Cánh đồng mẫu lớn và câu chuyện về nghiên cứu khoa học

Hồi còn học đại học tôi có làm thêm tại một tiệm photocopy. Vì trong môi trường đại học nên việc in ấn diễn ra nhiều hơn các công việc sao chép tài liệu và giấy tờ thông thường. Cứ đến mùa luận văn là khách đến in tấp nập, tất cả đều là sinh viên năm cuối đến in luận văn tốt nghiệp. Thỉnh thoảng, chỗ tiệm tôi làm còn in các bài nghiên cứu khoa học của sinh viên, và cả của những giáo sư trong trường nữa. Và mọi chuyện cũng bắt đầu từ đây.

Nếu bạn đã từng làm luận văn thì chắc có lẽ bạn sẽ hiểu điều này, trừ khi bạn là một sinh viên xuất sắc cả về học vấn lẫn đạo đức. Hầu như sinh viên năm cuối đều không bắt đầu làm luận văn ngay từ đầu học kỳ, mà họ lười biếng ít nhất cũng một đến hai tháng rồi mới bắt tay vào làm. Đỉnh điểm hơn là lúc nộp bài luận, những lỗi sai cứ thế mà ồ ạt lòi ra, một phần không ít những lỗi sai đến từ lỗi chính tả và định dạng văn bản. Thế nên hầu như mùa nào cũng luôn luôn có những người đến hôm nộp bài luận mới tá hỏa ra và chỉnh sửa cấp tốc. Thật buồn là số lượng này lại đông hơn số lượng còn lại. Mỗi khi gặp một anh chị nào đến in ngay mà không chỉnh sửa gì, tôi mừng như vừa vớ được vàng vậy.

Tôi dám chắc rằng những người này chẳng bao giờ xem lại những thứ mà mình đã viết hoặc đã “dán” ra. Bởi vì nếu đọc lại, chắc chắn họ sẽ thấy được những lỗi đánh máy cơ bản nhất mà ai cũng có thể nhận ra. Sự lười biếng và hời hợt của sinh viên là một đặc trưng, cho nên đối với riêng cá nhân tôi, tôi vẫn chấp nhận được điều đó. Tuy nhiên, lười biếng đến tận những ngày cuối cùng thì khó mà chấp nhận được. Có những người thậm chí chẳng làm một chút nào, họ được bạn bè làm giúp, hoặc chỉ đổi tên bài luận thành tên của họ và nộp. Có những người đã phải tốn hơn một triệu đồng trong vòng một ngày chỉ để in đi in lại luận văn đến ba lần.

Nhưng hóa ra cái sự hời hợt và lười biếng của những sinh viên lại không đơn giản như vậy. Hóa ra, họ chưa từng đọc một lần thứ mà họ viết ra là bởi vì đó không phải là thứ mà họ viết ra. Đó chỉ là những câu chữ trên một trang mạng nào đó được họ copy và paste mà thôi. Họ thậm chí còn chẳng thèm đọc trước khi copy, chỉ nhìn tiêu đề thấy đúng với yêu cầu của mình là cứ thế mà copy thôi. Mà internet thì các bạn cũng đã biết rồi đó, những thông tin chính xác và đáng tin cậy thì rất ít so với những thông tin vô bổ hoặc sai lệch.

Đó chính là lý do vì sao nước ta năm nào cũng có hàng nghìn kỹ sư, thạc sĩ ra trường nhưng những nhà tuyển dụng lúc nào cũng thiếu người. Họ học không lo học, nghiên cứu thì không nghiên cứu, không đọc nhiều sách vở để trao dồi kiến thức mà chỉ việc copy trên mạng rồi “paste” thành một quyển báo cáo dày khoảng một trăm trang, vậy là hoàn thành bài báo cáo, niên luận, luận văn. Mỗi một bài luận văn, một bài niên luận và thậm chí là một bài đồ án môn học cũng đều là một công trình nghiên cứu. Mà mấy anh mấy chị ta cứ nghiên cứu theo kiểu đó thì việc hàng năm có hàng trăm nghìn công trình nghiên cứu được tạo ra nhưng lại không có thứ gì giúp ích cho nhân dân là việc đương nhiên.

Tất nhiên không thể quơ đũa cả nắm. Vẫn có những con người thật sự yêu thích và làm những công trình nghiên cứu ấy bằng công sức và tâm huyết của mình. Họ thật sự là những người tài giỏi cả trong lúc học tập và khi đi làm việc sau này. Những công trình của họ cũng là những nghiên cứu thiết thực và có tính thực tiễn. Tuy nhiên, đáng tiếc thay, số lượng ấy lại rất ít, những công trình nghiên cứu ấy cũng bị bỏ dở vì những người lãnh đạo đã cho nó vào thư viện hoặc nhà máy tái chế giấy.

Ở Việt Nam, nếu bạn là một sinh viên giỏi thật sự, bạn sẽ có nhiều cách để kiếm tiền đủ trang trải cho việc học tập của mình. Cách không chính thống thì có học hộ, thi hộ. Cách chính thống thì làm gia sư hoặc làm đề tài nghiên cứu khoa học. Gia sư là một công việc khá ổn vì lịch dạy khá nhẹ nhàng, lại kiếm được kha khá tiền nếu như dạy cùng lúc nhiều học sinh. Còn có một cách kiếm được tiền một lúc nhiều hơn, đó là làm nghiên cứu khoa học. Đúng vậy, đa phần người ta làm nghiên cứu khoa học vì kiếm tiền chứ không phải vì muốn đóng góp cho xã hội đâu.

Ở trường tôi học năm nào cũng có từ hàng chục đến hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học cấp trường được duyệt và cấp kinh phí thực hiện. Đa phần họ làm nghiên cứu bằng cách tìm kiếm thông tin trên mạng rồi copy thành một quyển hoàn chỉnh, chém gió cho qua rồi xong, dẹp nó vào dĩ vãng. Các giảng viên thì khá dễ dãi trong việc kiểm duyệt đề tài và hưỡng dẫn đề tài, vì càng hướng dẫn được càng nhiều đề tài thì họ càng tiến gần hơn đến chức danh giáo sư. Cho nên có biết bao công trình khoa học được thực hiện mỗi năm, nhưng chẳng có công trình nào hoặc rất ít công trình được áp dụng, triển khai trong thực tiễn. Vì những người làm nghiên cứu chỉ để lấy tiền, những người chủ nhiệm đề tài thì cũng chỉ lấy tiền phụ cấp và lấy thành tích để được phong hàm. Còn những người có tâm huyết muốn triển khai nó, thì những người chủ nhiệm đề tài đã dẹp nó rồi.

Không chỉ các công trình khoa học cấp trường của sinh viên, các công trình cấp quốc gia cũng không thua kém gì. Thời còn đi làm thêm tôi đã từng phải in 12 quyển báo cáo nghiên cứu khoa học cấp quốc gia của khoa nông nghiệp trong trường trong vòng 30 phút. Mỗi quyển dày hơn 200 trang, và được hối thúc rằng phải làm ngay để kịp gửi máy bay ra Hà Nội. Đó không phải là chuyện để bàn, nhưng câu chuyện đằng sau nó mới là thứ đáng để bàn luận ở đây.

Đây là một công trình khoa học ở cấp độ quốc gia, cho thấy nó là một công trình rất lớn, kinh phí được cấp cho việc thực hiện công trình này cũng lên đến vài tỷ đồng. Những người đứng đầu công trình này đều là các tiến sĩ, là trưởng khoa, phó khoa và những người có máu mặt trong khoa. Việc in 12 quyển báo cáo trong vòng 30 phút là một điều bất khả thi rồi, đến khi in xong tôi lại phải tháo ra toàn bộ 12 quyển ấy rồi đóng lại chỉ vì phải chèn thêm vào trong đó một trang giấy gì đó có chữ ký và đóng dấu của ai đó mà tôi đã quên mất rồi. File được gửi in thì có một file excel mà mở ra thì một đống lỗi, cả lỗi về cú pháp và lỗi về cách trình bày. Và tôi được cô giáo Thảo trả lời rằng cứ in đại đi vì chả ai biết sửa nó cả mà cũng chẳng có thời gian để sửa. Hơn một năm sau tôi lại sửa một quyển trong số ấy, không biết trong thời gian qua chúng được cất ở đâu và có được ai đọc chưa mà đến tận hơn một năm sau nó mới lại được đem đi sửa lại.

Đến đây thì có lẽ bạn cũng đã hiểu được công trình ấy được thực hiện như thế nào rồi phải không? Không biết bạn nghĩ sao, còn tôi thì nghĩ rằng những người đứng tên thực hiện đề tài đó có lẽ họ còn chưa từng thấy mặt mũi của cái đề tài ra làm sao, còn người viết ra những thứ đó chắc là những giảng viên của khoa và những cô cậu sinh viên nào đó bị ép phải làm với vỏ bọc là những đề tài đồ án môn học, thậm chí là những người chuyên sống bằng nghề làm đồ án thuê.

Lâu lâu báo chí nước ta lại phanh phui ra một cán bộ nào đó sử dụng bằng cấp giả. Lâu lâu lại lòi ra một vụ thuê người học nhờ của một ông bà tai to mặ bự nào đó. Vậy đó, nghiên cứu khoa học ở nước ta phần lớn được thực hiện bằng cách như vậy đó.

Nói đã nhiều rồi nhưng vẫn chưa thấy mặt mũi của “cánh đồng mẫu lớn” mà tên bài viết đã nêu ra ở đâu rồi phải không? Okay. Đến lượt nó đây.

Ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long nhiều năm về trước, cánh đồng mẫu lớn là một công trình lớn và mang lại lợi ích rất cao cho người dân của vùng. Đây là công trình có thể nói là lớn nhất đất nước, không những trong quy mô, kinh phí mà còn cả ngay ở truyền thông. Báo đài lúc đó luôn luôn đưa tin về việc triển khai cánh đồng mẫu lớn trên cách địa phương, chẳng thua kém gì việc tuyển truyền cái thứ gọi là “bốn chấm không” hiện giờ. Cánh đồng mẫu lớn đem lại sức ảnh hưởng rất cao trong sản xuất nông nghiệp và cả trong nghiên cứu khoa học. Có lẽ nó là công trình tốn chi phí nhiều nhất và cũng là công trình được thấy kết quả cụ thể nhất. Tuy nhiên sẽ chẳng có gì để nói nếu như dự án này vẫn được thực hiện cho đến giờ.

Tôi sẽ dành hai đoạn để nói sơ qua về dự án này để bạn đọc được hiểu phần nào về nó. Tôi không biết ở các địa phương khác triển khai như thế nào nên tôi sẽ nói những gì mà tôi thấy được ngay tại địa phương của tôi. Cánh đồng mẫu lớn khác với mộ hình hợp tác xã, không làm chung ăn chung, mà là làm mọi thứ một cách đồng loạt. Hình thức sản xuất theo hộ gia đình vẫn được giữ như cũ. Mọi hoạt động sản xuất lúa của người dân cả vùng sẽ được triển khai đồng loạt. Tất cả mọi người sẽ cùng gieo giống trong cùng một này, bón phân cùng một này, phun thuốc cùng một ngày, bơm nước cũng cùng một ngày. Lịch biểu cho các hoạt động sẽ được các kỹ sư của nhà nước nghiên cứu và đưa ra.

Khi mọi thứ được thực hiện đồng loạt như vậy, sâu bệnh sẽ được tiêu diệt hoàn toàn, sẽ không còn trường hợp sâu bệnh lây từ đồng này sang đồng khác vì tất cả cánh đồng đều được phun thuốc cùng một lúc. Việc bơm nước cùng một lúc cũng tránh được tình trạng nước từ đồng này rò rỉ sang đồng bên cạnh. Và còn nhiều thứ khác của mô hình này đã đem lại một hiệu quả rất cao ngay từ năm đầu tiên.

Lúc mới triển khai, người dân quê tôi còn được cấp lúa giống, được hỗ trợ tiền phân thuốc, tiền dầu bơm nước. Chỉ ngay từ vụ mùa đầu tiên thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, kết quả đạt được hiệu quả trông thấy. Lượng lúa thu hoạch được cao hơn so với việc thực hiện riêng lẻ, chi phí bỏ ra cũng thấp hơn nhiều so với trước đây. Những vụ mùa tiếp sau đó vẫn mang đến những kết quả cao như vậy. Ở địa phương tôi còn xây những cống ngăn nước ở đầu các nhánh sông. Sau khi các công trình này xây xong, nhà nước sẽ trang bị máy bơm ở đây và bơm nước cho toàn vùng, nông dân không còn phải tự bơm nước nữa. Tuy nhiên, khi các công trình này được xây xong thì dự án cánh đồng mẫu lớn đã đi vào dĩ vãng.

Không còn những chỉ thị từ nhà nước, các phương tiện truyền thông cũng không còn tuyên truyền về mô hình này nữa. Dự án đã được gác lại một cách âm thầm chỉ sau gần hai năm thực hiện. Người dân lại tiếp tục canh tác riêng lẻ như thói quen của họ từ trước đến nay. Cũng không ai thèm thắc mắc tại sao một mô hình tốt đến vậy lại không được thực hiện nữa. Còn tôi thì quá hiểu rõ nguyên nhân vì sao. Đơn giản vì những người đứng đầu công trình ấy thực hiện nó với mục đích là kiếm tiền từ một công trình nghiên cứu khoa học chứ không phải để đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà. Họ nghiên cứu công trình ấy để được cấp tiền, họ triển khai nó để được cấp tiền cho việc triển khai. Và khi công trình đã được duyệt, đã được cấp tiền triển khai và đã triển khai xong, thì tất nhiên họ sẽ gác lại nó vì họ không được hưởng lợi từ công trình ấy nữa. Họ tiếp tục làm những công trình khác để tiếp tục được cấp kinh phí.

Cánh đồng mẫu lớn là một sự tiếc nuối đối với tôi, một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp ở nông thôn, và đó còn là sự tiếc nuối cho những người nông dân. Không biết bao nhiêu tỷ đã được chi ra cho công trình này, tuy nhiên lại đáng buồn vì những người thực hiện nó lại không phải là những người làm vì tình yêu đối với nền nông nghiệp trong nước và những người nông dân.

Con đường học thức không mang lại nhiều tiền bạc như mọi người vẫn nghĩ. Nếu bạn tài giỏi và bạn làm cho một doanh nghiệp, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền. Nhưng nếu bạn tài giỏi và bạn dùng kiến thức đó để truyền đạt lại cho thế hệ sau, bạn nghiên cứu những công trình mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, thì bạn lại khó giàu có lên được từ nó. Bởi vì nghiên cứu và truyền đạt kiến thức thì khác với kinh doanh. Đó cũng chính là lý do mà người ta làm nghiên cứu khoa học là vì tiền chứ không phải vì tình yêu và niềm đam mê đối với khoa học.

Chỉ hy vọng rằng một ngày nào đó dự án cánh đồng mẫu lớn lại được tiếp tục. Không cần được tặng lúa giống, không cần được hỗ trợ chi phí, chỉ cần nó được thực hiện thôi là tốt cho người nông dân rồi. Cũng hy vọng thêm rằng sau này việc nghiên cứu khoa học được quan tâm nhiều hơn, để những công trình ấy được áp dụng và mang lại lợi ích trong thực tế chứ không còn là một quyển báo cáo được đóng bằng những tờ giấy A4 và bỏ xó trong kệ tủ. Tất nhiên ngày đó sẽ còn xa lắm, nhưng ai mà không có quyền hy vọng chứ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang