“Rượu” và “cồn” khác nhau như thế nào?
Chúng ta vẫn thường hay nghe nói về rượu chứa cồn, nồng độ cồn nhan nhản hàng ngày. Nhưng đôi khi chúng ta lại không biết rõ thế nào là “rượu”, thế nào là “cồn” và vẫn nhầm lẫn, đánh đồng chúng. Vậy thì “rượu”, “cồn” và “nồng độ cồn” là như thế nào, hãy cùng hiểu rõ qua bài viết này nhé.
Rượu uống
Loại rượu mà chúng ta vẫn thường uống và nói hằng ngày còn được gọi là rượu uống được. Tên gọi khoa học là Ethanol, công thức hóa học đầy đủ là C2H5OH. Về cơ bản, ethanol là một chất ít độc. Khi đưa vào cơ thể, ethanol sẽ theo mạch máu đến não và các bộ phận cơ thể khác, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Nồng độ ethanol trong cơ thể thấp hơn 0.1% có thể gây ra tình trạng say. Nồng độ Ethanol từ 0.3% đến 0.4% sẽ gây ra tình trạng hôn mê. Nếu nồng độ cao từ 0.5% hoặc cao hơn có thể gây ra tình trạng tử vong.
Khi đưa vào cơ thể, Ethanol sẽ kết hợp với axit gamma-aminobutyric (GABA – C4H9NO2) và axit N-Methyl-D-aspartic (NMDA – C5H9NO4) trong cơ thể. Khi ethanol kết hợp với GABA sẽ khiến bộ não bạn cảm thấy vui vẻ. Đây chính là cảm giác hưng phấn khi ta mới bắt đầu uống rượu được vài phút. Sau đó, Ethanol sẽ kết hợp với NMDA sẽ làm bạn kiệt sức. Không những thế, chúng còn tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ra chóng mặt, mất kiểm soát cơ thể. Lúc này bạn sẽ loạng choạng, đi không vững và cuối cùng là hôn mê.
Ethanol còn làm cho não bạn tiết ra Norepinephrine (C8H11NO3), Adrenaline (C9H13NO3), Dopamine (C8H11NO2) và Cortisol (C21H30O5). Những chất này sẽ khiến cơ thể của bạn hoạt động cao hơn bình thường, giống như khi gặp nguy hiểm. Tim sẽ đập mạnh, các giác quan nhạy bén, đây chính là lý do khiến chúng ta càng uống càng “sung”, hành động ngớ ngẩn, nghe thấy tiếng nói văng vẳng bên tay nhưng lại càng yếu đi do NMDA làm bạn không còn điều khiển được cơ thể của mình. Nói theo cách dân giả thì bạn đang “thăng”, cảm giác như bay bổng nhưng lại không nhấc nổi cơ thể lên.
Tuy nhiên, cơ thể bạn sẽ có cách đào thải ethanol ra bên ngoài nếu như bạn uống quá nhiều. Đó chính là nôn. Khi uống tới ngưỡng cơ thể không thể chịu nổi nữa, bạn sẽ nôn ra bên ngoài. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể để tránh dạ dày phải hấp thụ thêm lượng lớn ethanol nữa. Nếu bạn cố tình không nôn và vẫn nốc rượu vào, rất có thể bạn sẽ bị ngộ độc rượu và phải vào bệnh viện đấy. Thế nên khi cảm thấy không thể chịu nổi nữa thì nên nôn ra hết có thể, tuy tiếc một chút thức ăn nhưng vẫn đỡ hơn phải vào bệnh viện.
Ethanol hấp thu vào cơ thể còn được biến đổi một phần thành axit axetic. Nếu bạn không nhớ axit axetic là gì thì đó chính là giấm ăn mà chúng ta vẫn sử dụng trong nấu nướng. Đó chính là lý do vì sao cơ thể chúng ta sẽ trở thành “hủ giấm” sau khi uống rượu. Để có thể xử lý hết đống ethanol trong đó, gan và thận phải hoạt động nhiều hơn, cần nhiều nước hơn để làm loãng lượng ethanol bên trong. Vì thế mà sau cuộc nhậu chúng ta sẽ khát nước dữ dội, còn cơ thể thì bốc mùi kinh khủng.
Rượu trong tự nhiên được điều chế bằng cách lên men cellulose, chính là tinh bột trong ngũ cốc. Glucose (đường) cũng có thể điều chế thành rượu bằng cách biến đổi thành cellulose rồi thành ethanol. Phản ứng sẽ xảy ra nhanh hơn khi có chất xúc tác là men zima. Chúng ta có thể tự tạo ra rượu từ trái cây bằng cách trộn một lượng đường vừa đủ vào trái cây rồi đóng kín sau một khoảng thời gian dài.
Cồn
Cồn công nghiệp hay còn gọi là cồn khác so với rượu uống, mặc dù chúng có mùi hương và tính chất gần giống nhau. Cồn công nghiệp là methanol, có công thức hóa học là CH3OH, khác với ethanol là C2H5OH.
Methanol là chất rất độc. Với lượng nhỏ có thể gây mù, lượng lớn có thể gây tử vong dễ dàng. Khi đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành Formaldehyd (CH2O), formaldehyd sau đó lại tiếp tục bị oxy hóa tạo thành axit formic (CH2O2), đây chính là thành phần chính của nọc kiến. Axit formic chính là thành phần chính gây ra ngộ độc rượu methanol. Sau cùng chúng sẽ được chuyển hóa thành CO2 và nước rồi đào thải ra ngoài. Axit formic gây tổn thương đến giác mạc, dây thần kinh thị giác và não bộ. Đây chính là lý do khiến bạn nhứt đầu điên cuồng khi uống phải rượu có “pha cồn”.
Formaldehyd là một chất diệt khuẩn và dễ cháy. Đây chính là điều khiến cồn y tế có thể diệt được vi khuẩn.Formaldehyd còn rất dễ hòa tan trong không khí, khi nồng độ Formaldehyd trên 0,1 mg/kg không khí, khi hít phải sẽ ảnh hưởng đến não và mắt, làm chúng ta chảy nước mắt, đau đầu, khó thở. Formaldehyd chính là mùi cồn mà chúng ta hít phải, thật khó chịu khi hít chúng phải không nào?
Khi đưa vào cơ thể một lượng lớn methanol sẽ gây ra tử vong. Đó là lý do vì sao cồn công nghiệp hay rượu pha cồn độc hại như thế.
Methanol được sản xuất bằng cách chưng cất khô gỗ, vì vậy rượu methanol còn hay được gọi là rượu gỗ. Tuy nhiên, methanol được sản xuất nhiều nhất bằng phương pháp tổng hợp khí. Methanol trong công nghiệp được tổng hợp từ khí CO2 (Carbon dioxide) và H2 (Hydro). Hydro có thể dễ dàng có được bằng cách điện phân nước, còn carbon dioxide thì có thể thu được từ tự nhiên bằng cách giảm nhiệt không khí. Vậy nên cồn công nghiệp mới rẻ như vậy.
Độ cồn
Độ cồn chính là số đo chỉ hàm lượng ethanol (hoặc methanol) có trong thức uống có cồn, tính theo thể tích. Nồng độ cồn tiêu chuẩn sẽ được tính theo 100 ml chất lỏng ở nhiệt độ 20°C. Ví dụ như một lít rượu bình thường 40 độ sẽ có 400ml là ethanol , còn lại 600ml sẽ là nước.
Nồng độ cồn trong máu hay chúng ta thường gọi là nồng độ cồn là lượng cồn (ethanol) có trong máu tính theo đơn vị thể tích. Tại Việt Nam, nồng độ cồn trong máu được tính theo đơn vị mg/100 ml máu hoặc mg/1 lít khí thở. Mặc dù cách đo nồng độ cồn trong cơ thể bằng cách dùng máy đo lượng cồn trong khí thở thở ra không hoàn toàn phản ánh đúng lượng cồn có trong cơ thể do phụ thuộc vào thời gian uống và tốc độ hấp thụ của cơ thể, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận vì dù có hấp thụ nhanh hay chậm thì lượng ethanol trong cơ thể có thể gây cơ thể mất kiểm soát, có thể gây ra các tai nạn đáng tiếc nếu như điều khiển phương tiện giao thông.
Rượu pha cồn
Ngày nay, vì lợi nhuận mà nhiều người pha cồn công nghiệp (methanol) vào rượu khi pha chế để làm tăng độ rượu nhưng lại giảm được chi phí. Khi uống phải rượu pha cồn (pha methanol) sẽ gây cơ thể uể oải, nhứt đầu, thậm chí là tử vong. Cồn thậm chí còn được trộn vào bên trong men, làm quá trình chưng cất rượu nhanh hơn so với trước kia nhưng cũng gây ra rất nhiều nguy hiểm cho người dùng. Những loại bia không rõ nguồn gốc hay còn gọi là bia hơi cũng thường được pha methanol để làm giảm chi phí sản xuất. Vậy nên cần phải cân nhắc khi bạn có dự định muốn uống vài ly bia hơi vì rất có thể hôm sau bạn sẽ đi không nổi, hoặc thậm chí là bỏ mạng.
Tóm lại, loại rượu chúng ta uống được chính là ethanol, đây chính là loại rượu được điều chế bằng cách lên men các sản phẩm tinh bột. Cồn hay cồn công nghiệp là methanol, là một chất rất độc gây nguy hại đến cơ thể, nó sẽ ảnh hưởng đến mắt, não bộ và thậm chí là gây tử vong. Ngày nay vì lợi nhuận mà người ta đã pha cồn công nghiệp vào rượu hoặc bia hơi để tăng độ cồn mà lại giảm chi phí, nếu uống phải thức uống có chứa methanol sẽ rất nguy hiểm cho cơ thể, thậm chí gây tử vong.