Ám ảnh chiến tranh

Khi hỏi về lịch sử, sẽ có đến 96,69% các em học sinh sẽ nói về một sự kiện nào đó mà quân ta đã chiến thắng một đội quân xâm lược nào đó. Sẽ chẳng có ai biết Nguyễn Trãi đã từng sống vào triều đại nào, Nguyễn Du sống vào triều đại nào và có những cống hiến gì khác ngoài Truyện Kiều, hay ở một đời vua nào đó đất nước đã có những tiến bộ gì. Nhìn qua nhìn lại, chương trình lịch sử được giảng dạy ở bậc phổ thông chỉ có một nội dung duy nhất: CHIẾN TRANH.

Ngay từ những bài học lịch sử đầu tiên của các em học sinh lớp bốn, các em liền được học về một cuộc chiến giữa An Dương Vương Thục Phán và Triệu Đà. Đến các chương trình tập đọc trong sách Tiếng Việt, các em cũng chỉ được học về sự kiện này với góc nhìn là một cuộc chiến. An Dương Vương nhờ được thần Kim Quy giúp đỡ mà bách chiến bách thắng, cuối cùng ông bị đánh cắp nỏ thần nên mới thua cuộc. Nhưng chung quy lại, nó chỉ quanh quẩn ở hai chữ chiến tranh.

Thậm chí ngay cả trước khi được học lịch sử ở năm học lớp bốn, các em học sinh cũng đã được nhen nhóm về những cuộc chiến trong các chương trình tập đọc, kể chuyện. Và các cuộc thi về kể truyện, hóa trang trong các sự kiện của trường cũng vẫn quanh quẩn ở nội dung đó. Một câu truyện về những anh bộ đội anh hùng thời chống Pháp – Mĩ hay những câu truyện về một vị anh hùng nào đó thời các đời vua chúa sẽ luôn luôn được những giải cao trong cuộc thi. Không mấy người kể về câu truyện xung quanh một vĩ nhân nào đó của đất nước, ít người kể về các tấm gương học tập mà không dính dáng đến chiến tranh. Mặc dù không nói gì nhiều, nhưng những em nhỏ cũng đã hình thành một tư tưởng trong đầu mình: một đất nước gắn liền với những cuộc chiến chống quân ngoại xâm. Các em chỉ biết một thứ duy nhất về dân tộc ta, đó là những cuộc chiến.

Chẳng ai dạy rằng ở một triều đại nào đó đã có những thành tựu gì trong các lĩnh vực. Các em được học về những anh hùng, những tấm gương chăm học và những hiền tài của đất nước. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ chỉ biết đến cái tên và cái mác được dán cho nhân vật ấy. Chẳng ai được biết rằng một vị tướng nào đó đã có những cống hiến gì cho đất nước ngoài những chiến thắng hiển hách. Cũng không ai dạy về một hiền tài nào đó đã đóng góp những gì cho đất nước, họ chỉ biết đó là một người tài giỏi, và chỉ có thế. Một số khác may mắn hơn thì được kể cho một câu chuyện với nội dung cũng rất ngắn gọn: một cậu bé chăm học rồi đỗ đạt, hết.

Còn một điều nữa luôn được nhồi nhét trong đầu óc của nhiều thế hệ, đó là dân tộc ta là một dân tộc không bao giờ thất bại trong bất kỳ cuộc chiến nào. Ở mọi cuộc chiến, không bao giờ có chữ thua cuộc. Chỉ có rút lui để bảo toàn lực lượng, chỉ có những sự chuẩn bị chưa được tốt. Không bao giờ có một người nào đã thừa nhận rằng chúng ta đã thua, chúng ta thật sự không đủ năng lực để chiến thắng cuộc chiến đó. Cũng chằng có chuyện chúng ta đã từng xâm lược những nước yếu thế hơn ở phương nam như thế nào. Chỉ có những cuộc khẩn hoang ở đàng trong, những cuộc mở mang bờ cõi. Tuyệt nhiên không có những vết máu hay những mưu hèn kế mọn trong các sự kiện trên.

Khi hỏi một người nào đó về lịch sử, 96,69% người đó sẽ kể về một cuộc chiến nào đó được diễn ra tại một mốc thời gian nào đó. Số còn lại thì không biết, một số khác rất ít người biết đến những sự kiện không dính dáng nhiều đến chiến tranh như Nguyễn Trường Tộ mong muốn canh tân đất nước, Phật giáo phát triển vào thời Lý. Phần lớn chương trình giáo dục lịch sử chỉ xoay quanh đến những cuộc chiến, những trận đánh chống quân ngoại xâm.

Đến các chương trình văn học cũng chủ yếu xoay quanh những vấn đề đó. Lão Hạc, chị Dậu đều là những con người sống trong cuộc chiến, đều là những nạn nhân của tội ác chiến tranh mà quân Pháp đã gây ra. Mị và A Phủ cuối cùng cũng đi theo bộ đội, cũng tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Quanh đi quẩn lại, chỉ có truyện Kiều, Lục Vân Tiên và những tác phẩm văn học nước ngoài không mang hơi hướng của những cuộc chiến. Còn phần đông còn lại, tất cả đều mang một chút dáng dấp của những cuộc chiến theo một cách nào đó.

Có một người bạn từng nói với tôi rằng Bộ Giáo dục có dự định sẽ đưa tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vào chương trình ngữ văn phổ thông. Tôi đã nói một cách chắc nịt rằng sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra, không phải vì những tình tiết có phần dung tục trong tác phẩm, mà chỉ bởi vì tác phẩm không có một chút gì liên quan đến chiến tranh. Tác phẩm không dệt nên tội ác của những kẻ ngoại xâm, cũng không có những con người giác ngộ cách mạng. Mà một thứ như thế thì làm sao được đưa vào một chương trình giáo dục chỉ một mục đích duy nhất là nung nấu lòng căm thù và tạo dựng lòng trung thành vào chế độ.

Chính bởi vì chỉ truyền dạy về những cuộc chiến mà trong đầu người dân chỉ có một tư tưởng duy nhất đó là lòng căm thù những kẻ đã từng xâm lược chúng ta. Một lòng căm thù hời hợt được xây dựng nên bởi những quan điểm nông cạn đã khiến con người ta trở thành một kẻ ngu muội, khát máu và bị ám ảnh bởi chiến tranh. Mỗi khi Trung Quốc lại lâm le chủ quyền nước ta, phần đông con người ta chỉ có một quan điểm duy nhất, đó là đánh, đánh như ông cha ta đã từng đánh, đuổi chúng về lãnh thổ như ông cha ta đã từng đuổi.

Cái máu ham chiến tranh thái quá của con người ta đã dẫn đến những người công nhân thiếu hiểu biết đã bị xúi giục đập phá nhà máy nơi mình đang làm việc, tự đạp đổ chén cơm manh áo của mình và tự đưa mình vào con đường tù tội. Lòng căm thù mù quáng đã khiến họ chẳng thể nhận biết được đâu là những kẻ xâm lược thật sự, đâu chỉ là những công dân làm ăn buôn bán bình thường. Chỉ cần mang cái nhãn Trung Quốc, dù là người dân Trung Quốc hay những cô dâu chú rể kết hôn với người Trung Quốc cũng đều bị quy chụp là những kẻ xâm lược.

Mỗi khi tiến gần đến một ngày lễ nào đó trong lịch sử, các phương tiện truyền thông lại tiếp tục đưa ra những thước phim tài liệu về chiến tranh, hay các bộ phim được sản xuất thời đó về các cuộc chiến. Nhắc về những sự kiện là đúng, một đất nước sẽ đi vào tàn lụi khi người dân đều không có một tinh thần yêu nước. Nhưng cái cách mà họ đang làm không phải là để người ta nhớ về những giá trị mà ông cha ta đã đánh đổi để có được hòa bình ngày hôm nay. Người ta chỉ biết rằng phải căm thù giặc Pháp – Mĩ, người ta chỉ được xem những thước phim trắng đen chỉ toàn cảnh bom đạn và bắn giết.

Các sự kiện có dính dáng đến những cuộc chiến luôn được ưu tiên lên hàng đầu so với những sự kiện khác. Ngày giải phóng, ngày tổng khởi nghĩa luôn luôn được ghi nhớ nhiều hơn ngày Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long hay ngày Hồ Chủ Tịch ra đời. Khi hỏi các em học sinh rằng các em có căm thù giặc Mĩ không, đa phần các em sẽ trả lời là có. Nếu bạn hỏi thêm rằng các em có căm thù người Mĩ không, tôi nghĩ cũng sẽ có rất nhiều em có cùng một câu trả lời như trên.

Ở chương trình giảng dạy lịch sử bậc trung học phổ thông, các lĩnh vực khác ngoài chiến tranh đã được đề cập đến. Tuy nhiên, cách nó thể hiện vẫn còn quá mờ nhạt, người ta vẫn xoay quanh chiến tranh và cái chiến tranh đó đã trở thành một nỗi ám ảnh trong mỗi con người. Mỗi khi nhắc đến lịch sử người ta chỉ nghĩ đến những cuộc chiến, những cuộc chiến mà quân ta không bao giờ thất bại, chỉ có chiến thắng hoặc rút lui để bảo toàn lực lượng. Chẳng có những cuộc nội chiến đình đám như Tam quốc diễn nghĩa của Trung Hoa, chỉ có những cuộc khởi nghĩa chống bạo chúa và mười hai sứ quân được nhắc đến một cách mờ nhạt.

Người ta nhắc đến chiến tranh nhưng người ta lại luôn né tránh những năm tháng đen tối của đất nước. Đó là lúc đất nước loạn lạc, mỗi người xưng vương một phương trước khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Đó là những lúc đất nước bị chia cắt thành hai quốc gia riêng lẻ, vua Nguyễn chúa Trịnh, Vĩ tuyến 17. Người ta không dám nói thẳng ra rằng chúng ta đã từng có khoảng thời gian vua chúa bị chiếm hết mọi quyền hành giống như chế độ Mạc Phủ của nước Nhật hay Đổng Trác và Vương Chấn ở Trung Hoa.

Chiến tranh là một phần tất yếu của lịch sử, nhưng lịch sử không thể có duy nhất chiến tranh. Nếu không có những giá trị được tạo ra sau mỗi cuộc chiến thì cuộc chiến đó cũng trờ nên vô nghĩa. Nếu không được học những gì mà cuộc chiến mang lại, người ta chỉ tiếp thu những cuộc chiến đó chỉ để khơi gợi lên một lòng căm thù mù quáng và một sự ảo tưởng về sức mạnh của dân tộc thì kết quả nhận được chỉ là những con người khát máu, luôn muốn chém giết người ngoại quốc cho dù bọn họ là ai.

Chiến tranh dã lùi xa hơn 40 năm rồi, thời đại bây giờ cũng không phải là thời đại để các nước khác xâm lược đất đai nước Việt ta như trước nữa. Vậy thì cứ tuyên truyền chiến tranh và lòng hận thù với những người ngoại quốc có còn phù hợp không? Câu trả lời không cần thiết ở đây, cái cần thiết là những bậc phụ huynh đã biết cách dạy cho con mình học về lịch sử như thế nào cho đúng, để những bài học lịch sử không còn khô khan và xoay quanh những cuộc chiến nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang