Tại sao nhà nước không in thật nhiều tiền?
Nhiều người vẫn thường đặt ra một câu hỏi vô cùng ngây thơ rằng tại sao nhà nước không in thật nhiều tiền cho mọi người tiêu xài? Tại sao lại không in tiền phát cho người nghèo để không ai phải nghèo khổ, ai ai cũng khá giả? Thật ra đây là một câu hỏi mà hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng tự hỏi ít nhất một lần trong đời. Sau này nhiều người biết được câu trả lời rồi thì không còn thắc mắc nữa, nhưng không phải ai cũng hiểu biết về kinh tế và thị trường để có thể có được câu trả lời cho câu hỏi trên.
Có một lần khi xem một video về việc tiêu hủy tiền cũ trên Youtube tôi cũng thấy một số bạn vẫn đặt ra câu hỏi ngớ ngẩn như trên, rằng tại sao không dùng số tiền cũ đó để cho người nghèo mà phải tiêu hủy phí như vậy? Còn có người thì đỡ hơn một chút, họ hỏi rằng tại sao phải bỏ công sức để đếm từng tờ tiền nhàu nhát khó đếm kia? Câu trả lời cho những thắc mắc này rất đơn giản, họ thu hồi tiền để tiêu hủy vì nó không thể lưu hành được nữa, và người ta phải phát hành ra những tờ tiền mới theo đúng giá trị mà những tờ tiền cũ đã bị tiêu hủy. Nếu số tiền được in ra cao hơn số tiền đã bị tiêu hủy, nền kinh tế sẽ bị lạm phát, còn nếu số tiền in ra ít hơn tiền bị tiêu hủy, nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Bạn hãy thử tưởng tượng, nếu đất nước này người nào cũng tiền bạc dư giả trong tay, ai nấy cũng tiền nhiều không đếm xuể thì sẽ như thế nào? Sẽ chẳng ai thèm đi làm thuê, các xí nghiệp, nhà máy sẽ không có công nhân. Mấy cô bán ngoài chợ cũng không muốn ngồi trơ ra nắng mưa để bán từng con cá cọng rau nữa vì họ có tiền hết rồi. Mấy chị bán bánh mì cũng không thèm bán bánh mì làm gì nữa. Rốt cuộc, ai cũng có tiền nên chẳng ai thèm làm, đất nước sẽ không có bất kỳ hàng hóa giá trị nào được tạo ra.
Cũng cùng ví dụ trên, chúng ta hãy thử tưởng tượng xa ra một chút. Ví dụ như người nào cũng có một tỷ trong tay. Khi mà chẳng ai chịu làm nữa vì ai cũng có tiền, họ bắt đầu bị chết đói theo đúng nghĩa đen. Thế là họ vẫn sẽ phải xoắn tay vào làm việc. Nhà nông thì trồng lúa, nhưng lúa mà các bác nông dân làm ra thì ăn cả năm cũng không hết, họ cũng không rảnh đâu mà đem cho người khác, thế là họ phải bán. Nhưng bán thế nào? Các bác nông dân đều có bạc tỷ trong tay, không lẽ họ bán lúa với giá 5000 đồng một ký như hiện tại sao? Không, các bác sẽ không bán như vậy, ít ra cũng phải tầm vài triệu một ký chứ, chứ bác nào cũng có trong tay bạc tỷ mà bán lúa giá lấy đồng bạc lẻ thì ai thèm bán.
Ở một góc độ khác, những người không trồng lúa cũng đã bắt đầu đói trơ xương ra rồi. Họ phải tìm cái gì để ăn thôi. Thế là họ tìm đến những bác nông dân đã sản xuất ra rất nhiều lúa gạo. Nhưng làm sao để mua được lúa của họ bây giờ? Họ là tỷ phú, chắc họ chịu bán cho mình với giá vài nghìn đồng một cân chắc. Không, không hề. Thế là muốn mua lúa phải bỏ ra ít nhất vài triệu một cân chứ.
Còn các anh chị công nhân, các anh chị có bạc tỷ trong tay rồi, các anh chị đâu có thèm làm công ăn lương với lương vài triệu một tháng nữa, muốn thuê họ phải ít nhất trả vài trăm triệu một tháng thì còn may ra. Còn ở phía các ông chủ bà chủ, chắc chắc phải trả lương như thế thì họ mới chịu làm rồi. Thế hàng hóa sản xuất ra rồi phải bán như thế nào đây? Công nhân được trả cả trăm triệu một tháng tiền công, người dân ai cũng thu nhập cả trăm triệu một tháng, vậy thì tất nhiên hàng hóa bán ra phải có giá từ vài triệu cho đến cả tỷ đồng rồi.
Chỉ một ví dụ đơn giản như vậy thôi, chúng ta sẽ biết sẽ thế nào nếu nhà nước in thật nhiều tiền và phát cho mỗi người rồi phải không nào? Tiền tuy chỉ là một tờ giấy hoặc những mảnh dẹp hình tròn bằng kim loại, nhưng nó đại diện cho những giá trị hữu hình và vô hình mà nền kinh tế của một đất nước hoặc một vùng đất đó tạo ra. Giá trị thật sự của nền kinh tế là lượng hàng hóa và của cải mà nền kinh tế đó có được. Tiền chỉ là một công cụ trung gian để biểu thị giá trị đó. Dù tổng con số của những đồng tiền có nhiều hay ít thì lượng giá trị của một nền kinh tế đó vẫn không thay đổi.
Khi số tiền nhiều hơn lượng của cải và hàng hóa thật sự của nền kinh tế, tiền sẽ bị mất giá. Ngược lại, khi số tiền ít hơn lượng của cải và hàng hóa thật sự của nền kinh tế, giá trị của đồng tiền sẽ được tăng. Lấy một ví dụ đơn giản như thế này. Có một đoàn vượt biên sang nước ngoài, mình lấy ví dụ vượt biên để dùng vàng làm tiền thay cho tiền giấy, vì bản chất của tiền giấy sẽ không còn giá trị khi có biến cố, còn vàng thì vẫn có giá trị trong nhiều trường hợp. Đoàn người đó có 50 người với đủ các ngành nghề và có tổng cộng 200 cây vàng, toàn là vàng miếng với mỗi miếng có giá trị ít nhất là 5 phân và nhiều nhất là 10 cây.
Không may đoàn người vượt biên này bị đắm tàu và lạc trôi vào một đảo hoang. Trên đảo vẫn có đủ thức ăn cho bọn họ, nhưng một số gia đình thì có nhiều con nhỏ nên họ không tìm đủ thức ăn cho cả gia đình, thế là họ ngỏ lời dùng vàng để mua thức ăn mà người khác kiếm được. Những người khác cũng biết sẽ có một ngày nào đó họ được cứu nên số vàng này tuy hiện tại không có giá trị nhưng sau này sẽ có giá trị. Thế là những món đồ ở đây có giá từ vài chỉ cho đến vài cây vàng một món đồ.
Cũng may cho họ là ngày hôm sau họ tìm thấy cả một rừng khoai và một rừng dừa. Thế là người hôm trước cảm thấy mình ăn một quả cay cú khi bỏ ra cả cây vàng để mua thức ăn, còn người vừa bán được thức ăn kia cảm thấy mình vừa ăn được quả may vì đã bán đước thức ăn với giá cao. Vàng vẫn không mất đi hay có thêm mà chỉ chuyển từ tay người này sang người khác, nhưng lượng hàng hóa (ở đây là thức ăn) đã thay đổi khi sang ngày hôm sau. Khi họ không tìm thấy nhiều thức ăn vào hôm trước, lúc này thức ăn rất có giá trị, vàng mất giá. Nhưng khi hôm sau họ tìm thấy thức ăn, lúc này thức ăn không còn nhiều giá trị nữa vì người ta chỉ cần đào khoai lên là có ăn, không ai phải chết đói cả, còn vàng thì bắt đầu có giá trở lại vì dù hàng hóa có nhiều ra nhưng vàng thì vẫn không đổi.
Nhưng ăn mãi thì núi cũng lở. Các gia đình bắt đầu chia nhau ra dựng nhà, trồng lương thực, ai nấy cũng có cái ăn nên số vàng kia coi như vứt. Một thời gian sau, những người thợ mộc bắt đầu đóng những đồ đạt bằng gỗ, những người thợ rèn bắt đầu tìm thấy quặng sắt để rèn công cụ. Một số người vẫn làm nông và họ rất muốn có những món đồ mà những ngành nghề khác tạo ra, nhưng họ lại không đổi được vì những người kia không cần. Vậy là những người tạo ra những sản phẩm kia mới nghĩ rằng người ta cần sản phẩm của mình như vậy, hay là mình không làm nông nữa mà làm những món đồ khác rồi đổi lấy thức ăn. Thế là chỉ còn một số lượng ít người làm nông vừa đủ lương thực cho những người trên đảo.
Nhưng lại có một điều nữa, những gia đình làm nông kia đâu phải lúc nào cũng cần tủ, bàn, ghế, họ mua một bộ là đủ rồi. Còn những gia đình làm thợ mộc thì ngày nào cũng cần có thức ăn, nhưng họ cũng cần đến những thứ khác như những con dao từ gia đình anh thợ rèn, họ cần nhờ anh thợ sửa ống nước sang sửa những đường ống nước bị hỏng của họ. Vậy là họ lại lôi những miếng vàng kia ra làm vật trao đổi. Tiền tệ cũng chính vì thế mà ra đời.
Các nhà nông thì ngày càng sản xuất ra nhiều nông sản hơn, người ta thấy vậy nên mua nông sản của họ với giá rẻ hơn lúc trước, nhà nông không bán thì cũng bỏ nên phải bán. Anh thợ mộc đóng ra nhiều đồ gỗ hơn, nhưng lúc này ai cũng có đầy đủ đồ nội thất hết rồi nên anh bắt đầu ế ẩm. Anh hạ giá sản phẩm xuống. Anh thợ rèn cũng phải hạ giá xuống vì anh làm ra nhiều dao búa hơn, ai cũng có hết rồi nên ít người mua nữa. Lúc này là tình huống một nền kinh tế có lượng hàng hóa nhiều hơn lượng tiền biểu thị cho hàng hóa đó. Tiền sẽ có giá trị hơn hàng hóa, nghĩa là cùng với số tiền đó, người ta mua được nhiều hàng hóa hơn hay hàng hóa sẽ rẻ hơn lúc trước. Đây cũng là lý do cho hiện tượng “được mùa mất giá” của các bác nông dân ta. Giá trị của nông sản sẽ giảm khi lượng nông sản được tạo ra nhiều hơn trong khi lượng người tiêu thụ những nông sản ấy vẫn không tăng.
Không lâu sau, bỗng nhiên có một đợt bệnh dịch lướt qua, nông sản được tạo ra ít hơn hẳn. Lúc này người ta cần nhiều nông sản hơn nên tranh nhau lên giá nông sản nhằm mua được thực phẩm. Lúc này lượng hàng hóa ít hơn lượng tiền nên hàng hóa sẽ có ít giá trị hơn, lúc này vật giá sẽ trở nên đắt đỏ. Hay một ví dụ khác, với cùng số lượng hàng hóa như vậy nhưng đột nhiên có một thùng vàng trôi dạt vào và ai nấy cũng lấy vàng, ví dụ như họ lấy được số vàng đồng đều nhau. Bạn nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn giá cả hàng hóa trên đảo sẽ tăng lên rồi phải không?
Rồi không lâu sau đó, người ta sinh đẻ nhiều ra do ở đây chẳng có bao cao su, dân số trên đảo tăng, hàng hóa trên đảo cũng được tạo ra tăng lên phù hợp với dân số nhưng lượng vàng trên đảo thì vẫn như vậy, lúc này giá cả hàng hóa sẽ giảm xuống vì vàng ngày càng hiếm hơn.
Bỗng nhiên có một người trên đảo bỗng dưng nổi khùng. Ông ta mua hết tất cả nông sản mà những gia đình làm nông tạo ra. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường cho đến khoảng một tháng sau, khi thức ăn trong gia đình của các nhà kia đã hết. Họ lại tiếp tục đến nhà bác nông dân mua lương thực nhưng bác nông dân bảo rằng chỉ còn có bao nhiêu thức ăn đó thôi, các ông bà liệu mà mua. Thế là họ tranh giành nhau lên giá lượng nông sản còn lại, giá cả nông sản lên một cách chóng mặt, nhưng hàng hóa vẫn không đủ để đáp ứng cho số dân trên đảo.
Ông lão đã mua hết số nông sản kia bắt đầu đến từng nhà và nói nhỏ rằng mình còn vài chục cân lương thực, vì nể tình thân thiết nên ông để lại theo đúng giá thị trường. Chẳng ai biết rằng ông đến nhà nào cũng nói như vậy cả. Vậy là ông ta đã tích trự một lượng lớn hàng hóa khiến cho thị trường bị mất cân bằng, làm vật giá tăng lên và ông ta bán được số hàng ấy với giá rất cao. Sau khi ông ta bán ra rồi thì lượng lương thực lại cân bằng trở lại, người ta tức cay tức đắng vì mới bị một cú lừa, còn ông khùng kia hóa ra không khùng mà còn tậu được một số vàng rất nhiều. Đó chính là sự đầu cơ. Những kẻ đầu cơ gây mất cân bằng giá trị thị trường rồi lợi dụng chúng để trục lợi. Đây là một hành vi gian lận nên đầu cơ luôn bị coi là một loại tội phạm kinh tế là vì thế.
Chốt lại, lượng tiền mặt tồn tại trên thị trường biểu thị cho giá trị của tài sản và hàng hóa của nền kinh tế đó. Nếu tiền bỗng dưng tăng lên (bằng cách in ra thật nhiều tiền) mà số lượng hàng hóa không tăng theo, dân số cũng không tăng lên nhiều như vậy thì tất nhiên giá cả hàng hóa sẽ phải tăng. Còn nếu hàng hóa nhiều lên, dân số cũng nhiều lên nhưng lượng tiền vẫn không thay đổi, điều đó có nghĩa lượng tiền trên sẽ bắt đầu hiếm hơn, cùng với số tiền đó sẽ mua được nhiều hàng hóa hơn, có nghĩa là giá cả hàng hóa sẽ giảm. Lý do nhà nước không thể in thật nhiều tiền mà phát cho dân hoặc tung ra thị trường là vì vậy.
Hiện tượng đồng tiền ngày càng mất giá trị được gọi bằng thuật ngữ kinh tế là lạm phát.
Trong lịch sử cũng đã có không ít trường hợp lạm phát do in quá nhiều tiền ra thị trường. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chính quyền Đức đã in ra rất nhiều tiền để mua vũ khí. Hậu quả là đồng mark ngày càng mất giá vì lượng tiền mà chính quyền in ra ngày càng nhiều. Còn hiện tại, đất nước Zimbabwe đang là đất nước có lạm phát cao nhất thế giới do người lãnh đạo đã in ra rất nhiều tiền để cứu vãn chính phủ, rốt cuộc đã khiến đồng tiền trong nước mất giá đến nỗi người ta phải dùng bao đựng tiền để mua hàng hóa.
Quay trở lại trong nước ta. Nhiều người vẫn sẽ thắc mắc tại sao đồng tiền trong nước ta lại mất giá nhanh đến vậy, phải chăng nhà nước đã in tiền và tung ra thị trường? Chính xác là như vậy. Nền kinh tế nước ta là một nên kinh tế rất đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ những công ty quốc doanh tuy lúc nào cũng thấy lời nhưng “thật ra vẫn lỗ” mỗi năm. Điển hình như bảo hiểm y tế, điện lực,… Thế nên nhà nước ta phải bơm tiền vào đó để cứu nguy cho những doanh nghiệp ấy, vì những doanh nghiệp ấy không thể phá sản được. Nhưng tiền thuế của dân thì không đủ, nào là xây tượng đài, không đủ để xây đường sá nên đường sá xây chẳng bao lâu là ổ gà ổ voi đủ kiểu, nào là xây những dự án mang tầm thế giới như đường sắt trên cao,… Nên chẳng có cách nào khác để có được tiền cứu nguy cho những doanh nghiệp ấy bằng cách…in tiền. Lạm phát cũng từ đó mà ra. (Tham khảo thêm một số bài báo ở đây, đây, và đây nữa)
Vẫn còn một thắc mắc nữa được ít người hỏi hơn, đó là tại sao miền nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa không lạm phát cao trong khi nước Mỹ bơm rất nhiều tiền vào đó mỗi năm? Thứ nhất, số tiền đó không phải là tiền được in ra, mà nó là tiền từ thuế của dân, nó vẫn chứa không thay đổi giá trị của hàng hóa bên trong đó. Cho nên người Mỹ mới phản đối chiến tranh Việt Nam đến vậy, lấy tiền của dân đi làm chuyện tào lao thì ai mà chịu. Thứ hai, số tiền đó không phải từ trên trời rơi xuống miền nam Việt Nam, có nghĩa là người Mỹ không bơm tiền mặt vào thị trường mà họ dùng tiền đó để mua vũ khí và các đồ dùng quân sự như đồ ăn, quần áo, dụng cụ y tế từ các công ty của Mỹ rồi chuyển vào Việt Nam. Cho nên thứ vào Việt Nam là hàng hóa chứ không phải tiền giấy như cách người ta in tiền để bơm vào thị trường. Tiền mà Mỹ dùng để mua vũ khí là tiền của dân nên sự cân bằng giữa tiền và hàng hóa không hề thay đổi. Vả lại, lượng hàng hóa và tài sản ở miền nam nhiều hơn do Mỹ đưa vào nên sẽ không có chuyện hàng hóa lên giá được vì tiền vẫn không nhiều hơn hàng hóa.
Hành vi nhà nước in ra tiền rồi dùng chúng để mua hàng hóa có bản chất sâu xa là một hành vi ăn cướp. Bởi vì số tiền ấy không phải là tiền được tạo ra từ những giá trị lao động hay tài sản thực tế, mà nó chỉ là giấy được biến thành tiền. Lượng hàng hóa được nhân dân tạo ra từ lao động bị “cướp” đi bằng những đồng tiền được tạo ra bằng cách in mực lên giấy. Người dân tạo ra của cải và bị nhà nước lấy đi rồi để lại những mảnh giấy được vẽ hoa văn đẹp mắt.
Thực chất nhiều ngân hàng và công ty lớn đều không có nhiều tiền như chúng ta vẫn nghĩ. Nhưng thứ họ có là những giá trị tài sản hữu hình hoặc vô hình. Số tiền mà các ngân hàng cho người khác vay phần lớn chính là tiền tiết kiệm mà khách hàng gửi vào. Còn tiền lãi mà các cách hàng đó được cũng chính là là số tiền lãi mà con nợ phải trả cho ngân hàng, phần còn lại chính là lợi nhuận của họ. Cho nên khi gửi tiết kiệm chúng ta không thể rút được tiền khi chưa đến kỳ hạn. Thật sự ngân hàng không có nhiều tiền như chúng ta nghĩ, họ có thể cho người khác vay nhiều tiền hơn số tiền mặt mà họ có cũng chính vì vậy.
Các công ty cũng không có quá nhiều tiền mặt trong tay như chúng ta vẫn nghĩ. Họ vẫn thiếu nợ ngân hàng, vẫn thiếu nợ đối tác và cũng có nhiều khách hàng đang thiếu nợ họ đều đặn. Thứ hay ở họ chính là họ quản lý dòng tiền rất tốt. Họ sắp sếp hiệu quả để khi khách hàng trả tiền cho họ cũng là lúc họ trả tiền cho các đối tác. Đó là lý do vì sao nhiều công ty vẫn báo lỗ trong khi họ vẫn lãi trông thấy và vẫn tiếp tục làm việc. Khi số tiền lỗ của họ ngày càng ít đi, nghĩa là họ đang lãi. Khi số nợ của họ vơi đi nhiều, họ lại tiếp tục vay tiếp để phát triển công ty. Nếu dòng tiền bị đứt đoạn, công ty đó sẽ gặp rắc rối và rất có thể dẫn đến phá sản.
Kinh tế vẫn rất phức tạp và “hack não” nhiều hơn chúng ta vẫn nghĩ. Vậy nên mới có những chuyên gia kinh tế, có những người dù tài giỏi nhưng công ty vẫn phá sản. Bản thân tác giả không phải một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế mà chỉ đưa ra những hiểu biết của cá nhân dưới góc nhìn của một người dân bình thường để mọi người có được câu trả lời cho câu hỏi vì sao nhà nước lại không in ra thật nhiều tiền để đất nước giàu lên. Hy vọng bài nhưng giúp ít được cho mọi người. Nếu bạn là một người có nhiều kiến thức về vấn đề này, xin mời góp ý, chỉnh sửa những quan điểm trong bài viết. Còn bạn thì sao? Bạn có nghĩ những người trên đảo kia họ có muốn trở về nền văn minh của nhân loại không?
Vì ko muốn lạm phát