Những huyền thoại của Việt Nam – Phần 3
Có những thứ vốn dĩ đã gần gũi với chúng ta mỗi ngày nên đâm ra đôi khi chúng ta lại không ý thức được tầm quan trọng của nó. Và có những thứ thậm chí đã đồng hành cùng chúng ta trong suốt một khoảng thời gian dài, rất dài và đã trở thành huyền thoại mà chúng ta không hay. Có những thứ vẫn còn cho đến bây giờ và người ta gọi đó là “huyền thoại sống”, nhưng cũng có những thứ giờ đây chỉ còn là dĩ vãng để ta nhắc lại trong những buổi trò chuyện hay trên bàn nhậu, quán cà phê. Hãy cùng tiếp tục với chuỗi bài viết về những huyền thoại của Việt Nam, phần 3.
Bút bi sọc Thiên Long
Sản phẩm văn phòng phẩm của công ty Thiên Long đã phủ sóng trên cả nước với rất nhiều mặt hàng ở tất cả các phân khúc. Nhưng có một sản phẩm của họ được bán nhiều nhất, được yêu thích nhất và độ ưa chuộng của nó đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Đó chính là chiếc bút bi với lớp vỏ trong suốt, phần ống mực là những sọc xanh trắng xen kẽ nhau tạo thành hình xoắn ốc nhẹ quanh thân máy cùng với một thiết kế đã trở nên kinh điển và gần như là độc quyền, đó chính là phần cài áo kiêm luôn cả chức năng đóng ngòi bút lại.
Ra đời từ những năm 2000, khi đó trên thị trường vẫn còn chuộng loại bút với phần thân liền khối và phần nắp đậy rời. Cho đến khi chiếc bút bi sọc Thiên Long ra đời, nó đã tạo nên một cuộc cách mạng trong thị trường bút bi phổ thông. Một thiết kế hiện đại, trẻ trung và mang đậm tính tương lai. Điều đặc biệt hơn là phần điều khiển ruột bút được phân chia ra hai phần khác nhau, khác với những dòng bút trước kia chỉ có một nút bấm duy nhất. Mặc dù phần cài áo thường xuyên bị gãy nhưng dường như bẻ gãy nó cũng trở thành một thú vui lúc đi học. Đặc biệt hơn là tiếng “tách tách” độc quyền mà không một chiếc bút bi với cơ chế thò thụt phần ruột nào có thể làm được.
Hồi khoảng thời gian nó mới xuất hiện hình như cũng là lúc mình học lớp 1, lúc đó nó là một chiếc bút mới lạ và đẹp nhất. Và vẻ đẹp ấy vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ. Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng độ hot của thiết kế này vẫn chưa bao giờ giảm. Có lẽ một phần là do giá bán của hãng, mặc dù đẹp và có thể xứng đáng ở một phân khúc tốt hơn nhưng hãng Thiên Long đã bán nó với giá rẻ nhất, khiến thiết kế này dễ dàng tiếp cận với các em học sinh và đã trở thành một huyền thoại. Tôi dám cá rằng trong nhà bạn đang có một chiếc bút này đấy, không tin thì thử tìm thử xem.
Trang trí nội ngoại thất Hiệp Thành – Trà Vinh
Nếu bạn đã từng trải qua cái thời nghe nhạc trên những chiếc điện thoại Nokia màn hình vuông hoặc những chiếc điện thoại Trung Quốc có gắn thẻ nhớ 1 Gb thì chắc chắn không thể không nghe giọng nói huyền thoại này:
Bài hát bạn đang nghe hiện được phát bởi trang trí nội ngoại thất Hiệp Thành – Trà Vinh, một trong năm siêu thị nội ngoại thất lớn nhất Việt Nam. Chúc các bạn năm 2009 phát tài và vui vẻ.
Những năm 2006 – 2010 có lẽ là khoảng thời gian bùng nổ của những chiếc điện thoại có nhiều chức năng hơn là nghe và gọi. Thời đó có một chiếc điện thoại có hỗ trợ thẻ nhớ và nghe được nhạc là một thứ gì đó còn hơn cả những chiếc iPhone đời mới nhất bây giờ. Lúc đó internet cũng không phát triển như bây giờ, muốn “cài” nhạc phải đến tiệm điện thoại, nói tên ca sĩ muốn nghe và họ copy từ máy họ sang khi nào đầy thẻ thì thôi. Cũng vì vậy mà người ta cho nhạc nào thì nghe nhạc đó, không có nhiều sự lựa chọn như bây giờ.
Đó cũng là thời mà những trang web nghe nhạc lậu bùng nổ, có thể kể đến như Sơn Hải chấm info, nhac8.com,… Các trang web ấy đều đưa ảnh quảng cáo của mình vào ảnh bìa của album, hồi đó hình như chỉ có máy chính hãng mới hiện ảnh bìa khi nghe nhạc, kèm theo đó là những câu đại loại như: “các bạn đang nghe nhạc tại Sơn Hải chấm in pho”,.. Nhưng huyền thoại nhất vẫn là câu quảng cáo của trang trí nội ngoại thất Hiệp Thành – Trà Vinh. Cái giọng nói ấy đã trở thành nỗi ám ảnh của cả một thế hệ 8x 9x cho đến tận bây giờ.
Cùng thời điểm đó cũng là lúc trên các kênh truyền hình quảng cáo những tổng đài tải game rồi nhạc chuông, hình nền các kiểu mà đa phần họ đều không tải được vì máy không có cài GPRS. Hồi đó cũng có vụ lừa người ta cài đặt GPRS mất 15,000 đồng nhưng thật ra cũng chả cài được gì. Buồn hơn là một số người dùng điện thoại Trung Quốc không tải được game vì nó không hỗ trợ Java. Mà điện thoại Trung Quốc thời đó cũng có nhiều thiết kế đẹp lắm, chứ không nhàm chán như bây giờ. Thời đó cũng là thời của những kiểu đầu HKT và những chiếc quần hip hop với dây xích lủng lẳng. Các anh trai còn có ba cái vụ mặc áo nhưng cố tình không cài nút để lộ ngực, còn các chị gái thì có kiểu áo nó cứ lộ ra một cái dây áo ngực giả (thật ra cái dây đó nó được may liền với cái áo). Nhớ về kiểu tóc HKT huyền thoại, sau này tìm hiểu mới biết đó là kiểu tóc thường thấy của những người theo trào lưu Emo, kiểu này cũng thịnh hành ở bên Nhật, những ai hay xem phim Nhật sẽ thấy ngay.
Không biết trong số những người nghe đoạn quảng cáo trên có bao nhiêu người đã đến Hiệp Thành mua đồ nội thất và cũng không biết hãng này đã chi ra bao nhiêu tiền cho những bài hát có kèm quảng cáo như trên. Giọng nói ám ảnh ấy đã trở thành nỗi ức chế của không biết bao nhiêu người, khi mà đang phiêu cùng nhạc thì “bài hát bạn đang nghe hiện được phát bởi…”. Nhưng dù có ức chế thế nào thì nó cũng đã trở thành một phần của tuổi trẻ/tuổi thơ của cả một thế hệ, thời mà con người ta không cắm đầu vào màn hình như bây giờ. Và nó xứng đáng được tôn làm huyền thoại. Sau khi đọc bài này xong bạn hãy thử hỏi bạn bè mình xem họ có biết đến trang trí nội ngoại thất Hiệp Thành – Trà Vinh không. Nếu họ bảo không biết thì hãy đọc lại câu nói huyền thoại bên trên, chắc chắn họ sẽ nhớ ra ngay.
Tivi trắng Hitachi International 14 inch vỏ đỏ
Nếu bạn không biết tivi đen trắng là gì, có lẽ bạn đã là một người có tuổi thơ bất hạnh. Trước khi có những chiếc tivi 4k màn hình siêu mỏng, trước khi có những hạ tầng truyền hình trả phí với nhiều kênh quốc tế đặc sắc, trước cả những chiếc tivi màu 21 inch và những đầu VCD rồi sau này là DVD, đó chính là những chiếc tivi đen trắng với bộ vỏ nhựa màu đó mà đôi khi chúng ta lại không để ý thương hiệu của nó.
Thời đó có được một chiếc tivi đen trắng đã là cả một gia tài. Chỉ có những gia đình giàu có mới có thể tậu được một chiếc, nó không được tính bằng tiền, mà được tình bằng… cây vàng. Nói không ngoa đâu, những chiếc tivi trắng đen nhỏ xíu thời đó có giá đến vài cây vàng. Và người ta cũng phải dè xẻng lắm khi xem vì chuyện năng lượng của nó cũng không hề nhỏ chút nào. Ở những vùng nông thôn chưa có điện, người ta xem phim bằng những chiếc bình ắc quy 12V, mỗi lần “hết bình” phải đi ra tiệm sạc lại. Một thú vui tốn tiền như vậy có thể gọi là xa xỉ thời đó. Chính vì tốn kém như vậy nên người ta chỉ dám bật tivi những lúc chiếu phim hay cải lương lên thôi. Thời đó nhà ai có tivi là hàng xóm xung quanh cứ vây lại xem ké, những đứa trẻ như mình thì cứ theo người lớn rồi chơi đùa chứ có biết thưởng thức gì đâu. Những cảm giác ấy giờ khó mà có được.
Tivi thời đó cũng có nhiều thương hiệu lắm. Nhưng chiếc tivi phổ biến nhất vẫn là chiếc tivi vuông vuông xinh xắn có lớp vỏ bằng nhựa màu đỏ. Chẳng ai để ý nó tên gì vì người ta mua tivi là cứ mua ngay nó. Nó phổ biến đến nỗi khi nhắc đến tivi trắng đen là người nghĩ ngay đến chiếc tivi 14 inch có lớp vỏ màu đó xung quanh, còn phía trước thì có màu đen, nút vặn điều khiển và loa nằm ở phía trước bên phải, loa phía dưới và hai nút vặn kênh ở phía trên. Tiếng cạch cạch khi vặn kênh và sự nhiễu tín hiệu do nút vặn không khít đã tạo thành ký ức không thể quên của cả một thế hệ. Sau này khi tìm hiểu lại thì mới biết đó là chiếc tivi International của hãng Hitachi.
Dao Thái Lan cán vàng
Khi nhắc đến những con dao nho nhỏ dùng để gọt trái cây, chắc chắn không ai là không biết đến con dao với phần cán bằng nhựa có màu vàng. Không có tên gọi chính thức cho dòng sản phẩm này, cũng không rõ đơn vị nào nắm bản quyền thiết kế, nó phổ biến đến nỗi hầu như ở đâu cũng thấy, ở đâu cũng bày bán và sử dụng và tất nhiên chẳng ai phân biệt nỗi đồ thật với đồ giả vì hầu như chúng đều như nhau. Dân vùng mình gọi là dao cán vàng, có nơi gọi là dao Thái Lan. Mình gộp hai cách gọi ấy thành Dao Thái Lan cán vàng.
Ký ức sâu đậm nhất của mình về con dao này là hình ảnh của những người bán cà rem (kem). Hồi mình còn nhỏ xíu, có những người bán kem bằng cách cõng thùng kem sau lưng. Họ không đạp xe như bây giờ đâu, thời đó xe đạp cũng hơi xa xỉ rồi, vả lại cũng chả có đường sá gì mà đạp, một số khác thì bán bằng xuồng. Nhưng hình ảnh mình nhớ nhất là những người cõng thùng kem sau lưng như những anh bộ đội đeo ba lô. Thùng kem chính là cái thùng xốt huyền thoại mà ai cũng biết. Họ đóng một bộ khung bằng gỗ để bảo vệ thùng vì vốn dĩ xốp không có độ bền, kèm theo đó là một quai đeo. Bên trên thùng có khoét một lỗ vuông và có nắp đậy chính là phần xốp bị cắt ra kèm theo khung gỗ luôn, như một tấm bản lể. Chao ôi, cái lỗ đó là một thứ gì đó vô cùng kỳ diệu. Mình vẫn nhớ hình ảnh những người bán kem thò tay vào đó và lấy ra biết bao nhiêu loại kem.
Chỗ mình có một món ăn khá lạ, đó là bánh mì kem. Bạn có thể thử để biết nó ngon đến nhường nào. Vẫn là những chiếc bánh mì như bây giờ, nhưng thay vì kẹp thịt, người ta lại kẹp kem vào đó. Và chắc chắn để rọc được phần ruột bánh mì, người ta phải dùng đến một chiếc dao cán vàng, đó chính là hình ảnh đã ăn sâu vào ký ức của tôi. Một con dao nho nhỏ để gọt trái cây, với độ bén và độ bền vừa phải. Người ta không để ý nó đã xuất hiện từ khi nào và cũng không để ý rằng tất cả mọi người đều biết về nó. Bởi vì nó là một huyền thoại.
Đã hơn một năm rồi mới lại có một bài viết về chủ đề này. Nhìn lại phần 1 và phần 2 đều cách nhau hơn một năm, và đến phần 3 này cũng vậy. Tôi mừng vì đã có một phần tuổi thơ của những thế hệ trước, với cuộc sống và những trải nghiệm đã một phần phai nhạt. Mặc dù là người sinh sau đẻ muộn, vẫn còn nhiều ký ức của cả một thời kỳ mà tôi không được chứng kiến, nhưng cũng tự hào khi mình vẫn được tiếp xúc một phần về chúng. Cuộc sống này có nhiều điều thú vị lắm, vì nó có những giai đoạn, những món đồ và cả những con người khiến ta cảm thấy tự hào, hoặc phì cười khi nhớ lại nó, hoặc có một thứ gì đó lâng lâng trong người. Có những huyền thoại giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng cũng có những huyền thoại vẫn sống khỏe sống tốt cho đến tận bây giờ. Hẹn gặp lại các bạn trong phần tiếp theo có lẽ là năm sau.