Một câu chuyện khác bên cạnh vụ bé Nhật Linh
Những ngày cuối tháng 1 năm 2018 này đang “hot” về chuyện thu thập chữ ký để đưa kẻ tội phạm phải chịu tội. Tôi sẽ không nói về chuyện đó, đó hoàn toàn là một điều tốt và tôi cũng đã ký tên rồi. Như tiêu đề phía trên, tôi lại nói về một câu chuyện khác bên cạnh vụ án này, đó là câu chuyện về con người, về sự vô tâm, hời hợt trước xã hội, trước tội ác và cái kiểu sống theo phong trào của giới trẻ. Sẽ ngắn thôi.
Nếu bạn lên mạng tìm kiếm với từ khóa “bé Nhật Linh”, bạn sẽ thấy những bài báo đều chỉ mới được viết trong những ngày cuối tháng 1 này mặc dù cũng có không ít các bài báo được viết từ hồi tháng 4 và tháng 5. Vậy thì tại sao một vụ án từ tháng 3 năm 2017 mà cho đến tận cuối tháng 1 năm 2018 người ta mới bắt đầu quan tâm đến nó?
Tôi có giới hạn lại phạm vi tìm kiếm chỉ trong tháng 3 với tháng 4 năm 2017 thì cũng có bài viết về vụ án, thế nhưng hầu như người đọc không mấy quan tâm đến vụ án này. Trong một bài viết vào ngày 17/04/2017, chỉ có 2 bình luận trên một trang báo được nhiều người đọc tại Việt Nam. Tôi khá ngạc nhiên với 2 bình luận đó, một bình luận nói rằng vụ án này đã lâu rồi, còn bình luận còn lại lại là một câu nói đạo đức giả thường thấy ở các mạng xã hội, kiểu bình luận cho có.
Trên một trang báo khác được nhiều người đọc ở Việt Nam nữa là VNExpress, video về cuộc truy tìm hung thủ cũng chỉ nhận được 15 bình luận, và trong đó hết thảy đều là những kiểu bình luận giả tạo kiểu như cầu mong con bình an, cầu mong tìm được hung thủ, mà hoàn toàn không có một bình luận nào thật sự tỏ ra quan tâm đến vụ án, đến người nhà hay những lời nhận xét có ích cho người đọc. Và tất nhiên cũng chẳng có ai quan tâm đến vụ án này.
Chỉ có duy nhất một tờ báo thực sự quan tâm đến vụ án này đó là tờ BBC tiếng Việt, nhưng hầu như tờ báo này không được nhiều người Việt đọc cho lắm. Vậy thì ta lại nhìn lại cái xã hội này.
Con người ta chỉ quan tâm đến những chuyện nhảm nhí, những chiêu trò lố lăng, còn những chuyện đến xã hội thì lại phớt lờ nó. Tôi không nói xa xôi như xã hội chính trị này nọ đâu, những chuyện đơn giản như là thức ăn, đồ uống thôi. Biết đâu sau này nạn nhân lại là một người thân của bạn hay chính bạn thì sao?
Lật lại một khía cạnh khác nữa, thời gian trước cũng rộ lên “phong trào ấu dâm” ở Việt Nam. Nhưng hầu như con người ta quá hời hợt đón nhận nó như một “mốt” phong cách sống chứ không phải đón nhận nó như một bài học cho chính mình và chính xã hội. Những hình ảnh về câu chuyện ấu dâm đó chỉ có duy nhất mỗi một bức ảnh duy nhất của mỗi kẻ phạm tội. Vậy thì nhà báo đã làm gì, Công an đã làm gì và người dân đã làm gì mà chỉ có duy nhất mỗi một bức ảnh của kẻ phạm tội?
Phải chăng người ta đọc chỉ vì nó đang “hot” mà chẳng hề để ý rằng tất cả các tin đó chỉ có duy nhất mỗi mội cái ảnh của kẻ phạm tội, còn nhà báo thì viết các bài chém gió nhảm nhí về nó bởi vì người ta thích đọc nó chứ chẳng hề đi săn tin, đi chụp hình tại hiện trường, cũng chẳng hề tìm thêm một bức ảnh nào khác về thủ phạm?
Còn một số kẻ trục lợi khác nữa từ những chuyện này. Những chuyện về bạo hành trẻ em, ấu dâm không phải đến tận 2016 – 2017 mới có, nó đã có từ lâu lắm rồi. Nhưng từ khi bắt đầu cái “phong trào” ấy, các nhà kinh doanh đua nhau cho ra các cuốn sách, các bài báo, các phóng sự về vấn đề này cốt yếu để kiếm lợi nhuận từ sự kiện này. Người dân cứ theo phong trào mà mua sách về mặc dù chẳng đọc, đọc báo, xem phóng sự mặc dù chẳng hề quan tâm rằng có khi ông hàng xóm của mình lại là một kẻ giống như trong phóng sự. Rồi thời gian trôi qua, người ta lại quên lãng nó đi y như những trò lố lăng trên mạng xã hội. Chuyện ấu dâm, chuyện bạo hành trẻ em đâu phải đến tận bây giờ mới có, tại sao trước đó không tuyên truyền trên báo chí, trên sách vở, trên cách kênh truyền thông đi mà phải đợi cho tới khi nó xảy ra rồi lại mới làm những điều đó? Lại làm vì mục đích lợi nhuận nữa chứ.
Trước khi cái “phong trào” ấy trở nên rầm rộ, có biết bao gia đình đã gào thét, đã kêu gọi sự lên tiếng của các bạn, thế nhưng chẳng ai quan tâm, chẳng ai lắng nghe, đồng cảm với họ để rồi phải lặng lẽ trong tủi nhục nhìn kẻ phạm tội trơ trơ ngoài vòng pháp luật. Nói ra thì thật nhẫn tâm, nhưng tôi chắc chắn sẽ có không ít những chữ ký dành cho bé Nhật Linh không được chuyển đến Nhật mà lại nằm trong thùng rác. Dù công lý dành cho bé có được thực thi hay không, một thời gian sau câu chuyện về bé cũng sẽ bị quên lãng, rồi một thời gian sau đó nữa lại có một câu chuyện khác, rồi người ta lại ào ào theo “phong trào” lần thứ n nữa với cái tâm lý làm cho vui, làm cho có với người ta mà không hề có một thái độ tích cực nào trong những việc làm đó.
Có thể tầm nhìn của tôi bị hạn hẹp, nhưng tôi chưa thấy ở Việt Nam có một tổ chức nhân quyền nào cả, nếu có, nó cũng không được mọi người biết đến. Nếu các bạn thật sự quan tâm đến xã hội, thật sự muốn làm một cái gì đó có ích cho xã hội, bạn có thể tham gia vào một tổ chức nào đó, hay tự lập ra một tổ chức như vậy. Không cần phải tuyên truyền, không cần phải lên tiếng kiểu này kiểu nọ, chỉ cần các bạn làm những việc giúp ích cho xã hội là được rồi. Nấu ăn trong chùa, trồng cây thuốc nam, quyên góp quần áo cũ giúp đỡ người nghèo, hay chỉ cần bỏ rác vào thùng rác thôi cũng đã đủ rồi.
Đôi lời dành cho các bạn trẻ. Cuối cùng vẫn như cách mà cái xã hội này thể hiện, không chỉ cho gia đình bé Nhật Linh mà tôi còn hy vọng các gia đình trước kia và sau này nữa sẽ tìm lại được công lý cho mình.