2 cái kết của Inception

Đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: “Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới thật?”. Nếu đã xem bộ phim Matrix và Inception, chắc chắn sẽ có lúc bạn đặt ra câu hỏi đó giống mình. Inception kết thúc với một cái kết có hậu dành cho Dom Cobb. Nhưng nó cũng là một cái kết mở khá “hack não” người xem. Liệu thế giới ở cuối phim là thật hay cũng chỉ là một giấc mơ khác của anh?

Chúng ta cảm nhận thế giới bên ngoài qua 5 giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Các giác quan này tương ứng với các cơ quan, bộ phận của cơ thể gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, da. Các cơ quan này tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài bằng các cách khác nhau như nhìn, nghe, ngửi, liếm, chạm, rồi truyền tín hiệu về não. Não chúng ta tiếp nhận các thông tin ấy lại, kết hợp với nhau để tạo thành nhận thức cụ thể về những gì mà chúng ta tiếp xúc.

Nếu không đầy đủ thông tin từ các giác quan đưa về, bộ não của chúng ta sẽ tự “đoán” về thế giới xung quanh nó. Ví dụ, nếu bạn bị trói và bịt mắt trong một căn phòng, Bạn hoàn toàn không biết gì được có những gì xung quanh. Lúc đó bộ não của chúng ta sẽ sử dụng các giác quan còn lại để phán đoán. Da của chúng ta sẽ cảm nhận không khí xung quanh, lạnh hay nóng, ẩm ướt hay khô ráo, từ đó có thể đưa ra suy đoán rằng bạn đang bị nhốt trong một căn phòng bình thường hay một nơi dơ bẩn nào đó.

Mũi chúng ta sẽ cố ngửi xung quanh xem có mùi hương gì xung quanh hay không. Có mùi ẩm móc của rong rêu hay không? Có mùi thơm tho của nước xịt phòng hoặc mùi nước sơn tường hay không? Tai chúng ta sẽ cố nghe các âm thanh bên ngoài. Nếu có tiếng vang, cho thấy chúng đang nhốt bạn trong một căn phòng rộng. Nếu âm thanh của bạn vọng lại không có tiếng vang nhưng lại rất lớn, bạn biết mình đang bị nhốt trong một căn phòng nhỏ. Còn nếu hoàn toàn không có tiếng vang nào, bạn sẽ đoán rằng mình đang bị trói ở bên ngoài.

Sự kết hợp đầy đủ hoặc không đầy đủ các tín hiệu về các giác quan sẽ cho bộ não của chúng ta nhận thức được thế giới bên ngoài. Nhưng nếu tất cả các cảm giác đó của bạn đều được tạo ra từ một ai đó thì sao?

Tất cả mọi thứ đều chỉ là sự tiếp xúc của các cơ quan rồi truyền tín hiệu về não. Nếu bằng cách nào đó, có người tạo ra được các tín hiệu giả cho các cơ quan, bộ não của bạn vẫn hình dung được thế giới xung quanh, nhưng nó không phải là thật. Người ta có thể bẻ cong ánh sáng, người ta cũng tạo ra được âm thanh vòng vô cùng sống động, mùi hương, cảm giác, hương vị cũng đều có thể tạo ra bằng những phương pháp nhân tạo nào đó.

Trên lý thuyết, có thể tạo ra được các tín hiệu giả cho các giác quan, từ đó đánh lừa được bộ não của bạn về thế giới bên ngoài. Một minh chứng rõ ràng nhất trong việc này là khi chúng ta xem phim 3D, thị giác và thính giác của chúng ta đã bị đánh lừa, khiến bộ não chúng ta thấy nó là thật.

Ở một cấp độ còn cao hơn, nếu như có ai đó đánh lừa bộ não của bạn không bằng cách tạo ra các tín hiệu giả cho các giác quan, mà can thiệp trực tiếp vào bộ não của bạn. Lúc này những thông tin mà não nhận được không phải từ các giác quan đưa đến mà là những thông tin nhân tạo bị làm giả. Lúc nào bộ não của chúng ta sẽ hoàn toàn bị thông tin ấy đánh lừa.

Mơ cũng là một cách đánh lừa bộ não chúng ta như thế. Mọi thứ trong lúc mơ đều rất thật, vì nó là những tín hiệu trực tiếp trong não, chúng ta hoàn toàn không biết rằng mình đang mơ cho đến khi tỉnh dậy. Vậy nếu thế giới mà bạn đang sống này cũng là một giấc mơ thì sao? Và chúng ta cũng không thể thoát khỏi giấc mơ này như trong phim thì sao?

Inception kết thúc khi Cobb trở về với gia đình, đoàn tụ với các con của mình. Ngay khi tỉnh dậy trên máy bay, anh đã hoài nghi về thế giới của mình. Trước khi nhiệm vụ bắt đầu, thế giới mà anh đang sống là thật. Theo như nhiều khán giả bình luận, con quay đã đổ hai lần. Nhưng thế giới khi Cobb tỉnh dậy thì chưa chắc là thế giới bạn đầu. Điều này gây ra hai luồng quan điểm trái chiều về cái kết của phim.

Một luồng cho rằng anh đã trở về với thực tại. Saito đã gọi điện, anh đã hoàn toàn trở về được nước Mỹ. Những người trong đội khi xuống sân bay cũng nhìn nhau cười, họ biết nhau và biết nhiệm vụ của mình đã hoàn thành. Anh trở về nhà, không hề có sự xuất hiện của vợ. Các con của anh đã chạy đến bên bố, điều mà trong các giấc mơ, chúng đều chạy khỏi anh và chưa lần nào anh được nhìn thấy mặt các con của mình. Cuối phim, con quay đã loạng choạng như sắp đổ.

Nhưng đạo diễn đã để ra một cái kết mở cho phim với việc con quay chỉ loạn choạng “có vẻ như” sắp đổ, rồi màn hình đen và phim kết thúc. Điều này khiến người xem không chắc chắn rằng con quay sẽ đổ, hay vẫn tiếp tục quay. Không có câu trả lời cho điều này. Nó dẫn đến một giả thuyết thứ hai, rằng thế giới mà Cobb trở về cũng vẫn là một giấc mơ khác của anh.

Khi phim sắp kết thúc, ta thấy mọi người trở về thế giới thực của mình, nhưng riêng Cobb và Saito thì chưa. Chúng ta vẫn thấy họ vẫn bất tỉnh ở tầng thứ nhất, tầng thứ hai và cả tầng thứ ba. Cobb bước vào limbo sau Saito vài phút, điều này đã dấn đến việc Saito đã sống rất lâu trong thế giới này. Lúc Cobb gặp lại ông, ông đã thành một lão già và gần như sắp quên luôn việc mình vẫn còn đang trong giấc mơ.

Không có cảnh cả hai người họ tỉnh dậy lần lượt ở các tầng mà chỉ có cảnh Cobb tỉnh dậy trên ghế máy bay. Điều này dẫn đến một giả thuyết khác rằng đó là một giấc mơ khác ở một tầng còn sâu hơn cả limbo. Thế tại sao không còn sự xuất hiện của vợ anh nữa? Và mọi người trong đội đều chào nhau?

Như chúng ta thấy khi Cobb ở trong limbo, anh đã giải quyết được vấn đề của mình. Cuối cùng, anh đã chấp nhận việc mất Mal, vợ anh. Điều này dẫn đến việc các suy nghĩ tiêu cực của anh đã hoàn toàn biến mất, anh sẽ không còn gặp lại người vợ đã mất của mình, các con anh cũng sẽ không chạy mất trong giấc mơ. Thế giới mà anh đã tỉnh dậy trên máy bay là một giấc mơ khác hoàn toàn được tạo ra từ chính những suy nghĩ tích cực của anh. Trong đầu của anh đã tạo ra một ý tưởng rằng công việc của anh đã thành công, Saito xóa án cho anh, vợ anh đã không còn và các con anh đang chờ anh ở nhà.

Cuối phim, con quay vẫn quay rất lâu, chúng ta chỉ thấy nó hơi loạng choạng mà không hề biết rằng sau đó nó có đổ hay không.

Chúng ta không nên tranh cãi để chứng minh quan điểm của mình là đúng với so với người khác để làm gì. Vì bộ phim vốn dĩ đã đưa ra một cái kết mở để mọi người tự tạo ra cái kết cho riêng mình. Cho nên không việc gì phải tranh cãi để người khác nghe theo cái kết của bạn cả. Cái kết nào cũng đúng vì không có cái kết nào có đầy đủ dẫn chứng để thuyết phục hoàn toàn. Đó mới chính là ý đồ của bộ phim và họ đã thành công.

Dù cái kết là thế giới thực hay cũng chỉ là một giấc mơ khác thì Cobb đã hạnh phúc với thế giới đó của mình. Đôi khi chúng ta không nhất thiết phải sống bằng được trong thế giới thực của mình, điều chúng ta cần lúc này là hạnh phúc với thế giới mà mình đang sống, dù nó là thật hay chỉ là một giấc mơ. Chúng ta tồn tại trên cuộc đời này là để trải nghiệm, để hưởng thụ. Mục tiêu cuối cùng của cuộc sống là chúng ta hạnh phúc với cuộc sống của mình. Vậy thì việc muốn mình sống trong một thế giới thật hay ảo có còn quan trọng không?

Trong phim Matrix, Cypher đã phản bội nhóm vì anh mong muốn được trở lại thế giới ảo của mình. Thế giới ảo của anh là một cuộc sống hạnh phúc, được ăn ngon, được mặc đẹp, có nhiều tiền bạc. Còn thế giới thật của anh chỉ là một cuộc chiến khắc nghiệt không có hồi kết. Về một góc độ nào đó, đây là một tư tưởng không sai. Ta đang sống ở thực tại thì ta nên chấp nhận thực tại, dù đó là thật hay chỉ là một thế giới ảo. Sao cứ phải muốn trở về với một thế giới chỉ tồn tại trong niềm tin của bạn, trong khi bạn cũng không thể xác định được giữa cái thế giới mà bạn đang sống và thế giới mà bạn luôn nghĩ đến đó, đâu mới là thế giới thật.

Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ thế giới mà Cobb trở về là thế giới thực hay lại là một giấc mơ khác do chính anh tạo ra? Riêng phần mình thì mình cho rằng đó là một giấc mơ và Cobb đã chấp nhận sống trong giấc mơ đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang