Từ diễn viên đến streamer, ăn cháo đá bát có chấp nhận được không?
Thỉnh thoảng cứ vài tháng lại xảy ra những vụ tố “ăn cháo đá bát” của một diễn viên hay một streamer nào đó trên mạng xã hội. Có người đưa ra những căn cứ có cơ sở, nhưng cũng có những người hùa theo đám đông mà công kích nạn nhân. Bản thân tôi cũng không thích những hành vi theo kiểu ăn cháo đá bát như trên, nhưng nói gì thì nói, vẫn phải nhìn nhận vấn đề với một góc nhìn đa chiều để đánh giá đúng sai, vì không phải vụ nào kẻ đá bát cũng sai, nhưng cũng không phải vụ nào họ cũng đúng. Nên hôm nay tôi sẽ đưa ra một cái nhìn khách quan nhất, đa chiều nhất cho những vấn đề trên. Trong bài viết có nhắc đến một số diễn viên, ca sĩ, streamer nổi tiếng nên nếu bạn là fan của một trong số họ thì cũng xin đừng ném đá vì mình không có ý xúc phạm hay bôi nhọ họ.
Ăn cháo đá bát là gì?
Đây là câu thành ngữ dân gian của ông bà ta từ thời xưa, ý muốn nói đến những con người vô ơn với những người đã từng giúp đỡ mình. Khi bạn ăn cháo, bạn cần phải có thứ gì đó để chứa đựng lượng cháo đó, thường là một chiếc bát. Chiếc bát này giúp bạn có thể đựng được cháo để ăn, nếu không có nó, cháo đã rơi xuống đất và lan ra hết rồi. Bạn ăn xong bát cháo, sau đó bạn đá bỏ nó đi, đây là một hành động vô ơn. Câu thành ngữ này thường được dùng để ám chi những người nhờ vào sự giúp đỡ của người khác mà có được một hoặc một vài thành tựu nào đó, sau đó quay lưng với họ, sử dụng những thành tựu đó mà phục vụ cho lợi ích của mình.
Trong kinh doanh, có thể thấy nhiều ở việc một nhân viên của một công ty nào đó, sau khi được những sự thăng tiến cao, làm đến những vị trí quan trọng trong công ty, đến khi có đầy đủ kinh nghiệm và cả khách hàng của công ty cũ thì tách ra làm riêng. Còn trong showbiz, trường hợp thường gặp nhất là một người nào đó nhờ công ty lăng xê để trở nên nổi tiếng, sau khi hết hợp đồng thì tách ra làm riêng, lấy nền tảng là sự nổi tiếng có được từ việc công ty cũ đã lăng xê và lượng fan đã xây dựng được.
Có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này và những tranh cãi này sẽ không bao giờ có được kết quả thắng thua. Ở một góc độ nào đó, người “ăn cháo đá bát” này không mang ơn gì đến người “ban ơn” mình. Họ làm việc và được trả công, họ đem lại thu nhập cho công ty. Số tiền mà công ty trả cho họ thấp hơn nhiều so với số tiền mà công ty kiếm được từ họ. Công ty lăng xê họ cũng chỉ nhằm mục đích dùng họ để kiếm tiền. Ở góc độ này, tiền trao cháo múc, nói ăn cháo đá bát cũng khó.
Nhưng ở góc độ khác, tuy mọi thứ vẫn trên danh nghĩa là mua và bán, nhưng ngoài những giá trị về lợi nhuân mà hai bên đạt được, lại có những giá trị khác được tạo ra cho người “ăn cháo” ấy. Người diễn viên, hay ca sĩ, hay streamer ấy có được sự nổi tiếng và một lượng lớn fan hâm mộ mà nếu một mình họ xây dựng, hầu như là bất khả thi. Đó là những giá trị lâu dài mà người này có được từ công ty bên cạnh số tiền ít ỏi được công ty trả.
Công ty đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để lăng xê người đó lên, nhưng vừa chỉ thu gặt được quả ngọt được 1 -2 mùa thì không còn nữa, thử xem có tức không? Hành vi đó có thể xem như là lợi dụng công ty ấy để được nổi tiếng, được lượng fan (khách hàng và đối tác, sự uy tín nếu trong lĩnh vực kinh doanh) đông đảo sau đó lại tách ra làm riêng. Thử hỏi có thể xem là “ăn cháo đá bát” được không? Nó giống như việc bạn vào làm cho công ty để được trả lương, bạn lấy lương đó để nuôi sống mình, bên cạnh đó, bạn lợi dụng điều đó để có được những thứ khác như sự nổi tiếng và người hâm mộ để rồi khi đủ lông đủ cánh thì bạn bay đi.
Dù trong lĩnh vực nào thì khái niệm này không bao giờ phân định rõ ràng đúng hay sai cho tất cả trường hợp. Bởi vì đôi khi kẻ ăn cháo là một người vô ơn, nhưng cũng đôi khi bởi vì cái bát kia nó lại rất khốn nạn, nên không thể bảo là ai đúng ai sai cho tất cả mọi trường hợp.
Những vụ “đá bát” trong lịch sử
Bản thân tôi không phải là một người hóng hớt các chuyện trên mạng xã hội, nên những gì mà tôi biết được đều là những chuyện có sức ảnh hưởng lớn trong giới trẻ. Tôi cũng không khẳng định là họ đã làm đúng hay làm sai trong chuyện này, tôi chỉ đưa ra những cái tên đã được chính mọi người ném đá mà thôi. Tôi không phản đối hay ủng hộ bất kỳ bên nào cả.
Nhân vật bị tốt nhiều nhất chắc là cô diễn viên – người mẫu An Vy. Cô từng là diễn viên trong nhóm hài FAP TV. Cô bị tố là vô ơn và mắc bệnh ngôi sao khi tham gia phim ngắn Chuyến đi của thanh xuân. Sau đó không lâu thì cô cũng rời khỏi công ty luôn. Vụ này trở thành chủ đề nóng trong suốt một thời gian dài. Khiến báo chí tốn biết bao nhiêu giấy mực và cũng kiếm lợi được khá nhiều từ đó.
Mới vài ngày trở lại đây thôi, cô nàng streamer có nickname Dorie và công ty cũ cũng có những lùm xùm xung quanh việc ăn cháo đá bát và quỵt tiền. Phía Dorie, cô tố công ty cũ đã quỵt 91 triệu tiền lương của mình trong thời gian làm việc ở công ty. Còn phía công ty, chỉ có Ohsusu tố ngược lại việc cô ăn cháo đá bát. Theo đó thì Ohsusu tố rằng họ từng cho cô mượn hệ thống kênh Youtube và Facebook để lăng xê mình, còn tố việc cô ăn ắp vặt khi còn ở chung. Tất nhiên chuyện ai đúng ai sai cũng không ai biết rõ được, nhưng có một điều mà mọi người biết rõ là cả hai bên đã được mọi người biết đến nhiều hơn.
Cũng vài ngày gần đây luôn là vụ Tuyết Bít, người được biết đến nhiều trong những video hài hước của Welax cũng bị tố là ăn cháo đá bát. Theo những gì mà mọi người thấy, thì Tuyết Bít đã tố rằng Welax đã report (báo cáo) kênh của mình và cuối cùng kênh bị sập, cô phải lập kênh mới. Còn về phía team Welax, họ nói rằng việc sập kênh của Tuyết Bít là ở phía công ty (VC corp là công ty chủ quản của Welax), đây là do hệ thống quyét bản quyền của Youtube nên các kênh riêng của các thành viên khác cũng bị ảnh hưởng chứ không riêng gì Tuyết Bít. Các thành viên cũng tố về thái độ của Tuyết Bít với những người mà cô hợp tác khi cô làm riêng. Có vẻ như Tuyết Bít là người sai trong việc này, nhưng sự thật như thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
Những vụ “không bị tố”
Những nhân vật mà tôi sắp nói sau đây không hẳn là “ăn cháo đá bát”, cho nên các bạn cũng đừng vội ném đá bênh vực cho thần tượng của mình nhé.
Sơn Tùng M-TP. Tất nhiên là cái tên này phải được nêu lên đầu tiên rồi vì anh ấy quá nổi tiếng mà. Sơn Tùng M-TP đã đầu quân cho công ty We Pro được 2 – 3 năm. Trước khi trở thành thành viên của We Pro, cái tên Sơn Tùng cũng đã có nhiều người biết nhưng thật sự không quá nổi tiếng như bây giờ. Sau khi được ông bầu Quang Huy lăng xê bằng những kỹ năng và cả chiêu trò thì cái tên ấy nổi như cồn cho đến tận bây giờ. Rồi đến cuối năm 2016, Sơn Tùng tách ra làm riêng, thành lập công ty M-TP Entertainment. Cho đến bây giờ đã ra mắt được bốn sản phẩm. Ít ai nói rằng nhờ We Pro mà Sơn Tùng nổi tiếng như ngày hôm nay.
Cái tên tiếp theo là Tuấn Tiền Tỉ. Là một thành viên quan trọng trong Orion Media, công ty sở hữu nhiều kênh như Loa Phường và Trắng TV, nổi tiếng nhất là video quảng cáo rượu Vodka Cá Sấu một thời. Tuấn Tiền Tỉ trở thành một nhân vật quan trọng trong công ty. Anh là diễn viên chính trong rất nhiều video của kênh Loa Phường, là giọng đọc quen thuộc và dẫn chương trình chính của các video trên kênh Trắng TV. Rồi đùng một cái, Tuấn Tiền Tỉ tách ra làm riêng. Livestream game, làm tổ buôn 247 khá giống với Trắng News 999 một thời. Tất nhiên cũng không ai tố anh ăn cháo đá bát cả.
Nhắc nhiều quá cũng không nên, cái tên cuối cùng là Optimus. Optimus là cái tên nổi tiếng trong cộng đồng game thủ Liên Minh Huyền Thoại, là đội trường của đội GIGABYTE Marines (GAM), đội tuyển có thể coi là mạnh nhất của Việt Nam. Sau nhiều vụ lùm xùm thì cuối cùng anh cũng rời đội, lập kênh riêng trên Youtube và sau này là gia nhập một đội khác.
Đôi khi “kẻ ban ơn” lại như lờ
Như các bạn đã biết, ở Việt Nam không giống như ở nước ngoài. Ở Việt Nam, phần lớn các ông chủ bà chủ đều xây dựng mọi thứ dựa trên sự dối trá và bóc lột. Điều này cũng không sai trong giới show biz và các công ty về streaming game. Những chuyện về việc lợi dụng những nhân vật của công chúng mà công ty đã xây dựng để trục lợi cũng không phải hiếm. Họ trả công cho những người này không xứng với công sức mà họ đã bỏ ra để cống hiến cho công ty. Nếu bạn làm việc cho một công ty như vậy, bạn có muốn rời bỏ nó hay không?
Một số công ty thì môi trường làm việc không tốt. Cấp trên luôn gây áp lực xuống cấp dưới, đưa ra những yêu cầu vô lý và đôi khi là đối xử tệ bạt đến nhân viên. Nội bộ thì không đoàn kết, chia bè kết phái, ganh ghét đố kỵ nhau. Làm cho một công ty mà cấp trên như lờ và những người xung quanh cũng như lờ như vậy thì ai mà ở lại lâu cho được. Họ có tài năng, thì tại sao họ phải làm việc cho những người không trân trọng họ?
Tất nhiên đây cũng chỉ là một khía cạnh, không phải hoàn toàn đúng cho tất cả. Tôi nói ra ở đây để mọi người hiểu rằng đôi khi cái sai lại nằm ở phía kẻ ban phát cháo kia chứ không phải là kẻ được cho bát cháo.
Hoặc có thể là chiêu trò PR cho cả hai?
Ở Việt Nam hiện tại, không ít người đã trở nên nổi tiếng nhờ vào các vụ lùm xùm. Nó nhiều đến nổi nhiều người đã chọn phương pháp đó để xây dựng bản thân và nhiều người cũng đã thành công. Đã bao giờ bạn nghĩ rằng cả hai đều đang hợp tác với nhau tạo ra vụ lùm xùm để cả hai cùng nổi tiếng chưa? Cũng có thể lắm.
Theo giả thuyết này thì mối quan hệ của hai bên vẫn rất khăn khít dù đã không còn “thuộc về nhau nữa”. Hai bên vẫn còn giúp đỡ nhau trong các dự án. Và để nổi tiếng nhanh hơn, cả hai đã bắt tay tạo ra một vụ lùm xùm để mọi người biết đến mình hơn. Hai bên tố qua tố lại, cuối cùng thì cả hai đều đăng đàn xin lỗi nhau và làm hòa. Cuối cùng thì bên nào cũng êm đẹp, nhưng thứ họ muốn đạt được đã đã được, đó là họ được nhiều người biết đến nhiều hơn.
Tôi không dám khẳng định giả thuyết này là đúng và cũng không khuyên các bạn nên tin vào đó. Đây vẫn chỉ là một “thuyết âm mưu” mà thôi, còn thực tế thì như thế nào hãy để mọi người tự suy diễn. Chắc cũng không ít mấy chuyện tố qua tố lại xong rồi làm hòa đâu ha.
Kết luận
Thứ gì cũng có cái giá của nó. Nhiều người phấn đấu cho sự nghiệp bằng tài năng và sự cố gắng của mình. Một số khác thì không, họ sử dụng các chiêu trò để đạt được những lợi ích cho mình. Một số khác lại lợi dụng vào người khác để đạt được những mục đích ấy, rồi sau đó quay lưng lại với họ. Một số khác nữa thì lợi dụng người khác để trục lợi cho mình, bóc lột họ mà tự cho rằng mình là những người ban ơn.
Từ sâu thẳm bên trong con người, những tính xấu vẫn tồn tại. Con người luôn là loài vật ích kỷ, khác nhau chỉ ở mức độ mà thôi. Là họ kìm chế sự ích kỷ của mình như thế nào. Người chế ngự được nó hoàn toàn thì trở thành một người tốt, phóng túng. Người chịu thua với nó thì tự biến mình thành một kẻ xấu xa. Chuyện người ta có ăn cháo đá bát với nhau hay không, hay những kẻ “ban phát” cháo kia như lờ thì khó mà phân biệt đúng sai. Cái nào sai thì lên án, cái nào đúng thì ủng hộ. Chỉ mong trước khi phát xét điều gì, hãy tìm hiểu kỹ, nếu không, bạn cũng chẳng khác nào đám đông còn lại.