Cẩm nang dành cho tân sinh viên

Vậy là cuộc thi THPT đã có kết quả, trở thành phụ hồ hay bốn năm sau lại trở thành phụ hồ đã được giải đáp một nửa. Đùa thôi, khi bạn tìm đọc được bài này có lẽ bạn đã đỗ đại học rồi. Mình cũng từng một thời là tân sinh viên như các bạn. Ngày đó thậm chí mình còn không có bất kỳ một người đi trước nào để tư vấn cũng như giúp đỡ, nên những kinh nghiệm mà mình tích lũy được có thể nói là giúp được các bạn phần nào trong những ngày mới bước vào ngưỡng cửa đại học. Mình xin được phép gọi một cách mỹ miều là cẩm nang dành cho tân sinh viên cho nó sang chảnh chút nhé.

Chuẩn bị hồ sơ nhập học

Sau khi biết chắc rằng mình đã trúng tuyển rồi, một thời gian sau nhà trường sẽ gửi giấy báo trúng tuyển về trường cho bạn. Bạn nên thường xuyên gọi điện hỏi thăm xem giấy báo đã về tới trường hay chưa, nhưng cũng cẩn thận kẻo làm phiên người khác nhé. Khi bạn không trúng tuyển, bạn sẽ được gửi trả về kết quả thi để có thể đăng ký nguyện vọng khác, còn khi trúng tuyển rồi thì hình như chỉ có giấy báo trúng tuyển thì phải. Bạn có thể không nhập học nếu thích. 😀

Trên giấy báo trúng tuyển sẽ có ghi đầy đủ những hồ sơ mà bạn cần chuẩn bị để làm thủ tục nhập học kèm theo tiền học phí cho học kỳ đầu tiên. Về khoản tiền học phí, bạn phải chuẩn bị số tiền vừa đủ, không nên đem theo tiền chẵn làm mất thời gian của mọi người. Các loại giấy tờ đều được yêu cầu công chứng cụ thể trong giấy báo trúng tuyển. Đặc biệt đối với học bạ, bạn phải mang theo học bạ gốc để đối chiếu.

Làm thủ tục nhập học

Nếu bạn chưa bao giờ học đại học, bạn sẽ không tưởng tượng nổi cảnh tượng ngày làm thủ tục nhập học đâu. Nếu trường bạn nhập học là một trường lớn, ngày nhập học sẽ rất đông, bạn sẽ xếp hàng để nộp hồ sơ hệt như xếp hàng lãnh thực phẩm thời bao cấp vậy. Ngày trước mình từng đi rất sớm, nhưng hóa ra đó lại là một sai lầm. Bạn cứ từ từ, ăn sáng đầy đủ rồi đến cũng được. Việc bạn đi quá sớm chỉ khiến cho bạn phải chờ đợi thêm lâu hơn mà thôi. Bạn cũng đừng sợ nếu như mình đến trễ, thông thường thời gian làm thủ tục sẽ diễn ra vài ngày cho các ngành khác nhau, bạn hoàn toàn có thể đến vào ngày khác.

Nếu bạn thuộc đối tượng miễn giảm học phí, bạn phải chuẩn bị giấy tờ đầy đủ trong hồ sơ và nói với người nhận hồ sơ ngay khi nộp. Nhiều bạn không biết, đến khi đóng tiền học phí mới nói, làm mất thời gian cho cả hai. Bạn sẽ được đi qua từng vòng, mỗi vòng sẽ có một yêu cầu và những giấy tờ cần hoàn thành riêng. Thời gian bạn chờ đợi lâu, chứ thời gian nộp hồ sơ thì khoảng 5 phút là xong.

Ở ký túc xá hay ở nhà trọ?

Cho dù gia đình bạn có điều kiện hay không thì mình vẫn khuyến khích bạn nên ở ký túc xá ít nhất là một học kỳ. Nếu gia đình bạn không quá dư giả, ở ký túc xá là một sự lựa chọn không thể bỏ qua. Giá tiền ở ký túc xá chỉ dao động khoảng 100 nghìn một tháng, rất rẻ so với giá nhà trọ gần 1 triệu một tháng hiện nay. Không những tiết kiệm một khoảng lớn chi phí tiền ở, bạn còn tiết kiệm luôn chi phí đi lại. Khi ở trong ký túc xá, bạn có thể đi bộ đi học hàng ngày, vừa tiết kiệm chi phí vừa tốt cho sức khỏe.

Còn nếu gia đình bạn khá giả thì mình cũng khuyên bạn nên ở ký túc xá học kỳ đầu tiên để làm quen với môi trường mới. Nếu bạn không có người quen giúp đỡ, sẽ rất khó tìm được một nhà trọ tốt bên ngoài. Ở ký túc xá còn giúp bạn làm quen được nhiều người bạn mới. Đặc biệt, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều loại người, giúp bạn có kinh nghiệm hơn khi giao tiếp với người khác. Sau một học kỳ, bạn đã có nhiều kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ, lúc đó dọn ra ở trọ vẫn còn chưa muộn.

Tuy nhiên, việc ở ký túc xá cũng gặp rất nhiều vấn đề. Bạn sẽ gặp đủ các loại người khác nhau, tốt có, xấu có, dễ chịu có, khó ưa có, cả biến thái cũng có. Sẽ không lạ gì việc đến 1 – 2 giờ đêm vẫn có kẻ phá giấc ngủ của bạn, hay 5 giờ sáng có đứa ca hát ầm ĩ. Điều này cũng giúp bạn rèn luyện sức chịu đựng hơn :D. Khi ở ký túc xá, bạn chỉ nên mang theo ít quần áo, đặc biệt đừng mang theo những đồ vật giá trị như quần áo đắt tiền, điện thoại đắt tiền, máy tính,… Cũng đừng tỏ ra mình là một người có hầu bao rủng rỉnh. Việc mất cắp và dùng đồ chùa ở ký túc xá diễn ra như cơm bữa nên cách tốt nhất vẫn là ta không có thứ gì để kẻ gian lấy.

Việc đăng ký ở ký túc xá cũng thường diễn ra ngay tại buổi làm thủ tục nhập học. Nếu có người quen, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu được sắp xếp ở một phòng nào đó miễn sao phòng đó có chỗ trống trên hệ thống. Còn không, bạn sẽ được sắp ở ngẫu nhiên.

Đồng phục hay không đồng phục?

Bạn phải tìm hiểu xem trường bạn học có yêu cầu mặc đồng phục hay không để có quyết định mua trang phục phù hợp. Đa số các trường đại học lớn ở nước ta đều không yêu cầu mặc đồng phục nên cũng khá thoải mái trong việc lựa chọn trang phục. Bạn có thể mặc áo sơ mi hoặc áo thun có cổ khi đi học. Có nơi sẽ có lực lượng “lính gác” kiểm tra, có nơi lại không. Chỉ cần ăn mặc lịch sự, áo sơ mi hoặc áo thun, quần âu hoặc quần jean, mang giày hoặc dép quai hậu khi đi học là được. Mình khuyên bạn nên mua vài chiếc áo thun để thoải mái. Khi nào học chung với crush thì mới mặc áo sơ mi cho đẹp trai/xinh gái :D.

Bạn nên đeo ba lô, vừa đựng được sách vở lại đựng được nhiều thứ khác. Cũng đừng ngại việc xách theo một chai nước khi đến trường, đây là việc rất bình thường.

Cách dạy và học hoàn toàn mới

Một điều khá bỡ ngỡ đối với các bạn tân sinh viên là phương pháp dạy và học theo quy chế tín chỉ. Nhiều bạn sẽ không hiểu tín chỉ là gì và cũng khó có thể giải thích được cho các bạn hiểu tường tận. Nói một cách dễ hiểu thì tín chỉ giống như một đơn vị để đo lượng kiến thức của một môn học và toàn bộ chương trình đào tạo. Môn nào có nhiều tín chỉ hơn sẽ có nhiều kiến thức hơn, học nhiều tiết trong tuần hơn và đóng tiền cũng nhiều hơn. Nó giúp bạn hình dung được môn học ấy nặng hay nhẹ, giúp bạn có căn cứ để sắp xếp thời khóa biểu trong các học kỳ sau.

Thang điểm được sử dụng cũng là thang điểm 4 và thang điểm chữ. Điểm của mỗi môn học sẽ được tính theo thang điểm 10, sau đó sẽ được quy sang điểm chữ rồi cuối cùng sẽ quy sang thang điểm 4 để tính điểm trung bình. Nói thì khó hiểu, nhưng bạn cũng không cần phải tìm hiểu kỹ về nó làm gì, chỉ cần cố gắng đạt trên 7 điểm là được. Với cách quy đổi này thì 6.5 và 6.9 đều như nhau, 9 điểm với 10 điểm cũng ngang nhau. Đại khái là như vậy.

Học ít hơn, tự học nhiều hơn

Điều bỡ ngỡ tiếp theo chính là việc bạn không phải bỏ nhiều thời gian cho việc học tập ở lớp nữa, nghe thì sướng, nhưng thật sự bạn phải bỏ thời gian cho việc tự học nhiều hơn nếu muốn tiến bộ. Bạn sẽ không phải ngồi học 5 tiết mỗi ngày, cũng không phải ngày nào cũng đi học nữa. Tuy nhiên, sẽ có những ngày bạn phải học cả sáng lẫn chiều, đôi khi còn học cả buổi tối. Bạn sẽ học ở lớp ít hơn rất nhiều so với học phổ thông, số môn mỗi học kỳ mà bạn phải học cũng ít hơn rất nhiều, chỉ dao động từ 5 đến dưới 10 môn. Thay vào đó, bạn sẽ cần bỏ thời gian nhiều hơn cho việc tự học.

Cách dạy của giảng viên cũng khác rất nhiều so với giáo viên ở phổ thông. Họ chỉ đến lớp, giảng một hơi từ đầu đến cuối, bạn có ngủ trong lớp hay bỏ về họ cũng không quan tâm. Vì vậy mà bạn phải thật sự chú tâm vào bài học, nếu không cái giá bạn phải trả khi bị nợ môn khá là đau đấy. Đừng vì việc không còn áp lực khi đi học mà bỏ bê việc học. Nếu nợ môn, bạn sẽ phải đóng tiền học lại và mất một học kỳ để học lại môn đó. Nếu đó là một môn bắt buộc, bạn phải học xong môn đó mới có thể tốt nghiệp. Rất nhiều người chỉ vì nợ một môn mà mãi không tốt nghiệp, mình không đùa đâu.

Ở đại học sẽ không có kiểm tra miệng, không có kiểm tra 15 phút cũng chẳng có kiểm tra một tiết. Tất cả chỉ gói gọn lại ở một bài thi duy nhất, có qua môn hay học lại chỉ được quyết định ở bài thi đó. Một số giáo viên nhiệt tình hơn còn tổ thức thi giữa kỳ, một số khác còn điểm danh để cộng điểm. Nhưng nhìn chung lại, bạn phải nổ lực tự học và tự tìm hiểu rất nhiều. Học kỳ đầu tiên là thời gian để bạn làm quen với việc đó, nên cũng đừng buồn nếu như bạn trượt tin học căn bản hay vi-tích phân. Không sao cả.

Cẩn thận khi mua giáo trình

Thông thường buổi học đầu tiên sẽ có những người đến rao bán giáo trình cho các bạn. Một số là những người bán thật, đó là những sinh viên kiếm thêm thu nhập bằng việc bán giáo trình, một số khác lợi dụng việc đó để bán với giá cắt cổ, thậm chí là lừa tiền bạn. Lời khuyên của mình là tuyệt đối không mua những giáo trình ấy, giáo viên sẽ hướng dẫn bạn nơi để mua giáo trình.

Giáo trình gốc thường chỉ được bán ở thư viện của khoa phụ trách môn học đó. Ở các tiệm photocopy bên ngoài cũng có, tuy nhiên đó thường là các phiên bản cũ, đôi khi bên trong còn ghi chép rất nhiều, thậm chí là thiếu cả những nội dung cần thiết. Tốt nhất bạn nên mua giáo trình ở nơi được giáo viên dạy môn đó giới thiệu.

Đối với những môn đại cương như Mác-Lênin, pháp luật đại cương,… bạn nên tìm những anh chị khóa trước, họ sẽ sẵn lòng chia sẻ lại bạn giáo trình cũ đã qua sử dụng. Những môn này không cần thiết cho chuyên ngành của bạn nên bạn không cần phải đầu tư tiền để mua chúng. Thông thường sẽ có những hội nhóm chia sẻ giáo trình cũ với nhau, bạn nên tìm hiểu các hội nhóm này.

Kiểm soát tài chính

Khi lên đại học, bạn sẽ được quăng cho một cục tiền để chi tiêu cả tháng. Số tiền này có thể lên đến vài triệu đồng, đa phần các bạn đều chưa từng cầm một số tiền lớn như vậy trước đó nên rất dễ chi tiêu không hợp lý. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn sẽ chi tiêu thoải mái cho vài thứ gì đó khi cầm trong tay một số tiền lớn như vậy. Nếu chi tiêu không hợp lý, số tiền ấy rất có thể sẽ hết sạch khi chưa đến cuối tháng, đến lúc đó cũng không có ai còn tiền để cho bạn mượn đâu.

Bạn phải tính toán thật hợp lý các khoảng chi tiêu. Lời khuyên cho mình là bạn chỉ nên chi tiêu cho tiền ăn mà thôi. Ăn sáng, ăn trưa và ăn chiều thật tiết kiệm. Sau tháng đầu tiên bạn sẽ hình dung được tình hình tài chính của mình như thế nào để đưa ra các quyết định chi tiêu hợp lý. Nên nhớ rằng mỗi tháng sẽ có những khoảng chi khác như tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền bột giặt, tiền dầu gội,… Những khoảng chi này cộng lại cũng là một con số đáng kể đấy.

Đừng vội làm thêm

Mình luôn khuyến khích việc làm thêm ở sinh viên. Tuy nhiên làm thêm ngay khi mới học năm nhất là điều không nên. Học kỳ đầu tiên là khoảng thời gian để bạn thích nghi với môi trường mới. Sau thời gian này bạn sẽ làm quen được với môi trường mới cũng như có nhiều kinh nghiệm hơn, lúc đấy mới là lúc bạn nên đi làm thêm.

Khi mới vào đại học, bạn sẽ rất bỡ ngỡ khi sắp xếp thời gian cho việc học và cuộc sống hàng ngày. Nếu vội vàng làm thêm ngay từ đầu, rất có thể bạn sẽ trượt môn rất nhiều ngay học kỳ đầu tiên đấy. Chưa kể, làm thêm ở sinh viên cũng có nhiều vấn đề bất cập, không đơn giản như bạn nghĩ đâu.

Đại học là một chặng đường mới trong cuộc đời. Đó là chặng đường bạn bắt đầu một cuộc sống tự lập, làm chủ bản thân và có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Quãng thời gian khi vừa bước vào đại học là quãng thời gian khá khó khăn đối với mọi người, bởi vì bạn bỡ ngỡ với những cái mới, với những thứ mà trước giờ bạn chưa từng đối mặt khi sống cùng với gia đình. Hy vọng quyển “cẩm nang” sơ sài này có thể đưa ra được phần nào những gợi ý cần thiết cho những bạn mới bước vào ngưỡng cửa mới này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang