Lạm dụng tiếng Anh
Có lẽ vì tôi là một người ít học nên khi thấy một số người xen lẫn tiếng Anh trong các bài viết, bình luận, tin nhắn và cả trong văn nói thì tôi hoa cả mắt. Trong văn viết còn đỡ vì tôi thường dùng Google dịch để dịch những từ mà mình không hiểu, còn trong văn nói thì tôi đành chịu. Việc xen lẫn những thuật ngữ tiếng Anh là chuyện hết sức bình thường, nhưng nhiều người dùng nó như một kiểu để chứng tỏ họ là một người “thượng đẳng” khiến cho một người “hạ đẳng” như tôi cảm thấy vô cùng khó chịu.
Trong công việc và cả trong chuyện trò thường nhật, việc sử dụng xen kẽ một số từ tiếng Anh vào giữa tiếng Việt là một điều hết sức bình thường. Đó là khi từ ngữ bằng tiếng Anh đó khó dịch ra tiếng Việt cho sát nghĩa, không có bản dịch cho tiếng Việt, hoặc dùng tiếng Anh sẽ tiện hơn khi dùng tiếng Việt. Lấy một ví dụ thường thấy đó chính là chiếc máy tính mà chúng ta vẫn thường hay sử dụng, người ta gọi là “laptop” để nói đến máy tính xách tay, “PC” để nói đến máy tính cây hay còn gọi là máy tính bàn (mặc dù “PC” nghĩa là máy tính cá nhân, để chỉ chung cho tất cả các loại máy tính dành cho các nhân sử dụng, khác với máy trạm “workstation” và máy chủ “server”). Hay người ta vẫn gọi là “Smartphone” thay cho “điện thoại thông minh” vì nó là một từ ngữ mới và bắt nguồn từ nước ngoài. “Điện thoại thông minh” rất sát nghĩa và cũng dễ nghe, nhưng từ “Smartphone” vẫn khiến người nghe hiểu được và không cảm thấy khó chịu.
Có những từ ngữ có nghĩa rõ ràng bằng tiếng Việt nhưng người ta vẫn sử dụng bằng tiếng Anh vì đó là thuật ngữ chuyên ngành, dùng bằng tiếng Anh sẽ dễ dàng trao đổi với những người trong và ngoài nước hơn. Ví dụ đơn giản dễ thấy nhất là khi chúng ta soạn thảo văn bản bằng phần mềm thông dụng như Microsoft Word, chúng ta vẫn thường dùng từ “Save” thay cho từ “Lưu” vì đơn giản nó là từ ngữ mà chúng ta thấy trong giao diện của phần mềm. Nếu chúng ta nói “lưu lại”, đôi khi người ta sẽ bối rối không biết bấm vào đâu để lưu, nhưng khi nói “save lại” thì người nghe sẽ hiểu ngay là bấm vào chữ “save” hoặc biểu tượng chiếc đĩa mềm (khi rê chuột vào cũng sẽ hiện ra chữ “save”) để lưu lại.
Trong cuộc sống hàng ngày, người ta cũng thường sử dụng những thuật ngữ tiếng Anh trong nhiều trường hợp. Người ta sử dụng từ “Ti vi” thay cho “vô tuyến truyền hình”, “vô lăng” thay cho “bánh lái”, đó là những từ mượn và dùng chúng sẽ thuận tiện hơn là dùng từ bằng tiếng Việt. Cũng có nhiều từ vốn dĩ là tiếng Việt nhưng người ta chuyển sang sử dụng bằng tiếng Anh như “comment”, “post” và dần dà nó trở nên phổ biến, thay thế cho từ tiếng Việt ban đầu nhưng vẫn không gây phản cảm cho người nghe.
Nói thế để thấy rằng việc sử dụng thuật ngữ tiếng Anh xen kẽ trong cuộc sống hàng ngày là điều hoàn toàn bình thường và chấp nhận được khi nó nằm trong khuôn khổ tự nhiên của nó.
Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ lại sử dụng thuật ngữ bằng tiếng Anh tràn lan gây phản cảm cho người đọc/nghe. Không nằm trong môi trường công việc, cũng không nằm trong ngữ cảnh phải sử dụng thuật ngữ bằng tiếng Anh để thay thế, nhưng các bạn trẻ ấy cứ bắn tiếng Anh liên tục trong các câu nói bằng tiếng Việt khiến người nghe/đọc đôi khi không hiểu nổi, còn việc họ cảm thấy khó chịu là điều tất nhiên.
Có lần tôi đọc một bài viết nói về chủ đề phỏng vấn xin việc, tựa đề và các đề mục đều viết là “phỏng vấn”, thế nhưng bên trong bài viết lại chỉ dùng toàn bộ từ “interview” thay thế cho tất cả từ “phỏng vấn” trong bài viết. Có một vài người bạn mà tôi gặp bên ngoài (không thân lắm) cũng bắn tiếng Anh như điên trong những tin nhắn, tôi rất khó chịu với thể loại đó và đã không nói chuyện với họ bất kỳ lời nào. Nếu thường xuyên dạo qua một số nơi được cho là “thượng đẳng” hơn người bình thường trên Facebook, chúng ta cũng sẽ thấy những bình luận có xen những thuật ngữ tiếng Anh nhiều hơn bao giờ hết. Và cũng tất nhiên, những người đó không đưa ra được những lời lẽ tốt đẹp gì cho xã hội, trái ngược hoàn toàn so với những thành viên khác trong cộng đồng đó.
Nguyên nhân lớn nhất của việc sử dụng từ ngữ tiếng Anh xen kẽ một cách vô tội vạ như vậy chính là nằm ở tính cách thích thể hiện của những bạn trẻ ngày nay. Khi họ có được vốn tiếng Anh kha khá (hoặc nhiều), họ bắt đầu xen kẽ các từ ngữ bằng tiếng Anh như một cách để khoe mẽ học thức của mình một cách khéo léo với người khác. Khi đa phần dân chúng vẫn tung hô những người ngoại quốc và những ai bắn tiếng Anh như gió, những bạn trẻ ấy sẽ không ngần ngại sử dụng tiếng Anh vô tội vạ như một cách để thể hiện bản thân. Nhưng hóa ra, việc đó lại cho thấy họ chẳng khác nào là một người vô học.
Nhiều người khi bị bóc mẽ thì đâm ra tự biện minh cho mình bằng nhiều lý do hết sức ngớ ngẩn, như: họ sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt nên đâm ra quen miệng. Có người còn phát ngôn ngông cuồng hơn, bảo rằng họ quên cả tiếng Việt nên rất khó nói chuyện bằng tiếng Việt. Trong khi đó, tiếng Anh của các bạn ấy cũng không hề chuẩn như người bản địa. Phải chăng ở môi trường đó các bạn cũng gặp toàn những người Việt nói tiếng Anh như mình? Hay ở nơi đó người ta toàn nói tiếng Anh theo giọng của tiếng Việt?
Trong thời kỳ hội nhập, ngoại ngữ là một điều rất quan trọng. Biết một thứ tiếng nước ngoài sẽ giúp ít rất nhiều trong công việc và cả những mối quan hệ hàng ngày. Nhưng thứ gì cũng phải nằm trong khuôn khổ của nó. Người Việt mình có câu: “ăn coi nồi ngồi coi hướng”. Việc giỏi tiếng Anh không có nghĩa là nơi đâu cũng bắn tiếng Anh như gió để chứng tỏ bạn là một người “thượng đẳng” hơn người khác. Bạn không nên xen kẽ những từ tiếng Anh trong một cuộc trò chuyện phím giữa những người Việt với nhau, và bạn cũng không thể dùng hoàn toàn tiếng Việt trong một vài tình huống phải sử dụng tiếng Anh khi làm việc hoặc giao tiếp. Khi bạn giỏi tiếng Anh và biết dùng chúng đúng nơi đúng lúc, người ta sẽ khen bạn là một người tài giỏi và khéo ăn khéo nói. Còn khi bạn cứ tuôn ra tiếng Anh vô tội vạ một cách vô văn hóa, thì dù bạn là một người học cao hiểu rộng như đến đâu thì trong mắt mọi người bạn chỉ là một tên ảo tưởng thích khoác lác.