Mùa đu đủ

Nàng chỉ là một con ở. Đối với mọi người, nàng chỉ là một con ở. Cha tôi, mẹ tôi, anh chị tôi,  bạn bè tôi, thậm chí là em trai tôi, họ đều coi nàng chỉ là một con ở là một con ở. Đối với họ, nàng chỉ như một thứ gì đó tồn tại xung quanh họ, như cái bàn, cái ghế, như một vật dụng nào đó trong nhà, họ chẳng thèm quan tâm và cũng không thèm để ý đến chúng, như họ không hề để ý tới sự tồn tại của nàng, họ chỉ đơn giản coi nàng là một con ở đợ, như một công cụ làm việc cho họ, cho ăn, cho uống và nàng phải làm việc cật lực cho họ, còn nàng như thế nào, họ không quan tâm. Nhưng đối với tôi, nàng không phải là một con ở, là một công cụ để làm việc. Nàng là một con người, còn tôi cũng chỉ là một con người. Nàng có da có thịt, có ánh mắt, có đôi môi, có bàn tay thon dài dù đã làm việc nặng nhọc nhưng vẫn mềm mịn, có một trái tim mạnh mẽ, có một tâm hồn mỏng manh. Nàng là một con người, và tôi cũng chỉ là một con người.

Những lúc nàng rót nước cho tôi, tôi tự hỏi tôi có quyền gì mà bắt nàng phải làm vậy, tôi có quyền gì mà sai khiến nàng? Nàng cũng như tôi, nàng cũng giống tôi, vậy thì tôi có quyền gì để sai khiến nàng, những người kia cũng lấy quyền gì mà sai khiến nàng? Nhưng tôi dành vô vọng, tôi cũng không có quyền gì để thay đổi điều đó. Tôi vẫn phải để cho nàng làm những việc mà người ta sai khiến. Những lúc thấy nàng làm việc nặng nhọc, tôi muốn chạy ra để giúp nàng, những lúc thấy nàng đau ốm, tôi muốn bước đến để hỏi thăm nàng. Tôi muốn chăm sóc cho nàng, tôi muốn chia sẻ gánh nặng cùng nàng, nhưng tôi lại không thể. Vì giữa chúng tôi là một bức tường dày. Giữa chúng tôi, đó là một bức tường kiên cố không ai có thể phá vỡ được. Nó là định kiến, đó là giai cấp, đó là số phận. Chúng tôi ở cạnh nhau, bàn tay chúng tôi gần sát nhau, nhưng tôi lại không thể nắm lấy tay nàng, tôi cũng không thể nói chuyện với nàng. Tôi chỉ có thể lặng lẽ nhìn nàng, nhìn con người mà tôi yêu mến đang đổ từng giọt mồ hôi, nhiều lần kiệt sức mà tôi không thể làm được gì. Bởi tôi quá yếu đuối, tôi không thể chống lại cả cái xã hội này, tôi không thể chạy trốn cùng nàng.

Những ngày học ở Sài Gòn, tôi tiếp xúc biết bao nhiêu người, qua lại với biết bao nhiêu cô gái, nhưng tất cả bọn họ không thể thay thế được nàng. Mỗi khi nói chuyện, cười đùa bên họ, tôi không thể không nhớ đến nàng. Nàng không đẹp đẽ, không sang trọng, không toát lên mùi hương nồng nặc của thứ nước hoa cao cấp như họ. Nàng cũng không nói ra được những lời hoa mỹ đầy giả dối như họ. Nàng chỉ là nàng, không thơm tho, không bay bổng. Nàng nói năng vụng về, dốt nát, nhưng không một người nào khiến tôi lắng nghe họ nói nhiều hơn nàng. Tôi chỉ muốn nghe nàng nói, dù là gì cũng được, dù đó chỉ là những chuyện ngoài đồng, những chuyện trong bếp, nhưng không hiểu sao tôi vẫn muốn nghe giọng nói của nàng. Chỉ cần nghe giọng nói của nàng, dù là gì cũng được, vậy là tôi thấy yên lòng rồi. Giọng nói của nàng trong trẻo làm sao, mộc mạc làm sao. Trong như sương, nhẹ như hoa. Đôi môi nàng, giọng nói nàng, tôi mãi mãi không thể nào quên được.

Tôi thường kể cho nàng nghe những mẫu truyện trong những quyển sách mà tôi được đọc. Những lúc ấy, nàng thơ thẩn lắng nghe, đôi mắt nàng nhìn tôi một cách chìm đắm, nàng khẽ đưa tay vuốt tóc ra hai vành tai, những lọng tóc mây dài và đen bóng, đôi tai nhỏ nhắn mà xinh đẹp nhưng chưa từng đeo vào một đôi hoa tai nào. Tôi đã thương con người ấy không biết từ bao giờ. Nàng không biết chữ, tôi thấy tiếc vì điều đó. Giá như nàng biết chữ, nàng có thể đọc tất cả những thứ mà tôi có, những quyển sách, những bài báo, nhưng tôi đành câm lặng, nhiều lần tôi muốn dạy nàng đọc, nhưng rồi biết bao nhiêu thứ và tôi không còn thời gian để làm được điều đó nữa. Tôi học trường nội trú, rồi sau khi đỗ tú tài, tôi tiếp tục lên Sài Gòn, những lần được gần nàng đã ít ỏi nay lại càng ít hơn. Tôi chỉ còn biết nhớ nàng, tôi nhớ nàng da diết. Những lúc bên những người con gái khác, tôi đều nhớ đến nàng, những lúc tay trong tay với những cô gái khác, những cô gái nóng bỏng, có khi là những cô gái ngoại quốc với những mái tóc vàng hoe, tôi đều nhớ đến nàng. Tôi làm tình với họ, nhưng đầu tôi lại luôn nghĩ tới nàng. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ làm gì đó với nàng. Tôi chỉ thương nàng, đơn giản chỉ có thế. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đụng chạm vào nàng, sẽ làm chuyện đó với nàng. Chưa bao giờ. Tôi chỉ thương nàng, muốn nhìn thấy nàng cười, muốn nghe nàng nói, muốn được ngồi gần nàng thêm một chút, chỉ vậy thôi. Và tôi chỉ có thể làm được bấy nhiêu đó.

Nàng làm việc cho gia đình tôi từ lúc mới trào đời. Cha mẹ nàng là tá điền, cho tới khi nàng được sinh ra, nàng lại mang kiếp tá điền. Từ khi ra đời, tôi chỉ biết có nhiêu đó, tôi không biết tại sao cha mẹ nàng làm tá điền cho gia đình tôi, tôi cũng không biết tại sao cha mẹ tôi lại trở thành ông bà hội đồng, từ khi sinh ra cho tới giờ, nó đã hiện diện như vậy cho tới bây giờ. Ban đầu, nàng vẫn là một con tá điền phụ giúp cha mẹ nàng ngoài đồng, rồi gia đình tôi thiếu người chạy vặt trong nhà, thế là cha mẹ tôi thuê nàng về làm con ở trong gia đình, tôi không rõ nàng được thuê bao nhiêu, tôi chỉ biết rằng nó rẻ lắm, nhưng tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi nàng nói với tôi rằng nàng được ăn cơm hai bữa là đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.

Nàng trạc tuổi tôi, hình như là nhỏ hơn tôi một tuổi, tôi cũng không bận tâm lắm. Tôi không có nhiều bạn, cha mẹ tôi không cho tôi chơi với bọn trẻ con bên ngoài, bạn học của tôi cũng ở nhà xa, anh chị tôi thì lớn, em trai tôi thì quá nhỏ, vì vậy tôi chỉ có nàng làm bạn trong nhà. Chúng tôi cứ như thế, lớn lên với tư cách chủ tớ, tôi chỉ xem nàng như một người bạn, như một cậu bạn để tôi có thể nghịch ngợm những trò vui của mình. Rồi nàng lớn lên, tôi cũng lớn lên. Càng lớn, tôi thấy nàng càng đẹp ra. Dáng nàng cao hơn, da nàng mịn màng hơn, gương mặt ngày càng thanh thoát. Dần dà, tôi thấy hơi ái ngại khi gần nàng, một cảm giác khó tả cứ dâng lên khi tôi nhìn thấy nàng. Rồi một lúc nào đó, tôi nhận ra mình đã thương nàng mất rồi.

Tôi thương nàng, thương nàng da diết. Tôi lại càng thương nàng nhiều hơn khi tôi bắt đầu phải xa nàng. Tôi muốn viết thư cho nàng, nhưng nàng lại không biết chứ, tôi muốn gọi điện cho nàng, nhưng nàng chỉ là một con ở, nàng không có tư cách để nghe chuyện điện thoại. Tôi chỉ còn biết nhớ biết nghĩ về nàng. Tôi đã mượn một chiếc máy ảnh của bạn, lén chụp nàng một bức hình. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại lôi tấm ảnh ra mà nhìn ngắm nàng. Một ngày nào đó tôi sẽ cưới nàng làm vợ, tôi sẽ bất chấp thiên hạ nghĩ gì, nói gì về mình. Nhưng ngày đó lại chẳng bao giờ xảy ra.

Khi tôi sắp tốt nghiệp đại học, nàng đã lấy chồng. Chồng của nàng là một anh chàng tá điền gần đó, anh ta khoẻ mạnh và chất phát. Tôi thấy mừng thầm cho nàng vì anh ta có thể che chở cho nàng, giúp đỡ được phần nào gia đình của nàng. Nhớ có anh ta, nhà nàng có thể dư giả thêm chút đỉnh sau mỗi vụ mùa. Có lẽ anh tà mới là người mà gia đình nàng cần, còn tôi, tôi chỉ đem lại gánh nặng cho họ mà thôi. Tôi thấy vui khi thấy nàng đã hạnh phúc, nhưng từ sâu thẳm bên trong, không hiểu sao trong tôi lại hiện lên một nỗi buồn vô tận. Tôi muốn nàng hạnh phúc bên chồng, nhưng tôi lại muốn họ không phải là vợ chồng. Tôi muốn gia đình nàng yên ấm, nhưng cũng muốn nó đổ vỡ để tôi có thể xen vào. Tôi đã trở thành một kẻ ích kỷ, độc ác chăng?

Sau khi tốt nghiệp xong, tôi chỉ làm ở thành phố vài năm rồi trở về phụ giúp cha mẹ chuyện đất vườn, giờ cha mẹ tôi đã già và tôi lại là con một, đó như một điều hiển nhiên. Tôi đã bắt đầu thường xuyên đi quan sát đất đai, thăm viếng các tá điền của gia đình, trong đó có nhà nàng. Khi gặp lại nàng, tôi đã phải ngỡ ngàng, thoáng chút tôi đã không còn nhận ra được nàng nữa. Giờ đây nàng trong xuề xoà với bộ đồ bà ba đã có nhiều mảnh vá, lúc còn ở cho nhà tôi, nàng chưa bao giờ phải mặc đồ vá víu bao giờ, nhưng giờ đây, nó đã là chuyện bình thường của những gia đình tá điền. Nàng không còn cái vẻ mảnh mai, dịu dàng như xưa, thay vào đó, nàng đã trở thành một người đàn bà xuề xoà, tay chân nàng đã chai sần và thô ráp, làn da rám nắng đến đen sạm, đôi môi, ánh mắt đã không còn như ngày nào. Nàng nói năng thô lỗ, những gì còn lại trong đầu nàng giờ chỉ là cái ăn và cái mặc, làm sao để đong lúa đủ cho nhà hội đồng, làm sao để có đủ cái ăn cho những đứa trẻ.

Nàng đã sinh năm đứa con, đứa lớn nhất mới vừa năm tuổi và đứa nhỏ nhất vẫn đang trong tay nàng. Trông chúng xanh xao, hốc hác nhưng trên những gương mặt ấy luôn luôn hiện lên những nụ cười, dường như lúc nào chúng cũng hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Vợ chồng tôi gọi tôi bằng ông chủ, tôi bảo chỉ cần gọi bằng cậu như lúc trước là được rồi vì tôi cũng trạc tuổi họ chứ có lớn hơn họ đâu, nhưng họ nhất quyết không chịu và vẫn gọi tôi là ông chủ. Có lẽ một ngày nào đó, họ sẽ gọi tôi bằng ông hội đồng. Tôi chán ghét cái từ đó, tôi chán ghét cái vai vế đó. Tại sao cùng là con người, nhưng người ta lại tự tạo ra cho mình những địa vị để rồi người ta phải xa cách nhau đến vậy. Tôi chỉ cần nàng gọi tôi bằng anh, hoặc bằng tên thôi là đủ rồi. Tôi chỉ muốn tôi và nàng là những người bạn, là những con người cùng thế hệ. Tôi không muốn giữa chúng tôi có một khoảng cách gì, tôi muốn đập tan bức tường đó, bức tường của sự sang hèn, muốn phá nát những cái bục của những người tự cho rằng mình là cao sang vọng trọng. Tôi chỉ muốn tôi là tôi và nàng là nàng, là những con người, là những người bạn với nhau chứ không phải một mối quan hệ chủ tớ nào khác. Nhưng tôi không thể làm được điều đó.

Tôi thấy thương nàng nhiều hơn, càng ngày, cái tình thương ấy không chỉ không vơi đi dù nàng đã có gia đình mà nó càng lớn dần, lớn dần như muốn ép nát tôi cho đến chết. Nhìn thấy nàng khổ sở, tàn tạ đi từng ngày, tôi đã không kìm nổi nước mắt. Nhiều lần tôi chỉ muốn chạy ngay đến giúp nàng một tay, nhưng nàng lại từ chối với một câu làm tôi đau nhói cả lòng. “Ông chủ đừng làm vậy, tội tụi con chết”. Trời ơi, tôi có phải là ông chủ của nàng đâu, tôi vẫn là bạn của nàng cơ mà. Đã từ bao giờ, tôi và nàng đã ở hai vị trí xa nhau đến như vậy? Tôi chỉ muốn giúp nàng, đỡ đần những gánh nặng cùng nàng, nhưng giờ đây nàng lại từ chối tôi, nàng vẫn coi mình chỉ là con ở. Nàng, chồng nàng, con nàng, và tất cả mọi người đều coi nàng là một con tôi tớ, chỉ có mỗi một mình tôi là không hề nghĩ được như vậy.

Tôi tìm cách để tránh mặt nàng, tôi chỉ gặp họ mỗi năm hai lần, đó là những lần gia đình nàng đong lúa cho nhà tôi. Tưởng như nhờ đó mà tôi có thể quên được nàng, nhưng hoá ra lại hoàn toàn không. Bây giờ trông nàng đã già đi rõ, nàng đã trở thành một người đàn bà trung niên thô kệch và quê mùa, nhưng tôi vẫn không thể nào quên được nàng. Tôi đã từng nghĩ rằng mình thương nàng chỉ bởi vì những thứ bên ngoài của nàng, nhưng hoá ra lại hoàn toàn không phải. Giờ nàng đã hoàn toàn khác với cô gái mà tôi đã từng trông thấy trước kia, khác hoàn toàn, nhưng tôi vẫn không bao giờ thôi thương nàng. Đã hàng chục năm trời nay, dù đã trải qua rất nhiều thứ, tình thương yêu của tôi dành cho nàng vẫn không hề thay đổi, tôi vẫn không biết được tôi thương nàng vì cái gì, có lẽ chỉ đơn giản là thương, chỉ vậy thôi.

Một ngày đẹp trời tháng tư, tôi đang đi trên chuyến phà sang Vĩnh Long, phà đi chầm chậm, tưởng chừng như vô tận. Hai bên bờ, phía xa xa, xa khỏi những ngôi nhà, cỏ lau mọc um tùm. Xung quanh, những vị khách trên phà trông tiều tuỵ, xơ xác, họ khoát lên mình những bộ đồ bà ba đã nâu sờn. Trong số họ, có lẽ một số người sang bên kia buôn bán, một số khác có lẽ đi thăm họ hàng xa, nhưng điểm chung nhất của tất cả họ đó là họ đều không giống tôi. Bỗng dưng, tôi thấy mình như trở thành một con người xa lạ, một người đàn ông mặc chiếc áo sơ mi cùng với bộ quần âu kỳ dị. Nơi đây là nơi của họ, nơi thuộc về họ, còn tôi, tôi chỉ là một con người xa lạ, từ một nơi xa xôi nào đó tình cờ đi ngang qua đây. Tôi chỉ là một sinh vật hoàn toàn cá biệt trong cái quần thể này, tôi không thuộc về nơi này, và mãi mãi tôi cũng không thuộc về nơi này. Tôi không thuộc về vùng đất này, không thuộc về gia đình tôi, cũng không bao giờ thuộc về nàng, tôi khác xa tất cả họ, rất khác xa họ.

Một bà lão già nua, gầy còm hỏi tôi:

“Chào cậu, hình như cậu không phải là người ở đây, cậu định đi đâu vậy?”

Tôi quay lại, người đang nói chuyện với tôi là một bà lão, rất già, già đến nỗi tôi không biết bà đã bao nhiêu tuổi. Gương mặt bà lem luốc, nhăn nheo, những nếp nhăn sâu và dày đặc đến nỗi dường như chúng không còn chỗ để xuất hiện thêm nữa.

“Tôi đi đâu à?… Tôi đi đâu à? … À … Tôi cũng không biết nữa.”

4 Responses

  1. Anh có thể cho em hỏi, vì sao truyện ngắn này lại mang tên là Mùa đu đủ, trong khi nó lại kể về một cuộc tình, một tâm hồn được không ạ?

    1. Tên truyện được mình lấy cảm hứng từ bộ phim Mùi đu đủ xanh đó bạn 🙂
      Với lại mình thường viết truyện theo kiểu nhan đề và nội dung không ăn nhập gì với nhau hết.

      1. À ra vậy, tại em hay tò mò về mối liên kết giữa tên truyện và nội dung. Vậy cảm ơn anh.

      2. Cám ơn bạn. Trên thế giới cũng có nhiều tác phẩm có nhan đề với nội dung hoàn toàn không hề ăn nhập gì với nhau, ví dụ như Bắt trẻ đồng xanh, Giết con chim nhại, Rừng Nauy, không biết bạn đã đọc chúng chưa? Nếu chưa thì bạn thử đọc xem sao nhé, chúng rất hay và đã rất thành công 🙂
        Hy vọng bạn còn ghé blog mình thường xuyên nữa nhé 🙂

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang