Những ngoại lệ cuộc sống

Có một thầy giáo trên mạng đã từng bảo rằng, trên đời này phải có làm thì mới có ăn. Thế nhưng trong cuộc đời này, vẫn có những người chẳng phải làm gì nhưng vẫn muốn có ăn. Tất nhiên, những người như vậy chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với phần còn lại của thế giới. Chỉ là, những trường hợp như vậy đi ngược lại với những quan điểm mà con người ta từ xưa đến nay đã đúc kết thành. Những quan niệm về đạo đức, tín ngưỡng, và nhiều thứ khác. Có những thứ không giống như những gì mà chúng ta được dạy, có những thứ khiến chúng ta cảm thấy có chút gì đó không công bằng. Nhưng nó vẫn tồn tại, và chúng ta vẫn chấp nhận chúng. Đơn giản vì chúng là những ngoại lệ của cuộc sống. Có thử gì trên đời mà không có ngoại lệ phải không nào?

Hồi tôi còn làm thêm khi còn học đại học, tôi làm ở một tiệm photocopy. Đã nhắc đến từ “photocopy” thì ai cũng biết, nó nghĩa là sao chép, là đi ngược lại với thứ gọi là bản quyền. Bản thân tôi là một người rất ghét chuyện vi phạm bản quyền. Tôi luôn ý thức rằng tác phẩm của một người nào đó tạo ra, dù có giá trị hay không thì đó cũng là quá trình lao động không mệt mỏi của họ. Tôi luôn có ý thức về chuyện bản quyền. Thế nhưng, không phải lúc nào cái lý cũng đúng.

Có những quyển sách có giá rất đắt, thậm chí có những quyển sách đã không còn bán. Và đối với một sinh viên, không có cách nào khác ngoài việc sao chép nó ra. Nói về lý, đó là việc hoàn toàn sai trái, còn nói về tình, tôi không biết phải nói sao.

Tất nhiên, sinh viên cũng có người này người nọ. Có những con người chăm chỉ học tập để chuẩn bị cho tương lai, cũng có những người chỉ sử dụng khoảng thời gian đó nhưng một món quà của tuổi trẻ, tha hồ mà ăn chơi cho thỏa thích.

Có một trường hợp, mà tôi phải đưa nó vào một “ngoại lệ của cuộc sống”. Bởi vì hành vi ấy, tôi biết là không đúng, nhung tôi vẫn chấp nhận và đồng cảm cho họ. Đó là một cô gái dưới tôi một khóa. Hôm đó cô đem đến một quyển sách to tướng, quyển sách có giá trị gần năm trăm nghìn đồng. Có thể đối với một số người, đó là một con số bình thường. Nhưng đối những con người như tôi và cô ấy, đó là một con số không hề nhỏ. Việc mà cô ấy muốn là một hành động rất sai trái, đó là chép lại quyển sách ấy trước khi giao nó cho chủ sở hữu.

Cô ấy đã đặt mua quyển sách dùm một người bạn trên mạng. Đó là một quyển sách có giá trị, cả về tiền bạc lẫn kiến thức. Khi nhận quyển sách, cô ấy đã làm một việc không hề tốt đẹp, đó là sao chép nó ra một bản khác trước khi đưa nó cho chủ nhân thật sự. Xét về lý, cô ấy đã sở hữu được giá trị của quyển sách mà không phải bỏ ra quá nhiều tiền (chỉ bỏ ra tiền photocopy). Hành động ấy vốn dĩ sẽ khiến tôi tức giận, nhưng thay vì cảm thấy tức giận, tôi lại cảm thấy một sự đồng cảm.

Tôi cảm nhận được ở con người đó một sự hiếu học, một niểm khao khát kiến thức ma phần lớn những người khác không có. Tôi cảm nhận được sự khó khăn ở con người đó, sự khó khăn về kinh tế giống như tôi, giống như những con người như chúng tôi. Và cuối cùng, thay vì tức giận, tôi đã sao chép quyển sách ấy bằng tất cả tâm huyết của mình. Tôi đã dùng hết tất cả kinh nghiệm của mình để sao chép quyển sách sao cho quyển sách gốc vẫn giữ nguyên trạng thái như chưa một ai chạm đến.

Quay sang câu chuyện khác, là câu chuyện về những bà nội trợ. Có thể nhiều người vì vốn dĩ đã và đang nhận được tình thương của những người phụ nữ nên họ không nhận ra được tình thương ấy. Dần dà, khiến họ giảm nhẹ độ tôn trọng đối với những người ấy, hoặc họ coi đó như sự phiền toái. Nhưng ít ai biết được rằng, để trao tặng tình thương ấy, họ đã hy sinh rất nhiều thứ.

Hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi hay nhận nấu đám tiệc cho những gia đình cùng xóm. Chỗ tôi ở có truyền thống giúp đỡ nhau như vậy, mọi người giúp đỡ nhau mà không tính công lao gì cả. Cứ gia đình này giúp gia đình kia, cứ xoay vòng như thế mãi mãi, nhiều người vẫn bảo dân miền Tây trọng tình nghĩa, không biết như thế có đúng không. Và mỗi lần như thế, tôi lại hay đến “ăn ké” những gia đình ấy. Mẹ tôi là bếp trưởng, chỉ cần tìm đến mẹ, tôi tất nhiên sẽ được ăn thỏa thích.

Nhưng đó là đám tiệc, một bát bún riêu, một tô cơm với nhiều thịt thì chẳng là bao so với quy mô của một bữa cỗ. Chuyện là sau này có những người, có thể nói là có một phần giống như mẹ tôi hồi trước, họ dùng đặc ân đầu bếp ấy để dành cho những người thân của mình. Được ăn trên tiền bạc của người khác.

Tất nhiên tôi kể ra đây không phải để so sánh hay phàn nàn về họ. Vốn dĩ ngay từ đầu, tôi đã tìm thấy một sự đồng cảm với họ, và thay vì khó chịu, tôi lại cảm thấy thương họ nhiều hơn. Thương họ vì những tình thương mà họ dành cho nhau, thương họ vì những con người non dại không nhận ra tình thương của người khác dành cho mình.

Cũng hồi làm thêm ơ tiệm photocopy ấy, có một dạo mọi người hùng tiền với nhau ăn cơm chung, lúc đó không có tôi vì tôi chỉ là một thằng làm việc bán thời gian và vẫn đang học rất nhiều môn. Người đảm nhận vai trò nấu nướng chính là cô thợ sửa quần áo ở kiot kế bên. Mỗi người góp một khoảng tiền đủ cho bữa ăn hôm đó, nhưng những người ăn thì lại nhiều hơn. Những người tham gia bữa ăn không chỉ có những người góp tiền, mà còn có con trai của cô ấy. Cô năm nay cũng gần ngũ tuần rồi, ngoài đứa con gái bằng tuổi tôi, thì cô còn có một thằng con trai lúc ấy còn đang học cấp hai.

Số tiền mà mọi người góp vào cho phần ăn ít ỏi của mình, thì nay lại được chia ra cho một miệng ăn nữa. Có thể đối với nhiều người, đó là một việc làm không hề tốt đẹp. Thật sự là vậy, nó không tốt chút nào. Nhưng khi đặt mình vào hoàn cảnh của cô, tôi lại nhận ra một sự cảm thông từ trong đáy lòng mình. Đối với nhiều người, cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn ở việc kiếm ra tiền rồi hưởng thụ, nhưng đối với những người khác thì không chỉ có thế. Họ còn nhiều thứ phải lo, nhiều thứ phải suy nghĩ. Và khi con người ta đứng trước làn ranh của sự tồn tại, những giá trị về đạo đức chỉ là thứ yếu. Có thể chúng ta thấy nhiều người “đàn bà” có những hành vi tham lam, những hành vi không đúng với đạo đức con người, nhưng đôi khi mọi thứ lại không giống như chúng ta nhìn thấy.

Chị kế toán chỗ tôi làm thuê có một đứa cháu vừa mới vào học cao đẳng. Nói là làm kế toán, nhưng chị còn làm nhiều việc khác nữa, bao gồm cả việc bán quán của công ty (công ty còn có một quán cà phê ở tầng trệt). Chị rất nghiêm khắc với đứa cháu này. Tuy bề ngoài vây, nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được tình thương mà chị dành cho cậu ấy.

Mỗi lần chúng tôi có tiệc chiêu đãi vào cuối tuần (có một số người có cuộc sống hưởng thụ thay vì tiết kiệm, có thể vì lương họ quá cao) chị đều gọi cậu cháu sang. Nhiều người có thể không để ý, cũng có thể có người để ý nhưng không nói ra. Nhưng có lẽ không có ai để ý và cảm nhận được như tôi.

Tôi cảm nhận được tình thương mà chị dành cho cậu cháu của mình. Dù đó chỉ là những bữa ăn chẳng đâu vào đâu, nhưng chị không bao giờ quên cậu cháu, dù đó chỉ là những món ăn ít ỏi, nhưng chị vẫn gọi cậu ta đến. Có thể đó là một hành động không hay, nhưng tôi lại cảm nhận được giá trị đằng sau những hành động đó.

Cuối cùng là một ngoại lệ của cuộc sống mà tôi chẳng thể nào đồng tình được, nhưng nó vẫn cứ hiện hữu rành rành như vậy, dù chúng ta không muốn.

Đó là những con người tài năng không có, hiểu biết cũng không. Nhưng vì gặp may mắn trong cuộc đời, họ lại trở thành những con người giàu có, và trớ trêu thay, họ lại càng ngày càng giàu thêm. Họ may mắn có trong tay những con người vô cùng tài giỏi. Mặc dù trả lương không cao, nhưng những con người ấy lại hết lòng tận tụy vì họ. Họ đưa ra những ý tưởng điên rồ, nhưng lại may mắn thay, những nhân viên tài giỏi ấy lại làm được. Cuối cùng hóa ra, họ chỉ là một đứa trẻ con nghĩ ra những ý tưởng điên rồ, nhưng lại có được những con người hiện thực hóa được những ý tưởng ấy. Trớ trêu không?

Chắc hẳn nhiều người đã xem qua bộ phị Forrest Gump, một bộ phim chứa đầy tinh thần truyền cảm hứng. Những hãy nhìn với góc nhìn khác một chút, tất nhiên là không đi xa tinh thần của bộ phim. Forrest Gump luôn nhận được sự may mắn trong khi anh ta là một người thiểu năng. Những gì mà Gump có được không phải vì tài năng, mà hoàn toàn chỉ là may mắn. Cả những động lực mà anh truyền cho người khác cũng hoàn toàn là may mắn.

Trong cuộc sống, trớ trêu thay lại có những con người may mắn như vậy. Nhưng khác với Forrest Gump, những sự may mắn hoàn toàn chấp nhận được, thì sự may mắn của những con người kia lại hoàn toàn ngược lại. Đó là một sự bất công, giữa những con người hoàn toàn không có tài cán gì nhưng làm chủ, và những con người rất tài giỏi nhưng chỉ làm lính, và càng ngày càng làm giàu thêm cho con người bất tài kia.

Tuy không phải toàn bộ là thế, nhưng rõ ràng cuộc đời lại tồn tại những ngoại lệ như vậy. Những ngoại lệ không nằm trông khuôn khổ, những ngoại lệ như luật bất thành văn. Có những ngoại lệ ta thông cảm, lại có những ngoại lệ khiến ta phải sôi máu, nhưng rồi ta phải chấp nhận. Vì vốn dĩ nó là ngoại lệ mà.

Thế nên, những bạn trẻ. Nếu thấy thứ gì đó bất hợp lý đang xảy ra, thì thay vì đấu tranh đòi quyền lợi cho mình, thì hãy suy xét xem, biết đâu nó lại là một ngoại lệ trong cuộc sống thì sao.

2 Responses

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang