Rừng Na uy
Khi nhắc tới Rừng Na uy, người ta thường nghĩ tới nó là một tác phẩm gợi dục. Nhưng đối với tôi, Rừng Na uy là một câu chuyện ám ảnh về tâm thần, về những con người không bình thường và cả những con người bình thường. Còn tình dục, đó chỉ là một thứ gia vị để làm dịu đi nỗi ám ảnh mà nó mang lại mà thôi.
Nếu chỉ nhắc đến tác phẩm chỉ bằng 2 từ, tôi sẽ dùng từ “Tâm thần”. Quả thật, đây là một câu truyện về những kẻ tâm thần, về cả suy nghĩ và hành động của những con người bị tâm thần và sắp sửa bị bệnh tâm thần.
Kizuki, một trong những con người bị tâm thần sớm nhất, đã không thể vượt qua được những suy nghĩ của chính mình, và cậu đã tự sát khi mới chỉ 17 tuổi. Để lại bạn gái Nako và người bạn thân Toru Watanabe.
Naoko, bạn gái của Kizuki, cũng là một người bị tâm thần từ rất sớm. Cô không thể điều khiển được cảm xúc của mình. Thậm chí khi làm tình với Kizuki, âm hộ của cô không thể ướt được. Đó là lý do vì sao dù là bạn gái của Kizuki, nhưng họ chưa từng làm tình với nhau một lần nào. Và cả cuộc đời ngắn ngủi của cô, cô chỉ có thể bị kích thích một lần duy nhất trong đời, ngay cả cô cũng không biết lý do tại sao. Nhưng cuối cùng, cô cũng chết.
Hai con người ấy, một người đã không thể vượt qua được sự thay đổi của chính mình, cuối cùng đã tự sát. Còn một con người, mãi đến khi trưởng thành cũng vẫn không thể bước tiếp được. Đó là giai đoạn chuyển tiếp từ vị thành niên sang người lớn, cái giai đoạn mà con người ta có nhiều thay đổi nhất về tâm sinh lý. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó lời miêu tả về nó như thế này: Nó như một làn khói bị vón cục, tắt ngẽn trong cổ họng.
Không chỉ có họ, ngay cả bà chị Reiko dù đã trưởng thành, nhưng vẫn không thể vượt qua được nó và đã bị hóa điên giống như bao người khác. Đối với cô, đó lại là một sự đấu tranh vô cùng mãnh liệt về giới tính. Cô không rõ mình là ai, mình cần gì. Cô không biết mình có thật sự là phụ nữ hay không, trong khi cô cũng bị kích thích và âm hộ của cô cũng ướt sũng khi bị đứa học trò nữ ve vãn. Cuối cùng, cô cũng hóa điên và mãi không thoát ra được. Nhưng cuối cùng, cô cũng đối mặt với nỗi ám ảnh của mình, bỏ lại mọi thứ ở phía sau để bước tiếp, cho dù nó có như thế nào đi chăng nữa.
Toru, nhân vật chính nhưng hóa ra cũng chỉ là người dẫn truyện, dẫn dắt người đọc đến với tất cả họ, dẫn dắt người đọc theo từng diễn biến tâm lý của từng người. Và cũng giống như người đọc, anh chỉ là người ngoài cuộc, đứng xem mọi thứ diễn ra trước mặt mình như đang xem một cuộn phim. Đối với tôi, trong Rừng Na uy không có ai là nhân vật phụ cả, tất cả họ đều là những nhân vật chính, mỗi một người họ, là một hình thái của những trạng thái tâm lý khác nhau, của những triệu chứng tâm thần khác nhau. Cho dù Toru là người ngoài, nhưng anh cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng anh đối mặt với nó bằng cách làm ngơ trước nó, không làm gì cả và cũng sẽ không làm gì cả. Còn Nagasawa, người bạn mà Toru quen biết được khi cả hai họ đều cùng yêu thích Gatsby vĩ đại, thì lại chọn cách để vượt qua nó bằng cách quên đi bản thân mình, trở thành một con người ăn chơi bất cần đời, đó cũng là một thái cực trong xã hội.
Midori hóa ra lại chính là tia hy vọng mà tác giả muốn truyền tải. Cô có một quá khứ không mấy tốt đẹp với sự thiếu thốn về vật chất, gia đình cũng không hạnh phúc. Nhưng hóa ra con người tưởng chừng như vô tư lự ấy lại vô cùng mạnh mẽ, lại là thứ mà tác giả muốn gửi gắm. Dung tục, làm ngơ trước mọi thứ, nhưng hóa ra nó lại là thứ mà con người ta cần có vào lúc này. Chỉ có một mình Midori là không gì có thể đánh bị cô.
Xuyên suốt câu truyện là những nhân vật rời rạc, riêng lẻ, nhưng hóa ra họ đã cùng nhau tạo nên bức tranh hoàn thiện về những thứ tâm thần của cuộc đời. Tôi đã rất khâm phục tác giả khi ông đã giao cho những nhân vật ấy hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cho dù chỉ có vài nhân vật xuất hiện rất ngắn, nhưng mọi thứ sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu họ được.
Khi xem lại chính bản thân mình, tôi chợt nhận ra mình cũng đã từng trải qua cái giai đoạn giống hệ như họ. Cái giai đoạn mà con người ta như sắp biến thành tự kỷ. Cái giai đoạn mà con người ta không thể điều khiển được cảm xúc của mình. Tôi không thể vui mừng khi gặp lại người bạn thân đã lâu không gặp, tôi cũng không thể duy trì được một cuộc nói chuyện dài với những người thân trong gia đình. Nhưng thật may, tôi đã vượt qua được.
Đồi trụy, dâm dục. Ai muốn nghĩ như thế nào về nó cũng được. Nhưng chẳng phải đó đều là những bản tính nguyên thủy của tất cả các loài hay sao?
Nói như thế nào cũng được, nghĩ sao cũng được. Đối với tôi, Rừng Na uy là một tác phẩm đáng để đọc qua một lần trong đời. Có thể nó sẽ không giúp ít gì được cho bạn, nhưng biết đâu khi đọc nó xong, bạn chợt nhận ra mình cũng đang bị tâm thần thì sao.
Nghe nói lâu dồi mà ko đọc 😀
Hay lắm đó bác
Truyện này đọc năm lớp 10 chả hiểu gì mấy nhưng sau này lên tới 25 tuổi thì mới thấm. Chỉ khi nào con người ta ở trong một xã hội khủng hoảng về các giá trị thì mới hiểu đc