Oldboy – Kiệt tác trả thù đầy ám ảnh
Hàn Quốc là một quốc gia có nền điện ảnh xứng tầm thế giới. Nhưng thứ khiến cho Hàn Quốc có được vị trí như vậy lại không phải là những bộ phim mang đậm tính thị trường với những bộ phim tình cảm ướt át mà người ta vẫn hay gọi cho thể loại ấy là “phim Hàn Quốc”. Thứ khiến cho họ có được chỗ đứng và được cả thế giới khen ngợi không gì khác ngoài chất lượng của những bộ phim được làm ra. Không quá nhiều chi tiết hành động, cũng không có những màn kỹ xảo ngập trời như những bom tấn Hollywood. Những bộ phim điện ảnh của Hàn Quốc mang đậm tính nghệ thuật, phản ánh xã hội và những triết lý sống sâu sắc.
Họ cũng làm đủ thể loại từ kinh dị cho đến tội phạm, nhưng mỗi bộ phim đều mang đến những thông điệp khiến chúng ta suy ngẫm chứ không chỉ đơn thuần là kinh dị hay tội phạm đơn thuần. Và có những tác phẩm đã khiến người ta phải ám ảnh sau khi xem chúng, cho dùng chúng không có những tình tiết máu me hay những chi tiết khiến người ta sợ khi xem chúng, mà chúng khiến người xem phải suy nghĩ rồi ám ảnh với thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.
Oldboy (tạm dịch: cựu học sinh) là một bộ phim chính kịch được đạo diễn bởi Park Chan-wook và ra mắt vào năm 2003. Phim là một trong bộ ba tác phẩm được chuyển thể từ bộ ba truyện tranh Trả thù (The Vengeance) của Nhật Bản và là bộ phim thành công nhất trong chuỗi phim này. Lấy chủ đề là trả thù, nhưng những gì mà Oldboy làm lại mang đến cho khán giả một trải nghiệm hoàn toàn mới.
Không những chỉ đơn giản là trả thù. Oldboy là một bộ phim đan xen những yếu tố trinh thám, kỳ bí khiến khán giả luôn thắc mắc rằng rốt cuộc câu trả lời trong bộ phim là gì. Cho đến khi mọi thứ được sáng tỏ, tưởng chừng như câu chuyện chừng ấy đã kết thúc, nhưng rồi người xem lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi theo dõi đến những giây phút cuối cùng của phim. Khi mà kẻ trả thù hóa ra lại chính là kẻ bị trả thù, kẻ đang trả thù hóa ra lại đang bị trả thù. Để rồi cuối cùng, ta lại không biết đó là trả thù, hay chỉ là một cảm giác đồng cảm mà kẻ trả thù muốn nạn nhân thấu hiểu.
Oldboy khởi đầu bằng một câu chuyện bí ẩn nhưng lại không quá khó để nghĩ ra. Một người đàn ông bỗng dưng bị nhốt trong một căn phòng trong suốt 15 năm trời, ông không biết thủ phạm là ai và vì sao hắn lại làm như vậy với mình. Cả người xem cũng tò mò không biết ai đã nhốt ông và mục đích của hắn là gì. Có thể chúng ta đoán được đó là một cuộc trả thù, thì chính xác là vậy, nhưng hắn trả thù vì điều gì, hắn là ai, phim không hề cho chúng ta biết một chút manh mối nào. Chính điều này đã làm nên cái hay của bộ phim, khiến khán giả như muốn hòa mình vào nhân vật trong phim, muốn tìm hiểu xem thủ phạm là ai và tại sao hắn lại làm như vậy. Khi mà thủ phạm đã trườn mặt ra, nhưng tất cả đều không biết hắn là ai và tại sao hắn lại làm như vậy.
Nhưng trinh thám, bí ẩn không thể làm nên thứ khiến người xem phải ám ảnh được. Đòn kết liễu của bộ phim khiến khán giả ngạc nhiên đến tròn xoe mắt và ám ảnh mãi về sau lại chính là một chủ đề vô cùng tế nhị: loạn luân. Sẽ không thể nào nói hết cái hay của phim mà không tiết lộ nội dung được, thế nên nếu bạn chưa xem phim, hãy xem phim trước rồi quay lại đọc bài viết này và để lại một bình luận nhé.
Loạn luân, một luân thường đạo lý đã có từ ngàn xưa đến nay, không những trong khía cạnh đạo đức, mà nó còn đúng cả trong khía cạnh khoa học. Trong Oldboy, không những có một mà có đến hai câu chuyện loạn luân. Một của kẻ trả thù và người chị gái, một của nhân vật chính và con gái ruột của mình. Họ loạn luân trong tình yêu chân thật, một của sự tự nguyện từ cả hai, một từ sự tự nguyện “từ một sự sắp đặt”. Nếu như Oh Dae Su (nhân vật chính trong phim) không tung tin đồn thì người chị gái của Woo Jin (kẻ trả thù) đã không tự vẫn. Và nếu như Woo Jin không cho Oh Dae Su xem quyển album thì ông cũng đã không đau khổ và dằn vặt đến nỗi tự cắt đi lưỡi của mình.
Đã bao giờ bạn nghe nói đến một thứ gì đó rất đáng sợ chưa? Nó đáng sợ hơn những thứ kinh dị, đáng sợ hơn cả một quả bom, đến nỗi Oh Dae Su đã van xin để con gái mình không phải nhìn thấy. Trong Oldboy, đó chỉ là một chiếc hộp, nhưng bên trong đó chứa đựng một điều vô cùng kinh khủng đã khiến Dae Su phải phát điên, khiến ông van xin thủ phạm đừng để con gái ông phải mở nó ra và phải tự cắt lưỡi mình để chứng minh điều đó.
Và tất nhiên, một bộ phim nghệ thuật không phải là một bộ phim cổ vũ về sự trả thù hay cổ xúy cho hành vi tội ác. Mà thứ mà một bộ phim nghệ thuật mang đến là đem đến cho khán giả một góc nhìn khác, một góc nhìn mà chúng ta khó có thể thấy được một cách đơn thuần. Đó là góc nhìn của những người trong cuộc, những suy nghĩ, những cảnh ngộ của nhân vật. Người ta có câu “oan oan tương báo biết bao giờ cho dứt”, sự trả thù sẽ khiến con người ta rơi vào một vòng lặp ân oán vô tận và không thể dứt ra nếu như không biết từ bỏ cái hận thù trong lòng. Qua Woo Jin, ta thấy được góc nhìn của một kẻ đang trả thù. Gã cười hả hê khi thấy nạn nhân của mình nhận được thứ mà ông ấy xứng đáng phải nhận. Nhưng hắn không thể nào thấy vui dù đã trả được mối thù của mình, hắn vẫn thấy người chị ngã xuống sông trước mắt mình, và hắn đã giữ đúng lời hứa, hắn kết liễu cuộc đời vì hắn đã không còn mục tiêu để sống tiếp. Nhưng rồi hắn lại cho nạn nhân của mình một lối thoát, phải chăng là hắn đang trả thù, hay chỉ đang cầu xin ở Dae Su một sự đồng cảm?
Không quá khi nói Oldboy là một kiệt tác, và cũng không quá khi nói rằng bộ phim mang đến cho người xem một nỗi ám ảnh. Phim không những mang đến một câu chuyện bí ẩn với tận hai bức màn bí mật, mà phim còn mang đến cho người xem một sự ám ảnh về loạn luân. Khi xem phim, khán giả được thấy sự khủng khiếp của loạn luân là như thế nào, nhưng cũng thấy được sự đau khổ của những con người trong cuộc. Khó có ngôn từ nào có thể nói hết những thứ mà bộ phim muốn truyền tải, muốn cảm nhận được sự ám ảnh ấy, không gì bằng tự xem và tự cảm nhận về chúng. Nếu chưa xem phim, bạn hãy xem ngay để thấy được bộ phim ám ảnh như thế nào. Còn nếu xem rồi, xin đừng ngại cho mọi người biết cảm nhận của bạn về bộ phim.