Đợi mẹ đi chợ

Tôi sinh ra trong một vùng quê nghèo nàn và lạc hậu. Với chúng tôi ngày đó, một ổ bánh mì thịt hay một cái bánh bao, vài trái chôm chôm đã là quý lắm rồi. Ngày đó, mỗi khi mẹ đi chợ huyện hay chợ xã, chúng tôi đều ở nhà đợi mẹ về, và khi mẹ về thì mừng lắm, bởi lúc nào mẹ về mẹ cũng mua cho chúng tôi những món quà mà chúng tôi khi đó có cảm giác rằng nó thật là tuyệt vời.

Ngày đó, việc đi lại cũng khó khăn, và chỉ có những việc quan trọng thì người ta mới đi chợ, tôi vốn ở nông thôn nên không có chợ. Thời đó, người ta chỉ đi chợ mỗi khi cần mua đồ tổ chức đám tiệc, hay khám bệnh hoặc chuyện giấy tờ gì đó. Vì vậy mà những lần cha mẹ đi chợ đều rất ít. Cho nên chúng tôi rất quý những món đồ mà mẹ mua về cho chúng tôi, chúng thường là những món đồ ăn mà không thể tự làm ở nhà được. Lúc đó, lúc nào mẹ đi chợ về cũng mua cho chúng tôi hôm thì ổ bánh mì thịt, hôm thì cái bánh bao, hôm thì trái cây này, hôm thì trái cây kia. Mẹ không mua đồ chơi, nó là những món xa xỉ đối với túi tiền của chúng tôi, tôi cũng không thích chúng cho mấy. Ngày đó bánh mì quý lắm, bánh mì thịt còn quý hơn nữa kìa. Suốt ngày quanh quẩn ở nhà, lâu lâu mới đi theo cha mẹ lên huyện, lên xã. Lúc đó tôi còn rất nhỏ và chưa đi học, cho nên hương vị của ổ bánh mì rất quý. Đối với chúng tôi thì đó là những món đồ ăn rất ngon, nằm vào trong danh sách những món đồ ăn ngon nhất của chúng tôi thời đó. Mẹ tôi có lẽ cũng rất tâm lý và rất thương chúng tôi. Không có lần nào mẹ về mà không mua thứ đồ ăn nào cả. Lúc đó chúng tôi chỉ chờ mẹ về chỉ có thế. Chúng tôi quá nhỏ để có thể chia sẻ với mẹ những lo lắng, biết mẹ đã làm được những gì trong chuyến đi đó.

Quê chúng tôi ở tận vùng sâu vùng xa và còn nghèo nàn và lạc hậu lắm. Đến tận năm 2000 mới có điện sinh hoạt, còn giếng nước thì nhà nào khá giả lắm mới thuê người khoan được một cái. Lúc đó cái cảnh vài ba nhà chiều nào sáng nào cũng sang dùng ké nước, đem xô đem thùng gánh nước về nhà là chuyện rất là thường xuyên. Ngày đó phương tiện đi lạ chỉ có xuồng và xuồng. Xe đạp cũng là một thứ gì đó xa xỉ và nó chẳng sử dụng được vì chỗ chúng tôi chẳng có lộ xe. Và phương tiện đi lại của chúng tôi khi đi xa như đi chợ huyện đó là đi đò. Hồi đó quê tôi có những con đò to to chuyên chở người người đi thị trấn hàng ngày, luôn luôn tấp nập khách. Hồi đó giá cả để mua một chiếc xuồng và một cái máy nổ rất đắt nên những nhà khá giả lắm mới có tiền để mua. Cho nên phần lớn chúng tôi đều đi đò. Còn đi chợ xã thì người ta thường đi bộ gần chục cây số. Có người còn đi bộ lên chợ huyện, mười mấy cây số. Mất một ngày trời để vừa đi vừa về. Thời đó khổ lắm. Nhưng với tôi, nó là những năm tháng tuổi thơ mà bây giờ tôi không còn hình dung rõ được những hình ảnh chi tiết đó. Bởi lúc đó tôi quá nhỏ, tôi quá nhỏ để có thể hiểu hết được chúng.

Những thứ mà mẹ thường mua cho chúng tôi thường chỉ là những ổ bánh mì thịt, bánh bao, trái cây. Chỉ thế thôi, nhưng với chúng tôi thời bấy giờ thì nó quý giá và ngon lắm rồi. Thời đó bánh mì thịt khác với bây giờ lắm. Ở quê tôi, bánh mì thịt họ làm là những ổ bánh mì được bổ dọc rồi cho vào những lát thịt khìa được cắt thành sợi, chan thêm nước cà vào, ngon tuyệt. Có lúc, khi đem được về tới nhà thì nước cà đã ngấm vào ổ bánh mì làm nó những hết, nhưng vẫn ngon không tả được. Còn bánh bao, tôi không nhớ rõ nó lớn cỡ nào nữa, nhưng điều mà chúng tôi nhớ rõ nhất là ở mỗi cái bánh bao đều có một phần trứng vịt trong đó. Và đặt biệt là cái mùi khai đặc trưng thời đó. Thời đó, cách để làm cho những chiếc bánh bao có thể phồng và xốp lên là cho vào đó một thứ bột mà nó có mùi khai nồng nặc, chúng tôi gọi nó là bột khai, còn nó là thứ bột gì, tôi cũng không biết, bây giờ không còn loại bột đó nữa rồi. Trái cây mà mẹ thường mua về cũng chỉ là chôm chôm, xoài, nhãn mà thôi. Vào thời đó, mua những thứ đó cũng không ít tiền đối với những người nông dân nghèo nàn lạc hậu. Ấy vậy mà mẹ tôi không lần nào mà không mua cho chúng tôi thứ gì. Mãi cho đến bây giờ, mỗi khi đi chợ về mẹ vẫn mua thứ gì đó, nhưng không mua cho chúng tôi nữa vì chúng tôi đã lớn rồi, mẹ thường mua về những thực phẩm cho cả nhà.

Đến khi tôi đi học, tôi đã được tiếp xúc với những món quà vặt và nhiều thứ khác. Ổ bánh mì không còn quý giá đối với tôi nữa. Nhưng ngày đó, cái bánh bao và những món trái cây thì vẫn hiếm. Bởi những thứ đó chỉ có chợ lớn mới có, còn những quán cốc thì không thể có. Và mẹ thì vẫn mua đều đặn cho chúng tôi. Sau này, mẹ thường mua cho chúng tôi trái cây. Tôi không thích ăn vặt nên từ trước giờ tôi cũng không đòi mẹ mua bánh bao. Mẹ mua thì ăn, không mua thì thôi. Sau này thì mọi thứ ổn định hơn, cuộc sống chúng tôi ổn định hơn trước. Chúng tôi không phải bỏ ra một số tiền lớn để ăn những thứ đó nữa. Và dần lớn lên, chúng tôi không còn đợi mẹ về vì lý do để có những món quà nữa. Tôi đợi mẹ về để bà được ăn cơm, cả buổi chắc bà đói lắm rồi, tôi đợi mẹ về để nghe mẹ kể xem những việc mẹ cần giải quyết đã làm xong chưa, tôi đợi mẹ về để yên tâm mẹ đã đi khám bệnh, bác sĩ đã cho mẹ uống thuốc, rồi mẹ sẽ khỏe. Và tôi đợi mẹ về vì nhiều thứ khác nữa.

Tôi có một thói quen xấu đó là trước giờ rất ít tặng cho ai một cái gì đó. Khi tôi bắt đầu lớn lên chút xíu, tôi đã có thể tự đi đây đi đó một mình. Hồi đó chỉ mười mấy tuổi mà tôi đã một mình từ Bình Dương trở về nhà. Lúc đó tôi đi cùng một bà hàng xóm lên Bình Dương để thăm chị hai đang làm công nhân ở đó, khi về thì về một mình. Đó là năm tôi nghỉ hè lớp 8. Vậy mà tôi chỉ đi và về một mình không, không có một thứ gì cho gia đình dù chỉ là vái thứ trái cây thôi. Không biết cha mẹ có mong tôi về sẽ có món quà nào tặng họ không, tôi chỉ biết lúc tôi còn nhỏ tôi luôn đợi mẹ đi chợ về vì lúc nào bà cũng mua vài món ăn cho chúng tôi. Dần lớn lên, tôi đi càng xa, càng nhiều. Ấy vậy mà tôi chẳng mua một món quà gì về cho gia đình. Mãi đến năm tôi đi thi đại học, lúc đó tôi ở ké nhà của cậu họ hơn một tháng trời. Tôi đã tâm sự với mợ rằng tôi muốn mua một món trái cây gì đó cho gia đình, trước giờ tôi chưa mua thứ gì về cả. Hôm đó tôi đã mua một ký măng cục về nhà, nhưng đến khi về thì chẳng ăn được bao nhiêu. Rồi tôi đi học đại học, đi ròng rã mấy tháng trời, đến nỗi không biết gọi điện về nhà biết nói gì đây. Những cuộc gọi điện đều rất ngắn ngủi dù tôi rất muốn nói chuyện với họ, nhưng lại không biết nói gì.

Kỳ nghỉ tết vừa rồi, tôi đã dặn lòng rằng sẽ mua vài thứ gì đó cho gia đình. Chỉ là những món đồ đơn giản thôi. Một món ăn nào đó thôi. Ấy vậy mà tôi lại không có thời gian để mua chúng. Tôi thua xa thằng bạn chung phòng nhiều. Nó mua hai hộp sữa loại lớn và vài thứ nữa. Tôi đã nhờ nó mua giúp tôi cũng hai hộp sữa và một hộp mức dâu. Tôi biết được món mức dâu là nhờ chị hai tôi, năm tôi học lớp 6 chị đã mua về món mức dâu đó, tôi rất thích và vẫn nhớ đến giờ. Vậy đó, những món mà “có thể ăn được” chỉ có vậy. Tôi còn mua tặn cha và mẹ mỗi người một cái áo lạnh, hôm đó cũng trễ lắm rồi mà tìm mãi chỉ thấy toàn là đồ cho giới trẻ, tôi tìm mãi mới tìm được một cái ái có thể mặc được cho mẹ và cha, cái của cha thì hơi trẻ một chút. Tôi còn mua được cho anh ba một cái áo màu đen đúng theo gu ăn mặc của anh, anh cứ mặc cái áo đó suốt, có lẽ họ vui lắm. Đó là lần đầu tiên mà có thể gọi là tôi đã tặng được một thứ gì đó cho gia đình, bằng chính những đồng tiền mà tôi làm ra, dù nó nhỏ nhoi thôi.

Bây giờ mọi thứ đã khác rồi. Kể cả cái cách mà người ta sống cũng đã khác. Những lần mong mẹ đi chợ về để có những món quà đã không còn. Chúng tôi đã đợi mẹ đi chợ về vì những lý do khác. Có lẽ trước giờ cha và mẹ cũng đợi chúng tôi về giống như chúng tôi đợi họ như bây giờ vậy. Có những điều chỉ khi nào ta lớn lên thì mới hiểu, cũng có những thứ khi ta mất đi ta mới biết trân trọng. Giờ tôi đã lớn rồi, đã biết sống bằng chính sức lực của mình. Những lần sau này nữa, mỗi khi tôi trở về tôi cũng sẽ tặng cho gia đình tôi vài thứ gì đó. Tôi hứa chắc chắn như vậy. Mặc dù tôi rất ghét cái cảm giác phải xách theo nhiều thứ lùm tùm, nhưng có đáng gì đâu. Tôi đang xách về tình thương đó thôi. Tôi sẽ tiếp tục xách về những thứ như thế, những thứ nho nhỏ thôi nhưng chất chứa trong đó biết bao nhiều điều tốt đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang