Bom hàng không phải thói quen của người Việt

Dạo gần đây, hàng loạt các vụ bom hàng tài xế xe ôm công nghệ diễn ra khiến dư luận lên án mạnh mẽ. Lại càng bất ngờ hơn khi thủ phạm lại là những cô cậu thanh niên có học vấn, trông bê ngoài tử tế và lịch sự. Điều đó cho thấy tình trạng suy đồi đạo đức của đại đa số thế hệ trẻ hiện nay.

Khi mà xã hội ngày càng phát triển, người ta không những thiếu quan tâm đến mọi người xung quanh, mà đạo đức của con người cũng dần đi xuống. Mở đầu bằng những sự việc như ăn mặc hở hang tại những nơi tôn nghiêm. Giờ đến chuyện bom hàng những anh tài xế xe ôm công nghệ. Đùa cợt trên sự lao động nghiêm túc và tiền bạc của người khác.

Bom hàng là từ lóng được giới trẻ sử dụng để ám chỉ việc đặt mua hàng hóa với số tiền tương đối lớn nhưng không nhận, gây ra tổn thất cho người bán.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng xã hội chúng ta đang sống đang dần xuống cấp. Nhiều người đổ lỗi cho sự xuống cấp này bằng việc cho rằng người Việt trước giờ có rất nhiều thói quen xấu, như lừa lọc, mưu mẹo, khôn lỏi. Quan điểm này không sai. Nhưng cũng không thể dùng nó để đổ lỗi hoàn toàn cho việc xã hội đang xuống cấp như hiện nay. Đặc biệt là ở việc bom hàng, không giữ chữ tín như hiện nay. Mặc dù dân tộc ta có nhiều đức tính xấu, nhưng việc không giữ chữ lời hứa không phải là thói quen của người Việt.

Ngay từ nhỏ chúng ta đã được dạy dỗ rằng phải biết giữ lời hứa. Trong những trận đòn lúc còn nhỏ, chúng ta cũng được kết thúc bằng một lời hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Lời hứa luôn được dạy dỗ từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Chúng ta luôn cảm thấy có trách nhiệm và bổn phận khi đưa ra lời hứa với một ai đó. Việc không thực hiện được lời hứa sẽ gây ra cảm giác tội lỗi. Người không giữ lời hứa cũng sẽ không còn uy tín đối với những người xung quanh mình.

Nhưng khi bạn hứa với một người nào đó mà mình chẳng hề quen biết, cũng chưa bao giờ gặp mặt thì lại khác.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người ta sẽ có thiên hướng tiêu cực đối với những sự việc mà mình không phải chịu trách nhiệm. Một nghiên cứu về thí nghiệm nhà tù Standford cho thấy, khi bạn không phải chịu trách nhiệm trước những việc mình gây ra, bạn sẽ bắt đầu có thiên hướng tiêu cực so với những việc làm ấy.

Khi bạn đặt mua một món đồ nào đó mà người bán chẳng biết bạn là ai, bạn sẽ ít cảm thấy tội lỗi nếu như bạn bom món hàng đó. Và một điều khá đáng tiếc là những việc làm sai trái như vậy lại khiến con người ta trở nên thích thú hơn so với những việc làm những điều tốt đẹp. Và người ta sẽ có dấu hiệu thực hiện lại việc làm ấy thêm lần nữa.

Việc đặt mua một thứ gì đó vốn dĩ đã xuất hiện từ rất lâu. Không phải đến khi xuất hiện thương mại điện tử thì mới có, mà nó tồn tại dưới những hình thức khác. Khi đi xe buýt, bạn luôn cho người soát vé biết đúng vị trí mà mình cần đến. Đã bao giờ bạn nghĩ đến chuyện bạn sẽ nói với người soát vé rằng mình sẽ ghé trạm này, nhưng thực tế bạn lại ghé ở một trạm xa hơn chưa? Tôi chưa bao giờ làm như thế, và hầu như hầu hết chúng ta cũng không bao giờ làm điều đó. Đó là một minh chứng dễ thấy nhất trong việc giữ lời hứa trong các giao dịch.

Khi gọi taxi, chúng ta luôn luôn có mặt ở đúng điểm hẹn. Khi đi xe khách, xe trung chuyển luôn đến rước đúng chỗ hẹn và chúng ta cũng có mặt đúng tại nơi đó. Tuy tất cả chúng chỉ là những lời hứa bằng miệng, nhưng mọi người đều rất giữ lời hứa và thực hiện chúng. Việc giữ lời hứa đã là một đức tính từ lâu đời nay của người Việt ta.

Rõ ràng việc bom hàng chỉ là những hạt sạn trong xã hội này. Đó không phải là một thói quen đã có từ xưa nay của người Việt. Không thể lấy nó ra để phát xét chung cho cả một dân tộc. Nhưng thói quen giữ lời hứa của chúng ta đang bị mai một dần bởi những con người không có đạo đức như thế.

Việc bom hàng không phải là chuyện chỉ mới xuất hiện gần đây. Một người bạn của tôi cũng đã từng bị một vụ bom hàng rất đau đớn như thế. Cộng đồng, nhất là cộng đồng mạng đang lên án gay gắt những vấn đề trên cho thấy một dấu hiệu tốt đối với xã hội. Nó giúp con người ta có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc đặt mua một thứ gì đó. Bởi lẽ nếu không giữ lời hứa, rất có thể chính chúng ta sẽ trở thành tâm điểm để dư luận ném đá.

Điều này giúp xã hội dạy cho những con người ấy một bài học thích đáng và giúp cho những người sắp trở thành những người như thế biết dừng lại khi nó còn chưa bắt đầu.

Con người là tế bào của xã hội. Những tế bào xấu sẽ tạo thành những khối u gây hại cho toàn bộ cơ thể. Muốn xã hội tốt đẹp, muốn mọi người tốt đẹp, chính chúng ta phải trở thành những con người tốt đẹp như chúng ta mong muốn. Một khi ai cũng có ý thức, thì xã hội tự khắc sẽ phát triển theo hướng tích cực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang