Một bà chị học thạc sĩ
Hôm rồi tôi có nói chuyện với một bà chị sắp tốt nghiệp thạc sĩ. Thật ra thì cuộc nói chuyện đó chỉ có vài ba câu và cũng không có gì để kể. Chuyện làm tôi cảm nhận và ghi nhớ trong đầu lại là cuộc nói chuyện điện thoại của chị ấy với mẹ mình trước lúc nói chuyện với tôi. Cũng hơn một tháng rồi và tôi lại thuộc típ người chỉ nghe xong rồi hiểu đại ý chứ không thể kể toàn bộ mọi chuyện lại được. Đại khái trong cuộc trò chuyện mà tôi nghe trộm được là mẹ chị ấy đòi chị ấy gửi tiền về hay sao ấy. Rồi chị ấy bảo là chị đi thực tế rồi làm luận văn nên không còn tiền đâu mà gửi. Chị ấy nói với giọng cáu gắt và không kìm chế được cảm xúc của mình trước mọi người xung quanh, cũng may là lúc đó chỉ có tôi ở gần đó. Tôi đoán chừng chị ấy vừa đi làm vừa học thạc sĩ và còn phải gửi tiền về cho mẹ trang trải.
Có một lần cũng nhiều tháng về trước rồi, tôi cũng chứng kiến một chuyện y hệt như vậy ngay tại chỗ tôi làm, thậm chí còn tồi tệ hơn. Tôi không nhớ rõ có phải là chị hay không, nhưng tôi đoán chừng lần đó cũng chính là chị ấy. Bởi chị ấy chỉ nói vài câu xả giao với tôi thôi nên tôi không nhớ rõ ai là ai. Lần đó thì không khí vô cùng căng thẳng, chị ấy buông ra những lời mắng nhiết mẹ mình, cũng vẫn là chuyện kêu chị ấy gửi tiền cho mẹ. Thành thật mà nói thì đi học như vậy tốn rất nhiều tiền, không tốn tiền gia đình đã là giỏi lắm rồi, đòi hỏi gì chuyện phải gửi tiền về nhà nữa, nhưng điều tôi kể không phải là chuyện đó. Nhìn ở một góc độ khách quan nhất, với cảm nhận của riêng tôi thì cả hai người đều có lỗi. Đầu tiên là về chị ta, cho dù mẹ mình có sai như thế nào đi nữa nhưng bà ta vẫn là mẹ mình, dù sao cũng đang ở chỗ đông người, phải biết kìm chế cảm xúc của mình. Người ngoài nhìn vào thì sẽ đánh giá ngay chị ta là người mất dạy đầu tiên.
Còn về phần người mẹ, đã là mẹ cha thì mình phải lo cho con cái, dành mọi chứ cho con chứ không phải đợi chờ con mình báo hiếu, để nó nuôi mình, đền đáp công lao mình nuôi dạy. Không, nếu nuôi dạy con chỉ vì mục đích đợi con nó báo hiếu thì sự nuôi dạy đó chỉ như một cuộc trao đổi mà thôi. Mình nuôi dạy con mình phải vì mục đích duy nhất là giúp nó lớn không, giúp nó tồn tại trong cuộc sống này. Mình được cha mẹ nuôi dạy, mình mắc nợ cha mẹ mình, mình nuôi dạy con cái mình, xem như cái nợ đó đã trả. Con cái mình nuôi dạy con của nó, vậy nó cũng không mắc nợ gì mình cả. Từ nhỏ mình được nuôi dạy, khi con cái lớn lại đòi hỏi nó nuôi dưỡng mình, thế chẳng phải ta đang tham lam quá hay sao? Tôi không nói đến chuyện chăm sóc cha mẹ già, đó là điều đương nhiên, tôi đang nói đến chuyện cha mẹ vẫn còn đủ sức để sống tốt mà đòi hỏi con cái phải báo hiếu cho mình. Trong cuộc cãi vã của chị ta với mẹ mình, tôi không nói ai đúng ai sai cả, đơn giản vì chúng ta không có quyền phán xét người khác, chúng ta chỉ có thể đưa ra ý kiến mà thôi, còn người khác nghe hay không là chuyện của người ta, chúng ta không có quyền ép buộc họ.
Lại suy diễn đến cái chuyện học hành. Cá nhân tôi lại nghĩ, nếu hoàn cảnh gia đình không thể cho bạn đi học tiếp thì không nên cố mà học. Đâu phải học hành là con đường duy nhất để thành công đâu. Nếu gia đình bạn có dư sức để nuôi bạn thì bạn nên đi học cao lên nữa, nhưng đừng để quá 25 tuổi mà vẫn còn đi học, tuổi đó đã quá trễ để đi học rồi. Nhiều người đã hơn 30 mà vẫn còn đi học, cá nhân tôi cảm thấy việc đó vô ích quá. Nếu trên 25, bạn nên học bằng cách tự trao dồi kiến thức cho mình chứ đừng đến trường lớp. Chuyện này có lẽ tôi sẽ viết một bài nói về nó sau. Đặc biệt với xã hội Việt Nam lúc này, cái bạn cần khi hơn 20 tuổi là tiền chứ không phải kiến thức. Nếu không vào được đại học thì đi học một cái nghề nào đó rồi đi làm, đừng cố thi lại. Còn nếu đã lỡ học đại học rồi thì bỏ học ngay từ đầu nếu nó quá khó khăn, còn không thì cố gắng ra trường rồi đi làm ngay. Chỉ khi nào gia đình bạn quá giàu có thì hãy học lên cao hơn nữa.
Trên 20 tuổi, xã hội dạy bạn chứ không phải trường lớp.