Đốt lá cuối chiều – Nguyễn Mỹ Nữ

Một

Tôi hay nghĩ: “Giọng Hà hay như thế mà cứ quèn quẹt cây ghita cũ nát. Nó phá đi. Uổng chết”. Nhưng nghĩ cũng tồi tội. Người đâu mà mê đàn mà chơi rất xoàng nhé! Chỉ bỏ được mấy hợp âm đơn giản. Nói, có được tí vốn ấy là nhờ ông anh chỉ dạy khi hãy còn bé lắm. Và dạy cho bấy nhiêu biết cũng chỉ bấy nhiêu, dẫu gắn kết với ghita gần hai chục năm trời. Nói rồi chép miệng, tự than: “Mà em… Em cũng kém cỏi thật!”. Cây đàn cũ, những hợp âm rất cũ, những bài tình ca cũ và một giọng hát cũ. Là Hà, vợ tôi. Hà của những hôm không mưa và ẩm ướt, rất thích được quét sân. Và gom lá, đốt.

Hà kể nhà ngày ấy nghèo lắm! Chắt bóp căn cơ mãi cả gia đình mới dành dụm được một khoản tiền. Đủ để mua thêm cho các anh một chiếc xe đạp nữa. Thế mà bố dám lấy tiền đấy mua ngay một cái máy Akai. Mua, mặc cho mẹ xuýt xoa tiếc rẻ cả mấy tháng liền, và bố, phải đi bộ có hằng năm trời. Vì phải để xe cho cái đám lau nhau ở nhà. Đến khổ! Nhà, cả vợ chồng con cái có non chục con người ta mà có mỗi một chiếc xe đạp. Đủ hiểu là bức bách đến đâu và nhu cầu thêm chân đi là cần thiết đến dường nào. Thế mà không sắm xe lại dám mua ngay dàn máy, mới đến là nông nổi và liều lĩnh chứ. Mua, bởi thấy cả đám con quá ghiền nhạc. Các anh, một tuần cũng vài ba lần ghé quán cà phê, ngồi hết buổi. Còn các chị càng ngán ngại hơn. Bởi, hôm nào cũng qua hàng xóm nghe hóng, mà nhà bên đấy, lộc ngộc cả bầy con trai trên dưới tuổi đôi mươi. Không khéo, từ mê nhạc đến mê người rồi lậm vào chuyện tình ái nhăng nhít, có mà khốn.

Hà, không được các anh dắt đi nghe nhạc ở quán. Vì chưa đủ lớn mà các anh cũng chẳng đủ tiền. Cũng không được qua mấy căn hộ liền kề nghe hóng cùng các chị. Thế là làm bạn với cây ghita cũ nát của anh trai và mừng húm, khi thấy bố đem về nhà dàn máy. Hà bảo rất thích một bài hát của Phạm Duy. Là bài đầu tiên dẫn đưa Hà đến với âm nhạc qua tai nghe chứ không phải tay đánh và miệng hát. Chỉ hơi trúc trắc, vì đó là một bài hát có quá chừng chừng là lửa với lại củi (chắc do phơi chưa được khô hay là bị mắc mưa?). Hà bảo, cả chồng băng, bố và các anh đem về nhưng toàn là nhạc Anh, nhạc Pháp. Chỉ có được một cuốn nhạc Việt và hằng bao bài trong đó chỉ ưa có mỗi bài này, mới lạ! Mà, ngày ấy Hà còn nhỏ đến thế cơ mà. Bé tí đã nhập tâm với khói với lá với nhạc và những điều viển vông, chả trách, ông trời cho chập chung vào với cuộc đời tôi, và hai đứa, có hẳn một cuộc sống vợ chồng rất là… lãng đãng như thế này.

Tôi hay nói: “Chúng mình nghèo cũng hay em ạ! Có tiền lại kiếm đất lại cất nhà. Có đâu được hưởng cả cơ ngơi như thế này”. Cơ ngơi đó, là: Một rừng xoài, một vườn rau, một nếp nhà đất. Nữa chứ: Một chái hiên, cái chõng tre, chum nước… Nữa chứ: Mùi lá mục mùa mưa, mùi khói nồng mùa nắng. Thương quá Hà ơi! Bóng em ra, vào. Cái cách em ngồi nơi hốc bếp những trưa chiều để thổi cơm. Khói xộc cay xè cả hai sống mũi dẫu anh chẳng phải ở bếp. Dẫu anh không bị viêm xoang mãn tính như em. Rồi cái cách em lặt rau. Ai chà! Cứ tỉ mẩn một cách thư thả, trong khi, bụng anh bắt sôi lên vì đói. Rồi cái cách em ngồi cong lưng soạn giáo án chấm bài. Em phải cong huyền còng thôi, vì anh… lười. Có mỗi một việc cưa chiếc ghế ngắn bớt để vừa tầm với cái bàn mà cứ lần lữa mãi. Cưa ghế thôi chứ còn cưa gái á? Anh nhăn nhở và em cười khanh khách. Em cười mà cái mắt lại hiêng hiếc liếc. Trông rõ hay! Vẫn còn đầy ắp tiếng cười em giòn tan. Vẫn còn cặp mắt của em. Hết cả nơi này…

Cặp mắt Hà đôi hồi vẫn thế! Vẫn hiêng hiếc mỗi khi có việc gì đấy khác thường. Như bị trêu chẳng hạn. Như phản đối chẳng hạn. Như giễu cợt chẳng hạn. Mà cái kiểu hiêng hiếc của Hà cũng rất lạ, nhưng đấy là ngày thôi chứ còn đêm á! Vẫn thường khem khép. Mà khem khép cũng hằng mấy cách nữa đấy! Để xem khép chặt, khép hờ, khép lười, khép siêng… Vẫn thế, bờ mi rậm đen vẫn thế bờ mi cong vút. Có chăng khép mắt nhưng chẳng ngủ chết mê, chết mệt đâu nhé! Là ngủ giữa chừng. Là không ngủ cộng với ngủ chia hai. Là khép hờ đấy thôi! Là khép lười lĩnh đó mà. Là Hà của một dáng nằm trễ nải sau cuộc yêu và lơ mơ, lơ mơ nhăm nhắm mắt.

Hà bảo Hà thích thế mà những thứ Hà thích, ối dào, có mà đầy ra cả đấy. Kể cả tháng chưa chắc đã hết. Được cái chỉ thích những thứ thường thường, xoàng xĩnh. Giả dụ như quần áo khoác trên người, giày dép đi dưới chân và các món ăn ngày bữa. Điểm tâm chỉ thích cơm nguội hâm nóng ăn với cá kho khô và rắc nhiều tiêu. Mà cá, cũng phải là những loại be bé như cá cơm, cá phèn mới ưng bụng. Hà bảo ngon gấp vạn lần ăn bát phở bò, đĩa bánh cuốn ấy chứ! Còn hoa ư? Chỉ thích nhất là hoa nhài. Giời ạ! Có hằng bao nhiêu là các thứ hoa kiêu kỳ, sang cả như nguyệt quế này, lys này, cẩm chướng này lại không thích, là sao! Hà cười rất to, mắt cũng mở to không kém khi dí sát vào khuôn mặt tôi đang bực bỏ, khó chịu:

– Anh đúng là dại.

– Dại là dại thế nào…

– Là đi thích ngay những thứ khó trồng, khó chăm, khó sống.

– Chẳng qua là kén khí hậu.

– Kén là mệt rồi. Cẩm chướng với lys thì em còn chưa được rõ lắm. Chứ nguyệt quế á! Em đây thừa kinh nghiệm vì bố em trồng mãi. Ối dào! Có kiếm được chút hương thoảng qua của nó cũng đến nhoài cả người.

– Nhưng anh thích.

– Thích mặc anh. Thích thì anh đi mà trồng mà chăm mà thưởng thức. Em chỉ nhài. Nhài giống em. Dễ nuôi, dễ sống, dễ yêu.

– Em ví von rõ hay nhỉ? Nói thế hóa anh…

– Anh sao cơ!

– Anh là… Anh là bãi cứt trâu chắc?

– Bãi cứt trâu cho bông nhài cái Hà nó cắm. Đấy! Đấy! Là anh nói đấy nhá! Chả phải em. Chả phải em…

Hà vừa nói vừa cười lên cả tràng dài khoái chí. Chán Hà thật! Nhưng Hà đáng yêu quá! Đáng yêu cả ở cái chuyện dễ cười.

Hai

Đúng như Hà nói, nguyệt quế là một loại hoa cực kỳ khó tính. Thấy có bán nhưng nghe nói được xịt các loại thuốc phát triển nhanh, để ở các nơi đấy thì thế mà đem về là héo rũ ngay nên tôi dứt khoát không kiếm hoa theo cách này. Tôi chịu khó lùng sục trong đám bạn bè, người quen được cây nào hí hửng đem về cây đấy và o bế, chăm chút hết sức mà cây vẫn không sống nổi. Hà lại hiêng hiếc mắt: “Em đã bảo rồi mà. Anh chỉ có tay nuôi những thứ hoa dễ dễ như nhài thôi! Lại không thiết cứ ưa đèo bòng mà cái tật này, không khéo, sẽ có hôm chê cả cái Hà nhà này để theo đuổi những cái nảo cái nào nữa ấy chứ!”. Tôi bật cười theo câu bông đùa của Hà, không quên búng búng tay lên cái thân mũi, hơi khòm khòm của em. Thật đấy! Hà của tôi có rất nhiều cái hay và trong số ấy, có cả một cái mũi không được thẳng. Và nói nhỏ vào tai Hà: “Đây chả dại, nhé! Dễ gì kiếm ra một cái thứ nhài Hà khau kháu như thế này, nhẩy?”. Khi cần trêu Hà, tôi hay nhẩy, nhẩy và Hà rất cảm động. Hà bảo cụ ngoại Hà, ngày còn sống, chẳng câu nào mà sót được nhẩy, nhẩy mà Hà thì quý cụ ngoại lắm cơ! Câu giải thích của Hà khiến tôi giật nảy cả người khi chợt nhớ ra lần đầu gặp Hà, tôi cũng có… nhẩy. Hình như là: “Xuống biển mà trời vẫn không có nổi tị gió thế này thì chán thật! Chị nhẩy?”. Khi đó, Hà đang bới cát tìm còng với đứa cháu và quay hẳn người sang, nhìn tôi với một đôi mắt thích thú và một khuôn mặt bê bết đất cát với lại mồ hôi. Thế là đã rõ mười mươi. Thì ra, do thương nhớ cụ ngoại mà Hà mới chịu để ý đến tôi. Một thằng con trai ở thành phố lại có được cái kiểu nói như các cụ già, ở ngoài quê. Nhưng bà Hà đã mất và nhẩy, nhẩy của cụ ngoại cũng đã biến đi. Chỉ còn tôi, những nhẩy, nhẩy của tôi và cái nhài Hà. Một người vợ của muôn phần dễ chịu. Em nhẩy và Hà nhẩy?

Chẳng biết, được trồng từ khi nào mà vườn nhà tôi đã có sẵn ba gốc nhài. Có từ trước khi chúng tôi dọn đến ở và Hà thích thú lắm về điều này. Bảo cứ như là biết ý của em, dành sẵn cho em. Hoa nở nhiều vô kể. Nở và rơi đầy sân. Hà nhặt hoa bỏ vào những cái đĩa, đặt khắp nếp nhà nhỏ rồi phơi để dành biếu bố ướp trà. Đã dùng vào bao việc, thế mà hoa vẫn nở trắng xóa thân, cành và hương ủ trùm lên cả hai chúng tôi, trong rất nhiều buổi tối. Tôi vẫn theo đuổi nguyệt quế và sự dốc lòng của tôi, cuối cùng, cũng được đền bù. Tôi đã gầy được một gốc nhưng cứ chờ mãi, chờ mãi và buồn. Bởi chỉ là nguyệt quế lá chứ không phải nguyệt quế hoa. Không hoa cũng có nghĩa không hương cũng có nghĩa hãy đón nhận và vui vầy với nhài, theo rất nhiều nghĩa trắng đen, đen trắng. Cũng có nghĩa chẳng sao cả. Chẳng ước mong điều gì hơn thế! Vì đêm đêm vẫn cái chõng tre ngoài sân đứa nằm, đứa ngồi tha hồ thẳng lưng, tha hồ duỗi chân. Và Hà vẫn cây đàn cũ, những hợp âm cũ, những bản tình ca cũ và một giọng hát rất sang và thật đằm. Đấy! Là những nhận xét của bà chị kề tôi, trong một lần nghe Hà hát. Chị tôi bảo Hà hát hay thế đủ để vào chung kết cuộc thi Sao Mai. Tôi gằn giọng: “Không lọt nổi Top Ten sao!”. Và Hà nhìn chị em tôi như hai hành tinh lạ rồi cười ngất ngưởng. Chị tôi cũng vui lây, bật cười theo không quên khen tôi có cô vợ hay đáo để.

Tiếng cười của em còn bật rung trong rất nhiều buổi tối nơi vườn nhà, giữa khi, mà tôi gối đầu lên đùi Hà trong trạng thái nửa thức nửa ngủ. Hạnh phúc ngất ngây khiến tôi bắt bồn chồn. Và, day dứt quá bởi một tiếng hát rất quen bởi một mùi hương thật cũ. Cả khói nữa. Sao Hà gom lá đốt từ lúc sẫm chiều mà khói, vẫn còn un đầy vẫn đậm đặc đến dường này. Sao khói không lễnh loãng không tan nhòa không bay đi. Đêm nhốt kín chúng tôi bằng yêu thương nồng nàn và khói, một màu trắng đục nhờ nhờ vây bọc lấy chúng tôi trong nỗi bức bối lạ lùng. Khói ủ trùm khiến giọng hát Hà nghẹn đặc. Và đứt đoạn nửa vời khi, cố rướn cao. Và khói, trườn lướt trên những gốc nhài khiến hương đứng sững lại và thôi tỏa thơm. Và khói, đổ ập vào trong tôi kín đặc hết cả khoang ngực mảnh. Tôi ngộp thở và tôi chết ngất mà Hà nào hay? Đó, giấc mơ tôi một khuya nào…

Ba

Sau khi Hà bỏ đi, Phương tới ở chung với tôi. Phương luôn ca cẩm: “Tự mày không lo được cho Hà một cuộc sống đầy đủ”. Tôi nhắc lại câu Hà nói ngày hai đứa lấy nhau. Em chỉ muốn chúng ta sống với nhau tử tế. Em chỉ hợp với những gì cũ kỹ. Chỉ thích những món ăn khô khổ, một cách sống chân chất. Cái gì cao sang quá, diệu vợi quá em lại đâm sờ sợ. Sợ mình dại khờ không biết giữ? Sợ mình vụng về… Như chúng mình thế này em lại thấy yên lòng. Hạnh phúc mà không bình dị em sợ mất lắm cơ! Và không phải sao! Chúng tôi đã chọn sự đơn sơ này: Một nếp nhà, những bữa ăn, đồ đạc, giải trí. Hà với cây ghita nát tươm cùng những hợp âm đơn giản. Hà, chiều chiều quét lá xoài và ngây người, nhìn những chiếc lá xoay tròn rượt đuổi nhau trong gió. Hà với cây chổi cùn nhẩn nha vun lá lại thành từng đống nhỏ, mồi lửa và ngồi bên tôi nơi mái hiên nhà trong chập choạng buổi hoàng hôn, ngước mắt dõi theo từng đụn khói. Những sợi khói, vươn lên và bay cao. Bay mãi về trời…

Thằng Phương được cái rất giỏi giang chuyện bếp núc. Và, giỏi hơn trong việc chạy vạy cho có tiền, để có thể ra chợ lôi các thứ đem về mà kho, nướng, xào, um. Chưa đủ, nó còn nấu nướng rất sách vở bài bản. Giả dụ như canh chua nấu kiểu người Nam, dứt khoát, phải bỏ thêm một muỗng đường, đậu phụ luộc hoặc chiên bắt buộc phải có mắm tôm Bắc hoặc mắm ruốc Huế, cá lúi đồng kho keo không thể thiếu nghệ mà phải là nghệ tươi cơ! Rồi cá ngừ kho mẳn kiểu miền Trung phải thả vào xoong vài trái ớt to và chín đỏ, mới là đúng kiểu. Phương siêng nấu ăn và nấu rất khéo, chỉ phải nó luộc rau muống sao mà cứ đỏ quành quạch. Và không đỏ lại thâm sì sì. Thật, chẳng làm sao mà hiểu nổi. Nó cãi bừa rằng thiếu quả chanh ông ạ! Mà tôi và cả ông nữa, sao hay quên thế nhỉ? Phương luộc rau thì không chanh tựa như tôi kho cá lại chẳng có hành, làm mắm thì không ớt…

Có là gì! Cũng chỉ là những sơ sót đáng yêu của bọn đàn ông khi phải lo chuyện bếp núc. Chỉ thế, mà tôi cáu lên với nó rồi gây gổ om sòm. Phương cũng chẳng vừa, trừng mắt nhìn tôi, sừng sộ: “Mà ông… Ông cũng lười lắm cơ! Đã tôi nấu nướng thì ông cũng chợ búa chứ! Đây, quen có vợ nó lo thì thế!”. Rất đúng, điều Phương nhận xét. Tôi vốn lười lại lười thêm, sau khi lấy Hà. Như rất đúng, chuyện luộc rau rất vụng của Phương và cái cách luộc rau thật khéo của Hà. Hà luộc rau sao mà ngọn mềm, xanh mà nước trong vắt ấy chứ! Được tôi khen, Hà cứ cho ăn rau mãi. Chẳng là, chúng tôi có cả một vườn rau với đủ các loại. Ăn rau mãi hóa nghiện. Mà không ăn rau thì còn có thể ăn gì, khi mà, tôi thất nghiệp thường xuyên và việc dạy kèm của Hà luôn luôn là thất thường. Nhưng, chuyện luộc rau của Phương, tôi vẫn có thể chấp nhận chứ còn chuyện chơi đàn của nó, tôi chịu thua. Nghe, cứ như là tra tấn ấy. Mà cái thằng đêm nào cũng chơi. Nó ôm cây ghita Hà để lại đánh hết bài này đến bài khác. Thằng này được học hành đàng hoàng nên đánh bài bản lắm cơ! Mà bố khỉ, tôi không chịu được cái kiểu hẳn hoi đó.

Lối chơi đàn điêu luyện đó. Rồi Phương còn hát nữa chứ và giọng hát nhiều trau chuốt cùng những luyến láy, nuốt âm nhả chữ hết sức kỹ thuật của nó, nghe, cứ tức anh ách.

Tôi ghét cách luộc rau của Phương. Đó là việc thứ nhất. Việc tiếp theo là cách nó chơi đàn việc tiếp theo nữa là giọng nó hát. Nhưng trên tất cả mọi sự ghét bỏ, quay quắt của tôi sau ngày Hà bỏ đi là nguyệt quế ra hoa. Ra hoa khi, cuộc sống vợ chồng của chúng tôi đã chấm hết. Một sự kết thúc khiến tôi phát điên lên cứ bắt tôi buột miệng, nói càn bừa. Nhưng, Phương bảo thà tôi thế. Thà chửi tít mù còn hơn là tôi câm lặng. Phương bảo ngày còn đỡ chứ những chạng vạng chứ nhưng ban đêm, tôi lầm lì làm nó lo phát sốt. Ừ! Đêm. Phải rồi, đêm. Từng đêm, từng đêm tôi nằm úp mặt trên cái chõng tre, kiên nhẫn chịu đựng tiếng đàn của Phương trong nỗi nhớ Hà choáng váng. Cái chõng tre còn đầy hơi hướng em. Hà ơi! Không gian này vẫn thoảng đưa những âm nốt vụng về, lối chơi đàn hết mực non yếu và giọng hát vô cùng mộc mạc của em. Bảng lảng đâu đây mùi khói lá đốt. Sao vẫn chưa chịu tan nhòa, bay xa? Hà ơi! Nhẹ vương quyện hòa trong mùi da thịt, hơi hướng em đậm đặc. Quyện cả hương đêm và hương nguyệt quế cho anh nhớ quá… Nhớ quá bông nhài cái Hà. Anh nhớ em và anh nhớ em. Mà, tiếng đàn của thằng Phương thì cứ như trêu chọc, bỡn cợt. Để rồi một khuya, hết chịu nổi tôi đã hóa khùng, vùng dậy chộp lấy cây ghita và đập nát. Hà ơi! Đâu rồi những hợp âm cũ, những tình ca cũ và giọng hát cũ… Đâu rồi. Em?

Bốn

Hà buồn rõ, khi người bà con cho chúng tôi ở nhờ để trông coi đất vườn, báo tin họ sẽ lấy lại nơi này trong vài tháng nữa, để xây khách sạn dành cho dân du lịch. Tôi bảo: “Chẳng sao em ạ! Chúng ta sẽ về ở bên nhà anh” và lấp liếm: “Cũng phải cho em có cơ hội làm dâu chứ!” rồi thần người. Chả hiểu, chúng tôi sẽ sống ra sao trong căn nhà của bố mẹ. Một căn nhà cấp bốn xập xệ với diện tích vỏn vẹn có hai mươi tám mét vuông, mà hiện đã chứa đến mười một con người. Hà bảo sợ những ngày sắp tới vì kỳ hạn cứ rút lại ngắn dần. Có ý nghĩ như là cái án treo. Đến khiếp! Nhưng Hà lại khao khát. Khao khát lắm cơ! Nguyệt quế ra hoa để được tận hưởng cùng nhau. Và trông ngóng. Trông ngóng lắm cơ! Những hoàng hôn, khi cơm nước xong hai đứa ra vườn quét sân, gom lá, đốt. Và ngồi mãi dưới mái hiên, bên nhau nhìn khói vờn bay. Bay mãi lên trời… Bay mãi lên trời…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang