Những thứ đang đầu độc giới trẻ hiện nay

Không nhắc đến những tệ nạn xã hội, không nhắc đến những vấn đề về đạo đức ở đây. Hôm nay chúng ta sẽ nhắc đến những thứ tưởng chừng như vô hại nhưng hóa ra lại đang đầu độc một thế hệ trẻ của hiện tại và cả của tương lai. Đầu độc thể xác đã nguy hiểm, nhưng đầu độc bằng tư tưởng còn nguy hiểm hơn. Vì nó khiến con người ta làm những điều không tốt rồi dẫn đến những tác hại xấu của bản thân và xã hội. Cũng giống như những thứ đầu độc thể xác, những thứ đầu độc về mặt tinh thần, tư tưởng cũng luôn có một thành phần trục lợi từ những điều đó. Vì vậy mà không những con người ta không biết rằng mình đang bị đầu độc, mà những thứ đó đang ngày càng được thổi phồng lên, khiến giới trẻ thi nhau lao vào như những con thiêu thân, những con thiêu thân trên chốn thiên đường.

Khởi nghiệp

Trong vòng vài năm trở lại đây, bên cạnh cụm từ “bốn chấm không”, cụm từ “khởi nghiệp” hay “startup” đang ngày càng nổi phồng lên một cách thái quá. Những doanh nhân, những báo đài và ngay cả chính phủ đều ngày đêm rao ra rã cụm từ này. Nào là khởi nghiệp, nào là tinh thần khởi nghiệp, rồi các chuyên đề, các diễn đàn giao lưu, các buổi hội thảo, không kể sao cho hết được.

Về mặt tích cực, đây là một điều tốt. Nó truyền cho thế hệ trẻ một động lực vô cùng to lớn. Có thể nói, chưa bao giờ thế hệ trẻ Việt Nam có động lực mạnh mẽ như bây giờ. Trước kia, không có nhiều người dám nghĩ dám làm, không có mấy ai tự tin hay đủ can đảm để tự khởi nghiệp. Còn bây giờ, thế hệ trẻ trở nên tự tin hơn, thông minh hơn và có động lực phấn đấu trong cuộc sống hơn, nhất là giúp đất nước phát triển thêm. Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đều thấy rằng đất nước đã có nhiều tiến bộ vượt bậc so với thập niên trước. Đặc biệt là công nghệ đã được ứng dụng trong hầu hết tất cả các nghành nghề, các lĩnh vực. Ngành nghề nào cũng có những startup đầy thành công, truyền một cảm hứng rất lớn cho thế hệ trẻ, những thế hệ dẫn dắt đất nước trong tương lai.

Đó là mặt tốt, còn mặt không tốt lại không được nhiều người nhắc đến. Việc thổi phồng thái quá tinh thần khởi nghiệp này đã gieo rắc một sự ảo tưởng không hề nhỏ cho thế hệ trẻ hiện tại. Khởi nghiệp là tốt, nhưng khởi nghiệp với cái đầu rỗng toếch thì lại hoàn toàn tai hại. Không có kiên thức về chuyên môn, không có kiến thức quản lý, điều hành, không có những kiến thức để vận hành cả một công ty hoặc doanh nghiệp của mình. Thì thất bại là một điều chắc chắn.

Việc tiếp thu cái tin thần khởi nghiệp một cách thiển cận đã khiến nhiều bạn trẻ lao ngay vào việc, ôm một đống tiền quăng vào startup rồi không lâu sao đó, tiền đã cháy hết. Trong phút chốc đã trở thành trắng tay, đó là nhẹ, còn nặng hơn là lâm vào cảnh nợ nần khi mới ở tuổi đôi mươi. Họ chỉ có một cái tinh thần năng nổ, mạnh mẽ, nhưng họ lại thiếu đi những kiến thức mà con người ta phải mất hàng chục năm trời mới tích lũy được. Những kiến thức ấy, các nhà hoạt ngôn chẳng ai dạy cho bạn. Họ chỉ xúi dại rằng bạn hãy khởi nghiệp đi, hãy làm đi, tuổi trẻ mà, hãy cứ sai lầm đi. Để rồi thế nào thì chúng ta cũng đều đã biết. Những startup thành công chiếm tỷ lệ rất ít, còn lại đều là những startup thất bại.

Lần sau nếu muốn khởi nghiệp, hãy trang bị cho mình những kiến thức vững vàng hơn. Bạn đâu thể chạy ngay khi chưa biết đi. Khởi nghiệp cũng vậy, chỉ có tin thần thôi là chưa đủ đâu.

Học làm giàu

Khởi nghiệp chỉ là một trong những thứ mà giới diễn giả thiêu dệt ra để đầu độc thế hệ trẻ nhằm trục lợi cho họ. Một trong những thứ đó cũng rất nổi trội chính là những kỹ năng làm giàu, hay những kỹ năng hoàn thiện bản thân. Okay, nó tốt, nhưng hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những cái xấu của nó.

Nếu bạn để ý, những diễn giả, những công ty “truyền cảm hứng” ấy sẽ có chung một motif: truyền độc lực cho bạn, sau đó bán sách hoặc bán khóa học. Bạn được truyền một tinh thần lạc quan cao độ, được truyền những “bí quyết” khiến bản thân tốt hơn. Và bạn sẽ sẵn sàng bỏ thêm tiền để được học thêm những thứ hay ho từ người đó. Và rốt cuộc là tiền mất mà giàu đâu chẳng thấy, kèm với đó là một món quà cũng không hề nhỏ, bạn đã trở thành một kẻ ảo tưởng.

Họ bảo bạn phải thức sớm, phải sắp xếp thời gian như thế này thế nọ, phải quản lý tài chính, phải đối nhân xử thế. Nhưng toàn bộ chúng đều là những lý thuyết chung chung, ngay cả tôi cũng có thể viết ra một cuốn sách dày hơn 200 trang để chỉ những thứ chung chung đó. Họ dùng những hệ thống truyền thông để đánh bóng tên tuổi và xây dựng thương hiệu, cuối cùng, tưởng rằng mình sẽ trở thành người giàu có, nhưng hóa ra lại đang làm giàu cho họ.

Không thằng nhà giào nào lại chỉ người khác cách làm giàu cả

Các bạn trẻ à, các bạn quên mất một điều. Đó là nếu họ biết cách để làm giàu, tại sao họ lại bỏ toàn thời gian ra để quay vlog, tại sao họ phải cầm micro chém gió phần phật để kiếm vài trăm thậm chí và chục triệu đồng hàng tháng trong khi một người giàu có thể kiếm hàng tỷ đồng mỗi ngày?

Hệ quả của nó là bạn sẽ trở thành một kẻ ảo tưởng, suốt ngày suy nghĩ trên mấy với những triết lý làm giàu trong khi những kiến thức cần thiết để thực hiện những triết lý đó lại hoàn toàn không có. Bạn không thể có được một cái đầu của những CEO sừng sỏ, của những đại gia tóc đã hai thức tóc chỉ bằng cách đọc sách dạy làm giàu và những khóa học của những ai đó mà bạn chẳng biết trước kia họ đã làm gì, bạn biết họ chỉ vì đột nhiên họ xuất hiện ở mọi nơi thôi.

Nặng hơn nữa chính là khiến bạn đi “startup” một cách ngu ngốc, hoặc biến bạn trở thành một kẻ giả dối. Không phải tôi nói sai đâu, nhiều “lý thuyết” ấy thực chất sẽ biến bạn trở thành một con người giả dối xạo lờ chứ không hề giúp bạn trở thành một con người hoàn hảo. Muốn hoàn thiện bản thân, chỉ có một cách là trải nghiệm và học hỏi từ những con người đã thành công thật sự chứ không phải là những con người nói luyên thuyên ở đâu đó. Hãy quên Jack Ma, Elon Musk… đi, học thật ra chỉ đang quảng cáo cho Alibaba, xe điện Tesla… mà thôi.

Ăn uống và du lịch

Bạn có để ý rằng trong vòng vài năm trở lại đây, ăn uống và đi du lịch (và phượt) đã quá phát triển không? Cứ nhìn những dịch vụ giao đồ ăn là biết. Cứ nhìn vào những địa điểm du lịch được xây dựng ngày càng nhiều và những hội nhóm, diễn đàn về chúng ngày càng nhiều thì biết.

Tất nhiên đó là một điều tốt, tôi không có ý bảo rằng ăn uống và du lịch là sai trái và bạn không nên làm thế. Tôi chỉ muốn nói ở đây rằng, bạn có đang bị tiêm nhiễm chúng một cách thái quá không? Bạn dành gần hết số tiền kiếm được cho việc hưởng thụ, đến những quán ngon được giới thiệu đâu đó trên facebook, đến những địa điểm tuyệt đẹp nào đó qua những tấm hình. Ăn uống và du lịch là tốt, nhưng nếu lạm dụng quá, khiến bạn có một lối sống sa đạo thì lại hoàn toàn ngược lại.

Bạn không thể dành cả tuổi trẻ và tiền bạc của mình để hưởng thụ những thứ đó. Hãy thử tưởng tượng nếu như đùng một cái bạn cần một số tiền lớn cho việc gì đó, thì lấy đâu ra. Nếu như đùng một cái bạn bị thất nghiệp (chẳng hạn như mùa dịch vừa rồi) thì bạn sẽ sống như thế nào. Cái lối sống chỉ biết hưởng thụ mà không hề biết đến ngày mai như vậy sẽ khiến bạn lao dốc không phanh, thậm chí phá hủy cả cuộc đời bạn. Đến khi bạn 30 – 40 tuổi, bạn chợt nhận ra mình chả tích lũy được gì. Không có đủ kiến thức lẫn tiền bạc để có thể tự “khởi nghiệp”, thậm chí không có tiền để làm đám cưới. Đến độ tuổi đó, sẽ có nhiều thứ bạn phải lo hơn, như con cái, các mối quan hệ xã hội. Những thứ đó, bạn đã không xây dựng được nền tảng tốt cho mình vì cả tuổi trẻ của bạn chỉ biết hưởng thụ.

Những kẻ đã tạo ra cái phong trào ăn uống và du lịch đó không ai khác chính là những người cung cấp dịch vụ ăn uống và những công ty du lịch. Những thương hiệu trà sữa đình đám với mỗi ly trà sữa có khi lên đến cả trăm nghìn, những bài viết review hấp dẫn để dụ bạn vào những khu du lịch mà họ xây dựng. Đôi khi vì mải chạy theo chúng mà chúng ta bỏ qua nhiều thứ khác đang bên mình, những mối quan hệ gia đình, bạn bè, những cơ hội học hỏi hay thăng tiến trong sự nghiệp.

Chất gây nghiện

Tôi sẽ không nói về tác hại của chất gây nghiện ở đây vì ai cũng biết quá rõ rồi. Cái tôi nói ở đây là việc các bạn trẻ đã hình thành cái tư tưởng sử dụng chất gây nghiện là một thứ “bình thường”, thậm chí là để thể hiện “đẳng cấp”. Họ không còn bị dụ dỗ sử dụng ma túy như mười năm về trước, mà họ tự nguyện sử dụng chúng, coi chúng như một thú vui tao nhã bình thường.

Tôi từng đọc trên một trang web mà nhiều bạn trẻ “thượng đẳng” thường vào đọc một bài viết về chất LSD mà bạn tác giả trên đó gọi bằng một cái tên sang chảnh là “chất thức thần”. Tôi cũng suýt nữa tin đó là sự thật, nhưng rồi mới chợt nhận ra: thằng này đang chơi đò và nó đang tả lại những thứ mà nó nhìn thấy lúc đang phê.

Chất gây nghiện đã độc hại rồi, nhưng việc có cái nhìn lệch lạc về chúng lại càng độc hại hơn. Khi mà giới trẻ coi ma túy đá, thuốc lắc, hút sisa, chơi bóng cười… là một thú vui để bằng bạn bằng bè, để đăng lên facebook như một bằng chứng để chứng tỏ thành tích ăn chơi của mình. Thì thế hệ trẻ ấy như thế nào chắc bạn đã biết.

Thông tin rác

Báo lá cải đã quá xưa để nhắc đến rồi. Nếu bạn thần tượng một ai đó, bạn theo dõi từng hành động của họ, điều đó không có gì sai ở đây.

Thứ tôi nói ở đây là việc tiếp nhận thông tin. Bạn đọc những thông tin nhảm nhí, bịa đặt, bạn chỉ xem chúng thư thú vui, thế thì chẳng sao. Thế nhưng nếu bạn không sáng suốt mà vội tin vào đó là thật, thì lại vô cùng tai hại. Với sự phát triển của truyền thông bây giiờ, đã có không ít những tổ chức, những thế lực đã và đang dắt mũi thế hệ trẻ. Dùng những thông tin lệch lạc nhưng đầy hấp dẫn để đầu độc thế hệ trẻ nhằm trục lợi hoặc những mục đích nguy hiểm hơn.

Thay vì tiếp thu những thông tin bổ ích, thế hệ trẻ lại đang bị nhồi nhét những thông tin độc hại, ngày càng trở nên ngu muội hơn. Tương lai của họ sẽ về đâu khi họ không hoàn thiện bản thân mình bằng những kiến thức và kỹ năng cần thiết mà thay vào đó là những thông tin độc hại, giao rắc sự ảo tưởng, sự ngu ngốc?

Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là những nội dung rác trên các trang mạng xã hội. Thật buồn khi những video dàn dựng lừa gạt khán giả lại được người xem hết lời khen ngợi và tin đó là sự thật. Thậm chí có người lại bắt chước theo và dẫn đến chết người. Đâu phải tự nhiên mà nội dung rác lên ngôi và chiếm hết chỗ cho nội dung bổ ích, đó là vì thế hệ trẻ hiện nay, thành phần khách hàng lớn nhất của những nền tảng đó chuộng loại nội dung rác như vậy.

Đua đòi

Cái này không phải điều mới mẻ nên tôi sẽ không nói nhiều về nó. Cứ tưởng tượng những bạn trẻ đi làm không đủ tiền ăn mà vẫn thay điện thoại iPhone mới mỗi năm, thay xe mới mỗi năm thì biết.

Kết

Tôi ghét ai đó dạy đời người khác. Cho nên bài viết này không phải là bài viết để dạy đời ai cả. Chỉ là thấy thế hệ trẻ ngày nay đang xuống cấp quá nên viết ra những dòng suy nghĩ của mình thôi. Khá buồn khi sự xuống cấp ấy không phải do chính họ tạo ra, mà do họ bị tiêm nhiễm những tư tưởng bởi những doanh nghiệp, công ty, thế lực nhằm trục lợi cho mình. Mà những người bị hại lại không biết mình đang bị hại, lại cữ ngỡ như mình đang được giúp đỡ.

One Response

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang