Lợi dụng lòng thương hại

Trong thời buổi truyền thông phát triển như hiện nay, đặc biệt là mạng xã hội, sẽ không khó để bắt gặp một câu chuyện theo kiểu khơi gợi lòng trắc ẩn của người xem. Những tấm gương nghèo vượt khó, những lời kêu gọi ủng hộ sản phẩm của một ai đó, hoặc một nhân vật nổi tiếng nào đó kêu gọi gây quỹ từ thiện từ cộng đồng. Tất nhiên phần lớn những câu chuyện ấy đều là sự thật và cần sự giú đỡ của cộng đồng khi nhà nước không thực hiện được điều đó, nhưng cũng có không ít những câu chuyện được bịa đặt ra bởi chính họ hoặc những người đứng đằng sau nhằm nhiều mục đích khác nhau.

Có một lần khi xem bình luận trên một video của Lộc Fuho, tôi thấy một bình luận đại ý rằng nên xem những kênh mà người dùng ấy đã liệt kê ra để ủng hộ những người đó vì họ có hoàn cảnh khó khăn. Trong danh sách ấy có một cái tên (mà tôi cũng không nhớ) được nhiều người quan tâm hơn với hoàn cảnh “gà trống nuôi con”. Và hầu hết những kênh như thế đều không mang lại nội dung có giá trị cho người xem. Có thể có những người hoàn cảnh gia đình khó khăn thật nhưng cũng không thiếu những nhân vật được thêu dệt bằng truyền thông và mạng xã hội nhằm mục đích trục lợi cho những người đứng đằng sau họ.

Còn nhớ một thời gian trước khi phong trào người già làm video nở rộ như nấm mọc sau mưa, hàng loạt các kênh theo kiểu ông A bà B Vlog được lập ra và thu hút được rất nhiều lượt xem cũng như lượt đăng ký kênh vì sự tò mò và phong trào của giới trẻ. Đặc điểm chung của hầu hết các kênh ấy là những cụ già được lên hình một cách gượng gạo, giống như học thuộc lòng hơn là họ chủ động làm điều đó. Lý giải cho điều này cũng khá đơn giản. Một số cụ già sản xuất video trên Youtube vì được con cháu hướng dẫn, họ muốn cha mẹ hoặc ông bà mình có một thứ gì đó vui vui để làm mà còn kiếm thêm thu nhập, đôi khi còn thoát khỏi cảnh làm lụng cực khổ. Đó là một lý do chính đáng và mọi người nên ủng hộ các cụ. Nhưng cũng có không ít những kênh được lập ra và dàn dựng bởi một lực lượng ekip đứng đằng sau, và liệu các cụ có được trả công xứng đáng với công sức của mình hay không thì vẫn là một câu hỏi chưa được trả lời.

Trở lại với câu chuyện về lòng thương hại. Không chỉ trong thời buổi bùng nổ truyền thông như bây giờ, mà từ trước đến nay vẫn có nhiều người lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi cho mình. Không ít những người giả dạng tật nguyền để đi ăn xin, nhiều người vì tưởng là thật mà bị lợi dụng. Còn những người tật nguyền thật đôi khi vì bị cái vạ của những kẻ giả mạo mà trở thành người xấu trong mắt một số người. Hay dễ thấy hơn là những đứa trẻ mặc quần áo rách rưới bán vé số, hàng rong hoặc xin ăn trong cách khu vực đông người. Chẳng ai biết rằng sau khi “hành nghề” xong ở khu vực ấy, đã có người trực sẵn cách đó không xa để đưa các em đến khu vực khác tiếp tục “hành nghề”. Tàn nhẫn hơn, nhiều người sử dụng trẻ sơ sinh, cố tình bỏ đói chúng hoặc để chúng bị bệnh để xin những đồng tiền xót thương từ những người hảo tâm. Hay hài hước hơn là những nhà sư ban ngày khất thực ban đêm đi bia ôm. Những câu chuyện giả mạo để cầu xin lòng thương hại người khác đời nào cũng có, nó khiến người ta phải e dè hơn và càng khó phân biệt hơn giữa hảo tâm và bị lợi dụng, giữa vô cảm và cứng rắn với kẻ xấu.

Khi mà dân trí thấp và dễ bị dẫn dắt bởi truyền thông, người ta lại dễ dàng tin những câu chuyện được phát tán trên mạng xã hội hơn bao giờ hết dù họ chưa được mắt thấy tai nghe. Chỉ cần một bức ảnh được dàn dựng hoặc chụp ngẫu hứng trên đường, họ có thể tạo ra rất nhiều câu chuyện cảm động và thu hút được sự quan tâm của hàng nghìn người. Đôi khi nó chỉ là hành động giật tít câu like trên mạng xã hội. Nhưng cũng có một số người lợi dụng nó để trục lợi cho bản thân. Có thể dễ thấy nhất là những chia sẻ về một quán ăn nào đó, vài người kêu gọi đến ủng hộ ông/bà chủ quán đó vì hoàn cảnh của họ khó khăn như thế này thế kia. Có những câu chuyện là sự thật, nhưng cũng có những câu chuyện là bịa ra để họ bán được nhiều hàng hóa hơn.

Một bức ảnh cảm động được tôi tình cờ chụp lại trong một ngày mưa

Một số người khác lại lợi dụng yếu tố “từ thiện” nhằm thu hút sự chú ý của truyền thông. Một cô người mẫu rêu rao bán đấu giá một vài tài sản của mình và hứa sẽ dùng số tiền đó cho từ thiện. Nhưng bán xong rồi thì chả ai thấy cô ấy làm từ thiện như thế nào. Hay một người dẫn chương trình nào đó lợi dụng việc tiền từ thiện bị bỏ túi riêng của rất nhiều tổ chức hiện nay, anh ta rêu rao rằng mình sẽ minh bạch toàn bộ mọi thứ và ngay lập tức nhận được hàng chục tỷ từ cộng đồng trong và ngoài nước. Thế rồi một thời gian dài sau đó lại có tin đồn rằng anh ta dùng số tiền còn dư để trả góp cho chiếc xe mà anh ta đã mua trước đó (trước khi kêu gọi quyên góp tiền). Liệu người dẫn chương trình này có biển thủ tiền từ thiện hay lợi dụng chúng để đánh bóng tên tuổi hay cả hai, cũng rất khó để có câu trả lời.

Khi lòng thương hại trở nên hời hợt

Lòng thương hại là một điều tốt, nhưng thương hại một cách hời hợt thì lại đem lại hiệu quả ngược. Lòng thương hại hời hợt đã vô tình tiếp tay cho những kẻ lợi dụng lòng thương hại của người khác để trục lợi cho chính mình. Không những thế, việc kêu gọi và lan tỏa những câu chuyện ấy cũng vô tình biến bạn trở thành thủ phạm tiếp tay cho bọn lừa đảo.

Cũng đôi khi lòng thương hại là đúng đắn, nhưng nó lại trở thành cái hại cho chính những người đang được họ thương hại. Còn nhớ hơn một năm trước, thương hiệu Cua Dì Ba bỗng trở nên nổi tiếng chỉ trong một thời gian ngắn. Người ta tranh nhau mua của của Dì Ba, giúp dì bán được nhiều cua nhất từ trước đến giờ. Nhưng chính sự tò mò và “ủng hộ” một cách hời hợt của các bạn lại khiến Dì Ba gặp nhiều thị phi hơn bao giờ hết. Ác hơn, không biết ai đó đã xúi dại Dì Ba nâng cấp hàng cua của mình để rồi sau khi đầu tư tủ kính và chỗ ngồi đàng hoàng, cua của Dì Ba lại trở về như lúc chưa nổi tiếng. Bỏ qua những ồn ào của Dì Ba là có thật hay không, điều chúng ta thấy rõ nhất chính là những hậu quả mà sự hời hợt của các bạn đã đem lại.

Không ai dạy người giàu cách tiêu tiền, cũng không ai có tư cách để dạy người khác phải làm từ thiện sao cho đúng. Có những người trông hoàn cảnh của họ thật đáng thương nhưng thật ra chỉ là giả mạo, lại có những người trông rất khó tin nhưng họ có hoàn cảnh đáng thương thật. Tiền thì bao nhiêu tiêu cũng hết. Sự thương hại của bạn có thể khiến họ no bụng ngày hôm nay, nhưng chưa chắc ngày hôm sau họ lại có người khác thương hại tiếp. Nếu thật sự muốn tốt cho họ, hãy cho họ cây cần câu thay vì cho họ một con cá. Một công việc có thể nuôi sống họ mới là thứ cần thiết hơn bất kỳ tiền bạc hay sự ủng hộ nào từ những nhà hảo tâm. Nên có những tổ chức từ thiện quan tâm hơn tới việc tạo công ăn việc làm cho người nghèo và người tàn tật hơn là cho họ tiền bạc hay kêu gọi mọi người ủng hộ công việc của họ. Người không có sức khỏe thì có tìm cho họ những công việc nhẹ nhàng, người tàn tật thì có thể tìm cho họ công việc thêu thùa hay viết lách, chơi nhạc cụ,..

Thứ gì mà làm quá thì cũng không tốt. Việc cứ suốt ngày kêu gọi phải ủng hộ cho một ai đó có hoàn cảnh khó khăn đôi khi lại gây ra phản ứng ngược đối với cộng đồng. Họ sẽ thấy nhân vật ấy chỉ biết kêu ca cầu xin lòng thương hại của người khác thay vì cố gắng nỗ lực phấn đấu bằng chính bản thân mình. Tôi dám chắc những người ấy cũng sẽ không vui khi họ bị chính các bạn đã vẽ họ thành một người như thế. Và cũng chẳng ai thích thú việc mình bán được hàng hay được cho tiền bạc vật chất chỉ vì lòng thương hại từ người khác, ngoại trừ những kẻ chỉ biết ăn bám xã hội. Nói ra đây không phải để các bạn có cái nghĩ xấu với những người có hoàn cảnh khó khăn, mà để các bạn có một lối suy nghĩ chính chắn hơn khi quyết định giúp đỡ một ai đó hoặc đơn giản hơn là tiếp nhận một thông tin nào đó có sức ảnh hưởng đến cộng đồng. Lòng trắc ẩn là một thứ cần phải có của một con người, nhưng cái gì cũng phải biết sử dụng một cách cẩn thận, nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho kẻ xấu mà không hề hay biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang