Đường về quê ngoại

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước. Sông và nước gắn liền với tôi suốt chặn đường từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Đôi khi nó là sự ám ảnh về một quá khứ đầy khổ nhọc, nhưng phần lớn, tôi lại thấy nó như một kỷ niệm đẹp, đẹp như tình yêu thuở mười bảy. Sông nước ở đây nhiều đến nỗi mở mắt ra là thấy sông, bước nửa bước là chạm nước, quanh đi quẩn lại là mênh mông một biển trời. Thuở đó khác với bây giờ, không có đường xá, xe cộ, cũng không có những chiếc cầu bê tông kiên cố, những gì có thời đó chỉ là những chiếc cầu khỉ lắc lư, những chiếc xuồng ba lá bé tẻo teo và những con đò đầy ắp hành khách. Thời đó chẳng có xe cộ và nhanh nhạy như bây giờ đâu, thời đó chỉ có đò và xuồng thôi, những con đò như những chuyến xe khách, những chiếc xuồng như những chiếc xe máy, ô tô bây giờ. Hành trình về quê ngoại của tôi ngày xưa cũng vậy, là những chuyến đò, đi từ đò này sang đò khác, hệt như người ta đi nhiều chuyến xe buýt trên một hành trình vậy.

Hồi nhỏ tôi về quê ngoại thường xuyên lắm. Hồi đó tôi nhỏ xíu, nhỏ tới nổi tôi không biết tôi bắt đầu về quê ngoại từ khi nào nữa. Nhà tôi ở huyện Trần Văn Thời, còn nhà ngoại tôi ở huyện Đầm Dơi, một khoảng cách khá xa so với điều kiện thời đó. Hồi đó không có điện thoại liên lạc như bây giờ, nên hầu như nếu không phải về quê vì đám giỗ, thì những lần về quê khác đều là “bất ngờ” đối với ngoại. Vậy mà hồi đó không biết tại sao mẹ tôi lại biết ngày đám cưới của dì bảy của tôi để mà đến nữa. Lúc đó tôi còn nhỏ xíu, tôi còn không biết đó là đám cưới của ai, chỉ thấy dàn nhạc họ đàn, họ đánh trống thì xem thôi, lúc bị kêu ra chụp hình cũng không biết gì nốt, chỉ biết mang đôi dép quai hậu gia tài duy nhất của tôi vào rồi đứng chụp, mãi sau này nhìn lại tấm hình ấy thì thấy cái bản mặt y như ngủ mới dậy.

Trước cửa nhà tôi là một con sông, ở đây nhà ai cũng có một con sông phía trước nhà cả, con sông này cũng có đò, nhưng đó chỉ là những chuyến đò ngắn chờ khách đi ra thị trấn rồi đi về ngày hai buổi thôi chứ không có những con đò đi chuyến dài, mãi sau này mới có một con đò nhưng chẳng bao lâu thì người ta không còn đi đò nữa rồi. Muốn đi xa phải đi bộ băng ngang qua con kênh bên kia, kênh bên kia song song với kênh tôi đang sống, giống như đường sá song song nhau vậy. Kênh bên kia được xem như là một con kênh chủ lực của vùng đó, vì nó dài nhất, rộng nhất và chảy qua nhiều khu vực sầm uất nhất của vùng, cho nên những con đò lớn, những chuyến đường dài đều hoạt động ở con sông này, muốn đi xa nhất định phải bắt đò ở sông này thì mới có. Cái khoảnh khắc tôi ấn tượng nhất đó là khi chúng tôi vẫy tay gọi đò, họ ghé vào, cho đến khi con đò gần cặp bến, người điều khiển liền cho chân vịt máy hướng xéo ra phía trước để “phanh” lại. Thật là điêu luyện, con đò dường như chỉ vừa gần chạm vào bờ mà thôi. Đối với người ngồi dưới đò, ai ngồi gần vị trí chân vịt sắp đặt xuống thì phải kéo mui đò lại để nước không tạt vào người. Mui đò cũng được làm tỉ mỉ lắm, bộ khung hình bán nguyệt bằng sắt kiên cố được cắm dọc theo thân đò tạo thành một hình ống để hành khách ngồi bên trong, sau đó họ trùm lên bộ khung ấy hai lớp vải dù thật dầy và một lớp màn nilon có thể che mưa che nắng được. Sau cùng, họ dùng dây gân cột song song với bộ khung của mui đò, giúp lớp vải mui không bị bay, khách lại có thể kéo lên kéo xuống cho mát.

Đò đi chuyến xa cũng khác hơn đò đi chuyến gần, nó dài hơn, to hơn những con đò trong thị trấn. Tôi ngồi trong đó mà chẳng thể nhìn thấy được bên ngoài vì lúc đó tôi nhỏ quá, thấp quá. Nhớ hồi đó tôi toàn mặc quần cụt, hình như tất cả quần áo tôi chẳng có cái quần dài nào cho đến lúc tôi đi học lớp một. Nhưng đó cũng không phải là những bộ đồ mặc ở nhà bình thường, đó toàn là những bộ quần áo mới mà tôi chỉ mặc trong những lúc đi đâu đó thôi. Đò vừa chạy vừa rước khách, ra đến thành phố Cà Mau chắc cũng mất gần hai tiếng. Nhưng trước khi đến Cà Mau (chúng tôi thường gọi là đi Cà Mau chứ không gọi là đi ra thành phố Cà Mau), vẫn còn rất nhiều điều mà đối với tôi nó thật thú vị, thú vị cho đến tận bây giờ.

Khi đò sắp đi hết vùng nước ngọt, đến nơi gọi là Kinh Hội, nơi này có rất nhiều trâu. Hai bên bờ ở đây cũng cao hơn những nơi khác. Ở đây họ nuôi rất nhiều trâu, trâu ở đây là sức kéo chính của vùng. Trâu trên bờ, trâu dưới nước, trâu gặm cỏ, trâu đang tắm, trâu lớn, trâu nhỏ, đủ các loại dọc hai bên sông suốt một đoạn dài. Nếu bạn thấy cảnh tượng đó, tôi dám cá là bạn sẽ trầm trồ và lấy điện thoại ra chụp lia lịa cho mà xem, nhưng giờ có lẽ đã không còn nữa rồi vì máy cắt và máy kéo đã thay thế hết sức của những con trâu cằn cỗi. Đối với tôi, cảnh tượng ấy thật đẹp, thật sự hùng vĩ.

Chỗ tôi ở nước ngọt quanh năm, người ta sống quanh quẩn với cây lúa, con cá. Nhưng phần lớn tỉnh Cà Mau đều là nước mặn với hệ thống kênh rạch chằng chịt tới nỗi khi tôi nhìn vào còn thấy ngán ngẩm, kết quả là ở “ranh giới” của hai vùng nước ấy là một con đập dài vài mét và một chiếc cống rất lớn dùng để xả nước ngọt ra khi có lũ. Cách duy nhất để xuồng ghe có thể đi từ vùng nước ngọt sang vùng nước mặn là kéo xuồng ghe qua thôi. Họ xây dựng một đường ray tại con đập hệt như đường ray xe lửa vậy, nhưng to và rộng hơn đường ray xe lửa nhiều. Ở giữa đường ray là một cái trục dùng để quấn dây kéo, dây kéo là một sợi dây luộc rất to và chắc dùng để kéo “con xe” chở xuồng ghe qua đập. Con xe này được làm bằng sắt và gỗ, những bánh xe được làm bằng sắt để bám khít vào đường ray, phía mặt tiếp xúc giữa xe và xuồng là rất nhiều vỏ xe được đóng vào để tăng độ ma sát, giúp xuồng ghe không bị trượt khi kéo qua. Bốn góc của con xe là bốn cái cây nhỏ có gắn những cái chai nhựa hoặc bọc nilon để định vị cho xuồng ghe đặt vào khớp con xe. Chúng tôi thường gọi hệ thống như vậy là “cống quay”, và việc đi qua đó được gọi là “quay cống”. Khi gần đến cống quay là một không gian khá hoành tráng, hai bên đập là những bờ kè bằng bê tông kiên cố, gần đó là các cửa hiệu buôn bán tấp nập. Khi đến gần cống quay, hai hàng dừa được cắm dưới sông thật to để dẫn đường xuồng ghe đi đúng hướng. Vì hành khách trên đò nhiều nên khi đến cống quay, hơn một nửa hành khách phải lên bờ để tàu không bị vỡ khi lên khỏi mặt nước. Hồi đó tôi nhỏ xíu nên luôn luôn ở dưới tàu, cũng vì ở dưới tàu nên không biết những người lên bờ họ đã đi đâu để rồi khi đò đi qua đập thì lại ghé vào bờ rước họ. Sau này mới biết họ cũng chỉ đi có vài mét sang phía bên kia bờ mà thôi.

Sang vùng nước mặn rồi, cảnh vật cũng khác so với vùng nước ngọt. Vùng nước mặn không có nhiều thực vật sinh sống cho nên hầu như mọi thứ đều thưa thớt, không có vườn cây, không có những bụi cây rập rạp che lấp ánh mặt trời, những gì nhìn thấy chỉ là một vùng không gian xơ xác trên bờ. Chỉ có một thứ duy nhất có thể lấp đầy được khoảng trống đó, đó là những bụi dừa nước dưới bờ sông. Ở vùng nước mặn này dừa nước nhiều kinh khủng, nó nhiều đến nỗi đâu đâu cũng thấy dừa nước, chẳng thấy được phía trên bờ. Hai bên con sông là những đám dừa nước san sát nhau, nối đuôi nhau không có điểm dừng, tựa như ta đang lạc trên một con đường vô tận. Bên vùng nước mặn sông ngòi cũng lớn hơn vùng nước ngọt, đó là những con sông tự nhiên không biết đã hình thành từ bao giờ, nước chảy hàng nghìn năm trời đã mài mòn nó, làm cho nó rộng thêm, và trở nên khủng khiếp.

Sắp đến Cà Mau, những cảnh tượng hùng vĩ lại hiện lên trước mắt tôi một lần nữa. Đó là những chiếc xáng cạp với cần cẩu cao ngút trời, họ xúc cát đá từ xà lang, ghe lên bãi và ngược lại. Có đến hơn cục chiếc sáng cao ngút trời đang chuyển động qua lại, cảnh tượng ấy từ xa rồi gần dần, gần dần. Rồi con đò chở chúng tôi đi ngang qua đó, nó thật lớn, thật hùng vĩ, đến nỗi khi đò đi qua rồi tôi vẫn còn ngoái đầu nhìn lại.

Khi con đò tiến vào nội thành, nhà cửa bắt đầu đông đúc dần. Ven sông là các cửa hiệu cũng san sát nhau, các cửa hiệu ven sông thời đó cũng chỉ toàn xuồng ghe, máy móc, quan tài, trại cưa, chứ không đa dạng như trên bờ. Phía bên trên là xe cộ tấp nập, thời đó cũng có ô tô rồi, mấy người đó chắc giàu lắm vì thời đó giá trị của một chiếc xe máy đã tính bằng cây vàng rồi, huống hồ đây lại là ô tô. Khi đò chui qua cầu, phía trên cầu là dòng xe tấp nập, có cả những chiếc ô tô trắng muốt, lúc đò nằm hoàn toàn phía dưới cầu, âm thanh của động cơ bị vọng ngược lại nghe thật chói tai nhưng cũng thật sướng. Đò đến nơi, đậu vào Bến Tàu A để khách lên. Khi đò cặp bến, các “nhà buôn” liền lặp tức vây lại. Người thì bán những ổ bánh mì rất lớn, hồi đó bánh mì cũng quý lắm, người ta ăn bánh mì không là thấy vui rồi, không đòi hỏi phải nhồi thịt vào bên trong như bây giờ đâu. Hồi xưa người ta hay mua những ổ bánh mì ấy làm qua cho trẻ nhỏ, ổ bánh mì to cũng gần bằng đùi của một người trưởng thành. Người thì bán món trứng cúc luộc đặc trưng thời đó, mỗi một bọc trứng cúc luộc có kèm theo một tép nhỏ muối tiêu được gói bằng giấy báo, món này có thể coi là món ăn vặt ngon nhất ở đây. Người thì bán kẹo cao su, hồi đó có lần tôi bị đưa cho một cây kẹo, cũng không hiểu gì, người ta đưa thì cầm thôi, thế là bị la tới tắp luôn. Nhưng sôi động nhất vẫn là đội quân “từ dưới sông”. Những tiếng chuông leng keng vang động, không phải chuông chùa, mà là chuông của những hàng kem, hàng nước, hàng bánh bao từ dưới sông. Mỗi người một chiếc xuồng có gắn mái chèo, giữa xuồng là nồi bánh bao, hoặc dụng cụ pha chế nước, hoặc thùng xốp đựng kem, tùy theo gánh hàng mà họ bán. Họ tấp vào đò hệt như một trận tấn công của cướp biển. Thế là bánh báo được bán nóng hổi, mà người ta hay rao là “bánh bao nóng hổi vừa thổi vừa ăn”, những que kem mát lạnh hay những bịch trà đường, nước cam có gắn ống hút ở đầu rồi cột dây chun được đưa cho khách. Mỗi khi đò tắp vào hay có đò sắp rời bên, cảnh tượng ấy lại nhộn nhịp.

Ở Cà Mau có hai bến đò, bến tàu A là nơi của những con đò từ U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, còn bến tàu B là những con đò đi xuống vùng dưới, một vùng sông nước xa xôi với cây đước, cá sấu và muỗi. Lên bờ, chúng tôi bắt xe ôm để sang bến tàu B để tiếp tục cuộc hành trình về Đầm Dơi. Hồi đó được ngồi trên xe ôm nó sướng lắm, cảm giác tốc độ kinh khủng, thời đó cũng không có đội mũ bảo hiểm như bây giờ. Xe chạy vun vút, gió lùa vào mặt rất sướng, tôi phải lấy tay vị mũ lại để không bị bay mất, hồi nhỏ khi đi đâu đó tôi cũng đều đội mũ, chắc hồi đó tôi dễ thương lắm, có một lần mũ bị bay xuống đường, phải quay xe lại nhặt nên từ đó về sau tôi luôn vị chắc chiếc mũ lưỡi trai mỗi khi ngồi trên xe. Lại một cảnh tượng đầy kỷ niệm nữa đó là đi ngang qua nghĩa địa Triều Trâu. Xung quanh toàn mộ là mộ, mà hồi đó còn nhỏ xíu, chưa biết sợ mà là gì nên tôi hầu như không có cảm xúc khi đi qua một nơi rùng rợn như vậy. Hành trình đi xe kết thúc tại cuối nghĩa địa, cũng là bờ sông, chúng tôi đi đò ngang sang sông, phía bên kia là bến tàu B với những con đò còn to lớn hơn, đồ sộ hơn đang chờ những hành khách trên những chặng đường dài. Đò ngang cũng chỉ là những chiếc xuồng bản lớn có máy chèo thôi, chỉ việc chèo đưa khách sang bên kia sông là có tiền.

Bến tàu B lớn và đồ sộ hơn bến tàu A nhiều. Những con đò bên đây cũng lớn hơn, máy móc để vận hành cũng thuộc hàng khủng hơn bến tàu B. Vì đoạn đường từ thành phố Cà Mau xuống các huyện vùng dưới rất xa, xa đến gần cả trăm cây số nên đây là những chuyến hành trình dài, có rất nhiều khách, hành trình cũng rất lâu. Ngoài những con đò giống như bên bến tàu A nhưng có kích thước lớn hơn, vần còn có một loại đò với kích thước còn lớn hươn nữa, được đóng giống như một chiếc hộp hình vuông, mui được đóng liền bằng gỗ, hai bên có cửa sổ hệt như xe, băng ghế bên trong cũng được đặt theo chiều dọc chứ không theo chiều ngang, còn có đệm phía trên nữa. Những con đò loại này có động cơ được đặt phía trong, có hộp số và hệ thống điều khiển hiện đại, người điều khiển ngồi phía trước hệt như đang lái xe vậy. Đò loại này thuộc hạng cao cấp, những người có tiền mới đi loại này, còn những người không có tiền như gia đình tôi chỉ đi những con đò loại bình thường với giá rẻ hơn, đồng nghĩa cũng chậm hơn. Ngồi trong những con đò này, mùi cơ thể người nó nồng nặc kinh khủng, dường như nó trở thành một nét đặc trưng ở nơi này rồi. Đò ở bến tàu A đã nhỏ mà tôi còn ngồi lọt thỏm phía dưới, sang đây đò to hơn thì dường như tôi chẳng còn thấy gì nữa.

Chuyến đò mà chúng tôi đi là chuyến đò đến Vàm Đầm. Tôi cũng không biết Vàm Đầm là một xã, hay một ấp, hay chỉ là một tên gọi của một khu vực nào đó của Đầm Dơi nữa. Nhưng nó nổi tiếng lắm, trong ký ức của tôi, nó nhưng là một nơi nào đó rất xa, rất lớn. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa được bước chân đến Vàm Đầm bao giờ. Dù sau này nó chỉ là một cái chợ nhỏ, nhưng cái tên ấy đã in sâu vào ký ức của những con người nơi đây, như vết tích của một trung tâm phồn hoa giữa xứ sở sông nước này.

Đường về miệt dưới xa tăm tắp, chúng tôi xa dần những tòa nhà lầu lộng lẫy của thành phố, những biển hiệu giao thông cũng mất dần. Cảnh vật bắt đầu hoang vắng dần, con sông rộng thênh thang, mênh mông nước là nước. Hai bên bờ sông là những hàng dừa nước xa tăm tắp, nối tiếp nhau đến tận chân trời. Nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn là dừa nước, những cây dừa thấp bé chỉ thấy lá chứ không thấy thân, mọc san sát nhau không có điểm dừng. Xung quanh chỉ còn mênh mông sông nước, hai hàng dừa nước hai bên bờ, và tiếng động cơ chạy ì ầm buồn não ruột. Thời gian như kéo dài ra vô tận, tôi không biết mình đã ngồi bao lâu, cũng không biết đến bao giờ mới chấm dứt được cái khoảnh khắc này. Những người xung quanh cũng không còn nói chuyện nữa, họ đã bắt đầu cảm thấy thấm mệt, chỉ còn tiếng động cơ rì rầm phía sau đuôi tàu. Đó là những chuyến đi dài đầu tiên của đời tôi.

Đến trung tâm huyện Đầm Dơi, đò dừng lại khoảng mười lăm phút ở đó. Có những người khách bước lên bờ, có những người khác lại bước xuống để thực hiện chuyến du hành xuống những miền xa xôi phía dưới. Tại đây, cái không khí nhộn nhịp của những cô những chú bán hàng rong lại nhộn nhịp một lần nữa. Giống như ở bến tàu Cà Mau, nhưng có thêm một thứ, một nét đặc trưng chỉ riêng chợ Đầm Dơi mới có. Đó là bánh bao Đầm Dơi. Bánh bao Đầm Dơi rất khác, rất đặc biệt so với bánh bao ở những nơi khác, có thể nói, chiếc bánh bao ở đây được tạo nên từ cái tâm của những người làm bánh bao chân chính. Kích thước bánh rất lớn, lớn hơn nhiều so với tất cả bánh bao ở những nơi khác, chỉ cần ăn một chiếc thôi là có thể no bụng rồi. Nhân của bánh cũng rất khác, rất đặc biệt, nó đặc biệt đến nổi tôi phải gọi bánh bao nơi đây là những chiếc bánh bao của những cái tâm, những người làm bánh bao không phải chỉ vì đồng tiền. Nhân của bánh rất nhiều, không những thế, nhân bánh toàn là thịt chứ không trộn bằng những thứ rau củ khác để giảm chi phí như các loại bánh bao khác. Và còn một điều rất đặc biệt tạo nên nét đặc trưng của bánh bao Đầm Dơi, đó là ở mỗi chiếc bánh đều có một nửa quả trứng vịt bên trong. Ăn chiếc bánh, không chỉ đơn thuần là một chiếc bánh bao thông thường, đó là tất cả tâm huyết của người làm bánh, họ làm ra chiếc bánh với mục đích đem đến những gì tốt nhất mà một chiếc bánh bao có thể có. Ăn chiếc bánh, là bạn đang nhận được một sự cống hiến chân thành nhất từ những người làm bánh, đó là chiếc bánh mà bạn không thể tìm thấy được ở bất kỳ nơi nào khác. Lúc nào ghé bến tàu Đầm Dơi, mẹ tôi đều luôn mua cho chúng tôi ít nhất một chiếc, như một sự tự hào về quê hương mà bà đã sinh ra và lớn lên.

Đò lại rời bến và đi về phía tận cùng của tổ quốc, đến những vùng xa xôi nhất của đất nước. Xung quanh lại bắt đầu vắng vẻ, thưa thớt dần những căn nhà. Những hàng dừa nước lại nối đuôi nhau mọc san sát, nó nhiều đến nổi tôi chẳng biết xứ sở này còn có gì ngoài cây dừa nước. Con sông rộng ngút ngàn, rộng hơn cả những đại lộ lớn nhất thời bây giờ. Những hàng dừa nước bên kia sông bé xíu, hai bên bờ sông cũng bắt đầu bé xíu. Xa xa một đoạn, những hàng đáy lại xuất hiện.

Đóng đáy là một nghề đánh bắt cá trên sông truyền thống của người dân xứ này đã có từ lâu. Họ dựng lên những hàng đáy từ những cây gỗ tốt nhất, to nhất. Làm thế nào để có thể dựng được một hàng đáy như vậy trên một con sông lớn và chảy siết, đó là một quá trình lao động mệt nhọc của con người. Họ tạo ra bộ khung và hệ thống ròng rọc có thể giăng và cuốn lưới trên hàng đáy. Chúng hoạt động bằng cách giăng lưới để bắt cá tôm trên những con sông lớn có dòng chảy mạnh. Để có thể xây dựng được một hàng đáy tưởng chừng như đơn giản như vậy, người chủ phải đầu tư rất lớn về tiền bạc và công sức. Một hàng đáy là một tài sản rất lớn, không phải ai cũng có được. Ngày nay, nghề đóng đáy được coi là phạm pháp vì cản trở giao thông, nhưng nó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng không thể chối bỏ được của xứ sở này.

Cảnh vật hoang sơ và rất “quê”. Đò lại tiếp tục như thế, cứ đi giữa sông nước và mây trời, tựa như không có điểm dừng. Chúng tôi không đi đến Vàm Đầm, tôi cũng không biết nơi chúng tôi ghé vào còn cách Vàm Đầm bao xa nữa. Nơi chúng tôi ghé vào là Đập Thầy Cẩn, hay còn gọi là Vàm Thầy Cẩn. Cẩn là tên một người, người ta gọi ông là thầy, ở đây người ta cũng thường dùng tên như vậy để đặt cho một địa danh nào đó, như đập Thầy Cẩn, cầu Thầy Trương, cống Hội Đồng Thành, cống Lương Thế Trân.

Vàm Thầy Cẩn chỉ là một ngã ba nhỏ của một con rạch nhỏ đổ ra sông Đầm Dơi. Nơi đây trước kia có một con đập để ngăn chặn nước mặn, bên trong vàm là nước ngọt, người ta trồng lúa, bên ngoài là sông Đầm Dơi rộng lớn không thấy bên kia bờ, nước mặn chảy siết ngày hai lần, lúc thủy triều lên và xuống. Chán nản với cây lúa, bị mê hoặc bởi con tôm, trong một đêm nọ, người dân đã đem cuốc xẻng ra đây phá tan con đập. Tiếp theo sau đó là các nơi khác, khiến toàn bộ vùng này đã trở thành nước mặn hoàn toàn. Ngày nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, chỉ có duy nhất vùng tôi đang sống là các xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Đông, Khánh Bình, một phần xã Khánh Lộc, một phần thị trấn Sông Đốc, một phần thị trấn Trần Văn Thời là còn nước ngọt.

Thứ làm tôi nhớ mãi đến bây giờ là căn nhà sang trọng ngay góc ngã ba sông. Thời đó, chỉ những người giàu có mới xây được nhà bằng bê tông. Căn nhà này có một hành lang rất lớn với nền gạch được lót xen kẽ những viên gạch tạo thành họa tiết bàn cờ vua. Cứ mỗi lần tôi ghé thăm nơi này, căn nhà ấy cũ dần, trông xơ xác dần. Những lần viếng thăm sau cùng, một phần hành lang đã sụp lỡ xuống dưới sông. Phía đối diện căn nhà ấy chính là nơi tôi đang đứng, là nhà cậu Ba của tôi. Ông dọn ra riêng ở đây, kinh doanh bằng nghề bán nước đá và hàng nước cho những người thương lái. Thời đó, đây là vị trí đắc địa vì nó là nơi giao nhau giữa bên trong vàm, là những con rạch nhỏ với sông Đầm Dơi rộng lớn. Những thương lái thu mua tôm cá hay những ai muốn lên chợ Đầm Dơi hay đi chợ Vàm Đầm, hay đi chợ Cà Mau đều phải đi qua nơi này. Nhà cậu Ba tôi giống như một bến tàu tự phát để những người phía trong vàm ra đây đón đò, còn những thương lái thì dừng chân ở đây. Nhưng do không có khả năng kinh doanh, ông không những không trở nên giàu có nhờ vị trí này mà còn phải bán luôn chỗ đó. Sau này người ta chuyển dần từ đường thủy sang đường bộ, nơi đây cũng trở thành một cái vàm sông vắng ngắt, cái tên vàm Thầy Cẩn và đập Thầy Cẩn cũng bắt đầu ít được sử dụng dần.

Ở đây tôi thường được cho một ly đá bào si rô. Bây giờ thì khác, chứ hồi đó, những năm trước 2000, một ly đá bào si rô đã là một thứ gì đó quá ơi là xa xỉ, chẳng có nước ngọt đóng chai, chẳng có cà phê hòa tan như bây giờ đâu, ngày đó nước đá si rô là thứ ngon nhất trên đời rồi. Ở quê tôi ngày đó, nước đá và si rô chỉ được dùng trong những ngày tết, còn những ngày thường thì chẳng bao giờ được dùng cả. Sau một hồi trò chuyện huyên thuyên giữa mẹ tôi và cậu mợ, tôi cũng không biết họ nói về điều gì, cậu đưa chúng tôi vào nhà ngoại bằng xuồng. Hồi đó tôi cứ mặc định rằng từ nhà cậu Ba vào nhà ngoại là sẽ có người đưa vào bằng xuồng và luôn luôn như thế thật. Sau này tôi mới biết hóa ra khoảng cách từ đó vào nhà ngoại tôi cũng không xa cho mấy, hoàn toàn có thể đi bộ được. Có một lần chúng tôi quá gian một người cùng xóm để sang bên ngoại. Điểm đến là một nơi nào đó, không phải nhà cậu Ba của tôi, chúng tôi ngủ qua đó một đêm. Sáng hôm sau chỉ có mẹ tôi và tôi đi tiếp, hơi bất ngờ một chút vì không có ai đưa đi bằng xuồng cả, hai mẹ con chúng tôi phải đi bộ. Nhưng đi được một lát thì đã đến nhà rồi, hóa ra nó thật gần chứ không xa như tôi từng tưởng tượng. Có một lần, trong dịp tết năm đó tôi và cha tôi ăn tết ở nhà ngoại, mùng một tết tôi đi chơi cùng với vài đứa em họ. Cũng đi bộ ra nhà cậu Ba và thật bất ngờ là đoạn đường cũng không xa lắm.

Thời đó không có phương tiện thông tin liên lạc như bây giờ, cho nên những lần viếng thăm của chúng tôi đều là những bất ngờ đối với ngoại. Tôi vẫn nhớ có một lần, bà ngoại đang ngồi ở phía trước nhà thì chúng tôi đến, giống như bà đã đợi chúng tôi sẵn vậy, nhưng hồi đó làm gì có điện thoại liên lạc như bây giờ. Những lần viếng thăm ngoại như thế cũng kéo dài, thường là vài ngày cho đến một tuần. Cũng chủ yếu là hỏi thăm nhau, ăn cùng nhau bữa cơm cho vui nhà vui cửa. Tôi thì chơi với những đứa em họ mà phần lớn họ đều lớn tuổi hơn tôi, vì mẹ tôi là con cả trong gia đình cho nên khi về bên ngoại, tôi trở thành một người có vai vế rất cao, mặc dù tuổi chẳng bằng ai.

Nhà ngoại tôi cũng chỉ là một căn nhà gỗ bình thường thôi, mãi sau này mới xây lên nhà tường, đến khi xây thành nhà tường, kết cấu ngôi nhà cũng hệt như căn nhà gỗ, tôi thích điều này. Tuy là nhà cây nhưng cũng khá rộng, phía hành lang có một cái võng bằng lưới rất lớn, tôi thường ra đây nằm một mình, những lúc như vậy, chú chó bông của ngoại tôi cũng hay đến. Có một điều hơi đặc biệt ở những ngôi nhà xứ tôi, đó là đôi khi, gian nhà phía sau mới là nơi gia đình tập trung thường xuyên chứ không phải là phòng khách, nhà ngoại tôi cũng không phải ngoại lệ. Gian nhà phía trước chủ yếu là nơi thờ cúng tổ tiên, chỉ có một mình ông ngoại tôi thường hay ở đó để giải quyết các công việc của ông. Đối với tôi, nó hơi nghiêm túc và cũng chẳng có gì để tôi chơi đùa ở đó, tuy thỉnh thoảng tôi và mấy đứa em họ có chơi những chiếc xe có dây cót ở đó, nhưng cũng không thường xuyên, chúng tôi vẫn chơi nhiều ở gian nhà sau hơn. Tôi cũng hay sang chơi ở nhà em họ hơn là ở nhà ngoại.

Bây giờ, căn nhà cũng đã cũ đi rất nhiều, màu sơn trên cửa cũng phai đi rất nhiều, trông căn nhà cũng nhỏ hơn lúc trước. Có lẽ vì tôi đã lớn rồi, có lẽ vì tôi đã rất lâu không ghé lại nơi này. Những con đường bê tông thay thế dần những con rạch ngoằn ngoèo, những chiếc xe máy thay thế dần những chiếc vỏ lãi chậm chạp, và những chiếc cầu khỉ cũng đã được thay thế hoàn toàn bằng những chiếc cầu xi măng chắc chắn. Chúng tôi không còn ghé thăm nhà ngoại nhiều ngày nữa, những người em họ của tôi cũng đã lập gia đình, bỏ xứ đi lập nghiệp. Những con đò có lẽ cũng đã không còn nữa. Hành trình về quê ngoại nhanh hơn, dễ dàng hơn, nhưng lại không còn nhiều kỷ niệm đẹp đẽ như trước. Không còn chuyển những con đò, không còn hàng nước, hàng bánh mì, trứng cúc, kẹo cao su tại những bến đò. Tôi cũng không biết những chiếc bánh bao Đầm Dơi đặc trưng ngày nào còn được bán không, hay đã bị thay thế bằng những chiếc bánh bao nhỏ xíu, nhân bên trong cũng chỉ toàn củ sắn(*). Đập Thầy Cẩn giờ đây cũng chỉ là một cái cua quẹo nhỏ xíu, lụp xụp vài gian hàng bán hoa quả, còn ngôi nhà cũ của cậu Ba tôi lúc trước, giờ đây đã trở thành một bãi đất hoang, chẳng ai ghé tới làm gì. Hành trình về quê ngoại xa xôi của chúng tôi cũng đã không còn, không còn những con đò đông nghịt người, không còn tiếng máy xe rì rì đặc trưng, con tôm cũng không khiến người ta trở nên giàu có như lúc trước. Họ bỏ xứ dần dần, cũng giống như nơi tôi, cũng giống như tôi, đã bỏ cái xứ nghèo đói này đi tìm miếng cơm manh áo ở những nơi đầy tiếng còi xe và khói bụi. Nơi đây hoang vắng, điêu tàn, tựa như một mái nhà tranh để người ta tìm về để nghỉ ngơi sau một năm bon chen đầy mệt mỏi.


(*) Củ sắn ở đây là củ đậu theo tiếng phổ thông, khác với khoai sắn – khoai mì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang