BizTime – câu chuyện về những người nghĩ như đúng rồi

Dạo gần đây trên mạng nó cứ ầm ầm lên về cái “mạng xã hội Việt Nam” BizTime gì đó, nên mình cũng đú theo, viết bài câu view rẻ tiền để mong blog tăng lượt xem lên tí xíu, chứ dạo này vã lắm rồi. Bài viết này được viết sau khi đã đọc xong bài viết “Bóc mẽ mạng xã hội BizTime” của trang web Đào tạo kiến trúc, bạn đọc nên đọc bài viết đó trước khi đọc bài viết này. Bài viết này mình sẽ không nói sâu về vấn đề kỹ thuật, cũng không nói về chuyện NỔ của ông CEO gì đó mà mình cũng không biết tên ông ta, mà mình sẽ nói về một loại người với một kiểu suy nghĩ mà mình không biết nên dùng từ ngữ nào để diễn tả chính xác trường hợp này, sau nhiều lần suy nghĩ thì mình nghĩ từ ngữ thích hợp nhất để chỉ kiểu người này là kiểu người “nghĩ như đúng rồi”.

Kiểu người này có một chúng biểu hiện của sự ảo tưởng, lại mốt chút của sự dốt nát, nhưng kỳ thực họ không phải là những con người ảo tưởng và dốt nát. Xin nhắc lại, họ không phải là loại người ảo tưởng, cũng không phải loại người ngu dốt. Những người này lại thường thành công trong kinh doanh, thế mới lạ. Mỗi khi họ có một ý tưởng nào đó, thường ý tưởng đó có được bằng cách bắt chước những ý tưởng đã có rồi chứ bản thân họ không hề nghĩ ra được (nói trắng ra là thấy người ta làm cái gì đó hay thì bắt chước), họ liền ra lệnh cho cấp dưới thực hiện ý tưởng đó “như đúng rồi” mà không hề biết với ý tưởng đó cần những gì, thực hiện ra sao, và tính thiết thực của nó như thế nào. Họ chỉ đơn giả là nghĩ, và nghĩ rằng thứ mình nghĩ sẽ diễn ra y như mình nghĩ.

Những ý tưởng này được nảy sinh trong đầu họ bằng việc bắt chước, mà bản thân họ cũng không nhận thức được rằng họ đang bắt chước (hoặc ăn cắp) ý tưởng của người ta. Họ thấy mạng xã hội Facebook hay quá, thế là họ bảo đứa nhân vên giỏi nhất của mình rằng “hãy làm một cái mạng xã hội y như vậy”, và đôi khi còn “ráng tranh thủ làm sớm trong vòng một tháng nhé”, trong khi họ là ông chủ của một cửa hàng vật liệu xây dựng, cửa hàng tạp hóa, hay công ty sản xuất giấy. Họ thấy ứng dụng Grab, Go Viet hay quá, họ bảo một thằng em sinh viên học ngành công nghệ thông tin mà họ quen biết rằng “em làm cho anh cái ứng dụng gọi xe giống như Grab nhé”, và họ nghĩ trong đầu rằng sẽ trả khoảng 5 triệu cho cậu sinh viên ấy. Họ không hề biết rằng Facebook lớn như thế nào, “khủng” như thế nào, họ tưởng những chức năng ấy có thể lập trình bằng cách “nghĩ” là nó ra. Họ nhìn ứng dụng gọi xe thấy chỉ có cái bản đồ rồi nút đặt xe mà không nghĩ rằng để có thể làm được cái ứng dụng đó người ta đã bỏ ra không biết bao nhiêu triệu đô. Họ chỉ đơn giản là nghĩ và nghĩ mà thôi.

Đó là ở mức “ý tưởng”. Một số người khôn ngoan một chút, sau khi được cấp dưới, đồng nghiệp, bạn bè giác ngộ thì nhận ra được sự nhỏ bé của mình, biết được mình ở đâu nên dừng lại. Nhưng một số khác lại quá cứng đầu, vẫn khư khư cái ý tưởng ấy và bắt cấp dưới của mình bắt đầu thực hiện. Tiềm lực về chất xám và tài chính không có, nhưng cấp dưới vẫn phải cắn răng chịu đựng thôi chứ biết làm gì. Thế là sản phẩm bắt đầu được thực hiện y hệt như cách mà những sinh viên làm đồ án. Đó là lên mạng, tìm cái nào miễn phí về để làm, cái nào không miễn phí thì tìm phiên bản lậu, không được nữa thì bỏ tiền ra mua. Tiếp theo đó là quá trình thực hiện theo cách “rừng rú” nhất, vô hệ thống và vô trật tự nhất, bởi lẻ những người thực hiện ấy không đủ thực lực và năng lực để làm. Ví dụ vẫn ở cái mạng xã hội BizTime này, họ đã mua mã nguồn với giá 99$ về để sử dụng, còn máy chủ thì chắc chỉ là một cái VPS (máy chủ ảo) với giá tầm vài trăm nghìn một tháng. Đơn giản vì người chủ chẳng biết rằng để vận hành một hệ thống lớn thì cần phải có một thệ thống máy chủ đồ sộ, chuyên biệt, và không thể tìm cái bộ mã nguồn với giá 99$ để mà áp dụng thực tế.

Lấy một ví dụ ở lĩnh vực khác, thực tế hơn. Trong chiến dịch “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông, ông cho rằng lúa gạo và thép là trụ cột chính của nền kinh tế. Thực tế trong bối cảnh đó, công nghiệp đang là xu hướng phát triển của thế giới, cho nên việc luyện sắt thép để phục vụ cho sản xuất máy móc công nghiệp là một cách để phát triển nhanh nhất, mau giàu có nhất. Thế là ông ra lệnh toàn dân luyện thép, nhà nhà luyện thép,người người luyện thép. Ông chỉ nghĩ việc đơn giản là mình luyện thép thì sẽ ra thép thôi. Thế là tất cả các vật dụng bằng kim lại đều được đem ra để nấu “thép”. Tất cả mọi thứ có thể đốt được như bàn ghế, tủ, giường, và cả nhà, đều được đem ra để đốt, phục vụ cho “luyện thép”. Tham vọng của ông là trong vòng 15 năm kể từ Đại nhảy vọt, sản lượng thép của Trung Hoa sẽ vượt qua Anh. Thế là cả nước Trung Hoa trở thành cái lò luyện kim khổng lồ với nhà nhà đều có lò luyện kim sân vườn. Cho đến khi đi thăm thực tế, ông mới nhận ra rằng thép chất lượng cao chỉ có thể được tạo ra tại những nhà máy có quy mô lớn, với những công nghệ hiện đại và công thức cộng với kinh nghiệm luyện kim, phải sử dụng nguyên liệu tin cậy và phải đốt bằng than đá. Thế là “dự án luyện thép” được âm thầm lặng lẽ cho vào quên lãng.

Đến khi dự án được thực hiện xong hoặc “có vẻ như đã xong”, họ không hề biết nó như thế nào, có khi còn chưa từng ngó qua nó. Thế là như chúng ta thấy đó, một thứ chẳng ra gì còn họ thì trở thành dũng sĩ đánh bom cảm tử mà bản thân họ cũng không hề ý thức được điều đó. Thật sự họ không phải là kẻ ảo tưởng sức mạnh đâu, mà là vì họ không biết suy nghĩ, nên cữ nghĩ mọi chuyện như đúng rồi vậy đó.

Hồi tôi còn là sinh viên, một thanh niên làm chung với tôi hỏi tôi rằng tôi có thể làm ra được một trang web cá cược không, tôi trả lời là được. Thế là thanh niên đó vẽ ra một ý tưởng trong đầu là làm một trang web cá cược và kiếm tiền từ đó, trong khi thực tế gã còn không trả đủ tiền để thuê máy chủ, mà có thuê rồi cũng chả ma nào vào chơi ở đó đâu. Sau một hồi chém gió về bảo mật này nọ, cuối cùng thanh niên ấy mới từ bỏ ý định. Hiện giờ tôi cũng không biết thanh niên ấy đang ở nơi nào, còn sống hay chết, vì gã đã bị dính vào một cục nợ khổng lồ do suy nghĩ như đúng rồi và đã thực hiện cái suy nghĩ đó.

Cũng ở cái chỗ làm thêm đó luôn, có một anh cũng thuộc hàng đứng tuổi. Anh có làm vòng đeo tay handmade để kinh doanh thêm, anh ấy có làm một trang web bằng blogspot và một trang fanpage. Bà chủ thấy vậy nên cũng bắt chước, nhờ anh ấy làm cái trang web cho tiệm photocopy và một trang fanpage mà chẳng trả đồng nào. Miễn cưỡng vì bà ta cũng chả hiểu biết cái tẹo gì nên anh ấy cũng làm. Làm xong rồi bỏ đó, cũng đăng giới thiệu vài cuốn giáo trình, xong rồi quên lãng luôn. Đến bây giờ tên miền đã hết hạn rồi nên website đã biến mất, mà bà ấy cũng chả biết là hiện giờ nó còn hay không nữa.

Một ví dụ gần đây nhất của tôi nữa, đó là boss chỗ tôi mới vừa nghỉ việc. Đó là một công ty phần mềm, được thành lập mới một năm rưỡi thôi, tôi muốn làm việc ở một công ty nhỏ để có thể phát triển bản thân hơn. Nhưng thật không thể ngờ. Trên tin tuyển dụng họ ghi rất đơn giản, không yêu cầu nhiều kỹ thuật chuyên môn, tôi nghĩ rằng đó là một sự dễ dãi của họ. Đến khi vào rồi mới biết, họ ghi như vậy vì họ chả biết một chút gì cả. Trời ơi tin được không? Một công ty phần mềm mà họ chẳng biết một chút gì về phần mềm, boss thì không biết viết chữ “code” như thế nào, sử dụng máy tính cũng không rành nữa. Vậy mà họ cứ làm như đúng rồi vậy đó.

Nhưng bần quá rồi, nên tôi đành cắn răng ăn trái đắng. Chuyện là ông boss thấy giờ đây có mấy phần mềm “online”, tôi xin đặt nó trong dấu ngoặc kép là vì ông boss gọi vậy trong khi ổng cũng chẳng hiểu online là gì, nên ổng muốn công ty cũng làm ra được môt phần mềm “online” như mấy công ty khác như kiot việt chẳng hạn. Tôi nhận làm dự án ấy, đó là viết lại từ một phần mềm “offline” sẵn có, nhưng tôi không có bản thiết kế, cũng không có mã nguồn, không có bất kỳ một sự hỗ trợ nào khác. Mà bản thân phần mềm đó cũng như shit nên sau hơn 2 tháng tôi đã bỏ việc, bỏ luôn cái dự án còn đang “dang dở” đó luôn. Trong thời gian đó còn có vài ý tưởng mà gã định thực hiện, nhưng tôi đã khéo léo dẹp nó được, có thể kể đến như gã thấy một hệ thống phần mềm quản lý khách sạn của một công ty gì đó, ngoài việc quản lý bình thường ra, nó còn điều khiển được các thiết bị điện tử trong phòng, y như một mô hình thông minh. Ông cố nội tôi còn không làm được nữa chứ nói chi là tôi, một công ty lớn, họ mất hàng chục năm mới làm được điều đó, thì làm sao mà một thằng kỹ thuật viên ất ơ có thể làm được một thứ như vậy, nghĩ như đúng rồi vậy.

Quay trở lại với BizTime, ông CEO này không phải là một kẻ ngốc nghếch, vì nếu ngốc nghếch thì ông ấy không có được như bây giờ rồi. Nhưng ông cũng không phải là một người thông minh, người kinh doanh giỏi chưa chắc là đã thông minh, mà người thông minh cũng chưa chắc kinh doanh giỏi. Lại có một trường hợp không tưởng nhưng nó lại có thật, đó là vừa không thông minh, vừa không giỏi kinh doanh, nhưng vẫn cứ kinh doanh ầm ầm và lãi ầm ầm. Loại người này dường như đã được ông trời an bày sẵn rồi, họ không biết gì cả, nhưng họ có được những con người biết được tất cả những thứ ấy, họ chỉ việc ra lệnh như đúng rồi mà không hề biết nó như thế nào, nhưng may mắn thay, những con người làm việc cho họ lại làm được những việc đó. Cuộc đời họ cứ trải đầy hoa hồng như đến nỗi họ chẳng hề nhận thức được rằng mình kém cỏi, cũng chẳng biết rằng mình đang sở hữu những con người kiệt xuất. Tôi không chắc ông CEO này thuộc loại người kinh doanh giỏi hay loại người may mắn hay không nữa, nhưng việc ông là người nghĩ như đúng rồi thì chắc chắn rồi.

Ở cái xã hội này, rất khó để thành công bằng tài năng và kiến thức, nên những người thành công nhưng họ chẳng biết gì không phải là điều gì kỳ lạ. Lại quay lại với ví dụ về bánh mì mà tôi từng nhắc đến ở một bài viết nào đó (quên mất rồi), rằng “trước khi trở thành doanh nhân, chúng ta đều là những người thợ làm bánh”. Nhưng cái xã hội này vẫn có những doanh nhân chẳng biết làm bánh, thậm chí không biết vị bánh là ngon hay dở, họ cũng không biết kinh doanh tuốt. Họ cứ dùng những suy nghĩ đơn giản nhất, hồng hào nhất và ra lệnh cho cấp dưới thực hiện nó như đúng rồi, và họ vẫn thành công.

Cuộc đời thật buồn cười phải không nào?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang