Những huyền thoại của Việt Nam

Dạo này bận quá xá nên không viết được bất kỳ một bài viết nào mặc dù trong đầu vẫn còn rất nhiều ý tưởng, rất nhiều điều để tâm sự. Thôi thì tranh thủ viết một bài ngắn ngắn cho vui vui để cho nó có cái bài vậy. Mình xin liệt kê ra một vài huyền thoại mà hầu như bất kỳ một người Việt Nam nào cũng đều biết tới. Mình cũng sinh sau đẻ muộn nên có vài điều còn chưa biết, và còn điều gì thiếu sót nữa xin mọi người cùng nhau đóng góp. 🙂

Lê Huỳnh Đức

Cầu thủ Việt Nam mang áo số 10 huyền thoại. Tuy bây giờ ông ấy không còn đá nữa mà chỉ làm huấn luyện viên, tên tuổi cũng không còn nghe ai nhắc đến nữa, nhưng cái tên Lê Huỳnh Đức mang áo số 10 vẫn là một huyền thoại của bóng đá Việt Nam. Mặc dù bây giờ đã có nhiều cầu thủ khác, mình không biết là có xuất sắc hơn ông ấy không vì mình cũng không quan tâm đến bóng đá lắm, nhưng vẫn không ai lật đổ được tượng đài của Huỳnh Đức. Một phần là vì đa phần mấy cầu thủ mới nổi lên không một thời gian thì bị dính vô bán độ, còn không thì cũng bị phế. Hồi tôi còn nhỏ, hồi đó áo bóng đá còn chưa có nhiều như bây giờ, cũng không có dịch vụ in phun lên áo, thời đó tìm được một cái áo có số 10 là một thứ gì đó lớn lao làm sao. Mình là một người mù tịch về bóng đá, nhưng vẫn nghe danh ông ấy thì cũng đủ để Huỳnh Đức trở thành huyền thoại rồi.

Paracetamol

Loại thuốc huyền thoại, tương truyền có thể trị tất cả các loại bệnh, nhức đầu, chóng mặt, sổ mũi, nghẹt mũi,… Hầu như gia đình Việt Nam nào cũng có ít nhất một vỉ Paracetamol trong nhà. Bị bệnh gì mẹ cũng kêu uống “lấy hai viên ba ra uống vô đi”. Nhớ hồi còn nhỏ mình thường hay bị sốt, lúc đó thường uống vitamin C để hạ sốt, nếu sốt nặng quá, chỉ cần một viên Paracetamol 500mg dạng sủi uống vào là giảm nhiệt ngay tức khắc. Bây giờ có rất nhiều biến thể của loại thuốc huyền thoại này, nhưng thành phần chính vẫn là chất Paracetamol. Nhớ lúc trước có bà bán ghe hàng (chỗ mình sông nước, người ta bán tạp hóa dưới ghe nên gọi là ghe hàng), tài khôn tài khéo cộng ba bốn loại thuốc cho người ta uống, loại nào cũng có thành phần Paracetamol trong đó, suýt nữa thì :3.

Mì Hảo Hảo tôm chua cay

Mặc dù có rất nhiều loại mì khác ngon hơn rất nhiều, nhưng cái tên Hảo Hảo tôm chua cay vẫn là cái tên được nhiều người biết đến nhất, mặc dù ăn vào tôi cũng chỉ thấy nó ngon hơn mấy loại mì bình dân một chút xíu, nhưng cay bỏ mạng. Nhớ hồi đó giá của nó chỉ có một nghìn đồng thôi, đồng giá với loại mì Hảo Hảo sa tế. Rồi sau đó, năm 2003 hay 2004 gì đó thì lên giá 1200, rồi 1500 còn bây giờ thì hình như 3500 đồng thì phải. Mặc dù mình không thích ăn nó nhưng cái tên ấy vẫn là cái tên thành công nhất trong giới mì. Omachi, Bò bít tết, Odon mặc dù ngon hơn, sang trọng hơn nhưng vẫn không phổ biến bằng Hảo Hảo tôm chua cay. Ở dưới quê người ta toàn ăn mì Hảo Hảo như là một đẳng cấp :v

Dầu Phật Linh

Mặc dù dầu gió xanh Thiên Thảo và dầu Phật Linh là hai cái tên huyền thoại, nhưng nếu chỉ chọn ra một thứ thì tôi xin chọn dầu Phật Linh. Cũng vẫn là cái lý do: Nó đẳng cấp hơn dầu nước xanh :D. Thời đó bán chai dầu giá có 1000 đồng, dung tích có 5 hay 10 ml gì đó. Nhìn cái chai thì có vẻ nhiều nhưng khi đập bể cái chai ra thì thấy toàn bộ phần rỗng bên trong chỉ là một đường ống nhỏ xíu bằng với cái lỗ trên miệng chai, vậy mà nhìn vào cứ thấy nó phình to ra ở đoạn dưới, mấy ông thiết kế hay thật. Hình như tới bây giờ vẫn chỉ có hai phiên bản là chai tròn nhỏ xíu với chai tam giác. Thời xưa loại dầu này có thể uống được để trị đau bụng, nhưng bây giờ thì :3. Mất kỳ vết thương nào, dù là muỗi chích hay bể đầu, đứt tay ông bà nội ngoại đều bảo sức dầu vào. Đặc biệt có đứa nào chơi ác, nó quẹt vô mắt một cái là lúc sao mắt sáng như sao :v. Nhưng ác nhất vẫn là cái trò đổ một vũng dầu lên ghế ngồi hồi còn học lớp 12, cảm giác thật là :3. Bên cạnh đó, trong giới dầu nước xanh, cái tên huyền thoại mà ít được người sau này biết là dầu gió xanh con ó. Loại này mình cực kỳ thích ở chỗ chai dầu phản ánh đúng dung tích của lượng dầu bên trong chứ không dùng khúc xạ ánh sáng để đánh lừa thị giác như mấy loại dầu khác.

Dầu nóng Trường Sơn, Salonpas, trật đả Chánh Đại

Loại dầu nóng huyền thoại với chai tròn trong suốt, nắp màu trắng có màu hồng ở đỉnh, chuyên dùng cho các vết sưng bầm, đau khớp. Salonpas cũng là dầu nóng dạng mở, nhìn cứ y như mũ chuối. Lúc nhỏ mình không sử dụng dầu nóng do nó không tốt cho trẻ em, khi lớn thì hầu như chẳng bao giờ dùng tới dầu gió hay dầu nóng cả. Trật đả Chánh Đại là cái tên huyền thoại của dầu nóng thuốc bắc. Mấy bà già cứ khen ríu rít mà mình không biết cái từ trật đả nghĩa là gì và viết ra sao.

Hoài Linh

Hoài Linh hát Ngày Xuân vui cưới, bản nhạc đám cưới đình đám trước năm 2000

Bây giờ game show về hài nhiều vô số kể, nên mình không xem bất kỳ một gameshow nào. Nghệ sĩ hài cũng từ đó mọc lên như nấm. Nhưng cái tên Hoài Linh vẫn là cái tên huyền thoại trong lòng người Việt. Bên cạnh Vân Sơn, Kiều Oanh, Hồng Vân,… Ai cũng nổi tiếng, nhưng Hoài Linh vẫn là người được nhiều người yêu mến nhất, xin được phép xếp chú ấy vào danh sách huyền thoại này.

MC Thanh Bạch

Trong giới người dẫn chương trình, MC Thanh Bạch là cái tên nổi tiếng nhất, được nhiều người yêu mến nhất. Hơn 20 năm qua, kiểu tóc, mắt kính, tuổi tác của ông ấy vẫn không đổi. Bên cạnh đó, ông ấy còn là một nghệ sĩ, một vũ công, nhưng ít người biết đến điều đó, người ta chỉ biết đến Thanh Bạch là người dẫn chương trình có duyên, nổi tiếng nhất và được nhiều người yêu mến nhất ở Việt Nam. Chương trình thành công nhất của ông chính là chương tình Nốt Nhạc Vui, cũng là một game show đình đám và cũng đáng để được xét vào game show huyền thoại mặc dù bây giờ đã không còn. Cụm từ “tôi sẽ …. trong vòng 1 nốt nhạc” cũng được nhiều người biết đến từ đó. Bây giờ mấy chương trình game show cứ mời mấy ca sĩ, mấy  hot boy, hot girl làm MC, cũng có người có duyên, nhưng vẫn không thể vượt qua cái bóng của MC Thanh Bạch.

Và còn nữa…

Nhưng giờ mệt quá, để khi nào nhớ ra sẽ viết tiếp 🙂

5 Responses

  1. Huỳnh đức huyền thoại chân gỗ. Hảo hảo giờ vẫn thích ăn nhất, mì giấy 2 tôm miliket ngày xưa thoại hơn

    1. Huỳnh đức em nghe nhiều người kể lại ổng cũng phế lắm.
      Nhắc mì giấy mới nhớ bộ đôi Colusa với Miliket. Nhớ hồi lớp 2 em ăn sống mì miliket làm bị tiêu chảy mấy ngày liền 😀
      Em không ăn mì Hảo Hảo chỉ vì nó cay và đậm quá, mà lúc trước mỗi khi định đi đâu thì em lại thường ăn sáng bằng mì ở nhà, ăn mì cay quá thì khát nước, mà khát nước thì phải uống nước, uống vào thì lại không có chỗ để xả. :v

  2. Không biết bạn nghĩ sao chứ kẹo dừa thời xưa cũng là một huyền thoại của Việt Nam đấy, chưa thấy kẹo nào ăn mắc răng như vậy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang