Câu chuyện quy hoạch đường sá quê mình

Quê mình ở Cà Mau, nhiều bạn đọc trung thành của blog chắc cũng biết điều này. Khi nghĩ đến Cà Mau chắc hẳn ai nấy cũng đều nghĩ rằng chắc chỗ mình tôm cua nhiều lắm, nhưng thật sự lại không vậy. Đúng là Cà Mau nuôi tôm cua rất nhiều, hầu hết là như vậy, chỉ trừ chỗ mình ở. Khu vực mình ở là một vùng nước ngọt quanh năm được bao bọc bởi hệ thống đập thủy lợi ngăn mặn và những chiếc cống được xây dựng để điều tiết nước vào mùa mưa. Khi nước nhiều quá thì mở cống xả nước ra phía nước mặn, bên nước mặn có thủy triều nên nước sẽ rút ra biển. Ngược lại, phải luôn luôn đóng cửa cống để ngăn không cho nước mặn tràn vào. Chỗ mình trồng lúa, nước ngọt quanh năm. Tuy là trồng lúa những cũng theo kiểu hộ gia đình, người thì nhiều mà đất thì ít, túm lại chả bằng cọng lông của vùng trên như Hậu Giang, Sóc Trăng,… Cá đồng thì đang dần cạn kiệt do khai thác quá mức bằng điện cao áp. Túm lại cả cái đoạn này là để cho mọi người biết Cà Mau có tôm cua nhiều nhưng chỗ mình ở thì hoàn toàn không. Mai mốt có ai gặp mình ngoài đời xin đừng nói về tôm cua hay đòi mình biếu con tôm con cua nào.

Cống thủy lợi nó như này này, chứ không phải như mấy cái ống cống thoát nước đâu

Chỗ mình ở là một nơi có thể gọi là khỉ ho cò gáy, trước cửa nhà mình là một con kênh, chẳng có nỗi con lộ bê tông 1m5. Mới hồi 2014 – 2015 mới có con lộ bê tông phía bên kia kênh, nhà mình vẫn phải gửi xe ở nhà người ta vào mùa mưa. Internet thì mới có vài ba tháng nay, và cũng chỉ có mỗi cáp của Viettel. Hồi trước sóng 3G thì chập chờn, phải ra ngoài sân mới hứng được chút ít sóng, năm nay thì mạnh hơn, được trang bị 4G hẳn hoi nhưng cũng tùy nơi, 3G thì dùng trong nhà được rồi.

Cà Mau là một vùng sông nước, nên kênh rạch ở đây nhiều hơn cả đường sá xe chạy. Riêng chỗ mình không biết ngày xưa ra sao mà kênh rạch toàn do ông bà đào, được quy hoạch theo ô vuông giống như đường bộ vậy. Còn những nơi khác, tức những nơi nước mặn, thì kênh rạch do dòng chảy tự nhiên mà thành, rồi sau này họ nạo vét để làm giao thông, cho nên nó y như một cái mê cung vậy, mình thấy còn hãi nói chi người xứ khác.

Cái trớ trêu thay là tất cả mọi con kênh ở khu vực mình đều đã có lộ xe đầy đủ, chỉ riêng chỗ mình là không. Nhưng đó cũng chỉ là một câu chuyện cỏn con, hôm nay mình sẽ nói đến cái kiểu quy hoạch đường sá ngu ngốc ở địa phương mình. Một kiểu quy hoạch không biết tại sao họ lại nghĩ ra, khiến đường đi xa hơn rất nhiều lần.

Ảnh trên là hình chụp vệ tinh trên Google Maps của khu vực mình sống. Cái chấm xanh chút xíu tất nhiên là nhà mình, những đường kẻ màu trắng là lộ nhựa, ô tô chạy được, còn lại là lộ xi măng với kích thước nhỏ.

Lấy thành phố Cà Mau làm trung tâm cũng như xuất phát điểm, khu vực mình ở có một vài vùng trọng điểm như sau: Thị trấn Trần Văn Thời, là trung tâm của huyện Trần Văn Thời, huyện mình sống. Thị Trấn Sông Đốc, một thị trấn cạnh biển, rất phát triển vì đây là nơi của những đoàn đánh cá, giao thương buôn bán, phát triển hơn cả thị trấn Trần Văn Thời. Khu di tích hòn Đá Bạc, nói trắng ra thì nơi đây chẳng có cái mẹ gì, chỉ có ba cái đảo chút xíu đi chưa hết 1 tiếng đồng hồ là đã thấu, họ chọn nơi đây làm khu du lịch của khu vực nên đẩy mạnh vào nó, nhưng mình đến vài lần và thấy nó chả có gì sất. Đường về U Minh, là đường để về huyện U Minh, không những là một huyện mà nơi đây còn có rừng quốc gia U Minh Hạ, người ta cũng khai thác du lịch nên rất cần đường đến đây.

Như các bạn thấy, đường về Hòn Đá Bạc có một khúc vòng khá xa, đường về thị trấn Sông Đốc và thị trấn Trần Văn Thời cũng có một đoạn vòng khá xa nữa. Đường về nhà mình tất nhiên cũng phải lựa chọn 1 trong 2 đường vòng ngu ngốc này. Trong khi đó chỉ cần quy hoạch ban đầu là làm một đường thẳng từ thành phố Cà Mau thẳng ra Hòn Đá Bạc và rẽ nhánh qua U Minh và thị trấn Trần Văn Thời + Sông Đốc từ con đường đó. Cụ thể là như hình bên dưới:

Đường màu xanh lá chính là đường đến thị trấn Trần Văn Thời và thị trấn Sông Đốc. Đường màu đỏ chính là đoạn đường ngắn nhất để đến các nơi còn lại, thay vì phải di một vòng xa lắc xa lơ như mấy ông đang quy hoạch bây giờ. Đường màu xanh lam trên đỉnh là về U Minh, rõ ràng là gần hơn quy hoạch hiện tại. Còn đường màu xanh lam thứ hai nối liền thị trấn Trần Văn Thời với Đá Bạc và U Minh, gần hơn quy hoạch hiện tại rất nhiều.

Phía dưới là hình ảnh so sánh sực khác nhau giữa hai bản quy hoạch, đường màu hồng chính là quy hoạch hiện tại, có thể thấy nó rất vòng vèo so với những đường màu lam, xanh lá và đỏ như bản quy hoạch mà mình nói tới.

Sẽ có người bảo rằng: nói thì dễ, chứ khi làm thì mới biết khó khăn ra sao, đâu khơi khơi mà làm đường sá kiểu đó được. Đúng là nói thì dễ, còn khi quy hoạch thì mới thấy khó khăn ra sao, phải làm sao cho nó hiệu quả. Tất nhiên thứ mình nói là có căn cứ chứ không phải là chém gió nói suông, nhưng tiếc là căn cứ của mình đã vùi lấp trong tàn tích chiến tranh rồi, các bạn tin hay không thì tùy.

Vào những năm 1950, khi đó cha mình còn là một đứa trẻ. Một hôm ông thấy những người đang đo đạc để làm một thứ gì đó. Ông đến hỏi thì họ nói rằng họ đang đo đạc để quy hoạch một con đường từ thành phố Cà Mau đến những khu vực kia. Và con đường mà họ đang đo đạc chính là đường kẻ màu đỏ mà mình đã tô màu ở hình trên, một tuyến đường gần nhất kết nối thành phố Cà Mau với các khu vực trọng điểm của vùng. Phóng to hơn một chút, con đường ấy đi ngang qua nhà mình luôn.

Sở dĩ nó phải đi ngang qua nhà mình chứ không phải lệch sang phía trên một chút là vì phần đường ở phía đông có một con kênh đào lớn được gọi là Kênh Hội. Con kênh này có một chỗ teo lại tạo thành 2 con kênh nhỏ, nếu làm đường lộ phía nhà mình thì sẽ tránh được chỗ giao nhau này, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho việc làm cầu và chống sạc lở. Đó là những năm 1950, cuối thời kỳ chống Pháp đầu thời kỳ chống Mỹ.

Các bạn có thể cho rằng tôi là một thằng chém gió chỉ giỏi vẽ bằng miệng, nhưng các bạn không thể phủ nhận công trình của những kỹ sư thời đó. Mình dám chắc chắn họ tài giỏi hơn bây giờ, và chắc chắn bản quy hoạch này là hoàn toàn khả thi. Các bạn có thể nhìn những công trình ở quận 1 Sài Gòn như Dinh Độc Lập, Nhà Thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Bưu Điện Thành Phố,… và những công trình khác mà Pháp và Mỹ đã để lại. Các bạn không thể phủ nhận những thứ mà họ đã làm cho dù họ là những kẻ xâm lược. Tôi dám chắc chắn rằng bản quy hoạch trên là hoàn toàn khả thi và sẽ trở thành hiện thực nếu như không có chiến tranh liên miên, cũng như con đường “14 nối dài” (từ Plei Kần đến thị trấn Khâm Đức) do ông Diệm nghĩ ra. Con đường ấy giờ đã trở thành hiện thực, còn con đường nơi mình ở đã bị chôn vùi trong tàn tích của chiến tranh và bị thay thế bằng một thiết kế có 1 không 2 này.

2 Responses

    1. Chắc cũng tầm 50 – 60 cây, chỗ tui đến rừng U Minh cũng hơi xa rồi. Khiến biết chỗ ông có gần đường Xuyên Á không.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang