Lý tưởng của thể chế Cộng Sản

Như tên gọi của nó, lý tưởng cơ bản nhất của chế độ Cộng Sản chính là tất cả mọi thứ đều là của chung, tài sản, của cải, sức lao động, tất cả đều thuộc quyền sở hữu của chung tất cả mọi người, hoàn toàn không có bất kỳ một sự tư hữu nào xuất hiện. Từ “Cộng” (共) dịch theo nghĩa Hán – Việt trong trường hợp này có nghĩa là “cùng”, “chung”. Từ “Sản” (产) theo nghĩa Hán – Việt trong trường hợp này có nghĩa là “của cải”, “sản phẩm”. Từ “Cộng Sản” có thể tạm hiểu là mọi của cải, sản phẩm đều là của chung, không thuộc sở hữu của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.

Chủ nghĩa Cộng Sản hay chế độ Cộng Sản hay thể chế Cộng Sản được đặt những nền móng đầu tiên bởi hai nhà triết học người Đức là Karl Marx (Các Mác) và Friedrich Engels (Ăng Ghen). Sau này được hoàn thiện đầy đủ bởi Vladimir Ilyich Lenin (Lê-nin) và được sử dụng làm hệ tư tưởng trong thời kỳ Liên Xô. Tại Việt Nam, hệ tư tưởng Cộng Sản được sửa đổi và hoàn thiện cho phù hợp với đặc điểm xã hội của nước ta bởi Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Cộng Sản được xem như một bước tiến tiếp theo của nhân loại, còn đối với nhiều nước trên thế giới, đây là một bước tụt lùi của xã hội và họ xem đó như một tội ác chống lại sự phát triển của loài người.

Lý tưởng của thể chế Cộng Sản

Lý tưởng cơ bản và được cho là vĩ đại nhất của chủ nghĩa Cộng Sản chính là xóa bỏ sự tư hữu, thứ khiến tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội vì người nghèo bị bóc lột, làm giàu thêm cho những kẻ đang giàu có. Khi không có sự tư hữu, mọi thứ đều trở nên công bằng và không còn bóc lột. Đích đến cuối cùng của chủ nghĩa Cộng Sản là viễn cảnh một thế giới nơi người ta làm việc theo năng lực và hưởng thụ theo nhu cầu.

Theo đó, mọi sự tư hữu và công cụ trao đổi như tiền bạc, vàng và các vật phẩm trao đổi giá trị khác đều bị xóa bỏ vì không ai có tài sản riêng để trao đổi. Người ta làm việc vì ý thức và trách nhiệm mà không được trả một đồng lương nào, đương nhiên người đó cũng sẽ được hưởng thụ mọi thứ trong cuộc sống mà không cần bỏ ra một đồng tiền nào cả. Tiền bạc sẽ biến mất trong viễn cảnh Cộng Sản.

Lấy một ví dụ đơn giản như thế này. Người nông dân làm công việc nông của họ, họ không cần phải bỏ tiền ra mua lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật. Họ bỏ ra sức lực để chăm sóc ruộng lúa của mình, còn mọi thứ khác như máy cày, máy cắt, sẽ được những người khác cấp phát miễn phí. Khi thu hoạch, toàn bộ lúa sẽ được đem đi và xay xát ra gạo, người nông dân không cần được trả tiền và cũng không cần dùng một đơn vị đo đếm nào để đánh giá công sức mà họ đã bỏ ra. Khi người nông dân này cần xây một ngôi nhà mới, những người làm công việc xây dựng sẽ xây cho người nông dân mà không đòi hỏi bất kỳ một thứ gì khác. Những người xây dựng này cũng có thể nhận lấy những thứ khác mà không cần phải trả bất kỳ thứ gì.

Nói một cách đơn giản hơn, buổi sáng bạn đi làm, bạn mua một ổ bánh mì và không cần trả tiền. Trưa bạn có thể gọi trà sữa và cũng không trả tiền. Chiều về bạn ghé chợ mua thực phẩm cũng không cần phải trả tiền. Và tất nhiên bạn làm việc cũng không cần hưởng lương. Bạn chỉ cần làm những gì mà mình có thể làm được, những người khác sẽ cung cấp cho bạn những thứ mà bạn mong muốn.

Khi tất cả mọi người đều làm theo năng lực và hưởng theo như cầu thì tự nhiên mọi thứ sẽ trở nên không có giá trị trao đổi. Sẽ không có người giàu kẻ nghèo và cũng sẽ không có luôn sự bóc lột vì vũ khí của giai cấp bóc lột sử dụng là tiền bạc nay đã không còn. Người ta vẫn thường ví von rằng với viễn cảnh của chủ nghĩa Cộng Sản, người ta sẽ chẳng thèm nhặt cục vàng rớt ngoài đường, nếu có nhặt thì người ta cũng sẽ đưa cho tiệm vàng để họ chế tạo ra những món trang sức đẹp đẽ dành cho những ai cần chúng.

Cảnh tượng mỗi nhà một mẫu ruộng cũng sẽ không còn nữa, những người nông dân sẽ cùng nhau canh tác trên mẫu ruộng chung và nông sản sẽ được phân phối cho những người làm việc ở những ngành nghề khác cần chúng. Thuở nhỏ tôi có xem một vài bộ phim hoạt hình mà nhân vật trong phim không cần phải trả tiền khi mua hàng, và họ làm việc cũng không cần lương. Đó chính là những viễn cảnh tươi đẹp của chủ nghĩa Cộng Sản mà những người đang theo đuổi nó đang hướng tới.

Những vấn đề

Lý do lớn nhất khiến những lý tưởng của chủ nghĩa Cộng Sản cho đến nay vẫn chưa bao giờ trở thành hiện thực đó là lòng tham của con người. Con người sinh ra không thánh thiện như một vài triết lý đã nói, mà thay vào đó là những đức tính xấu xa mà con người ta phải dành cả đời đẻ mài giũa nó, trong đó có sự tham lam, ích kỷ, lười biếng.

Ngay từ khi còn nhỏ, những bản tính ấy đã xuất hiện bên trong của mỗi con người. Những đứa trẻ luôn muốn mình có nhiều đồ chơi hơn những đứa trẻ khác, sẽ luôn luôn có cảnh những đứa trẻ sẽ giành đồ chơi với nhau nếu như có ít nhất hai đứa trẻ chơi cùng nhau. Còn về khía cạnh tinh thần, chúng cũng luôn muốn mình được yêu thương nhiều hơn những người khác. Sẽ không ai không muốn mình có thật nhiều tiền, có thật nhiều của cải, nằm trên cùng của xã hội.

Khi mà mọi người có thể hưởng theo nhu cầu, nhu cầu của họ khi ấy sẽ trở thành vô tận. Người ta sẽ luôn muốn mình có nhà thật to, xe thật xịn, ăn thật ngon, đi xem phim được ngồi ở hàng ghế giữa, đi xem ca nhạc được ngồi ở hàng ghế đầu. Khi có voi, người ta sẽ đòi tiên, khi có tiên rồi, người ta sẽ đòi những thứ khác nữa. Người ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy đủ cho cuộc sống của mình nếu như họ chỉ việc ước và mọi thứ đều có thật như ước muốn của họ. Ngay cả thế giới hiện tại, những người đã có tất cả trong tay thì lòng tham của họ cũng vẫn chưa bao giờ dừng lại. Người có tiền bạc sẽ muốn mình có thêm quyền lực. Người vừa có tiền vừa có quyền lực họ sẽ muốn mình được thỏa mãn về tình dục, sự danh tiếng và các thứ khác. Vì thế mà nhiều đại gia mới thích cặp kè với người mẫu mặc dù chả làm ăn được gì. Khi có được những cô người mẫu rồi thì họ lại sinh ra cái thật muốn ấu dâm. Con người sẽ không bao giờ thỏa mãn với những gì họ có, và cái “nhu cầu” ấy sẽ chẳng bao giờ được đáp ứng đủ.

Hãy tưởng tượng nếu bạn muốn gì được đó thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ ngồi văn phòng 8 tiếng một ngày rồi về nhà ăn cơm với gia đình hay bạn sẽ đi du lịch khắp nơi trên thế giới mà chẳng muốn làm gì cả? Tôi dám chắc rằng sẽ chẳng có ai muốn làm việc nếu như họ chẳng bị áp lực về việc nếu như không làm việc sẽ bị chết đói đâu. Tất cả mọi người sẽ chỉ muốn mình được hưởng thụ tất cả mọi thứ.

Thứ khiến thế giới tồn tại và phát triển cho đến nay chính là sự cạnh tranh. Ngay từ khi còn là một con tinh trùng, chúng ta cũng đã cạnh tranh nhau để được trở thành hình hài như bây giờ. Những sinh vật mạnh khỏe hơn sẽ luôn được tồn tại còn những sinh vật yếu kém hơn sẽ bị tự nhiên loại bỏ. Cây cối cũng tranh nhau vươn lên thật cao để đón được nhiều ánh sáng hơn. Trong công việc, các công ty phải cạnh tranh nhau để có thể phát triển. Họ phải phấn đấu cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Nếu họ làm không tốt, khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm của đối thủ, họ không bán được sản phẩm và sẽ bị phá sản. Những áp lực về sự tồn tại chính là thứ khiến con người ta phải luôn cạnh tranh nhau để tồn tại và phát triển. Khi không còn áp lực ấy, họ sẽ chẳng còn cạnh tranh và mọi thứ sẽ đi tụt lùi.

Khi bạn chỉ cần sản xuất ra sản phẩm và sản phẩm ấy tự khắc sẽ có người sử dụng, bạn sẽ chẳng cần phải cải tiến chất lượng của nó để làm gì. Không có một áp lực nào về tiền bạc, sự tồn vong của một công ty vì trong thế giới của thể chế Cộng Sản, tiền bạc không tồn tại. Bạn không cần phải lo đối thủ sẽ khiến công ty bạn phá sản, bạn cũng không cần cải tiến sản phẩm vì sợ sản phẩm của mình không được ai sử dụng. Tất cả mọi thứ sẽ giậm chân tại chỗ vì những lý do khiến họ phải phát triển đã không còn.

Đất nước chúng ta đã từng trải qua thời kỳ bao cấp với việc làm chung ăn chung trong mô hình hợp tác xã và phân phối sản phẩm. Ngay lập tức, mô hình này đã bộ lộ rất nhiều vấn đề không thể nào giải quyết được. Khi tất cả mọi người làm việc cho một thứ gọi là “của chung”, họ chẳng có động lực nào để làm tốt công việc đó. Nếu như người ta phải kiếm ra thật nhiều tiền để có được cuộc sống tốt hơn thì với viễn cảnh của Cộng Sản sẽ không có điều đó, vì họ vẫn sẽ hưởng được cuộc sống tốt đẹp dù có làm việc như thế nào đi nữa. Câu chuyện về một người cuốc đất khi cây cuốc chưa rơi xuống tới đất thì tiếng kẻng hết giờ làm việc vang lên thì ngay lập tức vác cuốc lên và ra về đã trở thánh sự thật trong mô hình của chung ấy. Người ta chẳng cần phải làm mọi thứ thật tốt vì cuối cùng họ cũng sẽ được hưởng y hệt như nhau. Kết quả là một nền kinh tế đi lùi khiến nhân loại đi đến tuyệt diệt.

Nguyên nhân sâu xa nhất chính là nằm ở bản chất của con người. Hầu hết con người sẽ không muốn mình công hiến hết mình cho xã hội, mà thay vào đó, họ chỉ muốn nhận được những thứ tốt nhất từ xã hội. Thật sự vẫn còn những con người muốn đóng góp hết mình cho xã hội, nhưng số lượng ấy vẫn là rất ít. Nếu như tất cả mọi người đều trở nên “thánh thiện” như vậy, thế giới sẽ phát triển đúng như cái viễn cảnh mà chế độ Cộng Sản đã vạch ra. Người ta sẽ làm việc hết lòng, nghiên cứu cải tiến sản phẩm để mang đến những sản phẩm tốt nhất cho mọi người. Ai ai cũng siêng năng vì muốn đóng góp cho xã hội và chỉ muốn nhận vừa đủ những gì mà mình cần. Một gia đình nhỏ 4 người chỉ cần một căn nhà nhỏ vừa đủ ở là đủ, họ cũng không cần phải lái xe đi làm mà chỉ cần đạp xe đến công sở. Người ta làm việc nhiệt tình và chỉ đi du lịch khi cảm thấy mệt mỏi. Nhưng đáng tiếc viễn cảnh ấy sẽ không bao giờ trở thành hiện thực vì con người không thánh thiện như vậy.

Tất cả mọi thứ đều có hai mặt của nó, có tốt và xấu, có thuận lợi và khó khăn. Chính vì có những mặt tốt mà những lý tưởng ấy có được một cộng đồng ủng hộ. Nhưng cũng chính vì có những mặt xấu chưa giải quyết được mà vẫn có những người phản đối lý tưởng ấy. Cho dù là thể chế gì, chế độ gì thì cũng luôn có những điểm tốt và điểm xấu của chế độ đó. Thứ gì tốt sẽ được tự nhiên chọn lọc, thứ gì xấu sẽ bị tự nhiên đào thải. Chế độ Cộng Sản có thật sự là một bước tiến của xã hội và viễn cảnh về một thế giới như thế có thật sự xảy ra hay không? Hãy để thời gian tự trả lời câu hỏi đó.

One Response

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang