Nghề đưa đò
Thật tình mà nói, tôi không thích viết về những sự kiện, nhưng hôm nay bỗng dưng lại nhớ tới ngày nhà giáo Việt Nam, lại nghĩ tới chuyện mình cũng đã từng là một đứa học sinh nên quyết định viết ra bài này, hy vọng vài năm sau sẽ có người đọc và chia sẻ nó. Nghề nhà giáo, cái nghề được mọi người ví von là nghề cao cả nhất trong những nghề cao cả, là những con người đưa đò thầm lặng. Tuy trên đời này, có rất nhiều người không đáng mặt để gọi họ là nhà giáo, tuy họ chiếm đa số còn những con người đưa đò thật sự thì chỉ chiếm thiểu số, nhưng ngày hôm nay tôi sẽ nói về những người chiếm số lượng thiểu số ấy, để cám ơn họ, cám ơn những con người đã hết lòng vì công việc, về đạo đức, về tương lai của cả một thế hệ.
Nói ra thì thật là hổ thẹn, trước giờ tôi chưa bao giờ tặng cho thầy cô mình bất kỳ một món quà nào, chỉ vì tôi không có tiền mà thôi, một phần khác tôi lại không thích kiểu tặng quà này nọ đâm ra lại không tặng cho ai hết. Tôi nhớ hồi tiểu học, cứ đến ngày lễ ấy, đứa học sinh nào cũng mua một nhánh hồng, bằng ni lon thôi, giá một nghìn đồng để tặng thầy cô, chỉ có duy nhất mỗi tôi là đứa chưa bao giờ tặng cho họ bất kỳ một món quà nào. Thật đáng xấu hổ.
Hồi tôi mới học lớp một, tôi học ở ngôi trường làng cuối xóm. Trường của tôi lúc đó được dựng bằng những tấm lợp đã cũ kỹ. Cả ngôi trường bé tẹo như một căn nhà kho, chỉ có vẻn vẹn hai phòng. Bàn học sinh được đóng bằng cây gỗ tạm bợ, thậm chí hình dáng của nó nhìn vào còn không thể ngờ nó là bộ bàn ghế của học sinh nữa. Nhưng điều làm tôi buồn, làm tôi thương nhất lại chính là chiếc bàn của giáo viên. Bạn có tin không? Ở phía trên ấy chỉ có mỗi một cái bàn, không hề có một cái ghế nào. Bảng đen thì chỉ là một tấm ván ép khổ lớn được đóng khung rồi sơn một lớp sơn dầu màu đen lên, ngay cả một cái khăn bông lau bảng tử tế cũng không có. Ngày nào cũng vậy, hơn ba tiếng đồng hồ, thầy giáo của chúng tôi chỉ đứng dạy vì không có một cái ghế giáo viên nào cả.
Không chỉ trường nghèo, mà bọn học sinh chúng tôi cũng nghèo. Chúng tôi không có nỗi một bộ đồng phục quần tây áo trắng để đi học. Thuở đó chúng tôi chỉ toàn mặc quần áo ở nhà đi học, mà ở nông thôn thì quần áo mặc ở nhà nó xấu và bẩn đến chừng nào. Tôi nhớ lúc đó chỉ có mỗi mình tôi suốt cả năm học luôn mặc quần tây áo trắng, không phải vì cao sang gì, mà vì mẹ tôi luôn chú trọng trong việc đó mà thôi. Bà không bao giờ để chúng tôi phải học sách cũ cả, mặc dù vẫn còn nhiều điều thiếu sót trong cái cách chăm sóc con cái của bà, nhưng tôi vẫn tự hào về khoản này. Chúng tôi cứ lay lắt như thế, rồi cũng học xong năm đó. Đó là năm cuối cùng chúng tôi học trong ngôi trường tạm bợ như vậy, cũng là năm cuối cùng ngôi trường ấy tồn tại. Mặc dù họ vừa xây xong trường mới, nhưng do học sinh quá ít nên kể từ năm tôi học ở đó, ngôi trường đó đã đóng cửa. Còn những người thầy của chúng tôi sau này họ ở đâu, làm gì, tôi cũng không còn được biết.
Cái nghề giáo nó hy sinh nhiều lắm, nếu không có đủ cái tâm thì khó mà tiếp tục với nó được. Bởi vậy họ mới đáng được khen ngợi. Làm một nhà giáo, lương tháng không có bao nhiêu, quanh đi quẩn lại, chi trả cho tiền thuê nhà, tiền này tiền nọ thì coi như đã đi một tháng lương vừa mới lãnh. Đặc biệt là những thầy cô dạy cấp hai, cấp một, họ lại càng khó khăn hơn nữa.
Hồi trước không phải ai cũng được giảng dạy ở quê nhà. Lúc đo do thiếu nhân lực, những người thầy, người cô khi mới ra trường hầu hết đều bị phân công đi nơi khác giảng dạy. Đó là lý do tại sao mọi người lại thấy dù ở trong miền nam nhưng lại có nhiều thầy cô có quê quán tận ngoài bắc. Mà dạy ở một nơi khác thì đâu phải dễ dàng. Tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, quanh đi quẩn lại thì không còn đồng bạc nào để dành dụm cả. Chỉ có một số ít thầy cô mới kiếm được thêm thu nhập nhờ vào việc dạy thêm, nhưng giờ nhà nước lại cấm việc ấy nên cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Tuy rằng vẫn có một số ít thầy cô làm việc không có tâm, họ cố tình chỉ dạy những kiến thức quan trọng trong các buổi dạy thêm, nhưng đó chỉ là một số ít, tôi hy vọng sau khi đọc bài viết này, các em học sinh và cả phụ huynh sẽ thay đổi thái độ về việc dạy và học thêm. Với đồng lương công chức ít ỏi như vậy, nếu không dạy thêm thì chỉ có thể thắt lưng buộc bụng mới có thể tồn tại chờ lương hưu. Chưa kể, bây giờ thầy cô lại bị cho nghỉ hưu non chứ không phải hưu hàng tháng như mọi người vẫn nghĩ. Mà hưu non ấy, chỉ lãnh được một lần khoảng cỡ trăm triệu rồi không còn được gì nữa, mà cái con số trăm triệu ấy tuy thấy nó lớn, nhưng có thể sống được mấy năm với nó? chưa kể họ đã già rồi thì họ có thể làm được gì để kiếm tiền nữa?
Chỉ có một số ít thầy cô kinh doanh thêm ở ngoài và kiếm được kha khá, nhưng phần lớn họ chỉ có thể sống bằng đồng tiền lương ít ỏi ấy của họ. Chưa kể đến những thầy cô chỉ dạy những môn phụ, tiền lương của họ không được bao nhiêu. Nếu không yêu nghề, nếu không yêu học trò của mình thì làm sao họ có thể tiếp tục được công việc ấy.
Người ta thường đưa ra những tiêu chuẩn này nọ đối với nhà giáo. Người ta bắt họ phải làm thế này mà không được làm thế kia. Người ta bắt họ không được quá gần gũi với học sinh mà phải luôn có một khoảng cách thầy trò nhất định. Riêng tôi, tôi không đồng tình với quan niệm như vậy.
Họ là nhà giáo, là những con người vỹ đại. Nhưng Phật cũng là con người. Phía sau bục giảng, họ vẫn là những con người bằng da bằng thịt chân chất chứ có phải là thánh nhân hay là một thứ gì vỹ đại nào khác đâu, vậy thì tại sao lại không cho họ trở thành một con người bình thường như bao người khác? Chính những quan điểm đó mà họ phải tự ép buộc mình vào cái khuôn khổ vô lý đó. Họ phải cố trở thành một con người hoàn hảo, một tấm gương sáng người để học sinh noi theo. Nhưng họ cũng là con người mà. Là con người thì làm sao mà hoàn hảo cho được.
Cái công việc đưa đò ấy, nó cũng giống như một người đưa đò thật sự vậy. Gặp gỡ học sinh, dạy bảo chúng, cùng chúng trải qua bao tháng ngày. Cho tới khi những đứa học trò ấy ra trường, họ lại chẳng bao giờ gặp lại nữa, nếu có gặp lại, đó cũng chỉ là vài câu hỏi thăm, một buổi thăm hỏi nào đó chứ không thể gặp nhau hàng ngày như ngày xưa nữa. Bạn có biết rằng sau những buổi liên hoang hả hê ấy, đã có những giọt nước mắt âm thầm rơi không? Những giọt nước mắt ấy đã âm thầm rơi suốt hàng chục năm trời rồi. Đến khi gặp lại, có khi thầy cô đã quên mất em là ai rồi, vì đã có quá nhiều người lướt qua cuộc đời thầy, có quá nhiều người rời xa vòng tay cô, giờ thầy cô đã không còn nhận ra em nữa rồi.
Trong cuộc đời của chúng ta, khi ta rời khỏi một nơi nào đó, rời xa một ai đó, ta luôn cảm thấy đau buồn, hối tiếc về điều đó. Những con người ấy cứ đến rồi đi, có thể là họ bỏ ta, cũng có thể là ta bỏ họ, nhưng cho dù thế nào, thì sự hụt hẫng, sự luyến tiếc luôn tồn tại trong ta. Có những con người đã đi qua đời ta như thế, làm ta tiếc nuối như thế. Tôi thường lòng mình rằng, thà rằng đừng gặp nhau, gặp nhau rồi lại xa nhau chẳng khác nào lấy một mũi dao đánh dấu vào tim mình.
Nhưng những người thầy, người cô ấy, mỗi năm đều phải chia tay hàng chục con người, còn nỗi đau nào bằng. Những đứa học trò ấy, có đứa thì ngoan hiền, học giỏi, thầy cô chỉ mong sao chúng sao này đừng bị sa ngã, chỉ mong sao chúng sẽ thành công trên cuộc đời. Còn những đứa quậy phá, nghịch ngợm, họ chỉ tiếc sao không thể gần chúng được nữa, không thể dạy dỗ chúng lâu hơn nữa. Họ luôn yêu thương học trò của họ như yêu thương con ruột của mình. Còn nỗi đau nào đau hơn khi mỗi năm đều phải chia tay những đứa trẻ thân thương ấy.
Làm nhà giáo, làm công việc đưa đò thầm lặng ấy còn rất nhiều nỗi khổ mà chỉ có người trong nghề mới có thể hiểu được. Chúng ta, những con người, xin đừng đòi hỏi quá cao ở họ, xin đừng đòi hỏi sự hoàn hảo từ họ. Họ đã cố gắng, đã hy sinh quá nhiều rồi. Việc chúng ta cần làm là thông cảm, động viên họ tiếp tục công việc thầm lặng của mình chứ đừng bới móc, ép buộc họ phải như thế này thế kia, phải như một bức tượng đài vỹ đại nào đó. Tượng cũng chỉ là đá mà thôi, nó nào có giá trị gì.
Sống trong chế độ xã hội mà con ng ngày càng suy thoái đạo đức, nghề giáo cũng như nhiều cv khác ngày càng ko đc coi trọng như trước.
Không liên quan: Ở quê mình chữ “đưa đò” còn có nghĩa là tiễn người về nơi chín suối 😐
Giờ những người như bài viết trên chỉ là một số ít thôi. 🙁
Quê em thì chắc là “đi bán muối” :v