỏi tuổi của ông vào một dịp nào đó mà tôi cũng không thể rõ nữa, và ông đã xác định như vậy.

Ông bà sống với nhau thật an nhàn, không suy nghĩ, cũng không vất vả gì nhiều. Ông để cho con cái đi làm ăn hết rồi, ông không muốn chúng vướng víu. Một lão già như thế thì thật là ít, bởi đa phần đến cái tuổi đó thì ai cũng muốn con cái phụng dưỡng mình cả, nhưng ông vẫn mạnh đấy thôi, nên ông đâu cần con cái săn sóc mình làm chi. Ông sống trong một căn hộ tồi tàn, giống như tôi vậy, mà ở cái khu cư xá đó thì căn nào cũng như căn nào thôi. Tôi nghĩ ông là một người nghèo, bởi một người khá giả thì đâu có ở đây làm gì. Và tôi cũng ở đây vì không có nơi nào rẻ hơn nơi này đấy thôi.

Người ta bảo ông đã đi làm thuê làm mướn, đi buôn bán và tốn lại là đủ thứ nghề để mưu sinh, và cũng không có lúc nào dư giả cả. Nhưng hai vợ chông ông vẫn là hai vợ chồng rất phong độ ở khu này, họ nghèo mà sống một cuộc sống như là chẳng có chuyện gì vậy. Và cho đến bây giờ, khi đã già rồi, điều đó vẫn không có gì thay đổi.

Tôi có đến nhà ông được vài lần, tôi không nhớ lần đầu tiên tôi vào nhà ông là vào lúc nào nữa. Bằng cách nào đó mà tôi vào nhà ông, tôi cũng chẳng nhớ nốt. Tôi chỉ nhớ một điều là tôi rất bất ngờ về ông mà thôi. Căn nhà của ông, nhỏ bé và cũ rít, như bên trong nó lại hoàn toàn khác. Ngay từ khi bước vào phòng, một cảm giác ấm cúng và xa xưa dâng tràng trong người tôi. Nó giống như tôi đang ở một nơi nào đó thật hạnh phúc và ấm áp, Paris chăng? Cả căn nhà ông, nói một cách ngắn gọn lại thì chỉ có một từ, đó là “hoài cổ”. Đứng trong nhà ông, tôi có cảm giác mình đang đứng ở một không gian và thời gian hoàn toàn khác, ở xa lắc xa lơ năm nào đó. Nhưng nó làm tôi thấy đẹp đẽ và ấm cúng vô cùng, tôi cũng muốn mình có một căn nhà như thế, nhưng mãi sau này tôi cũng không bao giờ trang trí được một căn nhà như thế. Những điều đó làm tôi khá bất ngờ, bởi đó không phải là căn nhà của một kẻ làm thuê làm mướn được.

Tôi lại càng bất ngờ hơn bởi sự hiểu biết của ông. Ông hiểu biết uyên thâm quá. Không chỉ chuyện đời, chuyện người mà ông còn biết luôn cả những thứ mà tôi chỉ được học trên ghế nhà trường, đó là những kiến thức chuyên môn ở các ngành học. Tôi hơi ngạc nhiên trước sự hiểu biết của ông, bởi những thứ đó nếu chỉ nghe qua vài lần thôi mà không phải là một học giả thì cũng không thể hiểu nổi. Vậy mà không chỉ biết thôi, ông còn hiểu và giảng giải chúng một cách uyên bác khiến tôi rất bất ngờ, ông còn giải thích cho tôi cả những thứ mà tôi cảm thấy khó hiểu nữa. Tôi hỏi ông sao ông biết nhiều thế, ông bảo là ông học chứ sao. Tôi hỏi ông học chúng ở đâu, ông bảo thì ông cũng học ở trường chứ đâu, giống như tôi vậy thôi. Tôi hỏi ông thế tại sao ông không đi làm ở một nơi nào đó, tốt  hơn những công việc mà ông từng làm. Ông bảo ông đã từng như thế, từng làm việc ở một nơi rất tốt, rất thành công, vậy nên ông mới lấy được bà. Ngày đó bà là một tiểu thư đài cát, và ông thì phong độ lắm. Bà yêu ông và gia đình bà mới chấp nhận và gả cho ông ngay. Thế sao bây giờ ông lại thế này, tôi lỡ miệng hỏi một câu ngu ngốc mà tôi nghĩ mình không nên nói nó ra bao giờ, chắc ông sẽ tự ái và đuổi tôi ngay ra khỏi nhà cũng nên. Nhưng ông lại không phật lòng một chút nào mà chỉ cười mà bảo rằng “thì không ai thuê mình chứ sao”. Ông bảo đã có nhiều người hỏi ông như vậy rồi nên ông thấy nó cũng bình thường thôi. Ông bảo đến một lúc nào đó tôi sẽ hiểu ra tại sao lại như vậy, và bây giờ thì tôi đã hiểu được điều đó rồi.

Nhà ông có một cái giá sách to tướng. Nó to như những hình vẽ mà ngày xưa tôi thấy chúng trong các quyển sách giáo khoa vậy. Nó cao hơn đỉnh đầu và trên đó toàn sách là sách, sách đầy các ô, không trống ô nào. Tôi cũng thường đọc sách, nhưng cái kệ sách ở nhà tôi thì cực kỳ nhỏ, lại còn rỗng toét một phần lớn nữa, so với cái giá sách khổng lồ của ông thì cái kệ sách của tôi tự như là một hạt cát trong sa mạc, thật đáng hổ thẹn. Tôi lướt qua chúng một thoáng, bạn có biết gì không? Tất cả bọn chúng toàn là những quyển sách quý, những tác phẩm kinh điển một thời, tôi đã từng tìm kiếm những quyển như thế khắp nơi nhưng không sao tìm thấy, ấy vậy mà tất cả bọn chúng đều nằm hết ở đây, lại là bản gốc nữa chứ. Tôi có mượn vài quyển về xem, đúng là nó có những thứ mà những quyển sách ngày nay không bao giờ có được.

Trên đó còn có cả một đống sách tiếng Anh và tiếng Pháp nữa chứ. Ngoại ngữ của tôi thì hơi tệ nên tôi không thể nào lĩnh hội được chúng, nhưng nhìn những cái tên đó thì có lẽ nó cũng hay không kém. Tôi hơi ngạc nhiên khi ông rất thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông bảo thì người ta chỉ nói toàn những thứ tiếng đó thì mình phải biết chứ sao.

Và còn nhiều điều về vợ chồng ông nữa mà có lẽ tôi sẽ kẻ mãi cũng không hết. Nhưng cho đến thời điểm này thì có lẽ tôi đã hiểu hết mọi thứ về ông rồi, tôi đã hiểu tại sao ông lại như thế, và có lẽ sau khi bạn đọc xong rồi bạn cũng sẽ hiểu về ông thôi, nếu không hiểu thì một lúc nào đó bạn cũng sẽ hiểu nó thôi. Còn bây giờ, tôi sẽ kể thêm một điều nữa về ông thôi. Mà cái điều này mà tôi không kể ra thì thật là lãng phí, và nếu không kể nó ra thì cái nhan đề mà tôi đặt bên trên cũng sẽ thật là vô nghĩa làm sao. Nhưng tôi muốn để dành cho nó ở đoạn cuối cùng này, giống như cái cách mà mấy ông bà nhà văn thường để cái câu truyện được dùng làm nhan đề của sách ở phần cuối cùng ấy mà.

Ông biết đàn và hát, ở cái tuổi đó, khó có ai mà đàn và hát được như ông. Nói một cách mỹ miều thì ông đàn và hát hay kinh khủng, một lão già ôm cây đàn ghi ta, vừa đàn vừa hát, những giai điệu phát ra từ ông, nó êm dịu và sâu lắng. Nó làm tôi nhớ về một thời xa lắc xa lơ nào đó, cái thời mà tôi chưa có mặt trên đời, và tôi chỉ tưởng tượng được chúng mà thôi. Phải công nhận rằng những giai điệu của thời gian ấy thật êm dịu, tôi nghe, và chỉ nghe, tôi không còn nhìn thấy thứ nào khác nữa, mắt tôi mờ đi, chỉ còn lại giai điệu, những giai điệu thật tuyệt vời.

Ông đàn giỏi và hát hay. Tôi nghĩ chắc ngày xưa cũng có nhiều cô ngất lên ngất xuống vì ông. Ông bảo thời đó người ta đàn và hát nhiều lắm, nó giống như mấy phong trào bây giờ vậy. Thời đó ai cũng học đàn, học hát, muốn tìm người yêu, phải đàn giỏi và hát hay, còn những cô gái thì chết mê chết mệt với những thứ ấy và dễ xiêu lòng ngay. Và ông đã chọn bà, một người con gái tuyệt vời. Ông bảo ngày đó bà có nhiều người theo đuổi lắm, ông cũng có khá nhiều cô gái để ý. Nhưng rồi ông có cảm tình với bà, nhưng bà thì chưa nhận ra điều đó. Ông cũng vừa đàn vừa hát như những chàng trai đang trồng cây si khác, nhưng cũng không khả quan hơn họ là mấy. Bà bảo bà thương ông từ khi ông đàn lên ca khúc ấy. Bà bảo bà bị nó thấm vào người, rồi bà mềm nhũng và không còn biết gì nữa. Những ca từ ấy làm bà cảm thấy yên lòng, và bà đã chọn ông. Khi tôi hỏi ca khúc đó là gì, ông bà chỉ mỉm cười mà không trả lời. Rồi ông ôm cây đàn vào người, những giai điệu ấy cất lên. Mãi sau này, tôi mới biết đến tên của nó.

My darlin’ I have often thought of things we used to do,
And now I sit and wonder why you’re gone and left me blue,
You said you’d never leave me, you said you’d never go,
Oh my darlin’, why do I love you so?
Oh my darlin’, why do I love you so?
Is it because you stroked my hair when you were by my side?
Or is it because of the tears you cried when your little puppy died?
You said you’d never leave me, you said you’d never go,
Oh my darlin’, why do I love you so?
Oh my darlin’, why do I love you so?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang