Những “bài học đắt giá” mình rút ra được sau hai mươi mấy năm tồn tại trên đời

Cho đến bây giờ mình chưa ăn nồi bánh chưng nào vì miền nam không có gói bánh chưng. Nhưng sống hai mươi mấy năm trên đời ít nhiều cũng rút ra được một số thứ. Không phải là những kinh nghiệm sống để dạy đời người khác, mình còn non lắm. Cũng không phải những lý luận sâu sa để người khác học hỏi này nọ. Mà đó chỉ đơn giản là những sai lầm mình đã mắc phải mà không bao giờ có cơ hội quay lại để thay đổi. Có những sai lầm phải trả giá bằng tiền, cũng có những sai lầm phải trả giá bằng sự nuối tiếc. Những thứ mình nêu ra bên dưới cũng không quá hàn lâm hay dạy đời người khác, chỉ đơn giản là những điều nhỏ nhặt mà mình rút ra được để chia sẻ với mọi người. Đối với những người trưởng thành thì đã trải qua rồi nên cũng không thể thay đôi được, giống như mình. Nhưng nếu có bạn đọc là những em nhỏ thì hy vọng các bạn nhỏ cũng sẽ thay đổi được chút xíu, còn những người lớn thì có thể củng cố đời con qua những sai lầm mà mình đã mắc phải.

Sức khỏe răng miệng là trên hết

Mình bây giờ đã sắp bước qua tuổi 24. Với độ tuổi này, mình đã nhổ bỏ 4 chiếc răng. Hai chiếc răng hàm bị sâu hoàn toàn, một chiếc răng khôn mọc ngang không thể trồi lên và có sẽ gây hỏng chiếc răng hàm bên cạnh nên phải nhổ, một chiếc răng lòi sỉ và cũng bị sâu nốt. Bên cạnh 4 chiếc răng bị nhổ, mình cũng phải trám một chiếc răng hàm trên và một chiếc răng phải lấy hết tuỷ và trám lại. Chưa hết, phần răng bên hàm trái của mình bị nghiêng, trong tương lai sẽ phải chỉnh hình. Hiện tại mình chỉ có thể nhai bằng hàm bên phải, hàm bên trái hoàn toàn không thể nhai.

Đó là những cái giá rất đắt mà mình phải trả khi đã không quan tâm tới sức khỏe răng miệng. Hai chiếc răng hàm bị sâu từ lúc mình còn nhỏ, nhưng mình đã không trám sớm dẫn tới hỏng hoàn toàn. Răng lòi bị sâu và chiếc răng cạnh đó phải lấy tủy cũng là cái giá rất đắt cho sự lười biếng của mình. Phần hàm bên trái của mình lúc trước bình thường nhưng có lẽ vì không sử dụng quá lâu nên đã bị nghiêng và giờ không thể nhai phía bên trái. Tất cả đều cùng một nguyên nhân: Sự lười biếng chăm sóc răng miệng.

Nhiều người trong đó có mình từng nghĩ rằng một chiếc răng thôi mà, sẽ không sao đâu, nhưng nếu không chữa trị kịp thời thì hậu quả sau này sẽ rất quan trọng. Nhẹ thì phải tốn tiền, nặng thì sẽ bị hư hoàn toàn hệ thống răng. Một khi phải sử dụng răng giả rồi thì nó sẽ không còn được như răng thật nữa. Việc chỉnh hình răng (niềng răng) cũng rất quan trọng. Tốt nhất nên làm khi trẻ vừa thay răng đầy đủ. Để lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Không phải là vấn đề thẩm mỹ, mình không đặt vấn đề thẩm mỹ lên trên hết, mà tồi tệ hơn đó là bạn không thể nhai (như mình). Trong tương lai mình sẽ phải niềng răng nếu không muốn nó bị hư hỏng hoàn toàn hàm bên trái. Nhưng tiền để niềng răng thì đó mới là vấn đề nan giải. Cái giá quá đắt phải không nào?

Bài học mà mình rút ra được là phải chăm sóc sức khỏe răng miệng thường xuyên, nên làm ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Ít nhất 6 tháng phải kiểm tra răng miệng một lần. Nên tìm những cơ sở uy tín mà làm. Tuy đắt một chút nhưng chất lượng. Mình cũng may mắn khi hai lần đều gặp cơ sở uy tín, còn những lần nhỏ răng khác thì nhổ dưới quê, chất lượng thì thôi rồi, nhưng nhờ mình sức khỏe tốt nên không sao.

Cân bằng giữa học và chơi

Mình rất nuối tiếc về quãng thời gian đi học của mình, cho đến tận bây giờ. Không phải là ước muốn kiểu như nếu trở lại sẽ học tập chăm chỉ. Không hiểu sao nhiều người lại nghĩ rằng “nếu trở lại tôi sẽ học tập tốt hơn” nhỉ. Mình thì ngược lại.

Thời còn đi học mình học tập rất nghiêm túc. Đến năm cấp 3 kết quả học tập của mình chỉ ở mức khá nhưng sự nghiêm túc trong học tập của mình vẫn còn. Khi lên đến đại học thì mình bị chi phối bởi việc kiếm tiền. Kết quả của sự học tập miệt mài đó là mình chả biết một tí gì về thế giới cả. Lần đầu tiên đi karaoke mình không biết rằng có nhà vệ sinh ở trong phòng. Đến giờ mình vẫn chưa có một mối tình vắt vai. Mình không biết rằng phải bắt ty khi vừa kết thúc cuộc hội thoại với một ai đó. Và còn nhiều thứ khác.

Ai đó cũng có câu thành ngữ rằng “học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học đánh mất tương lai” mà. Cứ bỏ qua vế thứ hai vì nó còn nhiều tranh cãi, nhưng vế thứ nhất thì hoàn toàn đúng. Cả thời đi học của mình ngoài việc học ra thì chả có gì khác (thật ra thì có chơi game chút xíu nhưng không đáng kể). Một phần vì điều kiện gia đình, nhưng phần lớn là do mình không chủ động tham gia nhiều hoạt động vui chơi bên ngoài.

Nếu suốt ngày cứ ăn chơi nhậu nhẹt thì là xấu, nhưng sống trên đời là phải trải nghiệm những thứ đó, miễn sao đừng lạm dụng nó quá, miễn sao đừng dính vào tệ nạn xã hội như ma túy, hút chích, đánh nhau,… Và mình đã có một tuổi thơ bất hạnh hoàn toàn theo đúng nghĩa đen.

Một chuyện thứ hai được đưa vào mục này nữa đó là chuyện yêu đương. Mình ủng hộ việc yêu đương trong tuổi học trò, tất nhiên nó phải trong sáng và không đi quá giới hạn. Giới hạn ở đây là không quan hệ tình dục trước tuổi, còn khi đến tuổi rồi thì phải có các biện pháp tránh thai hiệu quả. Còn trong sáng ở đây là một tình yêu có thể giúp người ta trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn, giúp người ta có động lực để học tập hơn, chứ không phải yêu đương rồi suốt ngày hú hí với nhau bỏ bê học tập, bỏ bê bạn bè và các mối quan hệ xã hội, suốt ngày sờ mó nắn bóp nhau.

Yêu sớm có rất nhiều cái lợi. Cái lợi lớn nhất chính là tạo cho ta kinh nghiệm. Khó có mối tình đầu nào có thể tồn tại đến lúc cưới nhau, nhưng nó cho ta những kinh nghiệm yêu đương để ta không phải mắc phải sai lầm như lần đầu tiên nữa. Sau này các bạn sẽ biết quyết định cảm xúc đúng hơn, không còn “yêu vì thích” nữa. Quan trọng hơn nữa là các bạn có đủ sự chuẩn bị tinh thần để tiến đến hôn nhân, vì câu chuyện hôn nhân lại là một phạm trù khác.

Nếu như các bạn chưa có người yêu khi còn học phổ thông, đến khi lên đại học sẽ rất khó. Trừ khi bạn là một thằng nhà giàu, còn nếu bạn là một thằng trai nghèo như mình thì sẽ rất khó để có người yêu trong giai đoạn này vì đa số con gái đã có người yêu hết. Đến khi bạn đi làm thì lại càng khó hơn, ít tiếp xúc với nhiều người hơn. Suốt ngày chỉ quây quần nơi làm, mà yêu người làm chung thì lại không nên chút nào. Con đường dẫn đến một thằng thất bại bỗng nhiên thằng tấp trước mặt.

Túm cái váy lại trong phạm trù này là học vừa thôi, không nhất thiết phải đạt học lực khá giỏi, phải biết và biết hưởng thụ cuộc sống xung quanh mình. Đừng để khi lớn rồi lại phải hối hận những ngày tháng cũ như mình.

Mua máy tính, điện thoại thì mua đồ cũ, mua xe thì mua đồ mới

Mình đã đòi gia đình mua cho mình chiếc laptop khi vừa vào năm nhất đại học, đó là một sự hối hận rất lớn đối với mình. Hồi đó mình mua chiếc máy chỉ 9 triệu thôi, đó không phải là số tiền lớn đối với nhiều người, nhưng đối với những người sống ở nông thôn như mình thì nó không hề nhỏ chút nào. Cuối cùng sau này mình cũng làm mất nó và mua một con khác gần giống vậy chỉ với giá 4 triệu. Con mình làm mất cũng dùng được 3 năm, cũng hao mòn chút đỉnh, con mình mua sau này giờ cũng dùng được 3 năm, cũng hao mòn chút đỉnh. Nhưng con mình mua sau này được bán ra cùng thời gian với con mình bị mất. Và lúc mình ra trường thì giá còn rớt thê thảm hơn nữa, trong khi con máy mình dùng cũng đã không còn đủ mạnh cho các phần mềm nữa.

Nếu bạn mua một chiếc máy mới khi mới vào đại học, đến khi ra trường nó cũng sơ xác. Đau đớn hơn, nhiều khi nó sẽ hư hỏng một thứ gì đó ngay sau khi hết hạn bảo hành. Máy tính, điện thoại hay những thiết bị có cấu trúc xử lý gồm bộ xử lý trung tâm và bộ nhớ RAM thường có một đặc điểm là rất ít khi hư hỏng những bộ phận quan trọng. Nên đừng lo lắng rằng một chiếc máy tính cũ hay một chiếc điện thoại cũ sẽ hư đến nỗi không thể dùng được. Tất nhiên đồ cũ cũng phải lựa đồ còn xài được chứ đừng mua đồ phế thải.

Mua những thiết bị cũ như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm được một mớ tiền, lại không phải tiếc nuối khi nó đã lỗi thời (hoặc cấu hình quá yếu) trong khi vẫn còn mới. Trừ khi nhà bạn quá giàu đến nỗi bạn chẳng lo ngại gì khi muốn là người đầu tiên sở hữu chiếc iPhone mới nhất tại Việt Nam. Nhưng đó là những thiết bị được thiết kế theo mô hình chíp điện tử, những thiết bị điện tử khác thì mình không dám đảm bảo điều đó. Nhưng ít ra chúng sẽ thấp hơn rất nhiều so với mua đồ mới. Có những món đồ sụt giá ngay khi mới ra mắt chỉ trong vòng một tháng. Tuy là đồ cũ nhưng hầu như chủ nhân của nó chỉ dùng được tầm 1 tháng trở xuống, nhưng nó lại rớt giá thảm hại vì không hợp xu hướng thị trường, đây là một món hời nếu như bạn muốn mua đồ cũ.

Nhưng với những thiết bị cơ khí, điển hình là xe, thì lại khác. Trừ khi bạn là một chuyên gia cơ khí, chuyên mua đồ cũ sử dụng một thời gian rồi tân trang bán lại y như giá mới mua, thì bạn không nên mua đồ cũ. Chính mình đã tốn rất nhiều tiền khi mua một chiếc xe cũ về sử dụng. Lúc đó cũng vì hoàn cảnh éo le nên mình phải mua, sẽ viết trong một bài khác. Những món đồ này phải nói là bệnh còn hơn cả ung thư. Sữa hết chỗ này lại hư chỗ khác. Cuối cùng bạn sẽ cạn sạch tiền vì nó mà chẳng được tích sự gì. Nguy hiểm hơn, nếu như bạn đang chạy trên đường với tốc độ cao mà xe lại hỏng thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Hãy chịu khó mua đồ mới mà dùng, đi bảo dưỡng thường xuyên. Đồ của mình mình dùng kỹ thì có khi sử dụng được đến 20 – 30 năm. Mình có một ông cậu họ có chiếc Wave thời 80 – 90 gì đó nhưng giờ vẫn còn y như mới, ngày nào ông cũng quan tâm đến chiếc xe còn hơn quan tâm con mình. Để có được bài học này mình phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc, là cả một sự hối hận của tuổi trẻ. À, đừng mua trả góp nếu như bạn không quá thật sự cần đến món đồ đó.

Thật ra còn nhiều thứ khác nữa nhưng hiện tại mình không nhớ hết. Có lẽ sẽ có thêm phần tiếp theo khi mình nhớ ra. Những bài học trên tuy đơn giản, không bất kỳ triết lý gì nhưng đó là những trải nghiệm mà mình đã trải qua trong suốt tuổi trẻ của mình. Có những thứ phải trả bằng tiền bạc, có những thứ phải trả bằng cả thanh xuân khiến ta hối hận cả đời. Sau này khi có con cái, mình nhất định sẽ không để cho chúng mắc phải sai lầm như mình.

5 Responses

  1. em theo dõi các bài viết của anh khá lâu, đối với em thì nó rất hay và có ý nghĩa. Chúc anh một ngày vui vẻ ^^

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang