Bảo thủ giết chết sự sáng tạo

Người ta vẫn thường hay nói đùa về cách mà các thầy cô đang dạy văn cho con trẻ. Khi mà những bài văn của học sinh muốn được điểm cao thì phải làm cho giống ý của thầy cô giáo đưa ra. Học trò nào viết văn dù hay nhưng lại không theo các ý mà cô thầy phân tích thì sẽ không được điểm cao, xui xẻo hơn còn bị điểm kém. Cư dân mạng còn bá đạo hơn khi đưa ra các câu châm biếm kiểu như học sinh dùng nghệ thuật điệp từ thì bị phê là lỗi lặp từ, nhà văn lỗi lặp từ thì được khen là dùng nghệ thuật điệp từ.

Các đấng bề trên vẫn luôn hô hào những sự cải cách, sáng tạo thế này thế nọ, nhưng rốt cuộc vẫn sẽ lại đâu vào đấy. Đây không hoàn toàn là lỗi thuộc về nền giáo dục, mà nó một phần là ở một tính cách xấu của người Việt ta, tính bảo thủ.

Người ta chẳng bao giờ thẳng thắn nhìn nhận lỗi sai của mình, hay nhìn nhận một phương pháp khác tốt hơn phương pháp mà mình vẫn đang sử dụng từ trước đến giờ. Khi một học sinh viết một bài văn quá quá chân thật, quá thực tế nhưng từ một cách tiếp cận khác với cách mà thầy đã cô gán ghép cho chúng thì sẽ bị xem là sai với yêu cầu của đề bài. Dù đôi khi, em học sinh đó nhìn thấy được những góc độ mà cả giáo viên còn không nhìn thấy được. Đã từng có không ít những bài văn bị điểm 0 chỉ vì một lỗi sai rất ngớ ngẩn, đó là sáng tạo.

Dạo này người ta cũng thường hay nói vui rằng cứ 10 người đi du học thì chỉ có 2 người trở về phục vụ cho đất nước. Và hai người đó cũng sẽ chẳng được trọng dụng gì, nhanh chóng trở thành một người làm thuê lay lắc ở một xó xỉnh nào đó. Người ta nói vì ở nước ngoài tiền nhiều hơn, ở Việt Nam không có cơ hội thăng tiến, sẽ bị xê ô xê xê chèn ép. Quả đúng là như vậy, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi nguyên nhân sâu xa dẫn đến những nguyên nhân đó? Ngoài xê ô xê xê ra thì nguyên nhân của những thứ khác cũng nằm ở một thứ duy nhất, đó là sự bảo thủ.

Họ không bao giờ chịu nhìn nhận rằng thời thế đã khác. Họ chưa bao giờ đứng ở góc nhìn của người làm thuê, họ luôn nghĩ rằng người ta sẽ hạnh phúc với số lương ít ỏi mà họ trả. Họ chưa bao giờ chấp nhận một sự thật rằng, họ đối xử với nhân viên như lờ. Thế nên sẽ chẳng người nào lại muốn làm việc cho một ông chủ chỉ biết đến bóc lột kẻ khác mà không nghĩ rằng họ đang là môt kẻ bóc lột. Chính cái sự bảo thủ về giá trị này mà cho đến bây giờ tiền lương công chức vẫn không đủ tiêu, dẫn đến tham nhũng đại trà (một phần, một phần khác tham nhũng là do bản chất của người Việt). Những mô hình rập khuôn từ thời Napoléon đánh cầu lông ăn tiền tới giờ vẫn còn được sử dụng dù những sáng kiến mới tốt hơn và ưu việt hơn rất nhiều.

Họ mở cửa chào đón nhân tài. Dù tiền lương mà họ trả cho những nhân tài chẳng đủ đâu vào đâu nhưng vẫn có một số nhân tài trở về vì muốn cống hiến cho đất nước. Thế nhưng những nhân tài này lại đâu có ngờ đến một viễn cảnh mà họ không lường trước được. Khi nhân tài thấy những phương pháp lỗi thời đã không còn phù hợp, nhân tài đề xuất ra một sáng kiến mới. Thế là nhân tài nhận được một câu tục ngữ quen thuộc: “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Có người thì tốt hơn, họ không bác bỏ những sáng kiến ấy, nhưng họ chẳng bao giờ dám thay đổi vì lo sợ sẽ thất bại.

Đôi khi người ta sợ thay đổi, người ta đã quen với sự hoạt động đã vào khuôn khổ từ nhiều năm qua. Đôi khi họ sợ sự thay đổi này sẽ thất bại. Có người lại cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ và luôn khó chịu khi có người khác giỏi hơn mình. Họ sợ một ngày nào đó chiếc ghế của mình sẽ bị lung lay, họ tìm cách dìm hàng đối phương, đôi khi là triệt tiêu họ. Tất cả những điều đó chính là biểu hiện muôn hình muôn vẻ của tính bảo thủ.

Sự bảo thủ ấy tuy già nua nhưng nó lại là một lưỡi gươm sắc bén giết chết sự sáng tạo tươi trẻ. Các bạn trẻ với những ý tưởng sáng tạo không ngừng nghỉ luôn bị dập tắt bởi những kẻ cấp trên già nua nhưng bảo thủ. Kẻ trẻ thì bị người già phớt lờ, còn những ông chủ bà chủ trẻ thì lại phớt lờ kẻ trẻ vì “hắn” giỏi hơn mình.

Không phải sự thay đổi nào cũng mang lại kết quả tốt hơn những thứ đã có sẵn, nhưng phần lớn chúng sẽ như thế. Nhờ có sự sáng tạo mà loài người mới phát triển được như ngày hôm nay. Nếu như ngày xưa người ta vẫn bảo thủ giữ khư khư những công cụ bằng đá mà không chấp nhận sử dụng dụng cụ bằng đồng rồi sau đó bằng sắt thì bây giờ loài người đâu phát triển như hiện nay. Việt Nam chúng ta ngày xưa cũng đã từng một lần có thể thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp nhưng rồi lại không thể cũng chỉ vì tính bảo thủ. Chỉ vì người ta cho rằng những sáng kiến cách tân đất nước của cụ Nguyễn Trường Tộ là viển vong, là nhảm nhí. Họ không tin rằng chiếc xe chỉ có hai bánh có thể chạy băng băng ngoài đường mà không bị đổ, họ không tin chiếc đèn không có tiêm không có dầu lại có thể cháy sáng. Còn nước Nhật, họ nhận biết mìn lạc hậu khi thấy những khẩu đại bác của người Mĩ. Họ chấp nhận thay đổi đất nước và họ đã có được một nước Nhật như ngày hôm nay. (Tham khảo sách Nhật Bản Duy Tân 30 Năm của cụ Đào Trinh Nhất)

Sự bảo thủ không chỉ giết chết sự sáng tạo, mà nó còn làm cho doanh nghiệp và đất nước tụt lùi so với thế giới. Nó khiến cho đất nước trở nên lạc hậu, yếu kém và dễ dàng bị xâm chiếm bởi những kẻ hiện đại hơn, mạnh mẽ hơn. Nó khiến người ta trở thành một kẻ cổ hũ, ảo tưởng luôn cho rằng mình là số một. Nó khiến nhân tài không trở về, nó dập tắt những hy vọng đổi mới, nó triệt tiêu luôn những mầm non tài giỏi sắp sửa hình thành. Bởi vì nó chẳng muốn những mầm non ấy lại làm bài khác theo cái cách mà nó hướng dẫn, nó không muốn đứa nhân viên kia lại đưa ra những ý tưởng tài giỏi hơn sếp của nó. Nó dìm con người ta vào bốn bức tường, tách biệt con người ta khỏi nền văn minh và trí tuệ.

2 Responses

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang