Những biến thể Tây Du Ký đáng xem
Cuộc hành trình đi về phía Tây để thỉnh chân kinh của thầy trò Đường Tăng đã quá quen thuộc trong văn hóa đại chúng. Nhắc đến Tây Du Ký, ai cũng nghĩ ngay đến cuộc hành trình vất vả của họ, trải qua 81 kiếp nạn, những con người ấy dần trưởng thành và lĩnh hội được Phật Pháp. Đã có nhiều phiên bản được làm lại của bộ phim này, có cả phim truyền hình lẫn phim chiếu rạp, nhưng tất thẩy đều không qua được cái bóng của phiên bản năm 1986. Tuy nhiên, hôm nay tôi sẽ không nói đến những bộ phim kể về cuộc hành trình của thầy trò Đường Tăng nữa. Mà tôi sẽ nói đến những biến thể của nó, những bộ phim chỉ mượn cuộc hành trình này để kể một câu truyện khác, nhưng cũng không kém phần ý nghĩa.
Khi nhắc đến Tây Du Ký mà không kể về cuộc hành trình sang Tây Trúc của thầy trò Đường Tăng, phần lớn các nhà làm phim đều chỉ dùng đến yếu tố tình yêu. Tình yêu và Phật, một chủ đề khá đối lập và gây nhiều tranh cãi cho những con người trong và ngoài cuộc. Có nhiều bộ phim hay, nhưng cũng có nhiều bộ phim trở thành rác khi sử dụng yếu tố này đưa vào câu truyện của Tây Du Ký. Nhưng hôm nay, tôi sẽ mang đến những câu truyện về tình yêu đã được thêm thắt, biến tấu vào cuộc hành trình của họ nhưng không hề gây phản cảm. Ngược lại, chúng còn mang đến những bài học sâu sắc và nâng cao giá trị của Phật giáo. Hãy cùng điểm qua những bộ phim sau đây nhé, nếu chưa xem, bạn hãy xem thử một lần cho biết, đảm bảo sẽ không hề gây phản cảm với những câu truyện tình yêu này.
Đại thoại Tây Du: Tiên lý kỳ duyên
Nhắc đến Châu Tinh Trì, người ta đều nghĩ ngay đến món hài bựa đặc trưng trong những bộ phim của ông. Tuy nhiên, không phải tất cả phim của ông đều chỉ mang tính giải trí với yếu tố hài hước đơn thuần. Vẫn có những bộ phim của Châu Tinh Trì đem đến những câu truyện cực kỳ sâu sắc, khiến khán giả phải lặng đọng sau những tràng cười thoải mái. Tây Du Ký cũng không thoát hỏi tầm mắt của Tinh Gia, nhưng lần này, ông đã kể một câu truyện hoàn toàn mới, không chỉ giải trí mà còn là một sự tiếc nuối giành cho khán giả.
Đại Thoại Tây Du gồm hai phần với hai câu truyện tình yêu khác nhau, nhưng phần thứ hai mang đến câu truyện về tình yêu hay hơn phần 1 nên tôi đã chọn phần này để giới thiệu cho mọi người. Trong Đại Thoại Tây Du, câu truyện tình yêu không giành cho Đường Tam Tạng, cũng không hẳn là giành cho Tôn Ngộ Không. Đó là một câu truyện tình đẹp nhưng buồn của một con người bằng da bằng thịt với định mệnh của cuộc đời mình, Tử Hà Tiên Tử do Chu Ân đóng. Đó là câu truyện về sự trưởng thành của Tôn Ngộ Không, khi Tôn Ngộ Không đã lựa chọn đội vào chiếc vòng kim cô, hoàn toàn một lòng hướng về Phật. Nhưng nào ai có thể dễ dàng quên đi định mệnh của cuộc đời mình. Cái ngoảnh đầu của Hầu Vương ở cuối phim sẽ khiến chúng ta có nhiều suy nghĩ.
Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện
Phiên bản này mang đến cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn mới về Đường Tam Tạng Trần Huyền Trang. Không kể về một câu truyện đầy tính sử thi. Không kể về câu truyện Trần Huyền Trang là hóa thân của La hán Kim Thiền Tử, cũng không kể về câu truyện ông bà Trần Quang Nhụy – Ân Ôn Kiều là cha mẹ của ông bị sát hại, phải thả ông trôi sông, cũng không kể về câu truyện ông trở thành Ngự Đệ của vua Đường Thái Tông rồi được giao sang Tây Trúc thình kinh. Phim kể về một Trần Huyền Trang rất trần tục, một Trần Huyền Trang chưa biết rõ Phật là gì.
Trong Phim, Tam Tạng khi ấy còn chưa trở thành người đi lấy kinh, vẫn còn là một chàng thanh niên trẻ với lòng hướng Phật một cách nông cạn. Chàng thanh niên ấy tin vào sự từ bi, nhưng không cảm nhận được giá trị của nó. Để rồi lòng tin ấy bắt đầu lung lay khi gặp phải định mệnh của cuộc đời mình. Và chúng ta bước vào cuộc hành trình tìm kiếm chân lý của chàng trai ấy. Trên cuộc hành trình ấy, có hai thứ đối lập nhau đang lớn dần trong con người của chàng trai trẻ: tình yêu và sự giác ngộ.
Trần Huyền Trang dần lĩnh hội được bản chất của cuộc đời, từ đó cũng lĩnh hội được cái thiện và cách để cảm hóa được cái ác không phải bằng 300 bài hát thiếu nhi. Nhưng song song với đó, chàng trai ấy cũng lĩnh hội được tình yêu, khi anh càng chối bỏ nó, thì nó càng khiến an khổ sở. Để rồi cuối cùng, khi đã hoàn toàn giác ngộ, chàng trai ấy đã trở thành Đường Tam Tạng, đã biết cách cất giữ tình yêu của mình nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến con đường Phật pháp.
Có một fun fact khá thú vị chính là 300 bài hát thiếu nhi. Chi tiết này trở thành đề tài vui vẻ của đủ các ngành nghề, như: 300 bài toàn thiếu nhi, 300 bài văn mẫu thiếu nhi, 300 bài code thiếu nhi,…
Giấc mộng Tây du: Phục ma ký
Phiên bản Tây Du Ký này có nhiều phần, nhưng không phải tất cả các phần đều có chất lượng. Riêng phần này, phim mang đến một câu chuyện hoàn toàn mới mẻ, một câu chuyện không hẳn là tình yêu, cũng không hẳn là hành trình giác ngộ, mà nó dung hòa cả hai, khiến chúng ta cuối cùng phải đồng cảm với nhân vật. Lần này, câu chuyện không còn dành cho thầy trò Đường Tăng nữa. Câu chuyện lần này là dành Xuân Tam Nương, một trong bảy chị em nhện ở Bàn Tơ Động.
Cuộc hành trình cũng là một thử thách dành cho Tôn Ngộ Không, khi mà Mỹ Hầu Vương không còn sử dụng bạo lực để thu phục yêu quái, mà lần này, Tôn Ngộ Không phải cảm hóa họ bằng tấm lòng từ bi của mình. Cuối cùng, Tôn Ngộ Không chỉ càm hóa được một người duy nhất, đó là Xuân Tam Nương. Phim không quá xuất sắc khi giải quyết vấn đề bằng yếu tố hài hước, nhưng bên cạnh đó là câu chuyện về sự giác ngộ của một nữ yêu. Từ khát máu, trở thành si tình rồi cuối cùng chấp nhận buông bỏ mọi thứ. Buông bỏ, nó không đơn giản như hai từ chúng ta thốt ra từ cửa miệng. Bộ phim mang đến một câu truyện mới, ở một góc nhìn mới để rồi ở cái kết cuối phim, dù đó là thật hay chỉ là ảo mộng, thì sự giác ngộ của Xuân Tam Nương đã thật xảy ra rồi, dù đó là cô, hay chỉ là một cô gái bình thường mà Ton Ngộ Không vô tình nhìn thấy trên đường.
Dạo vài năm gần đây, tôi bắt đầu xem những phiên bản khác của Tây Du Ký, chủ yếu là phim chiếu rạp. Có phim hay, có phim tệ, nhưng cũng có những bộ phim mang đến những góc nhìn mới, những câu truyện hoàn toàn mới dựa trên hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. Phật Giáo là thứ không phải ai cũng dễ dàng giác ngộ, có người tu cả đời vẫn không tìm ra được chân lý, có người chỉ phút chốc lại nhận ra. Chúng ta cũng vậy, không phải cứ tìm đến chân – thiện – mỹ thì mới thấm nhuần được đạo lý của Phật giáo, mà nó còn đến từ những thứ tưởng chừng như đối lập, như tình yêu, sắc dục, tội ác,… Những bộ phim kể trên không bày trừ, cũng không ủng hộ tình yêu trong con đường tìm đến Phật pháp của thầy trò Đường Tăng, mà nó cho ta một cái nhìn khác, một cái nhìn đa chiều hơn về những thứ mà thầy trò họ phải trải qua, chứ không chỉ là yêu quái, là hàn ma phục yêu như chúng ta thường thấy. Tu hành không phải là tìm đến cái thiện, tránh xa bát giới một cách đơn thuần, mà là cuộc hành trình tìm kiếm câu trả lời vì sao chúng ta phải làm những điều đó. Dù chỉ là phim, dù chỉ là giải trí, nhưng những bộ phim trên cũng đóng góp một phần nào tro câu hỏi ấy.