Tu khẩu không tu tâm
Nhiều năm về trước tôi có xem một chương trình trên sóng truyền hình, chương trình gì và nội dung như thế nào thì tôi không còn nhớ rõ, nhưng có một cảnh quay mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ, đó là một bữa ăn trong chùa. Chương trình quay cảnh chuẩn bị bữa ăn của một ngôi chùa nào đó. Rất nhiều phần ăn với nhiều món ăn được bày ra, toàn là thịt, cá, sườn, chả, trứng, nước mắm,… Tất nhiên tất cả chúng đều là các món chay giả mặn. Nhưng tuyệt nhiên không có một món nào là chay hoàn toàn cả, tất cả đều mang dáng vấp của những món thịt món cá.
Có một lần tôi được một người bạn dẫn đi ăn sáng ở một quán chay trên đoạn đường từ Cà Mau lên Cần Thơ. Tôi gọi một tô hủ tiếu, một lát sau tô hủ tiếu được đem ra, bên trong có rất nhiều chả, thịt chay, nước chấm cũng là nước mắm chay. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất ở quán ăn này chính là mùi vị và cảm giác ăn của món chả lụa chay này không khác một chút nào với chả lụa mặn. Sau này khi tôi ăn nhiều món chay khác, có rất nhiều món đem đến cho người ăn cảm giác không khác gì so với món mặn tương tự. Các món ăn chay kiểu này càng ngày càng ngon hơn và giống món mặn hơn.
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng những người đang ăn các món chay này, họ ăn chúng vì điều gì? Có phải họ ăn những món như vậy để vừa được là một người ăn chay và vừa thỏa mãn cái cảm giác thèm khát ăn những món mặn? Có phải họ chỉ tu hành bằng cái miệng của mình, còn sâu thẳm bên trong họ, họ vẫn muốn thèm khát được ăn thịt cá và các sản phẩm từ thịt cá? Có phải họ chỉ tu khẩu chứ không tu tâm?
Những món chay giả mặn như vậy được sản xuất ra để phục vụ cho một kiểu tu hành của một phần rất đông người Việt. Tôi xin được phép gọi kiểu tu hành này là Tu Hú. Những người tu hành kiểu này là những người rất “cuồng” đạo Phật. Họ lúc nào cũng kính thờ Phật, cứ mỗi khi đến ngày rằm và đến ngày cuối tháng là họ liền đi chùa, ăn chay, cúng Phật. Có người còn thỉnh cả một hoặc vài pho tượng Phật về nhà mà thờ phụng, đêm nào cũng vái lại khấn bái. Tất nhiên những thứ mà họ vái đều là mong trời Phật phù hộ cho họ làm ăn phát đạt, mong mọi việc đều thuận buồm xuôi gió, chẳng có lời khấn vái nào mà không vì lợi ích cá nhân của họ.
Ngoài những ngày ăn kiêng ăn cử, những ngày khác là những ngày họ “sống thật với chính mình”. Họ mua gian bán lận, sẵn sàng lăn xả chửi bới, xúc phạm bất kỳ ai. Thậm chí họ còn sẵn sàng hạ bệ người khác bằng bất cứ thủ đoạn nào. Những người tu hú kiểu này luôn tôn sùng Phật pháp. Họ luôn đi chùa và cũng lễ đầy đủ để…giảm tội. Tôi thường nói đùa rằng những người mà đi chùa cúng lễ đầy đủ kiểu đấy toàn là những người làm việc ác ở đời. Càng làm nhiều việc ác thì mâm cúng của họ càng to, càng nhiều tiền, để trời đất thần phật giảm bớt tội nghiệp cho chọ, để họ có thể tiếp tục làm ác tiếp mà con cháu không phải gánh quả báo.
Không chỉ đi chùa cúng bái đầy đủ, họ còn ăn chay và không làm việc ác vào những ngày này. Tôi cũng nhiều lần nói mấy câu chuyện đùa với đại ý nhân vật trong câu chuyện nói rằng “May cho mày là hôm nay tao ăn chay đấy, tao mà không ăn chay là mày chết mẹ mày với tao”. Nhưng ăn chay thì ăn vậy thôi, chứ cái khao khát được ăn những món mặn vẫn rừng rực trong huyết quản của họ dù thời gian ăn chay chỉ kéo dài có một ngày.
Và cuối cùng, đất nước chúng ta, một đất nước với bề dày lịch sử, một đất nước anh hùng với hàng nghìn lần chống giặt ngoại xâm, một đất nước cần cù chịu khó, không ngừng sáng tạo đã sáng tạo ra một sản phẩm làm thỏa mãn được hết những trái tim của những người tu hú chân chính, đó không gì khác chính là những món chay giả mặn với đầy đủ hình thù của cá, sườn, chả, trứng đa dạng và hấp dẫn. Sau nhiều năm không ngừng cải tiến và phát triển, các sản phẩm chay này ngày càng giống đồ thật hơn cả về ngoại hình và mùi vị, thậm chí có nhiều món còn ngon hơn cả đồ mặn.
Thế là người ta được ăn chay bằng cái miệng nhưng cái mắt và cái tâm vẫn được thỏa mãn rằng mình vẫn đang ăn thịt cá. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu của những người tu tại nhà, những món chay giả mặn cũng len lỏi vào chùa và đã trở thành món ăn chính trong rất nhiều chùa chiền ở nước ta. Bây giờ khi ghé vào nhiều ngôi chùa, bạn sẽ thấy những món ăn được bày biện trong mâm cơm toàn là thịt cá với đủ thể loại canh, chiên, xào, mặn. Nhiều khi tôi chợt nghĩ một ý nghĩ tội lỗi rằng có lẽ nhiều vị sư cũng đang tu khẩu chứ không tu tâm.
Có lần tôi thấy hai nhà sư đang lái một chiếc xe tay ga trên đường. Tội chợt nổi hứng đuổi theo xem hai vị sư đi đâu mà chạy xe nhanh thế, chiếc xe cà tàng của tôi đuổi theo muốn không nổi chiếc xe tay ga đắt tiền của hai vị. Cuối cùng hai vị rẽ ngang đèn đỏ và tấp vào cửa hàng Thế Giới Di Động một cách điệu nghệ với một trình độ lái xe mà khó ai bì được. Một người bạn của tôi cũng từng học ngành triết học với một vị sư trẻ. Vị sư này rất vui tính, chơi đủ trò mà những người khác chơi như chọc gái, ăn trong lớp, biết tên các diễn viên JAV và đặc biệt là chiên cá rất khéo.
Một người bạn khác của tôi kể rằng cậu ta được đi tham quan trong một ngôi chùa, khi ghé qua phòng của trụ trì và những người có chức vị cao trong chùa, cậu ta bị choáng ngợp vì nó còn hơn cả phòng của khách sạn 5 sao. Lúc diễn thuyết cho hàng nghìn người nghe phía dưới, một chú tiểu đem lại cốc trà cho sư, sư mắng “kêu đam trà nóng mà đem trà nguội ngắt vậy hả? Pha lại ly khác liền!”. Mặc dù sư đã không nói thẳng vào micro nhưng ai nấy cũng nghe thấy. Tôi không hoàn toàn phản đối việc hưởng thụ của những người tu hành, nhưng rõ ràng đây cũng là điều mà người ta cần phải xem xét lại. Vì triết lý của người tu hành là phổ độ chúng sinh chứ nó không hoàn toàn là một môn triết học.
Trong tác phẩm Nhật Bản duy tân 30 năm của cụ Đào Trinh Nhất, cụ có nhắc đến sự khác nhau của việc tu hành giữa người Việt Nam và người Nhật như thế này: Người Nhật Bản họ tu hành vì cái tâm trong họ. Họ tu hành với ý nghĩ làm thật nhiều việc tốt rồi tự khắc những điều tốt lành sẽ đến với mình. Họ không bao giờ khấn cầu hay thờ phụng thần phật với mục đích rằng để có được một lợi ích gì đó. Còn người Việt Nam ta thì lại khác. Động cơ khiến người Việt mình thờ cúng thần phật là vì mục đích tư lợi dành cho mình. Họ chưa bao giờ tu hành hay thờ cúng thần phật vì cái tâm muốn làm việc tốt. Lúc nào họ thờ cúng thần phật cũng chỉ để thần phật và ông bà tổ tiên phù hộ cho con cái mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi. Dù là cầu mong ban phước cho sức khỏe và sự may mắn, đó cũng là cái tư lợi của bản thân. Chẳng bao giờ người Việt mình thờ cúng thần phật mà chẳng vì lợi ích cá nhân nào, chẳng bao giờ họ thờ cúng thần phật với tư tưởng rằng họ làm nhiều việc tốt rồi điều tốt đẹp sẽ đến. Họ luôn đưa ra những cái hợp đồng rằng hãy đem đến điều tốt đẹp cho chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ tôn thờ và cúng bái ngài tử tế. Hoặc chúng tôi sẽ thờ phụng và cúng bái các ngài, ngược lại các ngài hãy mang đến những điều tốt đẹp cho chúng tôi.
Hiểm họa từ các món chay giả mặn
Các món chay giả mặn giờ đây tràn ngập trên thị trường với rất nhiều thương hiệu thật, giả và cả không thương hiệu. Không ai biết những thứ đó được làm từ gì và được chế biến như thế nào, bằng những nguyên liệu và những hóa chất gì. Mặc dù trên bao bì có ghi rõ thành phần chính của sản phẩm là từ đậu nành, nhưng cái cách mà người ta biến đậu nành và những phụ gia thành những miếng sườn, những khứa cá dai và giống hệt như thật vẫn còn là một ẩn số. Không ai biết chúng được xử lý từ những hóa chất gì, làm từ gì và xuất xứ thật sự của chúng từ đâu.
Việc nhập những nguyên liệu hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc rồi đóng gói và tung ra thị trường là điều khá phổ biến ở Việt Nam. Các món chay giả mặn cũng không phải là ngoại lệ. Hầu như chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng và quản lý nào đối với sản phẩm này. Những sản phẩm với thương hiệu giả, được nhập từ những nguồn không rõ nguồn gốc và những sản phẩm được nhập về rồi đóng gói, gắn nhãn sản phẩm vẫn còn rất đông trên thị trường. Chưa kể đến những hóa chất được sử dụng khi chế biến sản phẩm.
Giá trị dinh dưỡng trong các món chay giả mặn như thế này cũng rất ít. Việc thay thế các món ăn (cả món mặn và mon chay thuần) bằng các món chay giả mặn hoàn toàn sẽ làm giảm đi một lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày, chưa kể đến lượng hóa chất được đưa vào cơ thể trong những món này. Mẹ tôi cũng từng nhập viện vì suy dinh dưỡng khi bà “ăn chay” được gần một tháng. Bản thân đồ chay chứa rất nhiều dinh dưỡng chẳng kém đồ mặn nếu khẩu phần ăn đầy đủ và hợp lý. Còn nếu sử dụng toàn bộ đồ giả mặn để thay thế các nguyên liệu cần thiết như nấm, rau củ thì hoàn toàn gây mất cân bằng dinh dưỡng và tổn hại đến sức khỏe của người sử dụng.
Tu hành là nằm ở cái tâm. Có người họ ăn thịt nhưng tu trong tâm thì họ vẫn được xem là tu hành. Thế nên mới có bộ phim Tế Công, một bộ phim về vị phật sống chẳng ngại thịt cá nhưng vẫn là người tu hành và giúp đỡ thế gian. Còn tu hành mà chỉ ăn chay cho có hình thức, còn trong lòng thì luôn khao khát được ăn thịt cá, thâm tâm luôn làm những việc gian ác hại người thì việc tu hành ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Những gian thương tha hồ kiếm tiền từ cái thú ăn chay của những người tu hú kiểu đó, còn các quý ông quý bà hàng ngày ăn thịt cá chay thì vẫn luôn tự đắc với việc tu hành của bản thân mà chẳng biết rằng chẳng có thần Phật nào chứng giám và phù hộ cho cái kiểu tu hành như vậy.
Bài viết này tà đạo, suy nghĩ phiến diện quá. Nên nghe giảng pháp nhiều hơn trước khi bình luận về món ăn chay. Ăn chay cốt là để tránh sát sinh, dù hình thức món ăn như thế nào miễn món đó đừng làm ra từ sinh mạng động vật thì nó đã giúp ích cho chúng sanh và cả người tu hành. Còn những người sân si, đi soi mói món ăn của cả người ăn chay (hay ăn mặn) thì những người đó đã rơi vào tà đạo, bị quỷ che mờ lý trí mất rồi. Chỉ có những kẻ hiểu hời hợt bản chất của ăn chay và việc giữ giới “không sát sanh” mới có thể chỉ trích việc ăn chay giả mặn. 😑
Bỗng thấy bình luận của bạn buồn cười quá. Bạn đúng là một hình mẫu của tu theo phong trào này. Nếu bạn có khả năng đọc hiểu và thật sự hiểu thế nào là tu thì đã không có phát biểu ngu học như vậy rồi.