Khởi nghiệp không phải chỉ có tinh thần là đủ

Chưa bao giờ cụm từ khỏi nghiệp lại được nhắc đến nhiều như những năm gần đây. Khởi nghiệp vốn dĩ đã có từ hàng nghìn năm nay, nó phổ biến đến nỗi ông bà ta đã có câu “khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng” để nói về những người khởi nghiệp thành công với rất ít vốn ban đầu. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, cụm từ khởi nghiệp lại bắt đầu được marketing rầm rộ, được ví von bằng một cụm từ mới hay ho hơn là “startup” mặc dù nhiều người còn chưa biết startup khác với khởi nghiệp như thế nào.

Trên báo đài và các phương tiện truyền thông đại chúng chúng ta đều nghe nhan nhản đến cụm từ “khởi nghiệp” hay “startup”. Về mặt tích cực, nó đem lại một tinh thần mạnh mẽ cho những bạn trẻ dám nghĩ dám làm. Việc khởi nghiệp trở thành một phong trào được mọi người ủng hộ giúp cho những ý tưởng dễ trở thành hiện thực hơn, điều mà trước kia vẫn còn nhiều người không dám vì lo sợ sợ sẽ thất bại. Các nhà đầu tư cũng bắt đầu mở rộng hầu bao hơn với các dự án mới của những bạn trẻ, điều mà phần lớn các nhà đầu tư trước kia thường không tin tưởng vào những ý tưởng mới, nhiều người chỉ muốn khoản đầu tư của mình an toàn với những thứ đã cũ nhưng chắc chắn.

Xét về phương diện tích cực thì có nhiều, nhưng tiêu cực cũng không phải không có. Việc tuyên truyền khởi nghiệp một cách hời hợt và thiếu chiều sâu đã dẫn đến những hệ lụy vô cùng tai hại cho các bạn trẻ mà rất ít người trong chúng ta để ý nhận ra. Không những thế, nhiều cá nhân và tổ chức khác lợi dụng phong trào này để trục lợi cho mình bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có lừa đảo.

Gieo rắc sự ảo tưởng trong giới trẻ

Có một điều khá chắc chắn, rằng trong thời buổi hiện nay, nếu bạn dưới 25 tuổi thì trong tất cả các mối quan hệ của bạn từ bạn bè cho đến xã giao sẽ có ít nhất một kẻ được mệnh danh là “ảo tưởng sức mạnh”. Nếu may mắn hơn, bạn sẽ gặp thêm một kẻ thường nói về những câu nói của những ông doanh nhân nào đó, những câu đại loại như “Thất bại thực sự là khi bạn dừng tiến về phía trước”. Và những thanh niên này xem những câu nói đó như là châm ngôn sống của mình. Đôi khi họ còn in hình ảnh những nhan vật ấy và những câu nói ấy để dán lên tường, cài làm hình nền điện thoại, máy tính.

Tao đéo nói câu đó

Joker, Isaac Newton và 69 nhân vật khác

Một phần đông giới trẻ hiện nay đang đắm chìm trong cái tinh thần khởi nghiệp được tạo ra bởi những nhân vật và những đơn vị truyền thông. Họ chỉ tiếp thu chúng với tư cách là tiếp thu một tinh thần tự tinh dám nghĩ dám làm chứ không thiếp thu chúng với một cái nhìn đa chiều hơn. Họ chỉ biết “khơi dậy con quái thú trong người” mà họ không biết những kiến thức cần cho thứ mình đang làm như cá cần phải có nước, hổ cần phải có thịt. Để rồi họ vô tình trở thành một kẻ ảo tưởng, luôn tin tưởng vào hy vọng và sự thành công một cách mù quáng.

Nếu trở thành một kẻ giỏi ba hoa về những câu nói và một tinh thần không bao giờ tắt còn đỡ, nhiều người đã bắt tay vào “khởi nghiệp” mà không có một kiến thức nào khác ngoài một “tinh thần thép”. Kết quả dẫn đến thất bại thảm hại, nợ nần ngập đầu.

Chỉ kêu gọi hành động mà không chỉ cách hành động

Các phương tiện truyền thông vẫn luôn nhan nhản các thông tin về khởi nghiệp. Nào là những tấm gương thành công, nào là những starup công nghệ trẻ. Lâu lâu lại thấy xuất hiện trên một nhân vật nào đó trên truyền hình chém gió ba hoa kiểu như “tôi đã liều như thế này”, “tôi đã bắt đầu với một chiếc laptop trong phòng trọ như thế kia”. Đọc các thông tin ấy, xem những chương trình ấy, chúng ta chỉ thấy có một điều duy nhất đó là “hãy làm, làm đi”. Không ai chỉ cho bạn cách “làm như thế nào, làm ra sao” cả.

Cũng giống như thẻ loại sách tự hoàn thiện bản thân, những lời nói “tích cực” ấy chỉ kêu gọi hành động (theo quan điểm riêng của tôi thì đó là xúi giục) chứ không chỉ cho người khác phải hành động ra sao, hành động như thế nào mới mang lại hiệu quả. Giống như họ bảo rằng bạn muốn có cá thì phải mua cây cần câu và mồi câu. Không ai chỉ cho bạn làm thế nào để tìm được địa điểm có nhiều cá, không ai dạy bạn mồi câu gì cá sẽ thích ăn hơn. Họ chỉ đơn giản kêu gọi bạn “làm đi, làm ngay đi” mà thôi.

Sẽ có không ít người bảo rằng “tôi làm chủ, công việc chính của tôi là quản lý, tôi chỉ giỏi quản lý là được”. Vậy thì để tôi lấy một ví dụ cho bạn xem thử bạn có thật sự hiểu rõ việc quản lý của mình chưa nhé. Bạn mở một lò bánh mì, bạn mua những máy móc hiện đại nhất, bạn thuê được những nhân công giỏi nhất, vậy là công việc của bạn chỉ là quản lý các con số, số lượng nguyên liệu nhập về, số lượng thành phẩm bán ra, tiền bạc cho các khoản chi thu và lương bổng nhân viên.

Vậy thì bạn đã bao giờ nghĩ đến việc đối tác của bạn bán cho bạn loại bột kém chất lượng hơn trước? Đã bao giờ bạn nghĩ rằng nhân viên của bạn sẽ lên men bánh không đúng cách, khiến sản phẩm làm ra không được ngon? Đã bao giờ bạn nghĩ rằng một số người sẽ bòn rút nguyên liệu và sản phẩm làm ra? Thế đấy, tôi dám cá rằng những người đang kêu gọi bạn khởi nghiệp kia chẳng ai dạy bạn làm thế nào để quản lý hiệu quả nguồn nhân lực, làm thế nào để quản lý tốt công nợ đâu, chưa bàn đến các vấn đề kỹ thuật mà bạn sẽ gặp phải. Họ sẽ chỉ kêu gọi bạn rằng: bán bánh mì rất có tiềm năng, chiếc bánh hamburger của McDonald’s đã nổi tiếng khắp thế giới kìa, mà chảng ai cho bạn biết những thứ cần phải biết khi muốn làm bánh mì như công thức làm bánh, nghiên cứu thị trường và các vấn đề khác cần phải đối mặt.

Các khóa học

Nếu bạn chịu để ý một chút, bạn sẽ thấy công thức chung của những người truyền cảm hứng ấy là: đưa ra những tấm gương thành công, truyền động lực, và bán các khóa học hoặc sách. Khi bạn thấy một nhân vật “truyền cảm hứng” nào đó nổi tiếng, bạn thấy họ rất thành công, và khi bạn thấy họ có một khóa học nào đó hoặc cho ra mắt một quyển sách nào đó, tỷ lệ rất cao bạn sẽ mua khóa học hoặc quyển sách đó để học được sự thành công từ người đó. Yeah! Thành công rồi. Nhưng người thành công là họ chứ không phải bạn, họ đã dụ bạn mua các khóa học hoặc sách của họ.

Ở Việt Nam có một ông tiến sĩ tên gì gì đó mà chắc ai cũng một lần nghe thấy rồi. Ông ấy nổi tiếng với những câu nói hay, với những “lời khuyên bổ ích”. Cuối cùng mục đích của ông ấy cũng chỉ là bán những “khóa học làm giàu” cho những bạn trẻ đã được ông ấy truyền cho một ngọn lửa hy vọng không thể nào giập tắt được. Học xong giàu đâu chưa thấy, chỉ thấy bạn đã đã tiêu một số tiền không nhỏ để đóng cho khóa học ấy rồi. Nếu như chỉ cần bỏ khoảng vài triệu là có thể làm giàu thì hà cớ gì người ta phải học đại học, phải du học ở những nước phát triển làm gì. Có một câu hỏi vô cùng đơn giản nhưng lại không có ai đặt ra:

Nếu có thể làm giàu, kiếm ra hàng tỷ mỗi tháng, tại sao họ không làm giàu từ công thức của họ mà lại dạy cho bạn để rồi họ thu được chỉ vài trăm triệu mỗi tháng?

Ồ, chắc vì họ cao thượng quá đó mà 🙂

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao các doanh nhân thành đạt lại bỏ ra thời gian trong chương trình Shark Tank không? Nếu không phải để mọi người biết đến để rồi bán được nhiều sản phẩm hơn thì họ sẽ không bỏ thời gian ra để tham gia chương trình làm gì. Các khóa học, các quyển sách và cả những câu chuyện về khởi nghiệp cũng chỉ đều vẽ ra miếng bánh thành công mà chẳng bao giờ dạy cho bạn thật sự cần phải làm gì mới có thể thành công được.

Muốn khởi nghiệp không phải chỉ có tinh thần là đủ

Ai mà chẳng muốn mình làm giàu, ai mà chẳng muốn trở thành ông chủ bà chủ, thoát khỏi cảnh làm thuê với đồng lương bèo bọt. Nhưng câu chuyện thành công lại không đơn giản là chỉ tưởng tượng và có một ý chí là được. Theo thống kê gần đây nhất, mỗi ngày có hơn 370 doanh nghiệp mới ra đời, nhưng con số còn trụ lại được lại rất nhỏ. Điều đó cho thấy hầu hết những người hiện đang khởi nghiệp vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết trước khi thực hiện, dẫn đến thất bại.

Muốn khởi nghiệp, không phải chỉ có một tinh thần khởi nghiệp với sự tự tin là đủ. Khởi nghiệp là một công việc khó khăn và phức tạp, là sự kết hợp giữa kinh doanh, quản lý, các yếu tố kỹ thuật đặc thù của ngành nghề, các mối quan hệ xã hội và nhiều thứ khác. Nếu chỉ có sự tự tin bằng những tấm gương thành công và những nhân vật truyền cảm hứng, bạn sẽ gặp thất bại ngay khi đối mặt với những khó khăn gặp phải.

Trong vài năm trở lại đây, chương trình Shark Tank Việt Nam được đài truyền hình VTV mua bản quyền thực hiện đã mang đến một nguồn tài liệu tham khảo quý báo cho các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp. Không còn là những lời khen có cánh, không phải là những lời chém gió cho vui lỗ tai. Chương trình đã cho người xem thấy được nhiều góc nhìn khác của câu chuyện khởi nghiệp, cho khán giả thấy được những cách thực hiện thông minh của những ý tưởng thành công, thấy được những trò cười của những kẻ nghĩ mình là trung tâm vũ trụ. Chương trình đã cho thấy được những thứ cần có nếu muốn khởi nghiệp chứ không phải chỉ tinh thần là đủ.

Một ý tưởng hay chưa chắc sẽ thành công, đôi khi vì nó chưa đến thời điểm, đôi khi vì nó không mang lại giá trị kinh tế. Trong lịch sử đã có không ít những ý tưởng đã thất bại chỉ vì nó xuất hiện quá sớm, mãi hàng chục năm sau nó mới thành công, hoặc những ý tưởng mang lại lợi ích cho cộng đồng nhưng nó lại không mang lại giá trị kinh tế nên không được thực hiện. Khi thành lập doanh nghiệp và quyết định tự làm một cái gì đó, sẽ có nhiều vấn đề sẽ gặp phải. Một người thành công là một người luôn nghĩ trước được những thứ đó, luôn có những biện pháp đối mặt với những khó khăn, chứ không phải người chỉ thuộc lòng những câu nói và câu truyện thành công của những ai đó.

Nếu chưa bao giờ bắt đầu, bạn chắc chắn sẽ thất bại. Nhưng lần sau, mỗi khi nghe câu nói đó, hãy nghĩ đến thêm một câu phía sau: “Nếu bắt đầu rồi, vẫn chưa chắc bạn sẽ thành công”. Nói thế không phải để reo rắc lối suy nghĩ sợ sệt, sợ thất bại. Nói thế là để trước khi thực hiện một điều gì đó, ta phải lường trước được mọi thứ, lường trước được những khó khăn sẽ gặp phải, tính toán trước được những thuận lợi và khó khăn trong tương lai, chứ không phải chỉ cần nghĩ mình làm được là sẽ làm được. Đôi khi từ bỏ không phải là bỏ cuộc, mà từ bỏ vì nó chắc chắn sẽ không đem lại thành công. Suy nghĩ tích cực là tốt, nhưng nếu suy nghĩ mù quáng, vô căn cứ thì thất bại chắc chắn sẽ cao hơn thành công. Muốn thành công, không phải chỉ tưởng tượng là được đâu.

One Response

  1. mình theo dõi bạn từ bài về biztime, cảm thấy quá đồng cảm vì lúc đó đang trải nghiệm làm việc cho 1 doanh nghiệp ảo tưởng như vậy. ức chế đến nỗi cũng tự lấy trải nghiệm của bản thân mà viết 1 bài về startup kiểu “nửa mùa” :))

    bạn viết hay lắm, viết nhiều hơn nữa nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang