Hoài niệm thời bao cấp

Cha mẹ tôi và ông bà của một số người, nói chung là những người già đã từng sống qua thời kỳ bao cấp vẫn thường nhắc đến cái thời kỳ ấy trong những cuộc trò chuyện hàn huyên. Họ thường kể về thời kỳ bao cấp với những tem phiếu, những sản phẩm phân phối mà dù có tiền cũng không bao giờ mua được. Họ thường nhắc về nó như một hoài niệm về một thời kỳ gian khổ do những sai lầm trong đường lối của giai cấp lãnh đạo gây nên, nhưng họ chưa bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai cả.

Cả cha và mẹ tôi đều đã rất già, họ đã trải qua thời kỳ nội chiến gay gắt của đất nước dưới cả hai góc độ khác nhau, cha tôi là một chiến sĩ, còn mẹ tôi là một công dân. Dù hai người ở hai góc nhìn khác nhau, nhưng cả hai đều có một điểm chung đó là hiểu được giá trị của nền hòa bình mà biết bao đời ông cha ta đã đổ máu giành được. Dù cuộc chiến ấy là vô nghĩa, dù mọi thứ chỉ là sự lừa dối, dù chẳng ai biết và thừa nhận điều đó, nhưng dù sao thì nền hòa bình mà cuộc chiến vô nghĩa và lừa dối ấy được tạo ra cũng rất đáng được trân trọng. Và những người đã sống qua cuộc chiến đó lại thường gợi nhắc về chúng như để nhắc nhở thế hệ sau biết trân trọng những giá trị của hiện tại.

Họ thường kể về những nhu yếu phẩm với chất lượng yếu kém nhưng vẫn vô cùng khan hiếm vì chúng chỉ được phân phối một cách dè xẻn. Có câu chuyện kể về ba người đàn ông tranh nhau một chiếc xăm xe đạp. Cũng có những câu chuyện kể về những gian hàng chợ đen tồn tại dù chúng chẳng được cho phép. Ba mẹ tôi thường nói, thời đó gia đình làm cán bộ là sướng nhất, vì cán bộ luôn được phân phát trước nhất và cũng dễ dàng nhận được nhiều đặc ân hơn những người nông dân vô sản khác. Nhưng họ chẳng bao giờ nhận ra được sự bất công trong cách phân phát đó, họ cũng chẳng thèm quan tâm đến chất lượng cuộc sống của họ vì được sống, được ăn đã là họ đã biết ơn lắm rồi.

Hồi tôi học năm hai đại học, giáo viên dạy tôi môn “Đường lối cách mạng Đảng Cộng Sản Việt Nam” đã làm nên một điều mà có lẽ những người như ông đã chẳng ai dám làm. Xen kẽ trong những buổi giảng của ông, ông thường kể về những câu chuyện mà những người như ông đáng lẽ ra không nên kể. Ông kể về thời bao cấp với những sản phẩm có chất lượng kém cỏi chỉ hơn thực phẩm dành cho động vật một chút. Ông kể về những ổ bánh mì đen cứng đến mức chọi chó còn chết. Ông kể về một nhà máy đường duy nhất sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tệ nhất nhưng chẳng ai che bai vì được ăn những sản phẩm đó đã là may mắn lắm rồi, nhiều người vẫn chờ dài cổ để tới lượt mình được phân phát sản phẩm. Ông kể về những người không cần phải chịu trách nhiệm cho công việc của mình, những công ty chỉ cần sản xuất mà chẳng cần cải tiến cũng chẳng cần phát triển vì nó vốn dĩ không cần thế. Nó không có một đối thủ cạnh tranh nào vì nó là người duy nhất. Nó cũng không cần phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng vì những sản phẩm mà nó sản xuất ra như là những món quà mà thượng đế đã ban phát cho con người. Ông thường kể về nó rồi phì cười với một nụ cười mà những đứa trẻ ở tuổi tôi chẳng ai hiểu điều đó, ngoại trừ tôi.

Khi chưa bao giờ được sống trong một cuộc sống tốt hơn, Người ta sẽ nghiễm nhiên cho rằng cuộc sống hiện tại của họ là tốt nhất. Người ta chấp nhận số phận được ban phát bởi những kẻ đứng trên đỉnh thiên đàng mà chẳng bao giờ cảm thấy bất mãn trước sự ban phát có vấn đề đó. Người ta thèm thuồng khi những người cán bộ và họ hàng của họ có được nhiều đặc ân hơn những người khác mà họ chẳng bao giờ đặt câu hỏi cho cho sự không công bằng đó. Họ coi đó là sự mặc định nghiễm nhiên của cuộc sống và họ xem nó là số phận của mình mà chưa chưa bao giờ đặt nghi vấn hay cảm thấy bất mãn trước sự tụt lùi ấy. Sau này, khi họ nhắc về thời kỳ bao cấp, họ cũng vẫn chỉ xem đó là một giai đoạn khó khăn của đất nước như một thảm họa từ trên trời giáng xuống dành cho họ chứ họ chưa bao giờ xem đó là một sự sai lầm của giai cấp lãnh đạo, và họ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ai đó phải chịu trách nhiệm cho sự đói khát của hàng mấy chục triệu dân trải dài đến cả chục năm trời trong lịch sử.

Dần dà, khi người ta đã bãi bỏ cái chế độ bao cấp tụt lùi ấy nhưng cái lối sống chịu ơn và nể sợ vẫn thẩm thấu trong đầu họ, và có lẽ nó đã ăn sâu vào gen khiến cho những thế hệ sau này cũng trở thành những con cừu chỉ biết vâng dạ giống như họ. Những thế hệ trẻ ấy vẫn chấp nhận và cam chịu trước số phận được sắp xếp một cách không công bằng cho mình. Họ vẫn chấp nhận với việc tiền lương của họ không đủ để trang trải cho cuộc sống. Họ nhìn thấy những kẻ giàu cứ tiếp tục giàu còn những người làm thuê như họ lại chẳng thể nào khá lên được. Nhưng họ chẳng bao giờ đặt câu hỏi rằng mình có đang bị bốc lột hay không. Họ cũng không biết rằng sự chênh lệch giàu nghèo ở đất nước này đang thuộc hàng cao nhất của thế giới, cao hơn những đất nước với chế độ “tư bản” mà họ được dạy rằng nó chỉ làm giàu cho kẻ làm chủ trong khi sự ban phát đồng đều mà người ta đã hứa với ông bà họ đã không xuất hiện và tới giờ nó vẫn chưa bao giờ xuất hiện. Họ cam chịu và chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống, vì họ chỉ biết ơn thượng đế đã ban tặng cho họ cuộc sống này, đối với họ như vậy là tốt nhất rồi, nên họ chẳng biết rằng cuộc sống của họ tệ đến thế nào.

Những người sống qua thời kỳ bao cấp thường kể về nó như một bài học để nhắc nhở cho thế hệ sau biết trân trọng những gì mà mình đang có, chứ chưa bao giờ họ chịu nhìn nhận những sai lầm mà thời kỳ của họ đã mắc phải. Họ chẳng bao giờ nhận ra và cũng không muốn nhận ra những gì mà họ phải cam chịu khi ấy không phải là một thiên tai từ trên trời rơi xuống, mà nó là một sự sai lầm của những kẻ mà họ đã hết lòng tôn thờ bởi những câu chuyện mà họ được truyền thông thiêu dệt. Khi đi trên một con đường, họ chỉ luôn nghĩ rằng tên con đường ấy là tên của một vị anh hùng nào đó mà họ chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi về vị anh hùng ấy, cũng chẳng chịu nhìn ra những sự vô lý trong những câu chuyện mà họ được người ta kể lại.

Khó khăn là một bài học để người ta biết quý trọng những gì ở hiện tại. Nhắc về sự khó khăn để người ta biết quý trọng hơn những tiện ích mà họ đang được hưởng thụ, nhưng không phải vì thế mà người ta chỉ dùng nó để so sánh và dạy đời thế hệ sau. Bạn không thể bắt người ta phải tôn thờ sự khó khăn của bạn khi sự khó khăn đó do chính bạn tạo ra chứ không phải sự sắp đặt của số phận. Người dốt nát sẽ nghe lời bạn dạy như một con cừu ngoan ngoãn trước những lời dọa nạt, nhưng người thông minh sẽ cười nhạo bạn vì bạn là một người ngu si đã tự tạo ra sự thất bại do sự ngu dốt của chính mình rồi dùng nó làm một thứ để tự hào cho cuộc sống hiện tại dù nó cũng chẳng thành công gì. Thời bao cấp đối với một số người đó là sự hoài niệm, là một giai đoạn lịch sử trong cuộc đời của họ, còn đối với tôi, nó là một sự sai lầm không thể nào bỏ qua được.

Xếp hàng chờ lãnh đồ thời bao cấp
Xem ra thời đó người ta cũng còn ý thức xếp hàng hơn bây giờ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang