Vô ảnh – Kiệt tác phim chính trị
Nếu bạn là một fan của thể loại phim kiếm hiệp, thì Vô Ảnh không phải là cái tên sáng giá để xem, thậm chí bạn sẽ thấy phim rất dở. Bởi vì Vô Ảnh vốn dĩ không phải là một bộ phim kiếm hiệp. Sẽ không có các cảnh đánh nhau mãn nhãn, mà thay vào đó là những cảnh nói chuyện, những chi tiết dài lê thê, xem xong bạn sẽ thấy nó thật tệ. Nhưng nếu bạn xem Vô Ảnh với góc nhìn là một bộ phim nghệ thuật về chính trị, thì Vô Ảnh là một tác phẩm tuyệt vời, một kiệt tác phim chính trị đáng xem nhất trên đời.
Được lấy cảm hứng từ câu chuyện sử dụng thế thân có thật trong lịch sử Trung Hoa và một sự kiện chính trị trên một đất nước giả tưởng. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã tạo nên một câu truyện về chính trị vô cùng phức tạp, nhưng cũng rất thật trong thời đại phong kiến đương thời.
Câu chuyện bắt đầu ở một đất nước giả tưởng là Bái Quốc. Chứng kiến sự nhu nhược của Bái Vương, đại đô đốc của Bái Quốc là Tử Ngưu đã giao đấu với Dương Thương và không may bị thương nặng. Đao pháp của Dương Thương không phải đao pháp bình thường, người trúng phải đao của ông nếu không chết thì cũng tàn phế. Tử Ngu không những không bình phục, mà bệnh tình ngày càng trầm trọng. Khiến ông phải dùng thế thân để ra mặt thay mình trong hơn một năm, cho đến sự kiện chính của Vô Ảnh xảy ra.
Thời phong kiến, các vua chúa và tướng lĩnh chiếm lấy quyền lực bằng máu me và giết chóc. Chính vì vậy, họ luôn nom nóp lo sợ sẽ có một ngày nào đó chính họ cũng sẽ bị giết một cách tàn nhẫn như thế. Họ tìm khắp thiên hạ những người có dung mạo y hệt như mình. Họ đem về nuôi dưỡng và đào tạo để trở thành thế thân cho họ. Những thế thân có nhiệm vụ thay thế họ ra mặt bên ngoài, giúp chủ nhân trách được việc bị ám sát. Cho nên thời đó, dù thiên hạ loạn lạc, nhưng việc ám sát một vị vua là điều vô cùng khó thực hiện vì rất khó để biết được đâu là người thật, đâu chỉ là thế thân.
Không chấp nhận trước thất bại của mình, Tử Ngu lại một lần nữa thách đấu với Dương Thương với thỏa thuận rằng nếu ông thắng, Dương Thương phải trả lại thành Cảnh Châu cho Bái Quốc. Ông tập luyện cho thế thân của mình cách để hóa giải đao pháp của Dương Thương, một người tên là Cảnh Châu – trùng với tên thành Cảnh Châu, nơi mà thế thân được sinh ra.
Nhưng mọi chuyện không chỉ đơn giản ở việc thách đấu để giành lại một thành trì bị mất. Vốn dĩ Cảnh Châu không thể nào đánh bại được Dương Thương, ngay cả Tử Ngu thật cũng không đánh thắng nổi ông và giờ đang trọng thương sống lay lắt từng ngày. Cuộc thách đấu chỉ là kế Dương Đông kích Tây của vị tướng đầy mưu mẹo kia. Với kế hoạch khiêu chiến để tạm thời làm mất vị tướng đứng đầu của thành, ông âm thầm cho người đột nhầm vào thành cảnh châu rồi chiếm lại thành.
Không nhận ra kế sách mưu mô của Tử Ngu, Dương Thương chấp nhận giao đấu với tinh thần giao lưu, không hề hay biết những gì diễn ra trong lúc mình giao đấu và cũng không hề biết con người đang đối diện với mình chỉ là một thế thân.
Thành Cảnh Châu mất, Dương Bình, con trai ông cũng hy sinh khi bảo vệ thành. Còn ông, trong khoảnh khắc tinh thần sụp đổ, ông cũng bị thế thân giết chết bằng một mánh khóe. Trong chiến tranh, chỉ có khái niệm thắng và thua, những khái niệm về quân tử đều không có ở đây. Để giành được chiến thắng, người lãnh đạo phải không từ bất kỳ thủ đoạn nào, dù là hèn mọn nhất, vô lại nhất. Đó là hiện thực đầu tiên được phim khắc họa lên màn ảnh. Chi tiết 200 nhuệ binh ẩn nấp trong chiếc thuyền được đưa đến Cảnh Châu để thách đấu bạn sẽ thấy hao hao giống với câu truyện về con ngựa thành Troy.
Nhưng không chỉ dừng lại ở câu truyện về việc lấy lại thành Cảnh Châu mà ta đã từng thấy ở rất nhiều phim ảnh, sách truyện tương tự như vậy. Giành lại thành Cảnh Châu chỉ là một phần nhỏ trong kế sách của đô đốc Tử Ngu, cũng là một chi tiết nhỏ để khơi mào nên một câu truyện về chính trị đầy phức tạp và tàn khốc của phim.
Tử Ngu muốn làm vua. Bái Vương là một vị vua nhu nhược và hèn nhát. Để bảo vệ ngôi vương của mình, ông đã nhân nhượng, dâng thành Cảnh Châu cho nước láng giềng để đổi lấy thỏa thuận hòa bình giữa hai nước. Ông là hiện thân của một vị vua nhu nhược, chỉ biết giữ khư khư chiếc ghế của mình, một điều khá dễ thấy trong thời đại phong kiến.
Bằng việc phát động giành lại thành Cảnh Châu, Tử Ngu đã chiếm được niềm tin của những trung thần trong nước. Sau khi giành lại được thành, ông có thể cướp ngôi vua một cách đường đường chính chính trước sự ủng hộ của mọi người. Một câu chuyện khá quen thuộc phải không? Trong lịch sử cũng đã từng có không ít về việc ngôi vua bị lật đổ do triều đại quá thối nát. Lần thứ hai, ta lại thấy một câu chuyện về vương quyền đầy mưu mô xảo quyệt không chỉ trong triều đại phong kiến mà còn có thể thấy ngay tại thời điểm hiện tại.
Tử Ngu là một con cáo già. Bắt đầu từ tinh thần yêu nước, ông đã lợi dụng nó để làm vỏ bọc cho kế hoạch tranh ngôi đoạt vị của mình. Nhưng cái con người nhu nhược kia lại là một kẻ mưu mô xảo quyệt gấp trăm lần Tử Ngu. Nhân nhượng, hèn nhát, bất tài. Tất cả cũng chỉ là vỏ bọc của một bộ óc đầy sạn bên trong một con người vô dụng.
Ông thừa biết ai là kẻ đã bán đứng đất nước, ông cũng biết luôn vị đô đốc hô to hét lớn trước mặt mình không phải là Tử Ngu mà chỉ là một kẻ thế thân. Ông biết luôn việc có kẻ đang muốn giành lấy ngai vàng của mình. Ông biết tất cả, và mọi thứ trong phim diễn ra đúng với kế hoạch của ông, một kế hoạch thâm độc dựa trên một kế hoạch thâm độc của kẻ khác.
Ông muốn lợi dụng Tử Ngu và thế thân của hắn để giành lại thành Cảnh Châu, nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch của ông vì ông biết việc giành lại thành là điều tất yếu. Kế hoạch chính của ông chính là nhổ hết tất cả những cái gai trong mắt mình, đặc biệt là Tử Ngu, một kẻ luôn muốn giành lấy ngôi báo từ trước đến nay.
Sự nhu nhược yếu hèn của ông và đất nước của mình hóa ra chỉ là một cái vỏ bọc quá hoàn hảo. Không ai có thể ngờ một đất nước nhỏ bé, phải hiến đất cầu hòa kia lại là một con quái vật đáng sợ khoác lên mình một hình hài nhỏ bé, yếu đuối. Những tên gian thần và cả Tử Ngu cũng không thể ngờ rằng kẻ bất tài kia lại là một con cáo già có cái đầu gấp trăm, gấp vạn lần mình.
Và cuối cùng, ông đã lấy lại được thành Cảnh Châu, diệt được gian thần, diệt luôn cái gai lớn nhất của mình là Từ Ngu. Mặc dù cuối cùng ông cũng chết, đó là một sự cố ngoài dự định của ông, cũng là một chi tiết vô lý của phim, tôi sẽ nói về chi tiết vô lý này ở các đoạn sau.
Cảnh Châu, thế thân của Tử Ngu cũng là một câu chuyện không kém phần hấp dẫn. Bị bắt về từ khi còn rất nhỏ, sống và lớn lên trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt để trở thành thế thân. Cuộc sống và sự tự do của anh hoàn toàn biến mất, anh bị huấn luyện để trở thành người phục vụ cho chủ nhân vô điều kiện.
Anh bị làm mờ mắt bằng những lời hứa giả dối về sự tự do. Nhưng sâu thẳm trong đầu anh, đó là một khát khao cháy bỏng về cuộc sống, về gia đình, về tình yêu, và một cái ác đang dần nhen nhóm trong đầu. Dẫu biết rằng mình sẽ chết trong nhiệm vụ cuối cùng này, dẫu biết rằng sẽ chẳng bao giờ có chuyện được đoàn tụ cùng với mẹ già như Tử Ngu đã hứa. Nhưng anh vẫn làm, vì một niềm tin mù quán, vì tình yêu cũng mù quán không kém.
“Sẽ có một ngày tội tệ khiến mày trở nên phát điên”. Đó là câu nói nổi tiếng của nhân vật Joker trong loạt truyện tranh về Batman vô cùng nổi tiếng. Và Cảnh Châu cũng có một ngày tội tệ như thế, không phải phát điên theo đúng nghĩa đen, mà là một sự thay đổi từ bên trong nhận thức. Khiến anh biến thành một con người không khác gì với những con người kia.
Trong những phút cuối cùng của bộ phim, ta không còn thấy hình ảnh của một thế thân trung thành, một con người khao khát tự do nữa. Thay vào đó, “hắn” đã trở thành một con người khát máu, khát quyền lực. Trong phút chốc, những gì tàn khốc nhất, thật nhất được ngưng đọng lại trong một con người. Ta thấy được câu truyện trọn vẹn nhất, chân thực nhất về chính trị đương thời, về những kẻ tranh quyền đoạt vị.
Phim kết thúc với chi tiết Tiểu Ngải dừng lại trước cánh cửa. Bạn có thể trách cô, nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ nghệ thuật và thực tế, đó là điều đương nhiên xảy ra. Vì câu truyện về vương quyền vốn dĩ nó đã như thế từ trước đến nay.
Khen về tính nghệ thuật và cốt truyện của phim, nhưng cũng không thể chê những thứ còn chưa được tốt của phim. Thứ tạo nên cốt truyện vô cùng kịch tích đến những phút cuối cùng của phim là chi tiết Bái Vương bị Tử Ngu đâm từ phía sau, chi tiết này khá vô lý.
Một vị tổng tư lệnh võ công thượng thừa và một cái đầu đầy mưu mẹo là Tử Ngu thì việc chỉ cho vài sát thủ đi giết ông là một việc thật ngớ ngẩn. Chẳng ai lại dại dột cử vài sát thủ tép rêu đi giết một cao thủ để rồi sự việc xảy ra ngoài ý muốn khiến chính mình phải bỏ mạng.
Chi tiết thứ hai là những chi tiết thường thấy ở những bộ phim mì ăn liền nhảm nhí thường thấy của Trung Quốc. Thời đó làm gì có bình dưỡng khí được làm từ ống tre, cũng làm gì có những chiếc nỏ đeo tay tự động có thể bắn nhiều phát liên tiếp như một khẩu súng lục. Lại còn việc dùng hai chiếc ô sắt rồi cuộn tròn trôi dạt trên đường phố ở Cảnh Châu.
Chi tiết bắn ra những lưỡi đao từ ô cũng vô cùng nhảm nhí. Nếu bạn xoay tròn chiếc ô và bắn ra những lưỡi đao như thế, bạn không thể điều khiến được hướng đi của lưỡi đao vì lưỡi đao sẽ bay ra bất kỳ hướng nào theo lực ly tâm. Những chi tiết ấy trông thật ngầu, có gì đó “đã đã” ở con mắt, nhưng đặt nó vào một bộ phim như thế này thì thật nhảm nhí. Huống chi đây lại là một bộ phim thiêng về giá trị nghệ thuật và thực tế.
Tranh ngôi đoạt vị, tốt xấu lẫn lộn không chỉ là câu chuyện của xã hội đương thời, mà nó còn là câu chuyện của xã hội hiện đại. Khi mà người ta không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn nào để có được thứ mà mình muốn, khi mà một ngày tồi tệ nhất cũng có thể biến một trái tim kiên cường nhất trở nên ô uế.
Không chỉ là câu truyện về chính trị đầy hiện thực được xây dựng trên một đất nước giả tưởng, đây còn là câu chuyện về xã hội rất đáng để suy ngẫm. Đáng để sau khi xem phim xong, ta lặng đi vài phút, để rồi trên mặt ta lại có thêm một nếp nhăn, một nếp nhăn từ sự va chạm xã hội một cách không trực tiếp.