Bố già – Mario Puzo

Cũng lâu rồi tôi chưa viết về một quyển sách nào. Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho mọi người một tác phẩm mà có lẽ ai cũng biết, nhưng có đọc chưa thì chưa hẳn ai cũng đã đọc rồi, bởi vậy tôi mới giới thiệu nó. Cá nhân tôi, tôi nghĩ đây là một tác phẩm mà ai cũng phải đọc ít nhất một lần trong đời. Bố già không đơn thuần chỉ để giải trí, để thư giãn như những bộ phim về xã hội đen trên màn ảnh, mà nó còn đem lại cho chúng ta rất nhiều bài học sâu sắc từ cuộc sống này, cuộc sống nhìn bề ngoài tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là những sự rối ren, những mảng màu đen tối đang ẩn náu dưới lớp vỏ tươi đẹp lộng lẫy ấy.

Bố già là một tác phẩm viết về giới Mafia ở Mỹ, những con người gốc Ý di cư sang Mỹ rồi trở thành những người lãnh đạo của thế giới ngầm. Cụ thể, Bố già viết về Vito Corleone, một người đứng đầu trong băng đảng xã hội đen mạnh nhất nước Mỹ. Nhưng nó không phải là chém giết, là buôn bán bất hợp pháp, mà nó viết về những khía cạnh khác của thế giới ngầm. Bố già tuy là người trong giới xã hội đen, nhưng cái cách sống của ông lại làm cho tất cả mọi người, kể cả cảnh sát cũng phải nể trọng.

Đó là cái mà người ta gọi là đạo nghĩa giang hồ. Có vay có trả, biết ơn và biết oán. Ở đời thường, có thể mọi người nghĩ rằng mấy thằng giang hồ gớm giết ấy chỉ có chém giết, chỉ có giết người cướp của, nhưng thật sự không phải là vậy. Trong giang hồ vẫn có cái luật của nó, người không làm đúng theo luật thì không phải là người giang hồ đúng nghĩa và không được anh em kính nể. Đó là lý do tại sao những tên trùm giang hồ lại có nhiều đàn em có thể liều mình vì họ, đó là cái nghĩa, cái tình trong giang hồ. Năm Cam không được gọi là giang hồ. “Năm Cam đã biến tất cả những kẻ dưới trướng thành đầy tớ khiến chúng chỉ sợ mà phục tùng chứ không nể trọng. Vì thế, Năm Cam chỉ đáng được xem như một tên trùm tội phạm kiểu xã hội đen mà không đáng được coi là “NGƯỜI CỦA GIANG HỒ”” – trích Người của giang hồ, tác giả Nguyễn Hồng Lam.

Từ đó mà ta lại thấy từ khía cạnh thực tại của cuộc sống. Có những con người bề ngoài hào nhoáng, bảnh bao, luôn vui cười và tỏ ra tốt bụng, nhưng sau lưng thì lại lừa lọc, bán đứng nhau, hại nhau đến tàn gia bại sản. Trên đời, thể loại đó không ít. Người ta nói hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm. Những con người mà ta cho là lịch sự, tốt đẹp hơn những thằng giang hồ ấy lại có thể hại ta bất kỳ lúc nào. Còn những còn người dị hợm, gớm ghiếc mà nhiều người nghĩ rằng phải tránh xa ra ấy, họ sẵn lòng giúp đỡ ta mà không vì bất kỳ một thứ gì, đó gọi là cái nghĩa của giang hồ. Những ai không có được những thứ ấy sẽ không được coi là giang hồ chân chính.

Không phải tự nhiên mà ở nhiều nơi, người dân lại tin tưởng vào những người làm giang hồ hơn những con người được gọi là thực thi pháp luật. Bố già còn đề cập đến một khía cạnh rất là “nhạy cảm” khác của cuộc sống, đó chính là tham nhũng. Những con người được mang danh là thực thi pháp luật, là đầy tớ của dân, thực chất cũng chỉ là những tên tội phạm núp dưới lớp vỏ công lý ấy. Không thiếu gì những vụ án oan do những người thực thi công lý ấy đã ăn rất nhiều tiền của bên kia. Đơn giản dễ thấy nhất, nếu bạn kinh doanh một thứ gì đó mà bạn không đút xén cho chúng, thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ đóng cửa. Không phải tự nhiên mà nhiều nơi, người ta thuê bảo kê để giữ trật tự chứ không phải là cảnh sát, bởi vì những tên cảnh sát, những con người công lý ấy còn thua kém những con người giang hồ gấp nhiều lần. Giang hồ và nhà nước về bản chất cũng chỉ là một, chẳng qua kẻ ngoài sáng và kẻ trong tối mà thôi.

Phía sau những thứ mà ta cho là đơn giản, nhỏ bé ấy lại là cả một quá trình dơ bẩn mới có được như vậy. Vì vậy, lần sau nếu có muốn làm một cái gì đó, xin đừng nghĩ rằng mình có tài, có khả năng là đủ, và pháp luật sẽ bảo vệ mình. Không đâu, pháp luật không bao giờ bảo vệ bạn cả, họ chỉ lấy tiền của bạn rồi không làm gì bạn thôi, còn nếu bạn không đưa cho chúng, bạn sẽ không được yên đâu. Còn những con người mà bạn cho là gớm ghiếc, đầu đường xó chợ lại có thể xả thân vì bạn chỉ vì cái thứ gọi là nghĩa tình.

Bố già cho ta thấy cái thực trạng xã hội bên dưới cái vẻ bề ngoài lộng lẫy, tươi đẹp ấy là cả một sự rối ren, sự nhơ nhuốc. Cảnh sát thì thăng tiến, đi lên bằng con đường tham nhũng. Đại gia thì làm giàu nhờ những đồng tiền hôi tanh mùi máu. Phía trong cái lớp vỏ xấu xa, dơ bẩn là cái nghĩa cái tình mà không một thằng ăn mặc bảnh bao nào sánh bằng.

Tôi sẽ không nói nhiều về tác phẩm nữa. Tại sao Bố già trở nên nổi tiếng, tại sao tôi ca ngợi nó, khi đọc chúng bạn sẽ hiểu. Tác phẩm do dịch giả Ngọc Thứ Lang dịch, lời lẽ cũng đậm chất giang hồ của thế kỷ XX, rất cuốn hút.

Giờ thì hãy tìm đọc và tự cảm nhận giá trị của nó bạn nhé. Tôi nghĩ đây là một trong những tác phẩm mà mọi người không nên bỏ qua trong đời.

bo-gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang