Mắt biếc – Có chàng trai viết lên cây

Chuyện kể rằng có một chàng trai yêu thầm cô bạn thân từ khi còn nhỏ. Họ cùng nhau lớn lên, đi học, hái sim trên đồi. Thời gian dần trôi, họ rời bỏ làng quê nghèo, lên phố thị để tiếp tục con đường học tập. Tình yêu chàng trai dành cho cô gái vẫn không hề thay đổi, và cũng chưa bao giờ được nói ra. Chàng trai cố gắng học tập, vẫn thầm yêu cô gái da diết và cay đắng nhìn người mình thương sa ngã. Còn cô gái ấy, vì một chút nông nổi của tuổi trẻ đã khiến cô từ bỏ cả một tương lai.

Thấm thoát đã nhiều năm trôi qua, chàng trai giờ đây đã trở thành ông giáo làng. Còn cô gái, cô vẫn tiếp tục bươn chải với cuộc đời mà mình đã lựa chọn. Từ tình yêu dành cho người mẹ, ông giáo làng dành hết tình yêu ấy cho người con, như một cách để bù đắp cho những đau khổ mà cô gái ấy phải trải qua suốt bao năm tháng. Ngỡ như tình yêu thương mà chàng trai dành cho cô con gái có thể khiến chàng trai quên đi được hình bóng của người xưa, nhưng rồi chàng trai chợt nhận ra, tình yêu ấy của anh dành cho cô gái có đôi mắt biếc vẫn chưa bao giờ phai nhạt.

Mắt Biếc là một câu chuyện buồn man mát. Đọc Mắt Biếc, tôi thấy được hình ảnh của một tình yêu da diết, chân thành, và đôi khi tôi thấy mình đâu đó trong từng câu chữ. Câu chuyện tình ấy đẹp như thơ, mà cũng buồn như một bài thơ. Như ai đó đã từng bảo rằng: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.

mắt biếc

Cô gái có đôi mắt biếc, cô gái có ánh mắt đẹp nhất trên đời. Ngạn đã yêu đôi mắt ấy, yêu cả con người có đôi mắt tuyệt đẹp ấy. Để rồi khi thời gian dần trôi, đôi mắt ngày xưa đã phần nào nhạt nhòa của những khói bụi thời gian, nhưng tình yêu kia vẫn không hề phai nhạt, bởi lẽ thứ anh yêu không chỉ là đôi mắt, không chỉ là dáng hình, mà anh yêu tất cả những thứ thuộc về người đó, từ ánh mắt đến nụ cười. Đến khi Trà Long, một bản sao hoàn chỉnh của Hà Lan xuất hiện trên đời, tưởng chừng như hình bóng của người con có thể phần nào thay thế đi bóng hình của người mẹ, nhưng hóa ra điều đó trước giờ chưa từng xảy ra, vì thứ mà Ngạn yêu không phải là đôi mắt, cũng không phải là dáng hình.

Mỗi khi nhắc đến Mắt Biếc, tôi lại nghĩ đến những đồi sim, dù tôi chưa một lần được nhìn thấy đồi hoa sim bao giờ. Tôi thấy những đồi sim đang mùa trĩu quả. Hoa sim, trái sim tím cả một vùng trời. Ở đó có hai đứa trẻ, một trái một gái cùng hái sim. Chúng ăn thỏa thê, chúng nở những nụ cười, môi và răng chúng tìm ngắt màu sim chín. Tôi không chắc có phải từ Mắt Biếc mà ra hay không, nhưng hình ảnh của những đồi sim đã trở thành một biểu tượng được sử dụng rất nhiều trong thơ ca nhạc họa. Hình ảnh những đồi sim tím như một biểu tượng của một tình yêu buồn da diết. Còn màu tím cũng đã trở thành màu của sự chung thủy.

Ngày cô ấy đi theo chân mẹ cha
Chàng trai bơ vơ từ xa trong tim hụt hẫng như mất một thứ gì

Có chàng trai viết lên cây
Lời yêu thương cô gái ấy
Mối tình như gió như mây
Nhiều năm trôi qua vẫn thấy
Giống như bức tranh vẽ bằng dịu êm ngày thơ
Có khi trong tiềm thức ngỡ là mơ.

Đôi khi bạn đọc sẽ thắc mắc rằng tại sao Ngạn lại si tình như thế. Nhưng tình yêu mà, đâu ai có thể nói trước được điều gì. Người ta có thể quên người mình từng thích, ghét người mình từng yêu, nhưng một khi đã thương, thì thương người đó suốt cả cuộc đời. Dù bao giông tố đã trôi qua, dù giờ đây Hà Lan có thể sống bên Ngạn suốt quãng đời còn lại, nhưng Hà Lan đã không làm thế, vì cô cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu mà Ngạn đã dành cho mình.

Bạn có thể trách Hà Lan nông nổi, trách Ngạn quá dại khờ. Nhưng tất cả họ đều là những hình ảnh của tuổi trẻ đầy sôi nổi. Tuổi trẻ ấy có những tình yêu sâu đậm, những câu truyện trẻ trâu và cả những nông nổi khiến người ta phải ân hận suốt cả cuộc đời. Như bà của Ngạn từng nói, người có đôi mắt đẹp như thế sẽ có một cuộc đời bất hạnh. Tôi thấy thương Hà Lan hơn là trách. Tôi thấy ngưỡng mộ cho tình yêu của Ngạn hơn là chê cười. Dù bồng bột, dù có một chút ngu muội, nhưng ít ra Ngạn đã sống hết mình cho tình yêu ấy. Mà tình yêu thì đâu ai nói được điều gì.

Thả hồn theo Mắt Biếc là ta thả hồn vào một câu chuyện tình buồn man mát. Không mang quá nhiều tính nghệ thuật, cũng không có qua nhiều điểm nhấn. Xuyên suốt tiểu thuyết là một câu chuyện rất bình dị diễn ra xung quanh những con người cũng rất bình thường. Ta thấy yêu thương, dối trá, nông nổi, bồng bột. Ta thấy được những giai đoạn của một con người, từ tuổi thơ phá phách cho đến tuổi trẻ bồng bột, rồi cuối cùng là một tuổi già của sự trưởng thành.

Nguyễn Nhật Ánh là cây bút dành cho lứa tuổi mới lớn. Cho nên các tác phẩm của ông phần lớn đều viết về lứa tuổi này, về tình yêu, về những bỡ ngỡ trong cuộc sống. Không quá ồn ào mà cũng không quá khó hiểu, Mắt Biếc tạo nên cái hay của nó cũng từ những thứ đơn giản như thế. Dù đã già hay vẫn còn trẻ, khi đọc Mắt Biếc, ta đều thấy hình ảnh của chính mình trong đó, ta thấy được những hình ảnh phá phách của tuổi học trò, thấy được những sự bồng bột của tuổi trẻ, và đôi khi ta nhớ đến mối tình thầm kín đã chôn giấu bấy lâu nay.

One Response

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang