Lolita – Không chỉ là ấu dâm

Khi nhắc đến Lolita, chắc hẳn mọi người đều nghĩ đến “ấu dâm”. Tác phẩm gây tranh cãi này đã ảnh hưởng mạnh đến nỗi thuật ngữ Lolita đã được dùng để chỉ những cô bé vị thành niên nhưng cơ thể phát triển sớm. Lolita còn được dùng để ám chỉ đến các hành vi có liên quan đến ấu dâm trong văn chương và văn nói hàng ngày. Nhưng thứ để lại ấn tượng với tôi nhiều nhất không phải là đề tài mà tác giả muốn nhắc đến, mà là những câu chữ ấy được dịch giả chuyển thể sang tiếng Việt hay đến nổi đọc chúng tôi cứ ngỡ như mình đang đọc thơ.

Đọc Lolita, tôi cứ cảm giác như mình đang đọc những vần thơ của một tập thơ thật dài. Từng câu chữ, từng từ ngữ cứ trôi qua một cách êm ái như một dòng suối trong. Dù chẳng phải là thơ, nhưng không hiểu bằng cách tài tình nào đó, dịch giả Dương Tường đã biến những con chữ tiếng Nga khó hiểu trở thành những đoạn văn vô cùng êm ả. Đọc Lolita, tôi đắm chìm, tôi xuôi theo những câu chữ ấy. Để rồi chẳng nhận ra mình đã đọc được bao nhiêu.

Lolita, ánh sáng đời tôi, ngọn lừa hạ bộ tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, đến bước thứ ba khẽ đập vào răng. Lo. Li. Ta
Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.

Đó chính là hai đoạn mở đầu của tác phẩm. Chỉ bấy nhiêu thôi đã khiến tôi đắm chìm trong những vầng thơ ấy rồi. Lolita không chỉ là tiểu thuyết đơn thuần, qua bàn tay của Dương Tường, Lolita đã trở thành một bài thơ, một bài ca khắc sâu vào lòng đọc giả.

Khác với nhiều tác phẩm viết về ấu dâm mang tính cưỡng ép khác. Lolita mang đến cho người đọc một cái nhìn đa chiều, toàn cảnh về ấu dâm mà đôi khi chúng ta lại không để ý tới.

Humbert Humbert, một giáo sư thành đạt, một con người lịch lãm trước mắt mọi người. Nhưng không ai biết được phía sau con người ấy lại là một tên bệnh hoạn, bị thôi thúc tình dục bởi những cô bé vị thành niên. Hắn dành hàng giờ hàng giờ ngồi ở công viên chỉ để ngắm nhìn những cô bé trong công viên. Hắn gọi đó là những tiểu nữ thần, những tiểu nữ thần ấy làm hắn phát điên, làm hắn rạo rực. Hắn đã từng có những mối quan hệ bệnh hoạn với những cô gái như thế.

Nhưng cái bệnh của hắn không phải là căn bệnh thông thường. Không phải cô bé nào đến độ tuổi ấy cũng đều là tiểu nữ thần của hắn. Không biết bằng tiêu chuẩn nào, bằng cách nào, rất ích cô gái là một tiểu nữ thần trong mắt hắn. Hắn đã từng quan hệ với nhiều tiểu nữ thần của hắn, có người làm hắn rạo rực, nhưng cũng có những người khiến hắn chán nản. Chỉ đến khi Lolita xuất hiện, chưa bao giờ hắn muốn chiếm đoạt tiểu nữ thần này như lúc này.

Dolores Haze, cô con gái mười hai tuổi của bà chủ nhà trọ Charlotte Haze. Cô con gái bướng bỉnh, cáu gắt và thường xuyên cãi lời mẹ. Nhưng không ai ngờ rằng đứa bé ấy lại chính là một trong hai đứa bé quằn quại bên bờ hồ mà một người bạn của Humbert đã nhìn thấy vài năm trước. Cho đến khi chiếm được Lo, chính Humbert cũng phải ngạc nhiên vì nàng.

Chúng ta thường chỉ bảo vệ con cái khỏi những hiểm họa từ bên ngoài, nhưng ít ai lại để ý quan tâm đến chúng từ bên trong. Dolores chỉ là một nhân vật hư cấu, nhưng trên thực tế, không ít những cô bé đã hư hỏng như thế từ khi còn rất nhỏ. Dolores hư hỏng và “sành sỏi” nhiều hơn những gì mà Humbert nghĩ. Cô cùng hắn chu du khắp mọi miền đất nước. Suốt một khoảng thời gian dài, mối tình tội lỗi ấy đã diễn ra với sự tự nguyện của cả hai.

Người xưa có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm” (Tạm dịch: vẽ hổ chỉ vẽ được da chứ không vẽ được xương, biết người biết mặt chứ không biết được lòng dạ). Không ai ngờ rằng một con người thành đạt và lịch lãm như Humbert lại là một kẻ mang trong mình những suy nghĩ bệnh hoạn với các cô bé vị thành niên. Còn Dolores, cũng không ai ngờ rằng một đứa con gái như vậy lại hư hỏng từ rất sớm.

Xung quanh chúng ta có rất nhiều người, tốt có, xấu có. Nhưng ít ai ngờ được rằng đôi khi những người trông có vẻ là tốt kia lại là kẻ xấu, còn những người trông bề ngoài như những kẻ xấu lại là người tốt. Đôi khi một người bạn nào đó của ta lại là Humbert, nhưng cũng đôi khi con cái chúng ta lại là một Lolita mà chúng ta lại không hề hay biết.

Được ra đời hơn 60 năm và đã được chuyển thể thành phim vào năm 1997, tiểu thuyết Lolita của nhà văn Vladimir Nabokov đã tạo nên một tiếng vang mạnh mẽ và trở thành một trong những quyển sách hay nhất mọi thời đại. Không chỉ là ấu dâm, không chỉ là câu truyện về những mảng tối của những con người trong xã hội. Qua ngòi bút của dịch giả Dương Tường, Lolita còn trở thành một bài thơ da diết hút hồn người đọc với những từ ngữ được trao chuốt một cách tinh tế.

Lolita còn trở thành nguồn tài liệu tham khảo có giá trị to lớn dành cho ngành tâm thần học. Dù có nhiều tranh cãi xung quanh tác phẩm này, nhưng Lolita đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật kinh điển, là một lời cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang