Những dấu hiệu của một đất nước kém phát triển
Một đất nước kém phát triển là một đất nước có nền kinh tế kém phát triển và không có những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật so với tiêu chuẩn thông thường, đó là điều mà hầu như ai cũng biết. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa để dẫn đến một đất nước có nền kinh tế kém phát triển và khoa học kỹ thuật lạc hậu thì không phải ai cũng rõ. Hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu cho thấy một đất nước kém phát triển mà không phải yếu tố về kinh tế hay khoa học kỹ thuật.
Quá tôn sùng tôn giáo hoặc thứ gì đó tương tự như tôn giáo
Karl Marx có câu: “tôn giáo là thuốc phiện”, mặc dù thứ mà ông tạo ra cũng tương tự như vậy nhưng chúng ta không thể phủ nhận câu nói trên. Tôn giáo khiến con người ta trở nên yếu đuối và mê mụi, rời xa thực tế. Một đất nước chỉ toàn những người dân như thế sẽ không bao giờ phát triển được. Ở ấn độ, mỗi năm có hàng trăm triệu người bỏ thời gian và tiền bạc cho các cuộc hành hương. Còn đối với đạo Hindu, họ tôn thờ những con khỉ. Những con khỉ mặc sức quấy phá công việc làm ăn của họ, ăn hoa quả mà họ buôn bán nhưng họ không dám làm gì. Nhiều người bỏ thời gian và tiền bạc cho các hoạt động vô bổ, khiến cho nền kinh tế không thể phát triển. Chưa kể đến những phong tục tập quán lỗi thời của một tôn giáo nào đó đi ngược lại sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Họ đắm chìm trong các dòng sông ô nhiễm, rồi mang thứ nước sông ấy về uống, làm lễ cúng vái khi bệnh tật. Tất cả những điều đó khiến cho quốc gia ấy không thể phát triển được.
Không thể phủ nhận vai trò của tôn giáo trong đời sống nhân dân. Tôn giáo là thứ thuốc xoa dịu tinh thần và là thứ không một quốc gia nào chối bỏ được. Thế nên dù chủ nghĩa xã hội đi theo chủ nghĩa duy vật nhưng họ vẫn cho phép tôn giáo hoạt động trong một phạm vi có thể kiểm soát được. Khi con người quá phụ thuộc vào tôn giáo, họ trở nên mê muội và yếu đuối. Trong thập kỷ này, chúng ta đã được chứng kiến những con người vì quá tôn sùng tôn giáo đã bị người khác lợi dụng để xây dựng nên lực lượng cực đoan hồi giáo ISIS. Họ sẵn sàng vì đức tin của tôn giáo mà làm mọi thứ, từ giết người cho đến khủng bố diện rộng. Trong lịch sử cũng có những cuộc thập tự chinh giữa Kito giáo và Hồi giáo đã dẫn đến một cuộc thảm sát lớn trên thế giới. Dư âm của cuộc chiến đó đã dẫn đến mối thù truyền kiếp giữa hai tôn giáo ấy cho đến tận bây giờ.
Không chỉ tôn giáo, có những thứ mang một dáng vẻ khác với tôn giáo nhưng bản chất lại tương tự, như thể chế, học thuyết, quan điểm cũng khiến con người ta trở nên kém cỏi khi tin tưởng mù quáng vào chúng. Một số người trên thế giới vẫn tin rằng trái đất có hình vuông, một số khác lại cho rằng trái đất dẹt như một chiếc đĩa. Có những quốc gia mà chính quyền của họ xây dựng nên hình tượng một người nào đó như một vị thánh sống để khiến cho nhân dân trung thành hoàn toàn vào chế độ đó. Người ta tin tưởng tuyệt đối vào vị thánh hư cấu ấy và không bao giờ nghi vấn vào chế độ dù đôi lúc nó không mang lại điều tốt đẹp cho nhân dân. Có thể thấy dễ dàng điều này ở Bắc Triều Tiên, khi phần lớn người dân vẫn tôn thờ dòng họ Kim Nhật Thành như một vị thánh trong lòng họ. Rất nhiều quốc gia khác cũng tạo dựng một hình tượng của một vị thánh để khiến người dân của mình tôn sùng một cách mù quáng, họ bị dắt mũi bởi những câu chuyện hư cấu, vô tình họ chính là những con chiên ngoan đạo nhưng không hề biết.
Nền báo chí và truyền thông bị kiểm duyệt
Báo chí và truyền thông chính là phương tiện giúp con người hiểu biết về thế giới bên ngoài. Một đất nước sẽ không thể nào phát triển nếu có một nền báo chí bị kiểm duyệt một cách gay gắt. Để bảo vệ sự vững chắc của mình, giai cấp lãnh đạo sẽ tìm mọi cách để người dân không được tiếp cận các thông tin theo hướng không có lợi cho họ. Các cơ quan báo chí không được phép đưa những thông tin theo hướng bất lợi đối với chính quyền, những thông tin về dân chủ, tham nhũng hay những thông tin có thể khiến người dân thay đổi sự trung thành của họ đối với chính quyền sở tại. Còn đối với các tin tức đến từ bên ngoài, họ cũng sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn người dân tiếp cận những thông tin ấy.
Nó giống như việc bạn chỉ ru rú ở nhà làm công việc mà mình và không hề biết gì về sự phát triển của những thứ xung quanh mình. Với việc không hề tiếp cận thông tin từ bên ngoài như thế, thì cho dù bạn có phát triển cỡ nào cũng không thể sánh bằng lượng tri thức mà cả thế giới đã tạo ra. Một đất nước không có nền tự do báo chí và người dân không được tiếp cận những thông tin có giá trị từ bên ngoài sẽ khiến cho đất nước đó tự cô lập bản thân và không thể nào phát triển được.
Nền giáo dục mục nát
Giáo dục chính là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến sự phát triển của một quốc gia. Những nước phát triển đều có nền giáo dục phát triển và hiện đại. Nền giáo dục của các quốc gia ấy luôn chú trọng đến việc phát triển bản thân của mỗi con người dựa trên sở trường của chính họ. Còn những nước kém phát triển luôn có một nền giáo dục lạc hậu, lỗi thời, rập khuôn cào bằng và kìm nén sự phát triển và sáng tạo của con người.
Không khó để nhận ra những đặc điểm của một nền giáo dục mục nát. Điều dễ thấy nhất chính là những chương trình đào tạo không thực tế, kiến thức sáo rỗng và không khiến cho con người phát triển sở trường của bản thân. Có một số quốc gia sử dụng giáo dục như một công cụ để tạo dựng sự trung thành của người dân đối với chế độ. Kết quả là thay vì học được những kiến thức giúp phát triển bản thân, học sinh lại chỉ được nhồi nhét những quan điểm về chế độ và lòng trung thành đối với chế độ đó.
Kiến thức của con người là do tích lũy và học hỏi mà có. Một quốc gia có nền giáo dục lạc hậu sẽ không thể tạo ra được những con người cú đủ tài năng và năng lực để giúp cho đất nước phát triển, đất nước ấy kém phát triển là một điều đương nhiên.
Dân trí thấp
Dân trí thấp chính là hệ quả của một nền giáo dục lạc hậu, người dân không được tiếp cận với thông tin và quá tôn sùng vào một thứ gì đó không thực tế. Dân trí thấp không chỉ biểu hiện ở trình độ học vấn và những kiến thức hàn lâm, nó còn thể hiện ở cách người ta phản ứng với những thứ xung quanh mình. Chính vì dân trí thấp nên người dân dễ dàng bị lừa đảo bởi tiếp thị hàng giả, bán hàng đa cấp (một hình thức biến tướng của mô hình kinh doanh theo mạng rất phát triển ở nước ngoài) và dễ dàng bị dắt mũi bằng những thông tin mang chủ ý định hướng dư luận. Ví dụ như thay vì quan tâm đến việc con đường họ đi bị hư hỏng do bòn rút vật liệu xây dựng, họ lại dễ dàng bị dắt mũi bởi hàng loạt bài báo nói về những nguyên nhân “khách quan” khiến đường sá hư hỏng, hay những bài viết so sánh đường sá họ ở với một con đường nông thôn ở một quốc gia kém phát triển nào đó để rồi thay đổi quan điểm và coi việc con đường họ đi bị hư hỏng là một chuyện hoàn toàn bình thường.
Nghiêm trọng hơn, dân trí thấp còn dẫn đến sự lệch lạc trong định hướng của đại đa số giới trẻ. Thay vì hoàn thiện bản thân hay khám phá bên ngoài để tăng vốn sống, họ lại bị định hướng bởi những quyển sách kỹ năng, những diễn giả truyền động lực để rồi trở thành một người ảo tưởng trong chính cái hố do mình tạo ra. Thay vì du lịch để giải trí và khám phá bên ngoài, vẫn có những người du lịch để phá hoại môi trường, ăn cắp vặt hay cản trở giao thông. Khi lực lượng lao động chính của đất nước có dân trí thấp như vậy thì đất nước ấy sẽ không thể nào phát triển nổi. Họ không đủ những kỹ năng cần thiết cho công việc, còn đối với những người làm việc về trí óc, họ cũng không sáng tạo ra những giá trị cho xã hội. Một đất nước có một nền dân trí thấp như vậy sẽ không thể nào phát triển nổi. Đất nước ấy chỉ có thể trở thành nhà xưởng của những quốc gia khác, bị thuê mặt bằng để xây dựng nhà máy và thuê công nhân bản địa làm việc với mức lương thấp hơn rất nhiều so với quốc gia của họ.
Sự chênh lệch giàu nghèo cao
Sự chênh lệch giàu nghèo không chỉ biểu hiện ở sự chênh lệch về tài sản của những người giàu nhất so với những người nghèo nhất, mà nó còn biểu hiện ở mức sống của người dân so với thu nhập của họ. Đó là khi đại đa số người dân của quốc gia đó có mức thu nhập thấp so với công sức mà họ đã bỏ ra. Nếu như ở một quốc gia phát triển, chỉ cần tiết kiệm một vài tháng lương là có thể mua được một chiếc điện thoại cao cấp giá nghìn đô, thì ở những đất nước kém phát triển người ta phải tiết kiệm vài năm trời. Người dân phải chi ra từ một phần ba cho đến hơn thu nhập của mình để chi trả cho tiền thuê nhà, khoảng một phần hai thu nhập để trang trải cho ăn uống và các hoạt động sinh hoạt. Trong khi đó, những giá trị mà người lao động tạo ra lại dồn hết vào tay của những con người giàu có trong xã hội. Khi nắm quá nhiều tiền bạc và quyền lực, họ sẽ dễ dàng chi phối nền kinh tế theo hướng có lợi cho họ. Giá cả những mặt hàng thiết yếu cao so với thu nhập người dân, một đất nước mà ai nấy cũng chật vật với cuộc sống của mình thì chẳng thể nào phát triển nổi.
Còn đối với những người giúp đất nước phát triển như lực lượng tri thức cao, họ sẽ ra nước ngoài làm việc vì trong nước trả lương quá thấp so với năng lực của họ. Nguyên nhân của sự chênh lệch giàu nghèo phần lớn là do sự bóc lột. Mà những kẻ bóc lột sẽ không đời nào chịu trả công xứng đáng cho những người tài giỏi, thế nên họ sẽ rời bỏ đất nước để tìm đến nơi có thể giúp họ phát triển. Rốt cuộc chỉ còn lại những người lao động có dân trí thấp bị bóc lột và những kẻ đang bòn rút công sức của người khác. Giống như một cái cây đang bị loài ký sinh hút cạn sinh lực, đất nước ấy cũng không thể phát triển được.
Kết luận
Trong thời đại ngày nay, con người chính là yếu tố quan trọng bật nhất quyết định sự phát triển của một đất nước. Một đất nước phát triển phải là một đất nước đặt sự phát triển của con người lên hàng đầu. Từ sự phát triển thể lực, sự phát triển về trí tuệ cho đến điều kiện sống. Người ta sẽ trở nên kém cỏi nếu như quá mê mụi vào tôn giáo, không được tiếp cận thông tin và tri thức nhân loại. Khi thế giới phát triển theo hướng toàn cầu, muốn phát triển thì đất nước đó phải biết tiếp thu những thứ tốt đẹp từ bên ngoài (một cách có chọn lọc), chú trọng vào phát triển con người, cải thiện môi trường sống và đặt sự cạnh tranh lên hàng đầu. Có cạnh tranh thì mới có phát triển, mà muốn cạnh tranh thì phải không ngừng học hỏi và càng hoàn thiện bản thân. Nếu như không khiến người dân của đất nước đó phát triển, thì nó cũng giống như một con ếch ngồi trong đáy giếng và bị bòn rút bởi ký sinh và ngoại bang.