Nói dối

Nếu một kẻ nói dối và bị người khác phát hiện, hắn là một kẻ nói dối. Nếu một kẻ nói dối mà cả thế giới tin hắn, hắn là một vĩ nhân.

Khi mới trào đời, những đứa trẻ được cha mẹ chú dọa nếu không nín khóc sẽ bị ông kẹ bắt đi. Đó là những lời nói dối đầu đời mà chúng được nghe. Chúng vâng lời và nín khóc. Một lời nói dối nhẹ nhàng và “dễ thương”. Nhưng ba mẹ chúng không hề biết rằng, lời nói dối ấy lại vô tình gây ra một nỗi sợ vô cùng lớn trong đầu chúng. Những nỗi sợ ấy gây ra những tổn thương tâm lý đầu tiên trong trẻ. Khi nhìn thấy người mà chúng được cha mẹ vẽ ra với hình ảnh độc ác, chúng khiếp sợ đến mức khóc thét.

Lớn lên một chút, những đứa trẻ ấy được cha mẹ giữ hộ tiền lì xì. Nhưng họ chẳng bao giờ đưa lại. Chúng không hề để ý, lại càng không biết rằng cha mẹ chúng cho chúng tiền ăn vặt nhiều hơn số tiền lì xì đó biết bao nhiêu. Trừ những đứa trẻ nhà nghèo.

Chúng bắt đầu thốt ra khỏi miệng những lời nói đầu đời, những lời nói nhằm che giấu hoặc lấp liếm cho những lỗi lầm nhỏ nhặt. Những lời nói dối với bạn bè nhằm mang phần lợi ích về phía mình. Ai bảo trẻ em là những tờ giấy trắng?

Khi đi học, những cô cậu học sinh bị thầy cô cho thây một viễn cảnh bi thương khi không học đến nơi đến chốn. Chúng bị hù dọa bằng những buổi mời phụ huynh. Đến khi ra đời, chẳng có bài học nào giúp họ kiếm ra tiền cả.

Khi ra đời, người ta được nghe đủ những lời nói dối từ những kẻ trả tiền cho mình và những kẻ lấy tiền từ túi của mình. Họ được tiêm nhiễm những suy nghĩ về sự trung thành, sự cống hiến và những thành quả đạt được sau đó. Nhưng họ vẫn mãi là những cổ máy biết nói chuyện. Họ được nghe kể về những sự dối gian của cái thế giới bên ngoài “ngôi nhà thứ hai” mà họ đang còng lưng ra cày cuốc. Mà nào có biết rằng, những kẻ mưu mô xảo quyệt đang nói chuyện trước mặt họ.

Những con người ăn mặc bóng bẩy, phô ra sự thành công và giàu có, nói về những triết lý sống, nói về những bài học kinh doanh, nói về cách có thể khiến chúng ta làm giàu. Họ bỏ tiền ra để mua sự thành công đó, bỏ tiền ra để được truyền những năng lượng tích cực, nhưng chẳng có ai giàu lên cả.

Khi bước vào tuổi trung niên, khi đã trải qua những đắng cay của cuộc đời, họ lại nhìn thấy mình của thời còn trẻ. Họ đưa ra những lời khuyên chân thành cho con cháu, những lời khuyên mà họ đã phải trả giá rất nhiều thứ để có được. Nhưng chúng chẳng tin. Chúng thích nghe những lời động viên của người ngoài hơn. Chúng nghe theo lời sếp rằng phải thức khuya, phải cống hiến hết mình cho công việc. Mà chúng nào biết rằng thành quả của sự cống hiến ấy là những chuyến du lịch xa hoa, những bữa ăn sang trọng, những chiếc xe bóng bẩy và những ngôi nhà lộng lẫy. Tất nhiên người hưởng những thành quả ấy chẳng phải là chúng. Rồi họ chợt nhận ra: “Hồi xưa mình cũng vậy chứ có khác gì.”

Đến khi nhắm mắt xuôi tay, họ được người ta đọc về cuộc đời đáng quý của họ phía trước quan tài. Người đến viếng tỏ lòng tiếc nuối về sự ra đi của họ. Nhưng tất cả chỉ là sự giả tạo, và đôi khi, người yêu thương họ chưa chắc gì đã yêu thương họ thật sự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang