Đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công?

Đây là một trong những câu hỏi được hỏi nhiều nhất, đặc biệt là các em học sinh sắp tốt nghiệp phổ thông. Câu trả lời cũng không ít, đó là: Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Một vài người còn bồi thêm bằng những câu đại loại như: Nhưng nó là con đường tốt nhất. Vậy là chúng ta đã quá rõ ràng, nhưng liệu nó có phải là con đường tốt nhất không? Xin chào các sĩ tử, hãy đọc hết bài viết này để xem quyết định của bạn là gì nhé.

Nếu bạn thi trượt đại học, cũng không có gì để đáng buồn hay xấu hổ cả, vì bạn đang thuộc số đông đấy. Mỗi năm, mỗi một ngành ở một trường đại học danh tiếng đều có từ vài trăm đến vài nghìn thí sinh ứng tuyển. Nhưng đáng tiếc là mỗi ngành chỉ tuyển khoảng 100 sinh viên, con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng ngành và quy mô của trường. Điều đó có nghĩa là nếu bạn trượt vào một ngành nào đó, đó hoàn toàn là chuyện bình thường. Tôi mong rằng các bậc phụ huynh sẽ thấy những dòng này.

Mỗi năm, cũng có không ít sinh viên quyết định thôi học. Có rất nhiều lý do cho việc này, điển hình có thể kể đến là: hoàn cảnh khó khăn, không có đam mê, chương trình học nhàm chán,… Hay vĩ đại hơn, họ bỏ học để theo đuổi những thứ lớn lao hơn. Nhưng con số này chiếm rất ít và không phải ai trong số họ cũng thành công với thứ mà họ đã theo đuổi. Nếu bạn có “may mắn” đỗ vào một trường đại học như mong muốn, đây sẽ là những thứ bạn sẽ phải đối mặt khi bước vào ngưỡng cửa đại học.

Vấn đề đầu tiên chính là tiền đâu. Thực dụng một chút đi các bạn trẻ ạ. “Không có tiền thì cạp đất mà ăn”, bạn có thể chỉ trích câu nói trên, nhưng thực sự nếu không có tiền thì đến cả đất còn không có mà cạp nữa. Những trường đại học tư nhân có mức học phí rất cao, bạn sẽ phải bỏ ra ít nhất mười triệu tiền học phí cho mỗi năm học. Đối với những trường công lập thì học phí thấp hơn, nhưng cũng dao động trong khoảng trên dưới mười triệu cho một năm học. Nếu gia đình bạn khó khăn, đôi khi không học đại học là một sự lựa chọn tốt. Ước mơ là một chuyện, nhưng hiện thực có thể giẫm nát ước mơ đó. Muốn mơ, ta phải ăn cho no cái đã.

Mỗi năm sẽ có 3 học kỳ, tương ứng với 3 đợt bạn phải gom tiền để đóng học phí. Nhưng thật ra tiền học phí ấy cũng không đáng là bao so với số tiền bạn phải chi trả cho các hoạt động hàng ngày. Bạn có thể ở ký túc xá để tiết kiệm kha khá tiền nhà trọ. Bạn có thể đi làm thêm để chi trả cho các sinh hoạt, ăn uống. Tôi cũng đã từng ở ký túc xá, đã từng đi làm thêm.

Một khoảng thời gian khá dài, tôi đã có thể tự nuôi sống mình. Gia đình không phải gửi cho tôi một khoảng tiền nào cả. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, bạn luôn phải đánh đổi. Bạn làm thêm, bạn có tiền, nhưng cũng đồng nghĩa với việc thời gian của bạn dành cho việc học cũng sẽ giảm đi. Thậm chí bạn không còn thời gian để nghĩ đến việc học hành nữa.

Có không ít người đã rơi vào tình cảnh, họ đi làm thêm quần quật cả ngày để chi trả tiền học phí, tiền sinh hoạt hàng ngày. Thế là họ chẳng còn chút thời gian nào để dành cho việc học nữa. Họ nợ môn, rồi lại làm quần quật để có tiền học lại, rồi lại nợ môn tiếp, vòng lặp cứ thế lẩn quẩn không lối thoát. Lúc tôi đi làm thêm khi còn là sinh viên, tôi chẳng còn chút thời gian nào cho việc học nữa. Sáng đi làm, tối về với bộ dạng mệt mỏi, chỉ biết lăn ra ngủ và hôm sau lại đi làm tiếp.

Những chỗ thuê bạn làm cũng trả lương vô cùng ít. Họ thường lợi dụng vào điểm yếu về thời gian của sinh viên làm thêm để trả lương bèo bọt, thậm chí là quỵt cả tiền lương. Những bạn đi phát tờ rơi nên chú ý điều này, công việc này rất dễ bị quỵt tiền. Còn những công việc khác, lương của bạn sẽ rất thấp, thậm chí còn không được mười nghìn đồng một giờ.

Làm thêm là điều nên làm khi còn là sinh viên, tôi cũng khuyết khích việc này, nhưng đối mặt với nó, bạn phải đánh đổi rất nhiều thứ. Nếu không quản lý tốt quỹ thời gian của mình, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng công việc không tử tế mà chuyện học hành cũng không xong.

Nếu bạn nghĩ rằng khi vào đại học, bạn sẽ được học những gì mình thích, sẽ không phải học combo toán – lý – hóa – văn – sử – địa – sinh – tinh học – thể dục – giáo dục công dân – giáo dục quốc phòng nữa thì bạn đã nhầm, nhầm hoàn toàn. Bạn sẽ không phải học 5 tiết mỗi này, 6 ngày một tuần nữa, nhưng không phải vì thế mà cuộc đời đi học của bạn sẽ tươi sáng hơn phổ thông đâu.

Bạn sẽ mất khoảng hai năm để học những môn chẳng liên quan một chút gì đến ngành mà mình học, như các môn về triết học, pháp luật, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất,… Nếu chương trình học của bạn được lược bỏ hết tất cả các môn học ấy, có lẽ nó chỉ còn lại hai năm thôi.

Chưa hết, “chuyên ngành” sẽ là một cụm từ khiến bạn có thể vỡ mộng thêm một lần nữa. Bạn sẽ được học những thứ mà người ta thường hay gọi là “lý thuyết”, và chúng chẳng có tác dụng gì cả. Những thứ thật sự có ích cho bạn có lẽ chỉ nằm ở các đồ án, niên luận, tiểu luận và một số rất ít các môn chuyên ngành. Đó là lý do vì sao hàng năm có rất nhiều sinh viên mới ra trường, nhưng tình trạng thất nghiệp rất cao trong khi các doanh nghiệp lại thiếu nhân lực.

Nguyên nhân của tình huống trớ trêu này chính là vì nhà trường không dạy cho họ những thứ thực sự cần thiết khi bước vào làm việc. Chỉ có những công ty lớn có nguồn lực dồi dào họ mới chấp nhận những sinh viên mới ra trường. Đối với những ứng viên này, họ phải đào tạo lại hoàn toàn thì mới có thể làm việc được. Nếu bạn gặp một ai đó tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi nhưng lại thất nghiệp, hãy xem đó là một chuyện bình thường. Giờ có lẽ bạn cũng biết lý do tại sao có những người đã đi được hơn nửa chặng đường nhưng cuối cùng lại bỏ cuộc rồi nhé.

Giờ ta hãy quay trở lại khoảng thời gian mà mọi người đang chọn trường để nộp hồ sơ. Có một câu hỏi được hơn 50% học sinh hỏi rằng “em không biết nên chọn ngành gì”. Thật tình thì tôi không thể trả lời câu hỏi đó của bạn, tôi cũng không biết gợi ý cho bạn học ngành gì nữa. Nên tôi sẽ nói đến những viễn cảnh xảy ra sau câu hỏi đó.

Khi bạn chọn sai ngành, quảng thời gian đại học của bạn sẽ trở nên nhàm chán với việc học, học và học. Bạn học để qua môn, bạn học để ra trường. Bạn học những môn mà mình chẳng biết nó là gì, để làm gì. Nó chẳng khác gì so với việc bạn học ở phổ thông cả. Học những môn học mà mình chẳng thích, mặc dù nếu chọn đúng ngành mình yêu thích thì cũng không khả quan hơn là mấy.

Có những ngành học được sinh ra chẳng biết để làm gì, cơ hội việc làm gần như là không có. Một số người chọn con đường học ngành hai để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, sau khi họ phát hiện ra đam mê hoặc do không đủ điểm để vào ngành đó, đành phải học ngành khác để có cơ hội học được ngành mình yêu thích bằng ngành thứ 2. Nhưng hãy nghe tôi, đó thật sự sẽ là một cực hình trong quảng đời sinh viên của bạn.

Các bạn được các anh chị tư vấn tuyển sinh vẽ ra một bức tranh đầy màu sắc về tương lai của các bạn, về môi trường học tập và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nhưng sự thật thì không phải vậy. Ngay cả những ngành học có cơ hội việc làm cao nhất cũng rất khó tìm việc sau khi ra trường. Và còn một chuyện buồn cười hơn nữa là đôi khi sau khi học hết bốn năm đại học, lương của bạn khi đi làm còn thua cả lương của công nhân.

Nói như vậy không có nghĩa là đi học đại học là không tốt, hay không học đại học mà đi làm ngay là không nên. Không có điều nào đúng cả. Chúng ta, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trước thường dùng trình độ học vấn để làm một thước đo so sánh. Kẻ học thức nhiều được coi trọng hơn kẻ học thức ít.Thật sự việc học đại học và việc không học đại học không phải là sự khác biệt ở cấp độ, mà nó là sự khác biệt về tính chất. Nghĩa là hai thứ đó vốn dĩ đã khác biệt nhau hoàn toàn rồi, chúng chẳng liên quan gì đến nhau nên không thể đặt cạnh nhau để so sánh được.

Giống như việc bạn có thể so sánh một chiếc xe đạp với một chiếc xe máy vì xe máy nhanh hơn xe đạp, nhưng bạn không thể so sánh một chiếc xe tải với một chiếc xe ô tô bốn chỗ được. Vì vốn dĩ chúng sinh ra nhằm phục vụ cho mục đích khác nhau, bạn không thể dùng chiếc ô tô bốn chỗ để chở hàng và cũng không ai dùng xe tải để đi chơi cả, không thể cùng đặt chúng lên một bàn cân để so sánh.

Lấy một ví dụ đơn giản thế này. Nếu bạn đi học nghề về điện, bạn sẽ được dạy về sửa chữa đồ điện tử. Bạn sẽ nắm vững các kỹ thuật hàn, khò, nắm rõ cấu tạo của các thiết bị điện. Sau khi học xong, bạn có thể sửa chữa được gần như là mọi thiết bị điện tử gia dụng.

Nhưng nếu bạn học đại học, đó là một câu chuyện khác. Họ sẽ không dạy bạn phải hàn như thế nào, khò ra sao, cũng chẳng dạy bạn cách tháo lắp, sửa chữa các thiết bị điện. Họ dạy bạn các vẽ mạch điện, họ không dạy bạn cách quấn dây cuộn cảm, nhưng họ sẽ dạy bạn hiểu vì sao phải quấn với số vòng dây như thế mà không phải ít hơn hoặc nhiều hơn. Đại học thiên về nghiên cứu, còn học nghề thì lại thiên về ứng dụng, không thể đem hai thứ đó ra để so sánh hay phân biệt đẳng cấp được.

Dù bạn học đại học, hay bạn chỉ học hết lớp 12, thì con đường khi bước ra đời của bạn cũng bắt đầu bằng việc làm công. Khái niệm về sự thành công cũng từ đó mà khác nhau.

Một người có trình độ đại học có thể làm việc trong máy lạnh, trở thành một người thành công với vai trò giám đốc hay trưởng phòng. Người chỉ học hết cấp ba tuy không ngồi trong máy lạnh xử lý giấy gờ hay gõ gõ bàn phím như người kia, nhưng sự thành công của người ta là có một cửa hiệu cho riêng mình, một tháng kiếm vài chục thậm chí vài trăm triệu.

Tất cả họ đều có thể trở thành những con người thành đạt, hoặc cũng vẫn chỉ là những người làm công ăn lương mãi mãi không có tương lai. Ai cũng đều có thể trở thành như vậy được cả. Cho nên đại học không phải là con đường duy nhất hay tốt nhất để bạn phải cố gắng bước đi trên đó cho bằng được. Nó chỉ chỉ một trong những con đường cho bạn lựa chọn, cũng giống nhau, chông gai như nhau.

Bạn chọn con đường nào là tùy thuộc vào bạn, bạn thích con đường nào và bạn có thể bước đi trên con đường nào. Bạn hoàn toàn có thể chuyển đường bất kỳ lúc nào. Tôi đã từng ở chung phòng với một anh trên 30 tuổi, một vợ hai con, nhưng anh ấy chỉ mới là sinh viên năm nhất. Học là chuyện cả đời mà, bạn muốn học hay bỏ học lúc nào mà chẳng được.

Vậy thì có nên học đại học hay không? Hay nên đi làm ngay từ bây giờ? Câu trả lời còn tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn đủ điều kiện về kinh tế để có thể học đại học, bạn nên học. Bởi vì khoảng thời gian đó là khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ. Bạn có sức khỏe, bạn có thời gian, bạn có những thứ mà chỉ có học đại học mới có được. Bạn sẽ chẳng thể nào bảo cuộc đời của mình thật tươi đẹp khi ngày nào cũng sáng sớm đi làm chiều về nhà đâu.

Còn nếu bạn không đủ điều kiện để làm những việc ấy, gia đình bạn và chính bạn phải cân nhắc đến từng đồng chi tiêu hàng ngày. Tôi khuyên bạn nên đi làm ngay. Sau này khi cuộc sống ổn định, bạn sẽ tìm thấy được những niềm vui mới, và đôi khi là những niềm đam mê mới. Cho dù có học đại học hay không thì bạn cũng vẫn sẽ bước vào đời, sẽ lao vào vòng xoáy cơm – áo – gạo – tiền. Và chuyện bạn đã từng học đại học hay không, nó cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang