Làm thế nào để trở thành một người sếp tốt

Người ta nói muốn người khác hiểu mình thì mình phải hiểu người khác trước đã. Bạn muốn nhân viên trung thành, tận tụy và nhiệt tình với mình thì bạn phải đặt mình vào vị trí của họ, phải hiểu suy nghĩ, cảm giác và mong muốn của họ, như vậy thì họ mới cống hiến nhiệt tình cho bạn, còn nếu không, bạn sẽ chỉ nhận lại được một thái độ làm việc thờ ơ, xã giao và đôi khi là dối trá. Họ sẽ nhanh chóng rời khỏi bạn, thậm chí còn khuyên những người khác đừng bao giờ làm việc với bạn. Vậy thì làm sao để không trở thành một người sếp hãm lờ, làm sao để khi nhân viên rời đi rồi nhưng họ vẫn có ấn tượng tốt với bạn và sẵn sàng quay lại? Bài viết này dành cho những ai đã, đang và sẽ trở thành cấp trên hay ông chủ của ai đó, và xin thứ lỗi nếu trong bài viết có những điều làm bạn chột dạ.

Đừng có xạo lờ với nhân viên của bạn

Điều đầu tiên, bạn nên nhớ rằng nhân viên của bạn biết nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Vì họ cũng là con người, cũng va chạm và cũng có đầu óc như bao nhiêu con người khác. Nếu bạn nghĩ rằng nhân viên của bạn là một thằng/con đần thì người đần độn chính là bạn đấy. Khi làm việc cho bạn, họ hiểu rõ tình hình công ty/doanh nghiệp của bạn như thế nào. Họ biết rõ doanh thu, lợi nhuận, khách hàng và biết bao nhiêu điều khác nữa. Thậm chí họ biết rõ nó từ khi chưa vào làm việc cho bạn. Lại thêm một cái thậm chí nữa, đó là có những người còn thông minh hơn cả bạn, còn tài giỏi hơn cả bạn. Nên đừng dối trá với họ. Đừng nói dối là bạn đang có rất nhiều khách hàng, đừng nói dối về mức lương mà họ nhận được, đừng nói dối về độ nặng nhọc của công việc. Nói chung là đừng có xạo lờ về bất cứ thứ gì với họ vì họ biết rõ tình hình công ty của bạn như thế nào, chỉ có bạn là không biết về họ thôi.

Nếu bạn vẫn nói dối về những khách hàng tiềm năng, vẫn nói dối về mức lương khủng, vẫn dối trá về thái độ của bạn với họ thì những gì bạn nhận được cũng chỉ là những sự dối trá của họ dành cho bạn mà thôi. Họ vẫn sẽ giả vờ như chẳng biết gì, vẫn làm việc cho bạn nhưng bên trong thì họ đã chán ngấy công ty của bạn rồi, rồi không bao lâu nữa họ cũng sẽ rời bỏ bạn và chẳng bao giờ trở lại nữa. Cứ thành thật với họ, nói rõ về tình hình công ty, nói rõ về vai trò và công việc của họ. Tất nhiên với việc thành thật như vậy thì sẽ khó tìm được nhân viên hơn, nhưng đổi lại, bạn sẽ nhận lại được những con người nhiệt thành với bạn. Và nên nhớ rằng bạn phải trả công thật xứng đáng đối với họ.

Hãy cung cấp những gì họ cần có để làm việc

Bạn là chủ một quán cà phê nhưng bạn bắt nhân viên của bạn phải tự mua lấy hai bộ áo sơ mi trắng, quần âu đen, và cả đôi giày có giá trị hàng triệu đồng. Bạn là giám đốc của một công ty, nhưng nhân viên của bạn phải tự đem laptop nhà tới để làm việc, phải tự dùng điện thoại cá nhân của mình mặc dù bạn có tài trợ tiền điện thoại cho họ. Đừng bao giờ làm vậy, những gì của họ là của họ, đừng bắt họ phải dùng tài sản của cá nhân mình để phục vụ cho công việc, bao gồm tài sản vật chất và cả thời gian của họ. Một nhân viên phục vụ phải tự sắm những bộ đồ lịch sự ấy để rồi họ phải làm việc đến tận mấy tháng trời mới gỡ lại vốn, bạn sẽ hiểu cái cảm giác khó chịu thế nào khi phải tự xách laptop cá nhân đến công ty. Làm ơn, hãy cung cấp cho họ những gì cần thiết để họ có thể làm việc. Nếu phải mặc đồng phục thì hãy cấp cho họ ít nhất là hai bộ, và phải có ít nhất là một bộ mới mỗi năm. Cơ sở vật chất như máy tính, điện thoại, giấy viết phải có sẵn. Người ta đi làm cho bạn mà bắt người ta phải tự đầu tư cả mấy triệu đồng thì chẳng ai thèm làm việc cho bạn nữa đâu.

Đừng yêu cầu họ phải làm những việc không thuộc công việc của họ

Nhiều người buồn cười lắm. Nhân viên phải tự quét dọn, lau chùi, sục bồn cầu khi đi làm. Rồi còn nhờ vả họ mấy chuyện giấy tờ, nhận hàng, đón khách các kiểu này nọ. Xàm lờ. Mấy chuyện như quét dọn vệ sinh, sục bồn cầu thì hãy thuê tạp vụ để họ làm, giấy tờ thì hãy thuê nhân viên văn thư hoặc thư ký, còn mấy chuyện cá nhân của bạn thì bạn tự mà làm lấy, cái quần què gì cũng kêu họ làm thì bạn đúng là một ông/bà sếp hãm lờ.

Hãy tôn trọng thời gian của nhau

Họ chỉ là nhân viên của bạn khi đang trong giờ làm việc, còn ngoài giờ đó ra, đừng có làm phiền họ. Người ta còn gia đình, bạn bè và các mối quan hệ riêng của người ta. Sau giờ làm việc rồi thì người ta dành thời gian cho gia đình, giải trí, nghỉ ngơi. Đừng có cái kiểu 12 giờ đêm gọi điện bảo họ làm cái này cái kia vì khách hàng cần gấp. Đừng để sự hãm lờ của khách hàng khiến bạn cũng hãm lờ theo họ. Thậm chí cũng không nên rủ họ đi cà phê hay đi nhậu nhẹt sau giờ làm vì chưa chắc họ muốn đi với bạn đâu.

Cho người ta thở nữa chứ

Một ngày làm việc có 8 tiếng không có nghĩa làm suốt 8 tiếng đó họ phải làm việc liên tục. Người chứ có phải máy đâu, phải cho người ta thở nữa chứ. Cứ dồn một đống công việc, chất chồng thành núi rồi bảo người ta làm ngay, cái nào cũng gấp, cái nào cũng quan trọng. Nhiều việc quá thì hãy thuê thêm người, kẻo bạn mất luôn những người đang làm việc cho bạn nữa đấy. Họ đi trễ một chút hay về sớm một chút cũng không phải là vấn đề, hãy cho họ cảm thấy thoải mái khi làm việc, nếu thái độ làm việc của họ như lờ thì cứ để họ tự cảm thấy hổ thẹn. Còn cái thứ nhân viên mà làm việc không ra gì thì cứ đuổi cổ, thứ đó không đáng để bạn trả lương để rồi nó cứ sáng vào chiều về cuối tháng có lương. Bạn cho họ sự thoải mái thì họ tự cảm thấy trách nhiệm của mình, thế thôi.

Trước khi trở thành doanh nhân, chúng ta đều là những người thợ làm bánh

Đây là câu nói hay nhất trong bộ phim Vua Bánh Mì mà tôi đã xem rất nhiều năm về trước. Bạn phải thật sự hiểu công việc mà bạn làm. Doanh nhân người ta chỉ giỏi kinh doanh, giỏi quản lý, điều này là đúng, nhưng bạn cũng phải biết về cái công việc mà bạn kinh doanh, cái thứ mà bạn đang quản lý. Bạn làm giám đốc hay trưởng phòng của một công ty thiết kế mà bạn không biết thế nào là đẹp, thế nào là xấu thì thôi rồi. Có mấy cái clip vui trên mạng nói là: “em sửa chỗ này cho chị, em sửa chỗ kia cho chị”, đến vài ngày sau lại bảo: “còn giữ bản đầu tiên không em? Lấy bản đầu tiên đi”, hay kiê như: “em làm cho anh một trang y như Lazada nhé, 2 tuần là xong nhe em, anh thưởng 500K nhé”. Bạn là chủ tiệm bánh mì mà bạn không biết các công đoạn làm ra ổ bánh mì như thế nào thì nhân viên của bạn chẳng bao giờ làm ra được những ổ bánh mì ngon đâu, bạn lại còn có cơ hội bị cắt xén nguyên liệu nữa. Bạn yêu cầu nhân viên sửa thứ từ đẹp thành xấu, từ hợp lý thành vô lý, thì bạn có biết họ nghĩ gì khi làm theo yêu cầu của bạn không? “Đm! Đm, cái ĐKM”. Là vậy đó. Đừng có yêu cầu người ta như đúng rồi trong khi bạn chả biết cái tẹo gì về việc đó. Nhiều người buồn cười lắm, kiểu như xây xong cái nhà lại yêu cầu cho ống nước với dây điện âm tường đi em, “âm bằng niềm tin à?”. “Nói chuyện như đúng rồi vậy má”.

Hãy trả công xứng đáng cho họ

Nhiều người Việt mình hay ảo tưởng về giá trị lắm, bán ra sản phẩm thì giá trên trời mà trả lương cho nhân viên thì giá rẻ mạt. Có những người người ta làm việc đến nỗi họ gần như là trụ cột của công ty, mà bạn lại trả lương cho họ y chang như những đứa mới vào làm. Sớm muộn gì người ta cũng bỏ bạn mà sang công ty đối thủ thôi. Việc nhiều lương nhiều, việc ít lương ít, tài giỏi thì lương cao, trách nhiệm ít thì lương ít. Bạn cứ cào bằng như vậy thì những người quan trọng sẽ chán ngấy bạn và chẳng bao lâu sẽ rời bỏ bạn thôi, còn những kẻ dựa hơi chùa ăn cơm cúng thì cứ hưởng lương đều đều, bạn bị mất một số tiền lớn hàng tháng mà chả thu lại được gì.

Còn chuyện trả lương, làm ơn, người ta cũng là con người, người ta cũng cần phải ăn để sống chứ. Tới hạn thì phải trả lương, đừng có giam lương người ta cả tháng trời, đừng có kiếm chuyện trừ lương này nọ, số tiền đó đối với bạn chẳng bao nhiêu nhưng bạn lại đang đánh mất niềm tin của họ dành cho bạn. Hãy trả lương xứng đáng và đúng hẹn, kèm theo tiền thưởng tương ứng với những gì mà họ làm. Có tiền thì ai cũng vui lên ngay. Nếu có thể, đừng trừ lương khi họ xin nghỉ nửa buổi hay một ngày, dễ thương xíu đi. Tất nhiên cũng không nên dễ dãi quá để nhân viên nó leo lên đầu lên cổ.

Kiểm soát tốt khoảng cách giữa bạn và họ

Bạn không phải là ông thầy giám thị của mấy đứa học sinh, cũng không nên là đứa bạn trẻ trâu trong mắt nhân viên của bạn. Phải kiểm soát thật tốt mối quan hệ giữa bạn và họ. Đừng nghĩ mình là ông vua kêu gì thì cấp dưới vâng dạ với bạn, chẳng nói chuyện với họ câu nào, đừng để họ xem bạn như một cái máy in, in ra những mệnh lệnh một cách vô tri. Nhưng cũng đừng trở thành một người chẳng ra gì trong mắt họ, đừng để họ xem bạn như một thằng dở hơi để rồi họ chẳng tôn trọng lời nói của bạn. Phải giữ một mối quan hệ thân thiện với cấp dưới, nhưng họ vẫn tôn trọng mình, vẫn xem mình là sếp của họ. Có gì khó khăn đâu, cứ nói chuyện, chia sẻ về những chuyện thường ngày trong cuộc sống là gần gũi nhau thôi. Còn việc để họ vẫn coi ta là cấp trên của họ, chỉ cần giữ hình tượng là được rồi. Nói thì nói vậy thôi chứ nó cũng cần một chút năng khiếu bẩm sinh thì mới làm được.

Túm cái ống quần lại thì bạn phải hiểu rằng, không ai mà làm việc hơn 5 năm với mức lương là 4 – 5 triệu một tháng cả, muốn họ làm việc lâu dài thì bạn phải thấu hiểu họ, vì chỉ khi thẩu hiểu họ, ta mới có thể cho họ cảm giác thoải mái khi làm việc. Mà muốn thấu hiểu họ thì bạn phải đặt mình vào trường hợp của họ, phải trở thành họ thì mới hiểu được. Có thể bạn sẽ thu được lợi nhuận ít hơn khi làm những điều trên, nhưng thứ mà bạn nhận lại được là sự trung thành và tận tụy của những người đang “làm thuê” cho bạn. Bạn sẽ chẳng bao giờ có được những người nhân viên tốt nếu bạn không phải là một người sếp tốt, bạn sẽ không bao giờ trở thành một người sếp tốt nếu bạn không hiểu được cảm giác khi là một người nhân viên là như thế nào. Vậy thôi.

Còn riêng tôi, bây giờ tôi chả muốn làm chủ ai cả, vì cái ý tưởng mở một công ty của tôi đã sụp đổ một cách hoàn toàn rồi, một hôm nào đó sẽ nói về chuyện này sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang