Bánh mì không

Hồi nhỏ quê tôi nghèo và lạc hậu lắm. Mọi người phải đi xa bằng những chuyến đò, còn được ngồi trên những chiếc xe honda ôm là một thứ gì đó vô cùng thú vị. Hồi đó tôi cũng không được ăn những chiếc bánh mì thịt, mà thay vào đó là những chiếc bánh mì không được dùng làm quà nhưng giá trị của nó thì không một món quà nào bây giờ có thể so bì được.

Tôi còn nhớ như in cái mùi vị của những chiếc bánh mì ấy, những chiếc bánh mì to lớn, thơm lừng. Một mùi thơm đặc trưng không có hóa chất, một mùi thơm mà tôi cũng không biết diễn tả nó là gì, chỉ biết gọi nó là “mùi thơm bánh mì”.

Biết nói sao đây nhỉ? Đó là những chuyến đi xa sang nhà ngoại. Nói là xa vậy thôi nhưng cũng không xa lắm, ngày nay có thể đi xe máy chỉ tầm hai tiếng là tới, nhưng hồi trước nó là cả một ngày đường trên những con đò lênh đênh sông nước. Khi đò cặp bến để trả khách, những cô chú bán hàng rong liền xuống đò chào hàng. Nước ngọt có, kẹo cao su có, trứng cút chấm muôi tiêu có, và đặt biệt là những chiếc bánh mì không. Những chiếc bánh mì không có bất kỳ thứ gì được kèm vào.

Những chiếc bánh mì ấy to lắm, gấp ba gấp bốn lần những chiếc bánh mì bình thường ngày nay. Vì vốn dĩ nó không được dùng vào bữa ăn sáng như ngày nay. Mà nó là một món quà, nó là một món ăn để người ta nhâm nhi, thưởng thức, đặc biệt là những đứa trẻ như chúng tôi lúc đó. Dù là bánh mì không thôi, nhưng không hiểu sao nó vẫn có một vị ngọt lạ lùng. Một vị ngọt dìu dịu, một vị ngọt không phải của đường, mà là vị ngọt từ bột, những hạt bột đã được những người thợ chăm chút từng li từng tí.

Chúng tôi thường ăn chúng từng mảnh nhỏ, vì không thể ăn hết cả ổ bánh mì to tướng như vậy cùng một lúc được. Chúng tôi cũng không dám ăn quá nhiều, vì sợ nó sẽ hết, sẽ không còn được nhâm nhi cái mùi vị ấy thêm nữa. Bên trong là lớp bánh mềm, bên ngoài là lớp bánh giòn nhưng không giòn lắm vì đã để ngoài không khí quá lâu. Chúng tôi, những đứa trẻ, thưởng thức chúng như một món quà đến từ thành thị. Mà thời đó chúng tôi chỉ có thế.

Nhưng bánh mì không thời đó không chỉ có những chiếc bánh bình thường như vậy. Hồi đó còn có một loại bánh mà người ta tạo ra nhằm mục đích “ăn không” như chúng tôi vẫn ăn. Đó cũng là những chiếc bánh như loại bánh bình thường, nhưng được thêm chút đường cho ngọt, trên bề mặt được rắc lên một lớp mè (vừng) cho thơm. Nó được bán với giá đắt hơn loại bình thường một chút, mà hồi đó bọn con nít nghèo như chúng tôi tự phân nó vào một loại hàng xa xỉ phẩm cao cấp, một món ăn mà chúng tôi có mơ cũng không có được. Khi mà mọi người phải dành dụm từng đồng bạc lẻ thì việc trả thêm vài nghìn đồng để cho con em mình được ăn loại bánh mì ngon hơn là điều khó có thể xảy ra.

Hồi đó bác tư tôi còn khỏe lắm. Bác thường về thăm nhà chúng tôi dù ông tôi đã mất rất lâu, mà đến tận bây giờ tôi cũng không chắc rằng ông về vì người em ruột của mình là ba tôi hay về vì cô bồ nhí gần nhà chúng tôi nữa. Lần nào về bác cũng mua quà cho chúng tôi, lần nào cũng có bánh mì và những chùm nem mà sau này tôi biết được bác đã mua nó trên những chuyến xe đò miền đông.

Chúng tôi chỉ được ăn bánh mì vào hai dịp đó, dịp ba hay mẹ tôi đi ra tỉnh, mà thường là sang bên ngoại, và dịp bác tôi về quê. Nhưng nhà tôi hồi đó vẫn còn nghèo lắm, nên hầu như cũng chẳng có chuyện ba hay mẹ tôi mua bánh mì làm quà cho chúng tôi. Tôi không còn nhớ chúng tôi đã được ăn bánh mì không như vậy mấy lần trong một năm nữa, chắc cũng có năm không có lần nào.

Bây giờ tui chúng tôi vẫn còn nghèo, nhưng những chiếc bánh mì không còn là thứ hàng xa xỉ như hồi trước nữa. Tôi ăn sáng với những ổ bánh mì được dồn bằng các loại chả nguội, tôi có thể ăn bất cứ lúc nào, vì tôi không phải đếm xem trong ví còn bao nhiêu tiền, cha mẹ tôi cũng không phải hiện lên vẻ mặt cân nhắc khi con mình muốn ăn một thứ gì đó. Nhưng tôi không bao giờ tìm lại được hương vị bánh mì của ngày xưa nữa. Những ổ bánh mì bây giờ vô vị quá, tôi vẫn không thấy được vị ngon dù người ta hết lời khen ngợi về chúng. Tôi không còn ngửi được mùi thơm và vị ngọt dìu dịu của ngày xưa vì nó đã bị mùi của hóa chất, của bột tạo nở che lấp đi. Tôi cũng không tìm thấy độ mềm và dai của ngày xưa, mà thay vào đó là quá mềm như những lát bánh mì sandwich hay quá thô kệt như những ổ bánh mì truyền thống.

Có lẽ người ta đã thay đổi quá nhiều để thích ứng với thời cuộc. Người ta không thể chờ để bột lên men nên phải dùng chất hóa học để đẩy nhanh quá trình sản xuất. Người ta không còn nhâm nhi bánh mì không như chúng tôi hồi trước nên người ta cũng không còn làm những ổ bánh mì to tướng để làm quà như hồi xưa. Các con đò nay đã vắng bóng, các cô chú hàng rong cũng không còn bánh bánh mì, mà thay vào đó là những loại bánh khác, để được lâu ngày hơn và thời thượng hơn.

Hay vì tôi quá đắm chìm trong cái quá khứ nghèo khổ của mình?

Ngày hôm kia một người bạn nhờ tôi mua dùm ba ổ bánh mì không. Chợt hôm nay lại muốn viết bài này. Rồi lại nhớ đến bài hát bánh mì không từng nổi tiếng vài tháng trước. Có lẽ bánh mì không luôn gắn liền với quá khứ gian khó.

2 Responses

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang